Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Chủ Nhật, 15/12/2019, 12:06 (GMT+7)
Quân đội nhân dân Việt Nam – 70 thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận”

Quân đội nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; là Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Ngay từ khi ra đời, Quân đội ta luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, nuôi dưỡng - đó là nguồn sức mạnh to lớn để Quân đội chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành. Suốt 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân luôn khắc ghi và thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận” của Người: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1. Qua đó, góp phần không ngừng tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác dân vận của Quân đội tập trung vào tuyên truyền, vận động nhân dân quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, huy động được đông đảo nhân dân tham gia kháng chiến trên mọi mặt: tiêu thổ kháng chiến, phục vụ chiến đấu, xây dựng và củng cố cơ sở, tổ chức dân quân, du kích chiến tranh, xây dựng làng kháng chiến, v.v. Trước âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp, công tác dân vận của Quân đội đã tích cực tham gia củng cố các tổ chức quần chúng, phát động phong trào du kích, xây dựng căn cứ kháng chiến, vận động nhân dân chống bắt lính, bắt phu, bảo vệ mùa màng, thôn xóm. Nhiều đội vũ trang tuyên truyền và đại đội độc lập, từng nhóm, từng tổ thực hiện chỉ thị đưa cán bộ ưu tú từ vùng tự do vào vùng địch hậu, bí mật hoạt động sau lưng địch, bám cơ sở, gắn bó, đồng cam cộng khổ với dân; chấp hành tốt chính sách, đặc biệt là chính sách dân tộc, tôn giáo, đập tan âm mưu khiêu khích, chia rẽ của địch; tuyên truyền và làm hậu thuẫn cho việc thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng; bảo vệ, giúp nhân dân trong đời sống và sản xuất. Nhờ đó, đã góp phần tạo ra thế và lực cho cách mạng, đảm bảo cho Quân đội vượt qua khó khăn, thử thách, càng đánh càng mạnh, cùng nhân dân cả nước giành nhiều thắng lợi to lớn từ Chiến dịch Biên giới năm 1950, đến đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm theo lời dạy của Bác Hồ trong bài báo “Dân vận”, công tác dân vận của Quân đội nhân dân tiếp tục đi vào chiều sâu, đạt đến trình độ phát triển mới, thể hiện rõ vai trò, vị trí là một mặt công tác đảng, công tác chính trị quan trọng trong lực lượng vũ trang và là một bộ phận công tác vận động cách mạng của Đảng; tập trung tuyên truyền, vận động, tập hợp lực lượng trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, theo tinh thần “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”2. Ở miền Bắc, nhân dân vừa lao động sản xuất, vừa đánh Mỹ, khắc phục hậu quả chiến tranh, động viên thanh niên nhập ngũ, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, xây dựng hậu phương lớn vững chắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ. Với các phong trào: “Làm nghìn việc tốt”, “Chắc tay búa, chắc tay súng”, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,… đã tạo nên phong trào hành động cách mạng rộng lớn, huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Ở miền Nam, trong điều kiện hoạt động phân tán hay tập trung, lực lượng vũ trang đều bám nhân dân, dựa vào nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân tập hợp, đoàn kết dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên trì và tích cực tham gia đấu tranh chống khủng bố, đàn áp, hiệp đồng chiến đấu đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai. Đồng thời, kết hợp công tác dân vận với công tác địch vận, đưa công tác địch vận trở thành một mũi tiến công quan trọng trong ba mũi giáp công, cùng với đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và ngoại giao đã góp phần làm tăng thế và lực của quân và dân ta, đẩy địch vào khủng hoảng, sụp đổ nhanh chóng. Do đó, Quân đội cùng với toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những chiến công chói lọi, như: Ấp Bắc, Núi Thành, Vạn Tường, Pleime, chiến dịch Mậu Thân 1968, đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện tư tưởng và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận của Quân đội có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu, tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung và hình thức phong phú với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, sát với từng đối tượng, địa bàn, loại hình đơn vị, như; “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Ngân hàng Bò”, Mô hình gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số giúp nhau phát triển kinh tế, v.v. Chú trọng vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, trên tuyến biển, đảo, với tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân và thực hiện “4 cùng”3 với nhân dân. Qua đó, góp phần tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền cơ sở. Tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, góp phần xóa thôn, bản “trắng đảng viên”, “trắng chi bộ”. Tuyên truyền, vận động đồng bào vùng sâu, vùng xa định canh, định cư, xóa bỏ các tập tục lạc hậu; phòng, chống tội phạm, không nghe, không tin các phần tử xấu kích động, lôi kéo tham gia tụ tập đông người, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu, kịp thời có mặt, vượt qua hiểm nguy, cùng với nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Trong làm nhiệm vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội vận dụng linh hoạt công tác dân vận đối với nhân dân các nước sở tại, được nhân dân Campuchia yêu mến gọi Quân tình nguyện Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật”; tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu Đăng, được người dân nơi đây ngưỡng mộ và quý mến, v.v.

Quán triệt tư tưởng và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận”, 70 năm qua, công tác dân vận của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đạt được kết quả thiết thực; nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân vận ngày càng tốt hơn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo được quan tâm đúng mức; nội dung, hình thức công tác dân vận luôn được đổi mới, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng; nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công tác dân vận được phát huy và lan tỏa. Mỗi bước phát triển, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội đều có sự giúp đỡ, bao bọc, chở che của nhân dân; càng khó khăn, gian khổ tình quân dân càng thêm gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam, cộng khổ, Quân đội càng hiếu với dân, cùng với nhân dân là chỗ dựa vững chắc cho Đảng, cho cách mạng. Nhờ đó, góp phần giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ và Quân đội; hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - bộ đội của dân ngày càng được tôn vinh và tỏa sáng trong thời kỳ mới.

Trong những năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến khó dự báo. Sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, phân hóa giàu nghèo; tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”, những hạn chế, yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế - xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa”, “dân sự hóa” Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhân dân, v.v. Tình hình đó, đòi hỏi toàn quân tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tăng cường đoàn kết quân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm điểm tựa giúp Quân đội thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị Quân đội tiếp tục vận dụng sáng tạo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận”, thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, thường xuyên giáo dục, quán triệt làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn trong tác phẩm “Dân vận” và tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Trong đó, quán triệt sâu sắc quan điểm quần chúng của Người: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”4. Từ đó, có nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo và xác định phương pháp dân vận đúng đắn; phải luôn có óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Cùng với đó, cần quán triệt nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận; trực tiếp là Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Nghị quyết 49-NQ/QUTW, ngày 26-01-2015 của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”; các chỉ thị, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị về công tác dân vận và những vấn đề đặt ra đối với công tác này hiện nay, v.v. Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ đối với công tác dân vận; thực hiện tốt công tác dân vận không chỉ là chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, mà còn là trách nhiệm, tình cảm, sự gắn bó máu thịt với nhân dân, là sự đền đáp công lao nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che của nhân dân. Đồng thời, kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác dân vận, nhất là nhận thức, trách nhiệm, phương pháp, kỷ luật trong quan hệ quân dân; đảm bảo cho công tác dân vận luôn khẳng định vai trò trong thực tiễn, thực sự là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, thực hiện quân với dân một ý chí. 

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị đối với công tác dân vận. Làm theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ai phụ trách dân vận?”, đó là: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ Đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách dân vận”5, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp nêu cao trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Đây là nội dung, biện pháp có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của Quân đội. Quân ủy Trung ương tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành các chỉ thị, thông tư, chương trình hành động về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, Quy chế Dân chủ ở cơ sở để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, tình hình thực tiễn tại đơn vị đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, phân công cấp ủy viên phụ trách, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện gắn với chức trách, nhiệm vụ trên từng cương vị. Cơ quan chính trị và cán bộ chính trị các cấp tham mưu giúp lãnh đạo, chỉ huy chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; gắn công tác dân vận với nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, kỷ luật dân vận; đảm bảo mọi lời nói, hành động của cán bộ, chiến sĩ luôn được dân tin, dân yêu và dân hưởng ứng làm theo. Qua đó, không ngừng tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là các địa bàn chiến lược.

Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp công tác dân vận phù hợp với từng địa bàn và từng loại hình đơn vị. Tập trung thực hiện tốt hình thức: kết nghĩa, hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, thành lập tổ công tác, tăng cường cán bộ cho cơ sở; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát hiện và nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả có ý nghĩa chính trị cao. Đồng thời, gắn thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị với phong trào Thi đua yêu nước của địa phương, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” và các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Quân đội phát động. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,… góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng trên địa bàn đóng quân thực hiện có hiệu quả công tác dân vận. Phát huy vai trò cơ quan quân sự địa phương là trung tâm hiệp đồng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; đồng thời, là trung tâm phối hợp hiệp đồng với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn tiến hành công tác dân vận. Để việc phối hợp đạt mục đích, yêu cầu đề ra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm địa bàn, thế mạnh của từng lực lượng để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, sát từng đối tượng; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay, những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết, chia sẻ trách nhiệm, đảm bảo cho công tác dân vận theo đúng chỉ dẫn trong bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Định kỳ từng thời gian, từng nhiệm vụ, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, đề ra những biện pháp tiến hành sao cho công tác dân vận thực sự là mặt công tác quan trọng của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Chú trọng phối hợp với các lực lượng kiên quyết đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhân dân, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.

Năm là, thường xuyên quan tâm kiện toàn, xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ dân vận các cấp có chất lượng cao, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, có kỹ năng công tác dân vận, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, hướng dẫn dân làm, làm dân tin” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là những cán bộ công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh; cán bộ dân vận chuyên trách là con em đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, có kiến thức cần thiết về kinh tế - xã hội, phong tục tập quán và ngôn ngữ để có phương pháp tiến hành phù hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận.

Mặc dù ra đời đã 70 năm, nhưng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài báo “Dân vận” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Toàn quân tiếp tục thấu triệt những lời chỉ dẫn quý báu đó của Người để thực hiện tốt chức năng “đội quân công tác”, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, giữ gìn cội nguồn sức mạnh để tăng cường, phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
_____________

1, 2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.

3 - 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc.

4 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 232.

5 - Sđd, tr. 233.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.