Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 19/10/2023, 06:41 (GMT+7)
Nâng cao khả năng tác chiến đối không đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giành thắng lợi trên mặt trận đối không, nhất là trong giai đoạn đầu của chiến tranh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Vì vậy, nâng cao khả năng tác chiến đối không, đánh bại tiến công hỏa lực đường không của địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu được giao trong mọi tình huống là yêu cầu quan trọng, cấp thiết cả trước mắt và lâu dài.

Tác chiến đối không là hoạt động tác chiến có tổ chức của các đơn vị lực lượng vũ trang mà nòng cốt là lực lượng Phòng không ba thứ quân nhằm đánh bại các cuộc tiến công đường không, đổ bộ đường không, hành động xâm phạm vùng trời của địch, bảo vệ an toàn mục tiêu được giao, bảo vệ an toàn cho nhân dân và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đặc điểm nổi bật của tác chiến đối không có tính tổng hợp cao; diễn ra khẩn trương, ác liệt, phức tạp, thế bố trí luôn biến động; không gian tác chiến rộng; bảo đảm mọi mặt rất lớn và phức tạp.

Trong chiến tranh giải phóng trước đây, chúng ta đã có những kinh nghiệm quý trong xây dựng lực lượng, thế trận phòng không cũng như tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến. Tuy nhiên, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cả địch, ta và môi trường tác chiến sẽ có nhiều thay đổi, phát triển. Đặc biệt, địch sẽ triệt để tận dụng ưu thế về lực lượng, phương tiện, sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh, tác chiến không gian mạng rộng rãi, kết hợp tác chiến “phi tiếp xúc” với “trực tiếp tiếp xúc”, tăng cường sử dụng phương tiện bay không người lái để trinh sát, chỉ thị mục tiêu, tiến công cảm tử; kết hợp tiến công hỏa lực đường không từ bên ngoài vào với gây bạo loạn lật đổ từ bên trong,... để nhanh chóng đạt mục đích đề ra. Tình hình đó đòi hỏi khả năng tác chiến đối không của ta cũng phải có sự thay đổi, phát triển cho phù hợp. Trong đó, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, nâng cao trình độ, khả năng tác chiến và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng là vấn đề then chốt, cấp bách.

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10, Trung đoàn 224, Sư đoàn 375

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các chiến lược chuyên ngành, trực tiếp là Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự, lực lượng Phòng không ba thứ quân và thế trận phòng không đã được đầu tư xây dựng, củng cố ngày càng vững chắc. Quân chủng Phòng không - Không quân, lực lượng Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật,… được đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Công tác huấn luyện, diễn tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự và nghệ thuật tác chiến phòng không luôn được coi trọng. Trên cơ sở tổ chức các chiến trường, chúng ta đã tổ chức các cụm lực lượng Phòng không, Không quân phù hợp, bảo đảm tác chiến trong điều kiện bị chia cắt chiến lược; đồng thời, quan tâm thích đáng đến chiến trường biển, đảo. Bên cạnh đó, hệ thống ra đa, trận địa phòng không, sân bay, hệ thống sở chỉ huy, cơ sở hậu cần, kỹ thuật cũng được củng cố; xây dựng được thế trận phòng không ba thứ quân hiểm hóc, liên hoàn, có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là trên các hướng, địa bàn chiến lược, bảo đảm trinh sát phát hiện địch trên không, thông báo, báo động kịp thời cho các lực lượng đánh địch và nhân dân phòng tránh.

Bộ Quốc phòng đã tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về phối hợp, hiệp đồng, phân cấp quản lý, bảo vệ vùng trời, quản lý, điều hành bay vững chắc. Toàn quân đã phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp, hiệp đồng với các ban, bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình trên không; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, xử lý kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ, lỡ thời cơ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc nâng cao khả năng tác chiến đối không cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước hết, công tác nghiên cứu, nắm địch trên không còn chưa sát. Khả năng chống địch đột nhập đường không, chống tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn. Việc xây dựng thế trận, lực lượng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp, hiệp đồng trong phát hiện, thông báo, báo động giữa các đơn vị, lực lượng có thời điểm tiến hành chưa chặt chẽ; khả năng làm chủ vũ khí, khí tài mới, cải tiến có mặt còn hạn chế, v.v.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ quân sự nhờ ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xuất hiện nhiều loại vũ khí mới “thông minh”, hiện đại, độ chính xác cao, trong đó có phương tiện bay không người lái. Điều đó tạo ra các mối đe dọa, thách thức mới, dẫn đến sự phát triển mang tính đột phá và khó lường về phương thức, thủ đoạn trong tác chiến tiến công đường không. Trong bối cảnh đó, để nâng cao khả năng tác chiến đối không, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu chiến lược liên quan đến tác chiến đối không. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để Tổ quốc không bị bất ngờ trong mọi tình huống; đồng thời, là cơ sở đề ra chủ trương, giải pháp lớn mang tính định hướng và tầm nhìn chiến lược đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung và tác chiến đối không nói riêng trong tình hình mới. Cần tiếp tục phát huy vai trò, sự phối hợp, hiệp đồng của các cơ quan chiến lược trong việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình có liên quan, nhất là về đối tác, đối tượng. Trong đó, đi sâu vào đối tượng tác chiến phòng không; những vấn đề mới về tổ chức, biên chế lực lượng, vũ khí, trang bị của lực lượng không quân đối phương; tình hình diễn tập qua các năm; âm mưu, thủ đoạn, phương thức tiến công hỏa lực đường không; dự báo các hình thái chiến tranh, phương án tiến công hỏa lực đường không trên từng chiến trường và phạm vi cả nước. Từ đó, tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp toàn diện nhằm chủ động phòng, chống các nguy cơ có thể xảy ra từ sớm, từ xa và xử lý tốt các tình huống trên không, quyết không để bị động, bất ngờ.

Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác, xây dựng ý chí, bản lĩnh và quyết tâm chiến đấu cho các lực lượng ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Đây là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi trên mặt trận đối không, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các lực lượng của ta phải đối phó với kẻ địch có tiềm lực về vũ khí, trang bị lớn hơn nhiều lần. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là nhiệm vụ tác chiến đối không và những thách thức đang đặt ra, kể cả thách thức truyền thống và phi truyền thống. Tăng cường giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần, niềm tin vào nghệ thuật tác chiến, cách đánh của ta, tin tưởng vào khả năng, sức mạnh của các loại vũ khí, trang bị hiện có. Đặc biệt, chú trọng giáo dục tinh thần “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” của Quân đội ta. Đồng thời, thường xuyên thông tin, cập nhật những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ; làm rõ âm mưu, thủ đoạn cùng những ưu điểm, hạn chế của các loại vũ khí, khí tài mới của địch,... để nghiên cứu cách đánh phù hợp và xây dựng ý chí, quyết tâm chiến đấu cao cho bộ đội.

Không quân nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ

Ba là, xây dựng các lực lượng tham gia tác chiến đối không tinh, gọn, mạnh, gắn với xây dựng thế trận phòng không liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, có trọng điểm. Đây là giải pháp quan trọng, xuyên suốt tác động trực tiếp đến khả năng tác chiến của các lực lượng và nghệ thuật tác chiến đối không trong tình hình mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Do đó, phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng Phòng không ba thứ quân vững mạnh, rộng khắp gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên từng địa bàn, đủ sức đánh bại các cuộc tiến công đường không trong mọi tình huống. Tăng cường đầu tư xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại; từng bước hiện đại hóa lực lượng Phòng không Lục quân phù hợp với lộ trình xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại. Tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề xuất, điều chỉnh lực lượng trong biên chế của một số đơn vị, binh chủng, tổ chức lực lượng Phòng không chuyên trách đánh địch trên không, nhất là các phương tiện bay không người lái. Tăng cường xây dựng các lực lượng khác tham gia tác chiến đối không, như: Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử, Tác chiến không gian mạng, v.v. Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh thế trận tác chiến đối không trên phạm vi cả nước và trên từng chiến trường, đảm bảo liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, có trọng điểm, phù hợp với thế trận tác chiến chiến lược, chiến dịch, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, gắn kết chặt chẽ với thế trận phòng không nhân dân trên từng vùng, miền chiến lược và cả nước.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng, cần quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập cho các lực lượng. Thực hiện huấn luyện toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu đối với từng đối tượng mục tiêu, phù hợp với điều kiện tác chiến mới và tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị, cách đánh của từng lực lượng.

Các đơn vị chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ hiệp đồng kíp chiến đấu, xử lý các tình huống tác chiến phòng không; cách thức, phương pháp trinh sát, quan sát, phát hiện các mục tiêu bay ở độ cao thấp có tiết diện phản xạ hiệu dụng nhỏ, như: máy bay tàng hình, các phương tiện bay không người lái loại nhỏ hoặc siêu nhỏ, v.v. Tổ chức hệ thống thông báo, báo động kịp thời đến các đơn vị hỏa lực, triển khai lực lượng chiến đấu hiệu quả, bảo vệ vững chắc mục tiêu. Tổ chức khai thác, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài mới, hiện đại được biên chế; luyện tập cho bộ đội thuần thục các tình huống đánh địch đột nhập đường không trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết. Huấn luyện nâng cao khả năng cơ động, nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập có thực binh 1 bên 2 cấp và từng bước tổ chức diễn tập 2 bên, 2 cấp có thực binh quy mô vừa, kết hợp diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng với kiểm tra bắn, ném bom đạn thật, v.v.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định số 2582/QyĐ-TM, ngày 31/8/2022 của Tổng Tham mưu trưởng về “Quy định chế độ sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân và lực lượng Phòng không, Không quân toàn quân”, “4 biết”1 trong quản lý vùng trời và các nghị định, chỉ thị, quyết định của Chính phủ. Thường xuyên bổ sung hệ thống văn kiện chiến đấu, tổ chức lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến phòng không - không quân kết nối đến toàn bộ sở chỉ huy các lữ đoàn Phòng không trong toàn quân. Tiếp tục nâng cấp hệ thống xử lý, truyền tình báo thông tin ra đa theo hướng tự động hóa, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án VQ2 đồng bộ, thống nhất trong Quân chủng Phòng không - Không quân và hoàn chỉnh hệ thống thông báo, báo động Phòng không, Không quân ứng dụng công nghệ thông tin (TB-18) vào phục vụ cho quản lý vùng trời quốc gia.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm. Để bảo đảm sự tập trung, thống nhất cao trong hành động, tạo điều kiện thuận lợi và phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến đối không cần tiếp tục nghiên cứu tổ chức hệ thống sở chỉ huy các cấp một cách khoa học, hợp lý, phân cấp rõ ràng, sức sống cao, làm việc tin cậy, ổn định, nhất là trong điều kiện địch tiến hành tác chiến điện tử mạnh, tác chiến không gian mạng rộng rãi, sử dụng vũ khí công nghệ cao để vô hiệu hóa khả năng chỉ huy, hiệp đồng của ta cũng như trong trường hợp đất nước bị chia cắt chiến lược. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác chỉ huy.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trì phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng liên quan chủ động tổ chức nắm chắc tình hình trên không, từ xa đến gần; phát hiện, thông báo, báo động phòng không, xử lý chính xác, kịp thời các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chú trọng hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị Phòng không Lục quân triển khai điều chỉnh, bổ sung quyết tâm, kế hoạch tác chiến, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng trên từng hướng, địa bàn sát với tình hình thực tiễn. Khi có tình huống tác chiến, căn cứ vào hoạt động tác chiến của Quân chủng các lực lượng Phòng không quân khu, quân đoàn và Phòng không địa phương sử dụng lực lượng đánh phối hợp, đánh địch rộng khắp trên địa bàn, tạo điều kiện cho Quân chủng tổ chức các trận đánh hiệp đồng hay các chiến dịch Phòng không để bảo vệ các mục tiêu được giao.

Cùng với các nội dung trên, với đặc thù của tác chiến trên mặt trận đối không, các đơn vị cần quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm tác chiến. Đặc biệt, chú trọng làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các mặt bảo đảm chuyên ngành cho lực lượng Phòng không, Không quân nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực tác chiến của các lực lượng trên mặt trận đối không, đủ sức giành thắng lợi trong mọi tình huống.

Năm là, không ngừng nghiên cứu, phát triển kỹ thuật quân sự và nghệ thuật tác chiến phòng không phù hợp với điều kiện tác chiến mới. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang trên thế giới gần đây và xung đột quân sự Nga - Ukraine hiện nay để đưa ra các dự báo chiến tranh tương lai cho phù hợp. Đồng thời, kết hợp nghiên cứu tình hình phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu bảo vệ các mục tiêu, khả năng của ta và môi trường tác chiến để định hướng nghiên cứu, phát triển kỹ thuật quân sự và nghệ thuật tác chiến phòng không cho sát thực tế. Tập trung nghiên cứu cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; phương pháp tác chiến (cách đánh) mục tiêu trên không của từng lực lượng trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao, phát triển nghệ thuật chiến dịch phòng không, các biện pháp nghi binh, cơ động, ngụy trang để bảo toàn lực lượng, v.v. Trước mắt, để hạn chế tối đa các nguy cơ về quốc phòng, an ninh, cần triển khai thực hiện tốt Đề án của Bộ Quốc phòng về “Tác chiến phòng, chống phương tiện bay không người lái”; nghiên cứu, từng bước hoàn thiện lý luận và bổ sung biên soạn hệ thống tài liệu, giáo trình huấn luyện liên quan đến tác chiến phòng, chống phương tiện bay không người lái; nghiên cứu, đề xuất tham mưu nâng cấp, cải tiến, sản xuất và đầu tư mua mới các loại vũ khí, khí tài chế áp, tiêu diệt các phương tiện bay không người lái đưa vào trang bị, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các bài học kinh nghiệm về tác chiến đối không trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và các cuộc chiến tranh xảy ra trên thế giới gần đây vào thực tiễn nước ta. Nghiên cứu, phát triển lý luận tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử, tác chiến của lực lượng Tên lửa,... để tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Nâng cao khả năng tác chiến đối không trong điều kiện tác chiến mới là vấn đề lớn, tiến hành cả trong thời bình và thời chiến, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lực lượng. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp để tạo cơ sở, tiền đề phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nòng cốt là lực lượng Phòng không ba thứ quân, đánh bại tiến công hỏa lực đường không của địch, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng PHẠM TRƯỜNG SƠN, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam
__________________

1 - Biết kế hoạch bay, biết bay hay chưa bay, bay đến đâu biết đến đó, biết hành động bay trên không.

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.