Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Bảy, 04/07/2020, 12:06 (GMT+7)
Quân đội tích cực tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển

Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm trong vùng xích đạo và dải nhiệt đới phía Tây Thái Bình Dương - khu vực trọng điểm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu; có nhiều tuyến hàng hải quốc tế đi qua, lại đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nên tình hình thiên tai, tai nạn, sự cố ở vùng biển nước ta xảy ra với tần suất cao, tính chất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động quân sự, quốc phòng. Điều đáng nói là, trong mấy năm gần đây, tình hình tai nạn, sự cố trên vùng biển nước ta không chỉ gia tăng về số vụ, quy mô mà còn phức tạp về tính chất, diễn biến khó lường, nhất là sự cố về hóa chất, tràn dầu có thể hủy hoại môi trường trên phạm vi rộng, v.v.

Lãnh đạo Cục Cứu hộ - Cứu nạn kiểm tra trang bị làm nhiệm vụ của Trung tâm Ứng phó sự cố tràn dầu miền Bắc

Nhận thức rõ tác hại của thiên tai, biến đổi khí hậu và quán triệt sâu sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, Quân đội đã tích cực, chủ động khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nói chung và tìm kiếm cứu nạn trên biển nói riêng đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, tiến hành chặt chẽ. Các lực lượng (nòng cốt là Cảnh sát biển, Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Phòng không - Không quân và các quân khu có biển,...) chủ động chuẩn bị lực lượng, vật chất, phương tiện, xây dưng kế hoạch, phương án, phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với nhiệm vụ, sát đặc điểm địa bàn và thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh, tổ chức luyện tập, diễn tập, ứng trực nghiêm túc.

Với tinh thần không quản ngại nguy hiểm, tất cả “vì nhân dân phục vụ”, lực lượng quân đội luôn đi đầu, có mặt kịp thời ở nơi xảy ra thiên tai, sự cố, thể hiện rõ vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, trong ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Từ ngày 15/8/2018 đến nay, các đơn vị quân đội đã huy động 125.056 lượt cán bộ, chiến sĩ, 3.364 lượt phương tiện phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các lực lượng, địa phương tham gia tìm kiếm cứu nạn 1.480 vụ, cứu được 1.722 người, 96 phương tiện và kêu gọi, hướng dẫn 2.060.716 lượt người, 447.015 phương tiện đang hoạt động trên biển di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão, neo đậu tránh, trú an toàn. Đặc biệt, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xử lý sự cố tràn dầu tại khu dân phố 5, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa; vụ cháy tàu APL Vancouver, Quốc tịch Singapore; tìm kiếm, khắc phục hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng tàu cá NA-95899 TS bị tàu Pacific 01 đâm chìm, làm 09 ngư dân mất tích; ứng phó sự cố tàu BV-98459 TS chở khoảng 50.000 lít dầu DO bị chìm tại vùng biển Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; ứng phó tràn dầu vụ tàu vận tải VIETSUN INTERGRITY bị chìm tại phao số 28, luồng Sài Gòn - Vũng Tàu, sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh,... được cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Không dừng lại ở đó, các cơ quan, đơn vị quân đội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp động viên, sẻ chia, giúp đỡ người bị nạn, nhân dân địa phương ven biển, trên các đảo bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất, góp phần tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Thời gian tới, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên các vùng biển nước ta sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan và khó lường; các hoạt động giao thương, phát triển kinh tế biển ngày càng sôi động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả ứng phó sự cố, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các cơ quan, đơn vị cần quán triệt, thực hiện tốt nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho bộ đội và nhân dân về công tác bảo đảm an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Tìm kiếm cứu nạn trên biển là hoạt động có tính đặc thù cao, luôn phải tiến hành trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trực tiếp là các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về bảo đảm an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trọng tâm là, Nghị định số 30/2017/NĐ-CP, ngày 21/3/2017 của Chính phủ về “Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn”; Quyết định số 506/2019/QĐ-TTg, ngày 04/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt bổ sung danh mục các nhiệm vụ triển khai thực hiện Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn hàng hải năm 1979 (SAR 79) theo Quyết định số 06/2009/QĐ-TTg, ngày 15/01/2009 giai đoạn 2019 - 2025 trong Quân đội; mệnh lệnh, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, cũng như kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ này của các lực lượng, v.v. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm, yêu cầu cấp thiết đặt ra trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển; xác định đây là nhiệm vụ chính trị - “nhiệm vụ chiến đấu” trong thời bình; xây dựng động cơ, trách nhiệm, quyết tâm, lòng dũng cảm trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, chủ động đấu tranh với tư tưởng chủ quan, xem nhẹ, ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm.

Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh có biển chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển, Công an, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hiệp hội nghề cá, làm tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân về công tác bảo đảm an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức xây dựng và phát huy vai trò của các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết hoạt động trên biển trong công tác hỗ trợ cứu kéo lẫn nhau, tìm kiếm cứu nạn khi gặp sự cố, thực hiện tốt phương châm “Tự cứu mình là chính”; đồng thời, hướng dẫn ngư dân sử dụng các phương tiện thông tin, tín hiệu báo khẩn cấp khi gặp sự cố, v.v.

Tàu CSB 2001lai kéo tàu KG 1619TS bị nạn trên biển

Hai là, chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, phát huy tốt “4 tại chỗ”1 trong tìm kiếm cứu nạn trên biển. Thiên tai, sự cố trên biển ngày càng phức tạp, khó dự báo, diễn biến thất thường, đột biến cao. Vì vậy, để ứng phó, xử lý kịp thời, có hiệu quả, cần chủ động làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, phát huy tốt “4 tại chỗ”. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn ở các cấp; duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình, tham mưu đề xuất, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra; chú trọng rà soát, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch sát tình hình thực tế, địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ; chuẩn bị đầy đủ công tác bảo đảm, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng đứng trên địa bàn, kịp thời cơ động ứng phó các tình huống không để bị động, bất ngờ. Để đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Cục Cứu hộ - Cứu nạn tiếp tục phối hợp với các quân khu chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố có biển tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn địa phương chỉ đạo các sở, ngành hoàn thành xây dựng Kế hoạch ứng phó với 12 tình huống sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo Quyết định số 1041/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Quyết định số 19/2017/QĐ-BQP của Bộ Quốc phòng về thực hiện Nghị định 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, kiện toàn lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn, từng bước xây dựng, phát triển mô hình các đội, trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển chuyên trách, kiêm nhiệm, lấy lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt.

Cục Cứu hộ - Cứu nạn tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề xuất Chính phủ xin chủ trương đầu tư xây dựng một số trạm phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các đảo; phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng Chương trình Quốc gia nghiên cứu, ứng dụng và huy động nguồn lực khoa học công nghệ ứng phó động đất, sóng thần. Triển khai thực hiện hiệu quả các dự án trọng điểm, mua sắm trang thiết bị chuyên dụng phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch đầu tư trung hạn 05 năm (2016 - 2020) đã được phê duyệt; chú trọng đổi mới trang bị, đầu tư mua sắm trang bị cứu hộ, cứu nạn trên biển với phương châm: “hiện đại, nhanh gọn, linh hoạt”, hoạt động  trong mọi điều kiện thời tiết, cả trên mặt nước và dưới mặt nước. Từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị phục vụ huấn luyện, diễn tập và tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Do tính chất nhiệm vụ phức tạp, vùng biển rộng, nên để phát huy “4 tại chỗ” trong tìm kiếm cứu nạn trên biển, Cục Cứu hộ - Cứu nạn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội biên phòng với các Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải; kết hợp các hoạt động huấn luyện, tuần tra, kiểm soát quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo với sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, v.v.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển cho bộ đội, nhất là lực lượng chuyên trách trên các địa bàn. Tìm kiếm cứu nạn trên biển là “nhiệm vụ chiến đấu” của Quân đội trong thời bình. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện, diễn tập; bồi dưỡng về kinh nghiệm tổ chức, điều hành, kỹ năng, quy trình xử lý sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng. Trong đó, tập trung huấn luyện chuyên sâu, nâng cao năng lực 05 đội hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai; huấn luyện nâng cao kỹ năng điều khiển, sử dụng các phương tiện tìm kiếm cứu nạn hiện đại và kỹ năng thực hành khắc phục sự cố tràn dầu, chống cháy nổ cho nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Để đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện, diễn tập sát với thực tiễn địa bàn; quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, hiện đại hóa mô hình huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện cơ bản với ứng dụng khoa học công nghệ thông tin. Cục Cứu hộ - Cứu nạn phối hợp với Cục Quân huấn tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, triển khai hướng dẫn các mẫu kế hoạch về ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong toàn quân và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành và địa phương. Tiếp tục chỉ đạo Trung tâm huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển, Học viện Hải quân; Trung tâm huấn luyện quốc gia tìm kiếm cứu nạn đường không, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức lớp đào tạo, huấn luyện nhân viên chuyên môn điều khiển phương tiện thuỷ nội địa, tìm kiếm cứu nạn; huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không, đường biển. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện giáo trình, tài liệu huấn luyện về tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo đảm tính chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, Quân đội tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế với quân đội các nước, nhất là các nước trong khu vực, nhằm chia sẻ thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức diễn tập, xử lý các tình huống tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa trên biển; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất xây dựng phương án đàm phán với các nước có chung Biển Đông về phân vùng tìm kiếm cứu nạn trên biển, thực hiện tốt trách nhiệm quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thiếu tướng DOÃN THÁI ĐỨC, Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn
_____________

1 - “4 tại chỗ”: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước