Thứ Sáu, 22/11/2024, 19:45 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Năm 2012 đánh dấu những mốc quan trọng trong quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào: 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (18-7-1977 – 18-7-2012) và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05-9-1962 – 05-9-2012). Cùng với các hoạt động hợp tác thiết thực khác, quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Lào cũng được coi trọng, phát triển lên tầm cao mới.
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; có mối quan hệ đặc biệt keo sơn, chung vận mệnh lịch sử. Từ rất sớm, nhân dân hai nước đã đoàn kết gắn bó bền chặt cùng chống thù chung, bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Từ khi Đảng Cộng sản (ĐCS) Đông Dương ra đời và lãnh đạo cách mạng, mối quan hệ, tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào được nâng lên tầm cao, trở thành tài sản vô giá và là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tư tưởng chỉ đạo chiến lược “Đông Dương là một chiến trường”, lãnh đạo hai nước thống nhất xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp với chiến trường chính Việt Nam. Thực hiện chủ trương trên, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã cử nhiều cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp, giúp đỡ nhân dân Lào đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, trong bất luận hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam cũng luôn kề vai sát cánh với quân và dân Lào vừa chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; vừa tiến hành xây dựng, củng cố chính quyền, đoàn thể cách mạng, lực lượng vũ trang (LLVT), vừa đẩy mạnh chiến tranh nhân dân chống địch. Kết quả của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa Quân đội và nhân dân hai nước là những thắng lợi vang dội trên khắp chiến trường Thượng, Trung, Hạ Lào trong các năm 1951, 1952 và 1953, tạo bước ngoặt quan trọng cho cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và nhân dân Đông Dương. Đặc biệt, với chiến thắng Thượng Lào - giải phóng Sầm Nưa năm 1953, phòng tuyến sông Nậm U đầu năm 1954, đã hỗ trợ và góp phần to lớn cho quân và dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào phát triển lên đỉnh cao của hình thức liên minh chiến lược trực tiếp chống đế quốc, trở thành một mẫu mực về tình đoàn kết, chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau trên mọi lĩnh vực. Thủy chung với tình hữu nghị truyền thống, trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, Đảng, Nhà nước và QĐND Việt Nam đã giúp đỡ, hỗ trợ đến mức cao nhất (cả về vật chất lẫn tinh thần) cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân các bộ tộc Lào. QĐND Việt Nam đã cùng Quân đội giải phóng nhân dân Lào1 mở nhiều chiến dịch thắng lợi, như: Sầm Nưa (9-1960), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (01-1961), Nậm Thà (1962), Nậm Bạc (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (mùa mưa 1972)…, đánh bại từng bước chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, rồi “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ ở Lào, kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nhân dân các bộ tộc Lào. Đáp lại, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Lào đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, hết lòng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong mọi thời đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến, đặc biệt là việc mở tuyến phía Tây trên đất Lào và bảo vệ con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Nhân dân và Quân đội Lào đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã dệt nên tình đoàn kết quốc tế vĩ đại, đúng như Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cay Xỏn Phôm-vi-hản khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như vậy”.
Kế tục truyền thống và kinh nghiệm hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Quân đội hai nước trong 30 năm chiến tranh giải phóng, từ năm 1976 đến nay, dưới sự lãnh đạo của ĐCS Việt Nam, QĐND Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng QĐND Lào trong các hoạt động tiễu phỉ, tăng cường quốc phòng, tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền của mỗi nước, góp phần đập tan âm mưu phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi chế độ XHCN ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, lợi dụng tình hình khó khăn của phong trào cách mạng thế giới, các thế lực thù địch tiến hành chiến lược "Diễn biến hoà bình" với nhiều thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt nhằm chia rẽ liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, phá hoại mối tình đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của ĐCS Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Quân đội hai nước một lần nữa nêu cao bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, luôn kề vai sát cánh bên nhau, ra sức tăng cường sự nghiệp quốc phòng của mỗi nước, làm thất bại âm mưu chia rẽ, phá hoại liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước ngày càng đạt kết quả tốt đẹp. Liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào càng qua nhiều thử thách cam go, càng bền vững, thủy chung, trong sáng.
Những thập niên đầu thế kỷ XXI, trước sự biến đổi mạnh mẽ của tình hình quốc tế và khu vực, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung, hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực quốc phòng nói riêng đã và sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước; góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong bối cảnh đó, để phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2020 trong lĩnh vực quốc phòng có ý nghĩa to lớn. Để thực hiện tốt chiến lược này, cần giải quyết tốt mấy vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, hơn lúc nào hết, phải vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của ĐCS Việt Nam về đoàn kết quốc tế để nâng tầm quan hệ hợp tác quốc phòng (HTQP) Việt Nam - Lào. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ĐCS Việt Nam luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa quốc tế trong sáng, kết hợp nhuần nhuyễn, đúng đắn lợi ích dân tộc với nghĩa vụ quốc tế trong quan hệ ba nước Đông Dương nói chung cũng như trong quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào nói riêng. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học và sâu sắc tính tất yếu khách quan của tình đoàn kết đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lào và Việt là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết... Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi”2. Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta càng phải thấm nhuần lời dạy đó của Người, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của ĐCS Việt Nam, tiếp tục tăng cường liên minh chiến lược đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quân đội. QĐND Việt Nam phải luôn sát cánh cùng QĐND Lào trong các hoạt động xây dựng LLVT, bảo vệ độc lập, chủ quyền của mỗi nước; xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, tạo sự ổn định về chính trị. Sự thống nhất trong HTQP thể hiện trong việc đánh giá tình hình, xác định nhiệm vụ, xây dựng các kế hoạch phối hợp hành động giữa Quân đội hai nước. Ngoài ra, quán triệt sâu sắc đường lối đoàn kết quốc tế của ĐCS Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, QĐND Việt Nam phải xác định nhiệm vụ hợp tác, giúp đỡ QĐND Lào là vinh dự và trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ. Ngược lại, Quân đội và nhân dân Lào cũng tạo những điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, phải đổi mới mạnh mẽ nội dung HTQP Việt Nam - Lào trong bối cảnh lịch sử mới. Trên tinh thần lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã thống nhất, QĐND Việt Nam và QĐND Lào cần duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp. Thông qua đó, tạo sự thống nhất cao từ tầm chiến lược, trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng quân đội, phát triển khoa học - công nghệ quân sự, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động, cùng nhau phối hợp làm vô hiệu hóa hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước. Quan hệ HTQP Việt Nam - Lào thời kỳ mới phải tập trung vào nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả trong công tác dự báo, tham mưu chiến lược quốc phòng để xây dựng, hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước; chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, hạn chế được nguy cơ và tận dụng tốt thời cơ do toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế mang lại. Trong quan hệ hợp tác xây dựng lực lượng, trên tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt, QĐND Việt Nam sẽ tiếp tục cử chuyên gia có kinh nghiệm sang giúp QĐND Lào, nhất là việc tổng kết kinh nghiệm lịch sử để vận dụng vào huấn luyện, xây dựng QĐND Lào tiến lên chính quy, hiện đại. Đồng thời, chúng ta cũng sẵn sàng đón nhận lưu học sinh nước bạn sang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sức chiến đấu cho đội ngũ sĩ quan QĐND Lào. Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động cho chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam thăm lại chiến trường Lào; xây dựng các tượng đài về tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Việt Nam tại Lào…
Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, Quân đội hai nước phải tích cực hợp tác với quân đội các nước ASEAN và các nước ở ngoài khu vực trong việc đảm bảo an ninh, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là trong phòng, chống các thảm họa thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn các loại tội phạm, khủng bố... Đặc biệt, thực hiện cam kết của ASEAN, Quân đội hai nước đã và đang mở rộng hợp tác với quân đội các nước thành viên góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột (kinh tế, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội) vào năm 2015.
Ba là, coi trọng đổi mới phương thức hợp tác là nhân tố quyết định đến thành công của quan hệ HTQP Việt Nam – Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhiều lần nhắc nhở cán bộ giúp bạn để bạn tiến bộ và có thể tự làm lấy. Người còn căn dặn những cán bộ Việt Nam trực tiếp làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào rằng: giúp nhiều nhất cũng chỉ được 1/10, còn tự lực là 9/10. Những tư tưởng đó của Đảng, Bác Hồ đến nay vẫn nguyên giá trị trong chỉ đạo việc đổi mới phương thức HTQP Việt Nam - Lào. Hiện nay, quan hệ HTQP Việt Nam - Lào phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt. Trong mối quan hệ ấy, Việt Nam đã giúp Lào một các thiết thực, hiệu quả, góp phần to lớn vào sự nghiệp củng cố quốc phòng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Trong thời gian tới, mục tiêu của chúng ta là giúp lực lượng quốc phòng bạn tự đảm đương nhiệm vụ; tập trung đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng để bạn vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ, làm chủ vũ khí, khí tài. Chúng ta giúp để bạn tự làm, làm cho lực lượng quốc phòng bạn mạnh lên và có sự hỗ trợ, tác động tích cực trở lại đối với lực lượng quốc phòng của Việt Nam là chủ trương chiến lược. Điều đó sẽ làm cho QĐND Việt Nam và QĐND Lào ngày càng phát triển, góp phần hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Bốn là, trong hợp tác, phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, phong tục, tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào. Trong quá trình giúp đỡ cách mạng hai nước Lào và Cam-pu-chia, Đảng, Bác Hồ luôn đề cao nguyên tắc dân tộc tự quyết. Đảng ta đã chỉ rõ: "Chủ trương gì có quan hệ tới Lào, Miên thì phải do Lào, Miên tự giải quyết. Không đem chủ trương của Việt Nam ứng dụng vào Lào, Miên như lắp máy. Đứng trên nguyên tắc dân tộc tự quyết thì việc gì cũng được Bạn đồng ý mới làm"3. Bác Hồ cũng thường xuyên căn dặn, càng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau hết lòng thì càng phải tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau; kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc dưới mọi màu sắc. Quán triệt tư tưởng đó, lãnh đạo Quân đội hai nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ HTQP lên tầm cao mới theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc và công cuộc phát triển đất nước ở mỗi nước. Lãnh đạo Quân đội hai nước đã nhất trí tiếp tục củng cố, tăng cường sự gắn bó, tin cậy và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong những vấn đề có tính chất chiến lược giữa hai Quân đội; luôn nhạy bén, tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng và có bước đi thích hợp để vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước. Đây là vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa là bài học được đúc kết từ lịch sử.
Năm là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Đây là việc làm có ý nghĩa đặc biệt, quyết định tới sự phát triển bền vững của HTQP hai nước hiện tại và tương lai. Trước mắt, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần thực hiện tốt các hoạt động kỷ niệm 35 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác và 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào theo tinh thần lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã xác định. Các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để mọi cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam hiểu rõ nhiệm vụ, nêu cao tinh thần tích cực, chủ động, tinh thần quốc tế vô sản trong các hoạt động hợp tác với QĐND Lào. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong LLVT cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, phải là những chiến sĩ xung kích trong tuyên truyền đường lối, chính sách đối ngoại và nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Quân đội, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Trải qua quá trình đấu tranh gian khổ đầy hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt, quan hệ HTQP Việt Nam - Lào đã khẳng định tầm vóc lớn lao, sức sống mãnh liệt và giá trị thời đại của nó. Lịch sử cũng như xu hướng phát triển tình hình thế giới, khu vực và mỗi nước đều cho thấy, HTQP đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những trụ cột rất quan trọng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ HTQP Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và thu được nhiều thành công mới.
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
_______________
1 - Năm 1982 đổi tên thành QĐND Lào.
2 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 139.
3 - Quan hệ Việt -Lào, Lào - Việt, Nxb CTQG, H. 1993, tr. 127.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới