Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 11/06/2012, 08:41 (GMT+7)
Quân đội phấn đấu thực hiện tốt “Năm an toàn giao thông - 2012”

Những năm gần đây, mỗi năm tai nạn giao thông trên toàn quốc đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và đẩy hàng nghìn người vào cảnh tàn phế. Đó là vấn đề nhức nhối, làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như để lại hậu quả lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội. Đối với Quân đội, việc mỗi năm có không ít cán bộ, chiến sĩ bị thương vong do tai nạn giao thông không chỉ tác động tiêu cực đến các gia đình quân nhân, mà còn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta. Vì vậy, cùng với cả nước, tiếp tục thực hiện tốt “Năm An toàn giao thông - 2012” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị trong toàn quân hiện nay.


Những năm vừa qua, Bộ Quốc phòng (BQP) đã chỉ đạo toàn quân quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về trật tự, an toàn giao thông (ATGT). Riêng năm 2011, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban Chỉ đạo 50-BQP đã triển khai Chương trình hoạt động bảo đảm trật tự, ATGT năm 2011, chỉ đạo Thanh niên Quân đội xây dựng Chương trình hoạt động “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông” và chỉ đạo Cục Vận tải hướng dẫn các đơn vị vận tải đường thủy phát động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Quán triệt Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 24-8-2011 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, ATGT và thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban ATGT Quốc gia lấy “Năm An toàn giao thông - 2012” là năm “Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh”, Ban Chỉ đạo 50-BQP đã cụ thể hóa thành Kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông - 2012” trong toàn quân.

alt
Đại biểu BCHQS tỉnh Đồng Tháp tại Lễ phát động thực hiện "Năm An toàn giao thông – 2012" của Tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch trên của Ban Chỉ đạo 50-BQP, Ban Chỉ đạo 50 các cấp trong toàn quân đã kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ các đơn vị đồng loạt triển khai các giải pháp bảo đảm ATGT và tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng địa bàn an toàn, đơn vị điểm về ATGT. Các cơ quan chức năng trong Quân đội đã tham mưu, đề xuất kịp thời cho Ban Chỉ đạo 50 cùng cấp nhiều giải pháp thiết thực về bảo đảm ATGT. Lực lượng Kiểm tra xe quân sự, Kiểm soát quân sự đã tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông của cán bộ, chiến sĩ. Cơ quan quân sự các cấp ở hầu hết các địa phương đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền và phối hợp với Công an trong việc bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn. Nhiều đơn vị không chỉ chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục quân nhân, công nhân viên quốc phòng về chấp hành luật giao thông, mà còn chủ động bồi dưỡng tay lái cho đội ngũ lái xe; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng ô-tô, mô-tô, xe gắn máy, trong đó quy định rõ đối tượng quản lý, sử dụng phương tiện; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Giao thông trong việc quản lý địa bàn và tuyến giao thông quan trọng. Hầu hết các đơn vị đã gắn nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác với đẩy mạnh Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và ATGT”; trong đó, lấy ATGT là tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua - khen thưởng.

Với việc chỉ đạo sát sao và triển khai đồng bộ, thống nhất như vậy, có thể nói, từ khi có Chỉ thị số 22/CT-TW, ngày 24-02-2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, ATGT, công tác bảo đảm ATGT trong Quân đội đã có bước chuyển biến quan trọng. Kết quả là, trong 9 năm qua, tai nạn giao thông trong Quân đội năm sau được kiềm chế tốt hơn năm trước và đặc biệt là giảm mạnh trong 4 năm gần đây (2008 – 2011) trên cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương; bên cạnh đó, số ki-lô-mét an toàn bình quân tăng so với chỉ tiêu của Ban Chỉ đạo 50-BQP đề ra. Năm 2011, số vụ tai nạn ô-tô quân sự trong toàn quân đã giảm 31,1%, số người chết giảm 43,8% so với năm 2010. Gần đây, do toàn quân tích cực hưởng ứng và triển khai đồng bộ, quyết liệt “Năm An toàn giao thông - 2012” nên quý I/2012, số vụ tai nạn ô-tô quân sự giảm 53,8%, số quân nhân bị thương vong giảm 52,1%; số vụ tai nạn mô-tô, ô-tô cá nhân do quân nhân, công nhân viên quốc phòng điều khiển tiếp tục giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2011. Đó là những con số rất có ý nghĩa và đáng khích lệ, phản ánh sự chỉ đạo kiên quyết, sâu sát của BQP và thái độ quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết về trật tự, ATGT của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông trong Quân đội vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù tình hình trật tự, ATGT trong Quân đội đã có bước chuyển biến tích cực với số vụ và số người chết do tai nạn ô-tô quân sự giảm rõ rệt, song số vụ tai nạn mô-tô, ô-tô cá nhân, số người chết và bị thương trong nhóm này chưa giảm vững chắc, thậm chí, có thời điểm số người chết còn có xu hướng tăng. Thực tế này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của không ít đơn vị; ở phạm vi rộng hơn, nó còn tác động tiêu cực đến yêu cầu xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Bởi vậy, để tạo chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc về ATGT, đẩy lùi tai nạn giao thông trong Quân đội, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục thực hiện tốt “Năm An toàn giao thông - 2012”; trong đó, tập trung vào một số nội dung công tác chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng gắn với nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện của hệ thống chỉ huy đối với công tác bảo đảm ATGT ở tất cả các cấp, từng cơ quan, đơn vị. Mọi nhiệm vụ liên quan đến các hoạt động tham gia giao thông của mỗi đơn vị đều phải được lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, thống nhất, phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức chỉ huy và các tổ chức quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp trong toàn đơn vị đối với công tác bảo đảm ATGT. Cấp ủy các cấp phải đề ra nghị quyết lãnh đạo hằng năm, quý, tháng về công tác bảo đảm ATGT đi đôi với tập trung lãnh đạo, phân công cấp ủy viên phụ trách. Trong thực hiện nhiệm vụ vận tải bằng phương tiện cơ giới, cũng như trong huấn luyện, cơ động, di chuyển, cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc hành quân; chuẩn bị đầy đủ các biện pháp bảo đảm ATGT và sẵn sàng các phương án khắc phục sự cố giao thông. Quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi tham gia giao thông, dù là thi hành nhiệm vụ hay giải quyết công việc cá nhân, chỉ huy đơn vị vẫn phải phân công cán bộ quản lý theo phân cấp, bảo đảm cho người và phương tiện tham gia giao thông chịu sự quản lý, giám sát của tổ chức chỉ huy các cấp. Việc tăng cường sự lãnh đạo còn thể hiện ở chỗ, cấp ủy phải đề ra những giải pháp thiết thực, lấy phòng ngừa tai nạn giao thông là chính, trước hết là giải quyết dứt điểm, triệt để những tồn tại, yếu kém về tham gia giao thông của đơn vị.

Hai là, coi trọng công tác giáo dục, xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông cho quân nhân, công nhân viên quốc phòng. Kết quả phân tích cho thấy, có tới 85,8% số vụ tai nạn giao thông là do việc thiếu ý thức của người điều khiển phương tiện gây nên. Đó là lỗi cố tình vi phạm tốc độ, vi phạm giãn cách, tránh và vượt sai quy định, sử dụng rượu, bia trước và trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông; lái xe không có đủ khả năng làm chủ phương tiện và xử lý tình huống, thiếu tập trung quan sát,... Do đó, lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị phải vừa coi trọng việc tổ chức cho đơn vị học các luật giao thông, nhất là Luật Giao thông đường bộ bằng nhiều hình thức phong phú, vừa chú ý xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông cho bộ đội, đặc biệt là cho đội ngũ lái xe. Trong quá trình phổ biến, giáo dục, chủ thể giáo dục phải đổi mới hình thức, phương pháp, trong đó cần lấy các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng để cảnh báo quân nhân, hình thành ý thức tự bảo vệ của mỗi quân nhân. Xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông cho bộ đội là cả quá trình, nên lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải tiến hành thường xuyên, kiên trì; kết hợp giáo dục với đấu tranh, giáo dục với quản lý, xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông với hình thành nếp “Văn hóa giao thông” trong mỗi quân nhân. Làm tốt nội dung, yêu cầu giáo dục này là cơ sở quan trọng để Quân đội kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông, góp phần bảo đảm trật tự, ATGT trong toàn quốc.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra xe quân sự và chấn chỉnh tác phong quân nhân khi tham gia giao thông, kịp thời phòng ngừa và giảm tối đa việc mất ATGT trong Quân đội. Thực hiện công tác này, cơ quan và lực lượng chức năng các cấp cần có kế hoạch kiểm tra phương tiện cả thường xuyên và đột xuất ở từng cấp, bảo đảm 100% các phương tiện khi tham gia giao thông đều được kiểm định an toàn kỹ thuật và đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm định kỹ thuật, Cục Xe - Máy phải tăng cường trang bị cho lực lượng Kiểm tra xe quân sự thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt trong việc tổ chức tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm của chủ phương tiện, đặc biệt là tình trạng sử dụng bằng lái xe giả, biển số giả, không để kẻ xấu lợi dụng danh nghĩa xe quân sự để hoạt động phạm pháp, góp phần đấu tranh với tội phạm và phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn giao thông.

Bốn là, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ lái xe và sát hạch lái xe. Một mặt, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hoạt động của cơ sở đào tạo lái xe; qua đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm về đào tạo, sát hạch, về cấp giấy phép lái xe. Mặt khác, lãnh đạo, chỉ huy các cơ sở đào tạo lái xe phải tích cực hoàn thiện giáo trình đào tạo, quy trình sát hạch lái xe bảo đảm theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải và của BQP; đồng thời, chủ động tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe cả về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và ý thức chấp hành luật giao thông. 

Năm là, các đơn vị đóng quân trên địa bàn Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng quán triệt nghiêm túc Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP, ngày 31-7-2008 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân hai thành phố trên về việc bảo đảm ATGT đô thị. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền tăng cường hướng dẫn các cá nhân, tập thể đến cơ quan, đơn vị làm việc bằng phương tiện ô-tô, mô-tô, xe gắn máy đi đúng làn đường, dừng đỗ đúng quy định, không làm ảnh hưởng đến trật tự, ATGT đô thị trên địa bàn; đồng thời, tích cực phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông và Thanh tra Giao thông trong việc chống ùn tắc giao thông và xử lý các sai phạm giao thông của quân nhân. Bên cạnh đó, căn cứ đặc điểm khu vực đóng quân và mức độ tập trung cán bộ, các đơn vị, học viện, nhà trường cần áp dụng phương thức đưa đón cán bộ bằng xe tuyến; vận động cán bộ đi làm bằng xe buýt, hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, góp phần chống ùn tắc giao thông và giảm tai nạn giao thông.

Sáu là, kết hợp chặt chẽ công tác bảo đảm ATGT với phong trào Thi đua Quyết thắng, với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị cần phát động các đợt, giai đoạn thi đua về bảo đảm ATGT trong đơn vị gắn với “Tuần An toàn giao thông”, “Tháng An toàn giao thông” và “Năm An toàn giao thông - 2012” bằng những cam kết thi đua và chỉ tiêu thi đua cụ thể. Quá trình xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, quản lý vũ khí, trang bị, quản lý tài chính, chỉ huy các cấp phải gắn với bảo đảm an toàn về người và phương tiện giao thông của đơn vị; coi ATGT là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá kết quả xây dựng đơn vị và bình xét đơn vị vững mạnh toàn diện; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân chấp hành tốt công tác bảo đảm ATGT. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 50 các cấp cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền tiếp tục đẩy mạnh xây dựng địa bàn an toàn, đơn vị điểm về ATGT và nhân rộng các điển hình tiên tiến về ATGT. 

Thực hiện “Năm An toàn giao thông - 2012”, với mục tiêu giảm 10-15% tai nạn giao thông (toàn quốc phấn đấu giảm 5%) là nhiệm vụ, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong toàn quân. Thực hiện tốt các nội dung trên là cơ sở để Quân đội loại bỏ sự tác động tiêu cực của tai nạn giao thông đến nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, góp phần cùng cả nước kiềm chế, chặn đứng và đẩy lùi tai nạn giao thông trên cả 3 tuyến: đường bộ, đường sắt và đường thủy.


 Thượng tướng TRƯƠNG QUANG KHÁNH

Ủy viên BCHTƯ Đảng,

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước