Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 14/02/2019, 07:56 (GMT+7)
Quán triệt Nghị quyết 915 của Quân ủy Trung ương, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tài chính quân đội

Thực hiện Nghị quyết 915-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp, trực tiếp là ngành Tài chính tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ giải pháp đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Trong năm qua, công tác tài chính quân đội tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, bảo đảm kịp thời cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, góp phần cùng toàn quân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Ngành Tài chính Quân đội, trước hết là Cục Tài chính đã chủ động chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tài chính, ngân sách quốc phòng; chất lượng lập, phân bổ dự toán ngân sách có nhiều tiến bộ. Công tác điều hành, chấp hành dự toán ngân sách được tiến hành chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác quản lý tài chính, tài sản, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực được tăng cường. Hiệu lực, hiệu quả và nền nếp công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát chi, quản lý giá được nâng lên, v.v. Đặc biệt, Cục Tài chính đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu với Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết 915-NQ/QUTW, ngày 25-8-2018 “Về đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo”; Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 3500/QĐ-BQP, ngày 26-8-2018 phê duyệt Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo” (gọi tắt là Đề án). Đây là những văn kiện quan trọng, tạo cơ sở để đổi mới căn bản công tác lập, phân bổ dự toán ngân sách, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới.

Năm 2019 có ý nghĩa quyết định trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển, yêu cầu rất cao; nhu cầu tài chính đảm bảo cho quốc phòng tăng mạnh, nhưng khả năng đáp ứng còn có hạn. Đáng chú ý, đây là năm đầu thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính quân đội theo Luật Ngân sách nhà nước nên nhiều quy định mới được triển khai thực hiện, v.v. Trước tình hình đó, toàn quân, nòng cốt là ngành Tài chính Quân đội cần chủ động bám sát phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, triển khai toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các công cụ, biện pháp nghiệp vụ, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính. Trong đó, chú trọng một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Quán triệt và đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết 915 của Quân ủy Trung ương, Đề án của Bộ Quốc phòng. Đây là một nội dung trọng tâm trong công tác tài chính quân đội năm 2019. Các ngành, đơn vị cần tăng cường phổ biến, quán triệt sâu rộng Nghị quyết 915 và Đề án đến mọi cán bộ, chiến sĩ, nhất là cấp ủy, người chỉ huy, cán bộ, nhân viên cơ quan tài chính các cấp, làm cho mọi người thấy rõ ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong Quân đội, tạo sự đồng thuận cao, xây dựng sự đoàn kết, quyết tâm, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cơ quan tài chính các cấp cần chủ động nắm vững tình hình mọi mặt, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị khẩn trương xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết 915 và Đề án. Đồng thời, chủ động tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đối tượng có liên quan. Do đây là nội dung mới, giai đoạn đầu triển khai thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Bởi vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thực hiện nghiêm Kết luận 205-KL/QUTW, ngày 08-3-2018 của Quân ủy Trung ương, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm trong điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách theo phân cấp. Chủ động gắn triển khai nhiệm vụ công tác tài chính năm 2019 với thực hiện Nghị quyết 513-NQ/QUTW, Nghị quyết 915 và lộ trình thực hiện Đề án đã xác định; có biện pháp ngăn ngừa, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng bảo thủ, né tránh, ngại đổi mới.

2. Triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành, chấp hành dự toán ngân sách nghiêm túc, chặt chẽ, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch. Thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính, ngay từ đầu năm 2019, Bộ Quốc phòng đã phân bổ dự toán ngân sách ra Kho bạc Nhà nước cho các đơn vị đạt gần 75%, cao hơn rất nhiều so với những năm trước1. Đây là thuận lợi rất lớn, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhưng cũng đặt ra yêu cầu mới rất cao. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tài chính, đề cao trách nhiệm, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong điều hành, quản lý, sử dụng ngân sách theo phân cấp. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan tài chính trong việc tham mưu, kiểm soát chi tiêu, sử dụng ngân sách. Do dự toán ngân sách của các đơn vị được giao một lần ngay từ đầu năm, nên chỉ huy các đơn vị cần điều hành chặt chẽ, linh hoạt, dân chủ, công khai, minh bạch, có thứ tự ưu tiên và phải có chủ trương, biện pháp nhạy bén, hiệu quả trong quản lý, chi tiêu, sử dụng tài chính, tài sản, chấp hành nghiêm dự toán được duyệt.

Theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, toàn quân quyết tâm tiết giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết để tập trung nguồn lực giữ vững các cân đối lớn, thực hiện các chế độ, chính sách mới có hiệu lực và các chương trình, mục tiêu, dự án trọng điểm đã xác định. Các ngành, đơn vị bám sát dự toán ngân sách được giao, chủ động tiếp nhận, cấp phát, giải ngân theo kế hoạch, tiến độ đã được phê duyệt. Chú trọng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường phân cấp cho cấp trực tiếp chi tiêu; hạn chế tối đa mua sắm tập trung, cấp phát hiện vật. Cơ quan tài chính các cấp chủ động cân đối, điều chỉnh cơ cấu chi, bảo đảm toàn diện cho các nhiệm vụ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên; tích cực triển khai thực hiện chế độ kế toán mới từ ngày 01-01-2019. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan, chủ động nắm, dự báo tình hình thị trường, tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị thực hiện kế hoạch mua sắm, đặt hàng sản xuất, đẩy nhanh tốc độ chi, giải ngân, thanh toán, không để chi dồn, chi ép vào cuối năm hoặc chi không hết, bị hủy dự toán ngân sách. Cùng với đó, các ngành, đơn vị tích cực tạo lập, huy động các nguồn tài chính theo đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng để tăng khả năng cân đối ngân sách bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính ở các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh theo Chỉ thị 85/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và xã hội hóa một số loại hình dịch vụ để giảm chi ngân sách.

3. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra và đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Các ngành, đơn vị thực hiện đồng bộ các công cụ, biện pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; chấp hành nghiêm Quy chế công khai tài chính. Đặc biệt, thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới, người chỉ huy (chủ tài khoản), đơn vị trực tiếp thụ hưởng ngân sách và cơ quan tài chính phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong chi tiêu, sử dụng ngân sách. Cơ quan tài chính các cấp duy trì nghiêm chế độ, nguyên tắc công tác tài chính; phát huy hơn nữa chức năng kiểm soát, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm với giám đốc về tài chính; tăng cường kiểm soát chi, quản lý giá, quản lý tài chính trong đấu thầu, xét thầu, quản lý vật tư, tài sản công. Tiếp tục thực hiện tốt việc thẩm định giá, duyệt giá sản phẩm quốc phòng; quản lý chặt chẽ các loại kinh phí (kể cả nguồn kinh phí không cấp qua Bộ Quốc phòng), quỹ vốn, tiền mặt, nguồn thu, hoạt động có thu ở đơn vị. Mặt khác, tích cực hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ đơn vị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ chi tiêu, kiên quyết không để chi sai nội dung, vượt dự toán. Các ngành, đơn vị tiếp tục mở rộng đấu thầu trong mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường cấp phát, kiểm soát thanh toán qua Kho bạc Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án, công trình hoàn thành, nâng cao hiệu quả chi tiêu.

Cùng với đó, các ngành, đơn vị duy trì nền nếp, thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra tài chính ở các cấp. Chú trọng kiểm tra việc triển khai thực hiện cơ chế quản lý tài chính mới; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra nghiệp vụ của cơ quan tài chính với kiểm tra, giám sát của cấp ủy và tập thể quân nhân; tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra tài chính nội bộ. Cục Tài chính tiếp tục phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác kiểm toán theo quy định; đồng thời, đẩy mạnh kiểm toán nội bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính và tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện tốt Chương trình hành động thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng và các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về vấn đề này.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác tài chính quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2019, ngành Tài chính, trước hết là Cục Tài chính tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế hoạt động công tác tài chính quân đội, cơ chế quản lý tài chính, tài sản công, quản lý, sử dụng đất quốc phòng; bổ sung, hoàn thiện các quy định về mua sắm hàng hóa theo thỏa thuận khung, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý các nguồn thu; xây dựng, bổ sung các chế độ, chính sách có tính thu hút, bảo đảm ngày càng tốt hơn đời sống của bộ đội. Trước mắt, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan, nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng bổ sung, sửa đổi các nghị định, hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, phù hợp với đặc thù quân sự, quốc phòng; xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản quy định, hướng dẫn để thực hiện Đề án Đổi mới cơ chế quản lý tài chính. Trọng tâm là: Quy định về lập, chấp hành và quyết toán ngân sách; Thông tư công khai tài chính trong Bộ Quốc phòng; Điều lệ công tác Tài chính Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi); Hướng dẫn về nội dung báo cáo tài chính của người chỉ huy đối với cấp ủy đảng các cấp theo Quy chế 707-QC/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương; rà soát, xây dựng hệ thống định mức và sửa đổi, bổ sung danh mục tài sản mua sắm theo phương thức ký thỏa thuận khung,... làm cơ sở cho việc lập, phân bổ dự toán ngân sách theo lộ trình của Đề án, v.v. Cùng với đó, tham mưu sửa đổi Thông tư quản lý giá trong Bộ Quốc phòng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng 03 bảng lương cho các đối tượng của lực lượng vũ trang. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hoàn thiện cơ chế, chính sách về tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trong Quân đội; hoàn thiện các quy trình, quy định về thực hiện công khai tài chính, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,… tạo cơ sở, công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính bảo đảm cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Cùng với thực hiện tốt các nội dung trên, các cấp cần tiếp tục chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức, xây dựng cơ quan tài chính vững mạnh; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị quản lý tài chính tốt”. Qua đó, tạo động lực thực hiện tốt Nghị quyết 915, Đề án đổi mới cơ chế quản lý tài chính, góp phần hoàn thành tốt công tác tài chính năm 2019 và những năm tiếp theo.

Thiếu tướng, TS. LƯU SỸ QUÝ, Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng
___________

1 - Những năm trước chỉ đạt 40% - 45%.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước