Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Ba, 05/07/2011, 03:12 (GMT+7)
Quân đội phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ, chính sách hậu phương quân đội

 Những năm qua, trước những tác động phức tạp của điều kiện kinh tế, xã hội trong thời kỳ hội nhập, toàn quân ta đã phấn đấu thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ (TB,LS) và chính sách hậu phương quân đội (HPQĐ). Điều này thể hiện sâu sắc đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", ý thức chính trị, tình cảm cách mạng của cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) quân đội ta.  

alt
Khu di tích 27-7 ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên
- nơi đã diễn ra Lễ công bố "Ngày Thương binh, liệt sĩ toàn quốc" (ngày 27-7-1947)
(Nguồn: thainguyen.gov.vn)

 

Công tác TB,LS, chính sách HPQĐ là một trong những nội dung quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang (LLVT). Quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng và của Đảng bộ Quân đội, những năm qua, công tác TB,LS, chính sách HPQĐ đã được triển khai toàn diện, thực hiện đồng bộ và đạt hiệu quả thiết thực, trực tiếp góp phần giữ vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CB,CS và các đối tượng chính sách, tạo động lực quan trọng để xây dựng quân đội vững mạnh trong tình hình mới; đồng thời, góp phần ổn định chính trị-xã hội (CT-XH), củng cố quốc phòng-an ninh.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, thấm nhuần sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ngành Chính sách Quân đội đã tích cực, chủ động bám sát thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước, nhiệm vụ của quân đội, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng các cấp trong và ngoài quân đội chủ trì nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành kịp thời, triển khai thực hiện có hiệu quả số lượng lớn các văn bản chế độ, chính sách đối với công tác TB,LS, chính sách HPQĐ và người có công với cách mạng; chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng làm nhiệm vụ trong quân đội;... Những tồn đọng thuộc công tác chính sách sau chiến tranh đã được giải quyết với khối lượng lớn. Đặc biệt, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện khẩn trương và có kết quả cao. Với sự quan tâm đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương, các tổ chức CT-XH, của nhân dân trong nước và các nước bạn Lào, Cam-pu-chia, Liên bang Nga, các đơn vị quân đội đã tìm kiếm, cất bốc, quy tập được trên 910.000 hài cốt liệt sĩ về an táng trong gần 3.000 Nghĩa trang Liệt sĩ, bảo đảm đúng nghi thức quân đội; trong đó, nhiều hài cốt đã xác minh được tên, tuổi, quê quán và được bàn giao về địa phương. Với trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đồng chí, đồng đội sâu đậm, cấp uỷ, chính uỷ, chính trị viên và đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong quân đội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tổ chức kịp thời công tác tiếp nhận hồ sơ, giám định và cấp giấy chứng nhận cho hàng chục ngàn thương binh, bệnh binh. Tính riêng từ năm 2006 đến tháng 6 năm 2011, công tác chính sách quân đội đã xác minh, kết luận, đề nghị công nhận liệt sĩ cho 598 trường hợp; 4.758 trường hợp được cấp giấy chứng nhận thương binh; 1.912 trường hợp được công nhận bệnh binh... Cùng với đó, ngành Chính sách Quân đội còn tiến hành tốt công tác xét duyệt, thẩm định cho hàng trăm ngàn đối tượng được hưởng các chính sách xã hội, gồm: chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội; chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ xây dựng tuyến biên giới; chế độ, chính sách với cán bộ và các hộ dân làm việc, sinh sống tại quần đảo Trường Sa; chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số đối tượng trong quân đội;... đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và CB,CS LLVT, có ý nghĩa CT-XH sâu sắc, góp phần tăng cường động lực chính trị-tinh thần cho nhân dân và bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Tổng cục Chính trị đã chỉ đạo toàn quân tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành đối với các đối tượng người có công thuộc diện quân đội quản lý và gia đình quân nhân. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tổ chức thực hiện tốt; được CB,CS hưởng ứng và tham gia tích cực với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, sát với thực tiễn từng đối tượng chính sách. Các đơn vị quân đội không chỉ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, mà còn tích cực, chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp đưa phong trào này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Thông qua 5 chương trình tình nghĩa, hằng năm, CB,CS và các doanh nghiệp trong quân đội đã quyên góp gần bốn tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tham gia xây mới và sửa chữa hàng ngàn Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; quyên góp, tặng hàng chục ngàn sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách. Từ năm 2006 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời 1.402 Mẹ Việt Nam Anh hùng; vận động CB,CS và huy động các nguồn đóng góp tiền cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 300 tỷ đồng; xây dựng hơn 6.000 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; tạo việc làm cho hơn 6.000 con em TB,LS. Đối với gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đơn vị đã thực hiện tốt việc kết hợp các nguồn hỗ trợ của trên với trực tiếp giúp các gia đình phát triển sản xuất để ổn định đời sống. Những việc làm đó đã trực tiếp động viên thiết thực về vật chất và tinh thần đối với quân nhân và gia đình quân nhân; đồng thời, góp phần tô thắm thêm bản chất, truyền thống cách mạng cao đẹp của quân đội ta.

Tuy nhiên, công tác TB,LS, chính sách HPQĐ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua vẫn còn những hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến về chế độ, chính sách, nhất là những chủ trương, chính sách mới ban hành chưa thực sự sâu, rộng. Một số nội dung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chưa đảm bảo tiến độ. Trách nhiệm của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị trong chỉ đạo thực hiện có mặt còn hạn chế. Việc nắm nguyên tắc, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách của cơ quan, cán bộ đảm nhiệm công tác chính sách ở một số đơn vị chưa sâu, nên việc thực hiện, bảo đảm chế độ cho một số đối tượng chưa kịp thời...

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đòi hỏi công tác TB,LS, chính sách HPQĐ phải có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, hiệu quả; trong đó, cần chú trọng thực hiện tốt những vấn đề cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của công tác TB,LS, chính sách HPQĐ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đây là vấn đề quan trọng, tạo cơ sở cho việc thống nhất nhận thức và hành động của toàn quân, đảm bảo cho công tác này phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đạt được hiệu quả thiết thực. Công tác giáo dục, tuyên truyền cần tập trung làm cho mọi đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác TB,LS, chính sách HPQĐ cũng như truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định CT-XH ở từng địa phương và trên cả nước, tạo động lực xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, phát huy đầy đủ tình cảm, ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện có hiệu quả công tác TB,LS và chính sách HPQĐ.

Hai là, thường xuyên nắm vững và quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chỉ thị công tác đảng, công tác chính trị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong triển khai tổ chức thực hiện công tác TB,LS, chính sách HPQĐ. Cấp uỷ, chỉ huy và chính uỷ, chính trị viên các cấp cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, bảo đảm đúng với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, định hướng cải cách chính sách của Nhà nước; đồng thời, chủ động xác định kế hoạch, giải pháp thực hiện phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị cần gắn công tác này với nhiệm vụ chính trị được giao; chú ý kết hợp chặt chẽ với công tác dân vận, xây dựng cơ sở CT-XH địa phương vững mạnh. Phát huy kinh nghiệm thực hiện chương trình xây dựng “Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội” thời gian qua, từ nay đến năm 2015, toàn quân tiếp tục triển khai xây dựng 5.000 Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội (riêng năm 2011 là 600) cho các đối tượng chính sách, bảo đảm đúng đối tượng, đúng kế hoạch, yêu cầu về chất lượng công trình và tổ chức lễ bàn giao trang trọng, có ý nghĩa. Phấn đấu để mỗi ngôi Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội thực sự là một địa chỉ của sự tri ân, báo đáp, của nghĩa tình đồng đội, của xã hội đối với những hy sinh, cống hiến to lớn của các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và gia đình chính sách.

Ba là, tiếp tục giải quyết các tồn đọng chính sách trong chiến tranh theo quy định hiện hành. Theo đó, toàn quân triển khai nghiêm túc Kế hoạch 1696/KH-CT của Tổng cục Chính trị, thực hiện chặt chẽ, chu đáo các chế độ đối với người bị thương, bị bệnh, thân nhân các liệt sĩ; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước và trên các nước bạn (Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc). Các đơn vị phải đề cao trách nhiệm, tính chủ động của cấp ủy, chỉ huy và vai trò của CB,CS làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ; mặt khác, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng; vận động phong trào “cung cấp thông tin mộ liệt sĩ” trên phạm vi cả nước, của những đồng đội liệt sĩ đang sống và đồng bào đang làm ăn, sinh sống ở trong và ngoài nước; triệt để khai thác các nguồn thông tin lưu trữ, đẩy nhanh công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu các đơn vị trong thời kỳ chiến tranh... Các cơ quan thông tấn, báo chí quân đội cần đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền trên báo, đài phát thanh, đài truyền hình, coi đây là một nhiệm vụ, một việc làm thiết thực, nghĩa cử cao đẹp, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội thực hiện tốt chính sách HPQĐ trong thời kỳ mới. Cùng với đó, ngành Chính sách Quân đội cần chủ động hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP, ngày 24-12-2010 của Chính phủ về chính sách đối với người hưởng lương trong LLVT công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn quân.

Bốn là, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tiến hành trong thực hiện công tác TB,LS, chính sách HPQĐ. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch đã xác định, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần bám sát thực tiễn để có các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể, linh hoạt, bảo đảm phù hợp với sự phát triển của đất nước và nhiệm vụ xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị trong thời kỳ mới. Đồng thời, các cấp phải luôn chủ động, nhạy bén trong việc tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương phát huy vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị và vận động quần chúng nhân dân cùng phối hợp thực hiện. Phong trào xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cần tiếp tục được nhân rộng; chú ý thực hiện thống nhất theo tinh thần Nghị định số 45/2006/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về việc vận động, quản lý và sử dụng tiền đóng góp cho các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong quân đội, nhất là trong dịp kỷ niệm 64 năm Ngày TB,LS (27-7-2011) và các ngày lễ, tết của dân tộc.

Năm là, kiện toàn về tổ chức, biên chế, xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ngành và cơ quan chính sách các cấp,nhất là ở cơ sở, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất và chuyên sâu, khắc phục sự chồng chéo, phân tán; nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất, thường xuyên rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn quân đội, sự phát triển KT-XH của đất nước; chủ động phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò các cơ quan chức năng trong, ngoài quân đội,... bảo đảm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác TB,LS, chính sách HPQĐ. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chú trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao năng lực công tác, phẩm chất chính trị, phong cách, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Chính sách Quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả của nó đối với đất nước, nhân dân và dân tộc ta nói chung, với các đối tượng chính sách nói riêng còn rất nặng nề. Những tồn đọng về chính sách cần phải giải quyết sau chiến tranh còn rất lớn; tính chất đa dạng và phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; tiếp tục nghiên cứu một cách cụ thể, tỉ mỉ và có những chủ trương, giải pháp thực hiện khoa học nhằm phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành, của toàn hệ thống chính trị cùng quân đội thực hiện tốt công tác TB,LS, chính sách HPQĐ.

Trung tướng NGUYỄN THÀNH CUNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Ủy viên Quân uỷ Trung ương

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị


 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước