Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Tư, 12/07/2023, 07:30 (GMT+7)
Quân đội tích cực tham gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu là một nhiệm vụ quan trọng của Quân đội hiện nay. Thực hiện tốt nhiệm vụ này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển. Thấu triệt điều đó, Quân đội đã, đang cùng với Chính phủ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các tỉnh ven biển triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống các vi phạm về khai thác hải sản nêu trên và thu được kết quả đáng khích lệ.

Việt Nam là quốc gia biển, với trên 3.260 km bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, hơn 01 triệu km2 vùng biển và trên 3.000 hòn đảo, trong đó có một số đảo lớn, đặc biệt có hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa,… tạo lợi thế lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược về phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, động viên, khuyến khích ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt, khai thác hải sản, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, một bộ phận ngư dân chưa tự giác tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam cũng như quy định quốc tế, nên Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành Thủy sản Việt Nam, tạo sức ép rất lớn cho xuất khẩu thủy sản nước ta ra thị trường thế giới.

Trước tình hình đó, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Quân đội đã, đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng với các cấp, ngành quyết tâm thực hiện mục tiêu gỡ “thẻ vàng” cho ngành Thủy sản. Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg, ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Kế hoạch hành động chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4”, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-CQTT về việc chống khai thác IUU năm 2023 và ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư tăng cường công tác quản lý, nắm chắc tình hình trên biển, kiểm tra, xác minh thông tin hành trình, phạm vi hoạt động của tàu cá, nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Tham mưu, đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành liên quan các giải pháp khắc phục khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, như: đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phân định vùng biển còn chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam với các nước; sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập, khó khăn trong thực hiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, Nghị định 26/NĐ-CP; ban hành quy chuẩn quốc gia về thiết bị giám sát hành trình (VMS) và quy định cụ thể về trách nhiệm của các đơn vị cung cấp thiết bị trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng do lỗi kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực để trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc liên quan.

Lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng tuyên truyền IUU cho ngư dân tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Ảnh: canhsatbien.vn

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đã có nhiều chuyển biến tích cực; số vụ việc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định giảm đáng kể. Theo thống kê, trong 04 tháng đầu năm 2023, số tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép xảy ra 07 vụ/12 tàu/71 ngư dân (giảm 13 vụ/16 tàu/120 ngư dân so với cùng kỳ năm 2022). Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình tàu cá ngư dân ta vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vẫn còn xảy ra và có những diễn biến phức tạp mới; công tác quản lý, kiểm soát tàu cá của các lực lượng có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, v.v. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận ngư dân chưa cao, còn vì lợi ích nhỏ trước mắt mà cố tình vi phạm các quy định về khai thác thủy sản, hải sản. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giám sát hoạt động nghề cá còn chậm và còn nhiều bất cập; việc xử phạt các phương tiện tàu cá vi phạm còn thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe.

Để phát huy kết quả đạt được, thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình, kế hoạch hành động gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, thực hiện tốt các cam kết quốc tế, giữ gìn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp xuyên suốt, quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ, vùng biển của ta rộng, khu vực chồng lấn với các nước nhiều, số lượng phương tiện tàu cá lớn; trong khi đó, lực lượng, phương tiện quản lý, thực thi pháp luật trên biển của ta có hạn. Vì thế, ý thức pháp luật của ngư dân là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Thực hiện vấn đề này, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, trọng tâm là Luật Biển Việt Nam, Luật Thủy sản, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, các văn bản pháp luật liên quan, thông tin cảnh báo “thẻ vàng”, thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Để nâng cao hiệu quả, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các chuyên mục chuyên sâu với chủ đề “Ngăn chặn, loại bỏ tàu cá vi phạm IUU, nhanh chóng gỡ thẻ vàng EC” phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lập các tổ, đội công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện việc ghi chép, nộp nhật ký, báo cáo khai thác, duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình,… để ngư dân nắm được, tự giác chấp hành, cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Song song với đó, các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp tham gia xây dựng địa bàn an toàn, hệ thống chính trị vững mạnh; hỗ trợ địa phương ven biển phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và đấu tranh với các hành vi vi phạm IUU. Trên cơ sở sơ kết đợt cao điểm chống khai thác IUU, các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác IUU, nhất là Kế hoạch số 127/KH-CQTT, ngày 05/01/2023 của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc chống khai thác IUU năm 2023, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trước mắt, tập trung nghiên cứu điều chỉnh, bố trí, sắp xếp lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến, đặc biệt tại các đảo, cửa sông, cửa lạch nơi tập trung nhiều tàu cá,… kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm IUU. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ từ sớm các trường hợp tàu cá thuộc nhóm có “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư thường xuyên duy trì lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là các vùng biển trọng điểm, vùng biển chồng lấn, giáp ranh giữa Việt Nam với các nước trong khu vực để khẳng định chủ quyền, tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vượt sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp giữa các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thường xuyên trao đổi, phối hợp với chính quyền, công an địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý hoặc tham mưu cho địa phương xử lý các hành vi vi phạm về IUU theo quy định của pháp luật.

Ba là, mở rộng hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu. Qua đợt hành động cao điểm chống khai thác IUU, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý, xua đuổi nhiều tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta. Đáng chú ý, qua đấu tranh, ta đã phát hiện có dấu hiệu một số đối tượng môi giới tổ chức đưa tàu cá, ngư dân nước ta ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, v.v. Trước thực tế đó, các cơ quan, đơn vị, nhất là Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư tăng cường phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Campuchia,... để chia sẻ, trao đổi thông tin về tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của nhau. Đẩy mạnh hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc tổ chức kiểm tra liên hợp nghề cá tại vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ; thực hiện có hiệu quả thỏa thuận hợp tác với Cục Biên giới biển và Ủy ban Quốc gia an ninh hàng hải Campuchia về thiết lập hệ thống cung cấp thông tin, trao đổi hợp tác vấn đề ngư dân trên biển. Phối hợp với lực lượng chức năng các nước trong khu vực giải quyết các vụ việc liên quan đến ngư dân ta; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ, trợ giúp, bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động khai thác hợp pháp, tạo chỗ dựa, củng cố niềm tin để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển. Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với Công an điều tra, xử lý những trường hợp môi giới tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm IUU. Chỉ đạo các lực lượng trên thực địa phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, giám sát, theo dõi chặt chẽ tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU; tàu cá tắt, tháo thiết bị giám sát hành trình trên biển và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định; tham mưu, đề xuất Chính phủ đánh giá lại các vùng biển, tình hình khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho người dân, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, giữ vững môi trường hòa bình và vị thế, uy tín đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Trung tướng NGUYỄN TRỌNG BÌNH, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước