Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 17/11/2011, 09:42 (GMT+7)
Phát huy vai trò phụ nữ Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Là một bộ phận của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội (PNQĐ) có vai trò to lớn trong các cuộc kháng chiến trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới ngày nay. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới đòi hỏi phải tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của PNQĐ, góp phần bảo đảm cho toàn quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

 

alt
Đại biểu phụ nữ Quân đội điển hình tiên tiến báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2010)
Trong những năm qua, PNQĐ đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình, góp phần tích cực vào việc tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội. Công tác phụ nữ (CTPN) trong Quân đội đã triển khai các hoạt động có nền nếp, hiệu quả; luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Quân đội và các chương trình công tác trọng tâm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (HLHPN) Việt Nam; luôn coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức triển khai các phong trào, các hoạt động phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ, tạo sự chuyển biến mới về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Tổ chức Hội Phụ nữ (HPN) trong Quân đội thường xuyên được kiện toàn vững mạnh, thực sự làm tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chị em; đồng thời, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo và tạo điều kiện cho chị em phấn đấu, trưởng thành. Vai trò, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định vững chắc, xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng, là bộ phận ưu tú của HLHPN Việt Nam; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tuy nhiên, phong trào phụ nữ và CTPN trong Quân đội ở một số cơ quan, đơn vị triển khai chưa đồng đều; một số ít HPN cơ sở chưa tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động. Trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, kiến thức quân sự của một bộ phận PNQĐ chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Công tác cán bộ nữ theo tinh thần Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về CTPN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước có mặt còn hạn chế. Sự phối hợp hoạt động của HPN ở một số đơn vị với HPN và các tổ chức quần chúng của địa phương nơi đóng quân còn chưa thường xuyên. Tỷ lệ cán bộ nữ qua đào tạo và tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của lực lượng PNQĐ... Nguyên nhân chủ yếu của tình hình đó là do nhận thức của một số cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ và CTPN trong thời kỳ mới; một số ít cán bộ Hội cơ sở còn thiếu nhạy bén trong tham m­ưu đề xuất đổi mới nội dung, hình thức hoạt động của Hội cho phù hợp với điều kiện của đơn vị; một số hội viên chư­a thực sự nhiệt tình, thiếu tích cực phấn đấu vươn lên...

Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của PNQĐ, cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị và tổ chức PNQĐ các cấp cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9, phương hướng, nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang 5 năm (2011 - 2016) và Chương trình công tác của Trung ương HLHPN Việt Nam, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về CTPN thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước của Quân ủy Trung ương. Trên cơ sở đó, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của PNQĐ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào PNQĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị. Theo đó, trong thời gian tới, phong trào phụ nữ và công tác PNQĐ cần phát huy tốt vai trò của PNQĐ trong thời kỳ mới; động viên chị em tích cực học tập, lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và tích cực xây dựng gia đình hạnh phúc. Toàn quân tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan CTPN trong Quân đội và HPN cơ sở vững mạnh; làm tốt chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; xây dựng người PNQĐ “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bình đẳng giới. Để thực hiện tốt vấn đề đó, các cấp cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, cần chú trọng những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức trong xã hội nói chung, trong Quân đội nói riêng về vai trò của PNQĐ thời kỳ mới. Các đơn vị chú ý giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Quân đội về vai trò của phụ nữ nói chung, PNQĐ nói riêng trong thời kỳ mới; đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Công tác tuyên truyền cần chú trọng giới thiệu rộng rãi về: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Pháp lệnh Dân số, Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình; làm cho tinh thần các nội dung trên trở thành hiện thực trong xã hội và Quân đội. Các đơn vị và tổ chức phụ nữ (TCPN) các cấp cần thường xuyên giáo dục nâng cao lòng yêu nước XHCN, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng; nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, của “Bộ đội Cụ Hồ” đối với chị em PNQĐ. Đồng thời, chú ý động viên PNQĐ tích cực thực hiện bình đẳng giới, phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chí: có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa, lòng nhân hậu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và chăm lo xây dựng gia đình theo chuẩn mực: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Cùng với đó, các cấp cần chú ý phổ biến và trang bị cho chị em các kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; thực hiện nếp sống văn minh ở khu dân cư, chủ động phòng chống các tệ nạn xã hội. Phát huy tốt vai trò của TCPN trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh.

Hai là, nâng cao vai trò tham mưu của TCPN đối với cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên trong lãnh đạo, chỉ đạo CTPN. Thực hiện tốt vấn đề này sẽ đề cao được trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chức năng các cấp trong triển khai thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em; đảm bảo cho phụ nữ được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, tiêu chuẩn theo đúng quy định của Nhà nước và Quân đội. Cũng trên cơ sở đó, các đơn vị thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới, các chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ, nhất là trong các lĩnh vực: lao động - việc làm, giáo dục - đào tạo, bảo hiểm xã hội, hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bà mẹ và trẻ em... Cùng với đó, các cấp cần có chính sách khuyến khích, quan tâm hỗ trợ phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ người dân tộc thiểu số và chị em công tác ở vùng sâu, vùng xa... TCPN các cấp cần chú ý tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong việc khảo sát, đánh giá, rà soát những vấn đề còn bất cập trong thực hiện các chính sách đối với phụ nữ, làm cơ sở để đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, tạo điều kiện cho phụ nữ hoàn thành tốt vai trò xã hội, chức năng người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Đồng thời, chú ý đề xuất việc bổ sung các chế độ, chính sách có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ phù hợp với yêu cầu của thực tế. Các cấp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện có hiệu quả Đề án của Trung ương HLHPN Việt Nam về “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ giai đoạn 2012 - 2017”. Gắn với đó, có nhiều biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan trực tiếp đến bình đẳng giới, đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; có biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; nâng cao nhận thức và năng lực để phụ nữ thực hiện quyền dân chủ, trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến, giám sát, khả năng tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ba là, PNQĐ tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ TCPN đẩy mạnh các phong trào thi đua; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “PNQĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.TCPN các cấp tiếp tục triển khai sâu rộng các cuộc vận động: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”1, “Xây dựng xã hội học tập”, “Nhà nghĩa tình đồng đội”, “Mái ấm tình thương”... để các cuộc vận động này trở thành những hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc; góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương và đơn vị. Cần tập trung hướng các phong trào thi đua của phụ nữ vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quân đội, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá kết quả CTPN ở từng cấp. Cùng với đó, PNQĐ cần tham gia tích cực các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Quân đội, các đoàn thể quần chúng phát động; thực hiện tốt các phong trào: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xoá đói, giảm nghèo”; xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng gia đình văn hoá; phát huy tính tự giác, tích cực học tập, rèn luyện về mọi mặt; đồng thời, tích cực đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Chú ý kết hợp chặt chẽ phong trào hành động cách mạng của PNQĐ với phong trào Thi đua Quyết thắng; các tổ chức quần chúng khác trong đơn vị và địa phương nơi đóng quân, bằng các hình thức, như: kết nghĩa, ký kết các chương trình phối hợp hoạt động; qua đó, để nâng cao hiệu quả CTPN, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện... TCPN các cấp phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; xác định được các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp hoạt động cụ thể sát với từng đối tượng hội viên và loại hình HPN cơ sở. Các đơn vị cần coi trọng việc chỉ đạo điểm xây dựng mô hình HPN xuất sắc; kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng. Chú ý làm tốt việc xây dựng tiêu chí người PNQĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước; đề cao những tấm gương tiêu biểu, tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt” sâu rộng trong phụ nữ toàn quân. Đồng thời, quan tâm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội và trước những đòi hỏi đặt ra với phụ nữ trong thời kỳ mới, để kịp thời động viên khích lệ cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia vào các phong trào, các hoạt động của đơn vị.

Bốn là, xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan CTPN trong Quân đội và HPN cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các cấp cần chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống cơ quan CTPN trong Quân đội thật sự vững mạnh, làm tốt vai trò, chức năng tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động có hiệu quả. Để thực hiện tốt điều đó, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, phương pháp vận động quần chúng, khả năng triển khai thực hiện các phong trào hành động cách mạng của PNQĐ và đội ngũ cán bộ làm CTPN chuyên trách (nhất là ở cơ sở). TCPN các cấp cần thực hiện có nền nếp quy chế CTPN; thường xuyên sửa đổi, bổ sung kịp thời những điểm chưa phù hợp; triển khai hoạt động có hiệu quả CTPN, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác giáo dục mầm non trong Quân đội. Các đơn vị tích cực đổi mới, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động phụ nữ trong Quân đội, đảm bảo cho CTPN trong Quân đội hoạt động đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực. Các đơn vị cần đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động CTPN, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác giáo dục mầm non; lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác kết nghĩa, phối hợp hoạt động giữa các tổ chức quần chúng trong đơn vị với các HPN trên địa bàn đóng quân.

Với tinh thần “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang”, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, PNQĐ cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, để cùng với phụ nữ cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng ĐÀO DUY MINH

Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

_________

1 - 5 không: không vi phạm pháp luật; không tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và thất học. 3 sạch: sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước