Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Ba, 12/03/2013, 22:26 (GMT+7)
Nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ

bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, công tác đảng, công tác chính trị đã góp phần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, tạo cơ sở vững chắc cho phát huy sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội ta. Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, việc nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ phải tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc.

 

Nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, thời gian qua, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp đã tập trung quán triệt các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng (QS,QP) của Đảng, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ thị CTĐ,CTCT của Tổng cục Chính trị; bám sát nhiệm vụ của Quân đội, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm túc và phát huy vai trò CTĐ,CTCT trong các nhiệm vụ. Trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), diễn tập, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, CTĐ,CTCT đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức cho bộ đội về vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ này; làm rõ đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời, nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp, phương châm, chỉ lệnh công tác QS,QP vào từng nội dung, khoa mục; kết hợp chặt chẽ giữa công tác huấn luyện với nhiệm vụ diễn tập, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo sự chuyển biến vững chắc trong mọi hoạt động của các đơn vị. Với nhiệm vụ QS,QP địa phương, hoạt động CTĐ,CTCT tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng cho các đối tượng; phát huy vai trò của cơ quan quân sự địa phương làm tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN), xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh và khả năng SSCĐ của bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ; thực hiện tốt công tác động viên, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Trong phòng, chống lụt, bão, cháy, nổ, tìm kiếm, cứu nạn,  CTĐ,CTCT đã làm tốt việc quán triệt, giáo dục, xây dựng tinh thần sẵn sàng xả thân cứu dân trong hoạn nạn cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS); làm tốt công tác chuẩn bị cả về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất; hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan trong dự báo, cảnh báo, thông báo kịp thời, chính xác và ứng phó có hiệu quả các tình huống xảy ra, v.v.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm TCCT và các cán bộ dự Tập huấn CTĐ,CTCT toàn quân năm 2013 (Ảnh: Minh Sơn)

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, hoạt động CTĐ,CTCT trong các nhiệm vụ vẫn còn những hạn chế. Nhận thức về vị trí, vai trò hoạt động CTĐ,CTCT của một số cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên chưa thật đầy đủ; chưa tích cực, chủ động triển khai các nội dung, giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả CTĐ,CTCT trong từng nhiệm vụ. Năng lực tiến hành CTĐ,CTCT của một số cán bộ, nhất là ở cơ sở có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp của cơ quan chính trị các cấp có lúc chưa kịp thời… Bởi vậy, nhận thức về tình hình, nhiệm vụ của một bộ phận CB,CS chưa sâu; hiệu quả thực hiện nhiệm vụ có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; sự chuyển biến về chấp hành kỷ luật ở một số đơn vị còn chậm, vi phạm kỷ luật nghiêm trọng còn xảy ra; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở một số địa phương, đơn vị có nội dung làm chưa tốt, v.v.

Yêu cầu mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi Quân đội phải tăng cường sức mạnh và khả năng SSCĐ; chủ động nắm chắc tình hình, xử lý thắng lợi mọi tình huống; tham gia ứng phó kịp thời, có hiệu quả trong phòng, tránh thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường và phối hợp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Để đáp ứng yêu cầu đó, hoạt động CTĐ,CTCT trong các nhiệm vụ phải có sự đổi mới về nội dung, biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội.

Trước hết, phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; làm cho các cấp, các ngành, các lực lượng và mọi CB,CS quán triệt và nhận thức sâu sắc nhiệm vụ QS,QP, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nội dung giáo dục cần tập trung quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên về nhiệm vụ QS,QP; xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ (như Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư); công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương; các chỉ thị, nghị quyết về công tác QP-AN. Phổ biến sâu rộng Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về Lực lượng dự bị động viên và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh ở từng cấp. Trong đó, phải hết sức chú trọng việc giáo dục, quán triệt Nghị quyết chuyên đề của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện trong tình hình mới; các chỉ lệnh huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và chỉ thị về CTĐ,CTCT trong các nhiệm vụ cho các đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính trị với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục QP-AN, thực hiện nếp sống chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng đơn vị, địa bàn an toàn, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, mất an toàn trong huấn luyện, an toàn bay, an toàn giao thông và các vụ cháy, nổ kho tàng, doanh trại. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải tạo chuyển biến thật sự về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các lực lượng và mọi CB,CS về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, củng cố niềm tin vào vũ khí, trang bị hiện có, cách đánh của ta và quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phải khắc phục những biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác, giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm, ngại khó, ngại khổ, dựa dẫm, ỷ lại, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp; xử lý kiên quyết mọi vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước và các quy định của đơn vị.

Thứ hai, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng. Vừa qua, Đảng bộ Quân đội đã thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua đó, các cấp ủy, tổ chức đảng thấy rõ ưu điểm, khuyết điểm theo ba nội dung mà Nghị quyết xác định và triển khai thực hiện chương trình hành động khắc phục, sửa chữa với tinh thần cầu thị cao. Đây là cơ hội để các tổ chức đảng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, khẳng định vị trí, vai trò trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị. Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, các đơn vị phải làm tốt việc rà soát, kiện toàn, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức đảng phù hợp với yêu cầu lãnh đạo trên các mặt công tác; nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, nhất là trước những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, mới, khó, khắc phục khâu yếu, mặt yếu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp tích cực để chương trình khắc phục khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, một mặt, phải được thể hiện ở việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về các nhiệm vụ: huấn luyện, SSCĐ; QS,QP địa phương; phòng, chống lụt, bão, cháy, nổ, tìm kiếm cứu nạn; tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ… Mặt khác, phải góp phần tạo được bước đột phá về chất lượng huấn luyện, giáo dục - đào tạo, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật; sự chuyển biến rõ rệt về điều chỉnh tổ chức, biên chế; về cải cách hành chính. Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và thực hiện nghiêm các quy chế lãnh đạo những mặt công tác trọng yếu; tích cực đổi mới phương pháp, phong cách lãnh đạo theo hướng sát cơ sở và nhiệm vụ. Thực hiện có hiệu quả việc gắn kết giữa công tác xây dựng Đảng với xây dựng cơ quan quân sự địa phương, đơn vị bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực vững mạnh toàn diện; kịp thời củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực làm tham mưu của cơ quan quân sự các cấp và  Ban Chỉ huy Quân sự ở các cơ quan, tổ chức, bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương đối với nhiệm vụ QS,QP. Các cấp cần tích cực chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, bảo đảm thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp ủy, chính quyền, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QS,QP, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Trước yêu cầu mới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phòng gian, bảo mật, không để địch cài cắm, móc nối vào cơ quan, đơn vị; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ ba, thường xuyên coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tiễn chỉ ra rằng, cơ quan, đơn vị nào xây dựng được đội ngũ cán bộ vững mạnh, thì ở đó sẽ khắc phục được khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ; ngược lại, nếu đội ngũ cán bộ ở đó năng lực hạn chế, trách nhiệm không cao, thiếu gương mẫu thì công việc sẽ trì trệ, sức chiến đấu của tổ chức bị hạn chế, nội bộ mất đoàn kết. Bởi vậy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 769-NQ/QUTW về “Xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, Quy chế công tác cán bộ sửa đổi, bổ sung năm 2012; thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cả về chất lượng, số lượng và cơ cấu; tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, nói đi đôi với làm, gương mẫu đi đầu, chủ động, sáng tạo trong mọi công việc. Cùng với quy hoạch, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường, cấp ủy, cán bộ chủ trì các đơn vị cần thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ; gắn bồi dưỡng tại đơn vị với gửi cán bộ đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ có kinh nghiệm bồi dưỡng cán bộ trẻ, mới ra trường; động viên tính tích cực, tự giác nghiên cứu, học tập của từng đối tượng cán bộ. Việc tập huấn, bồi dưỡng cán bộ được thực hiện theo nội dung, kế hoạch đã xác định; tập trung nâng cao năng lực chỉ đạo, tiến hành CTĐ,CTCT của đội ngũ chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị các cấp trong các loại hình tác chiến, hình thức chiến thuật và hoạt động lãnh đạo của cấp ủy địa phương trong chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, từ thời bình sang thời chiến và tác chiến khu vực phòng thủ. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng cán bộ phải toàn diện (quân sự, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ); đi sâu rèn luyện trình độ chỉ huy, tham mưu và năng lực tiến hành CTĐ,CTCT cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cơ sở; rèn luyện kỹ năng chiến đấu, bản lĩnh chính trị, tâm lý, sức khỏe cho bộ đội. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, hiệu quả tiến hành CTĐ,CTCT cho cơ quan chính trị, đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ quan quân sự địa phương; cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự ở các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, tổ chức ở các địa phương; chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã (phường); thực hiện tốt chế độ, chính sách cán bộ nhằm động viên họ yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.  

Thứ tư, tăng cường công tác dân vận. Cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng kế hoạch, tiến hành công tác dân vận nơi đóng quân, khi đơn vị huấn luyện, hành quân dã ngoại, diễn tập và thực hiện nhiệm vụ SSCĐ. Làm tốt điều đó sẽ là cơ sở bảo đảm cho niềm tin của nhân dân với bộ đội được tăng cường; mối quan hệ đoàn kết quân - dân ngày thêm gắn bó; sự giúp đỡ, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối với đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả thiết thực. Để công tác dân vận đáp ứng yêu cầu đề ra, các đơn vị cần tập trung đổi mới nội dung, hình thức tiến hành, theo hướng: phát huy hiệu quả công tác dân vận đã được khẳng định trong thực tiễn; đồng thời, hiểu rõ phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa của các địa phương, dân tộc để xác định nội dung, biện pháp phù hợp, sát thực tiễn. Chủ động phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, phòng, chống dịch bệnh, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Cùng với đó, bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng theo đúng quy định; tăng cường các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ở các địa phương nơi đóng quân.

Thứ năm, đẩy mạnh các hoạt động thi đua. Các cơ quan, đơn vị cần tổ chức tốt các phong trào thi đua với những nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể, thiết thực; gắn hoạt động thi đua theo phong trào Thi đua Quyết thắng với phong trào Thi đua yêu nước của các ngành, các tổ chức quần chúng, các cuộc vận động; quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, nhất là trong diễn tập, huấn luyện dã ngoại, trực chiến… Mặt khác, phải tích cực xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các nhiệm vụ, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm khơi dậy cho mọi CB,CS ý chí tiến công, sức sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, lập nhiều thành tích trong học tập, công tác, bồi đắp thêm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trên các lĩnh vực, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả CTĐ,CTCT trong các nhiệm vụ là một nội dung cơ bản nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Thực hiện tốt điều đó sẽ góp phần quan trọng để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

 

Trung tướng LƯƠNG CƯỜNG

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Chủ nhiệm TCCT

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước