Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 05/08/2013, 16:48 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trước yêu cầu mới

Là một bộ phận quan trọng trong hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, công tác Tuyên giáo luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.

Hơn 100 năm trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước. Bằng những lý luận và thực tiễn được đúc rút trong quá trình bôn ba ở nước ngoài, được nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Cách mạng Tháng Mười Nga và nắm được yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, mùa Xuân năm 1930, tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Người đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các đảng chính trị theo đường lối Mác-xít ở Việt Nam, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua “Chánh cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt”, “Điều lệ vắn tắt” của Đảng do Người soạn thảo. Chỉ mới 8 tháng sau khi Đảng ra đời, nhân ngày Quốc tế đỏ (ngày 01-8-1930), Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng phát hành tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ mồng 01-8”, lên án chiến tranh đế quốc, kêu gọi giai cấp công nhân và các tầng lớp khác trong xã hội vùng lên chống chủ nghĩa đế quốc, chống áp bức, bóc lột, phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô-viết. Ngày 01 tháng 8 hào hùng đó, sau này được Đảng quyết định là Ngày truyền thống vẻ vang của ngành Tuyên giáo cả nước.

Từ đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, lực lượng làm công tác tuyên truyền, cổ động đã cùng toàn Đảng, toàn dân lấy vũ khí tư tưởng kết hợp với các hình thức, các lực lượng đấu tranh cách mạng chống đế quốc, phong kiến, đòi dân chủ, dân sinh, dân quyền, gắn độc lập dân tộc với CNXH; kết hợp đấu tranh chính trị, tư tưởng với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao… Những chiến sĩ làm công tác tuyên truyền, cổ động đã không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, bám dân, bám phong trào, gan góc chiến đấu, đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng nhân dân, thắp lên trong họ niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi của Đảng, của dân tộc; trong đó, không ít người đã oanh liệt ngã xuống. Họ đã cùng đồng chí, đồng bào biến cái chết thành sự sống bất diệt; biến nhà tù đế quốc, thực dân bạo tàn thành trường học chủ nghĩa cộng sản; biến nhà máy, hầm mỏ, ruộng đồng, làng, bản thành nơi rèn luyện ý chí chiến đấu kiên cường. Hành động bất diệt của họ đã góp phần tạo nên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh; Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940; Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Phát huy truyền thống đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những cán bộ tuyên truyền, cổ động đã thường xuyên bám sát sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua mọi hiểm nguy, chủ động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền, đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (khóa II), Đề cương cách mạng miền Nam đến với nhân dân. Qua đó, góp phần nhen nhóm ngọn lửa đấu tranh, làm bùng lên phong trào “Đồng khởi”, diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, đẩy tới phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, thi đua trở thành Dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy… Lịch sử dân tộc ta và của Đảng mãi khắc ghi sự đóng góp quan trọng của lực lượng tuyên giáo trên các chiến trường, góp phần làm nên những trận đánh lịch sử vang dội ở chiến trường miền Nam (Bình Giã, Ấp Bắc, Núi Thành, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), Thành cổ Quảng Trị mùa Hè năm 1972…); thổi bùng ở hậu phương miền Bắc các phong trào: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”… Họ đã hun đúc nên ý chí: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”,  “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”… Công sức của họ đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm thất bại mọi chiến lược chiến tranh của nhiều đời tổng thống Mỹ áp dụng tại miền Nam Việt Nam, dẫn đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH, thực hiện ý nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc, của bao anh hùng, liệt sĩ [1].

 Đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, nhưng con đường phát triển, đi lên của dân tộc còn lắm chông gai. Cùng với khắc phục những hậu quả to lớn, nặng nề của hai cuộc chiến tranh tàn khốc, đất nước ta lại phải đương đầu với sự bao vây, cấm vận của đế quốc Mỹ cùng các nước phương Tây và hai cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc... Trong bối cảnh đó, ngành Tuyên giáo đã chủ động bám sát thực tiễn, tích cực nghiên cứu, chủ động tham mưu với Đảng hình thành đường lối Đổi mới toàn diện đất nước. Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI vừa đi những bước đầu tiên, thì Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu (trước đây), do sai lầm về đường lối và cả sự phản bội, phân rã từ bên trong, đã lâm vào khủng hoảng sâu sắc và đi đến sụp đổ chế độ. Sự tồn vong của Đảng, của chế độ XHCN ở Việt Nam đứng trước thách thức gay gắt; xu hướng đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đổi hướng, đổi màu nảy nở, tán phát. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” với những thủ đoạn mới, tinh vi. Trong thời điểm khó khăn đó, những người làm công tác tuyên giáo vẫn giữ vững trận địa tư tưởng, tích cực, chủ động tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên CNXH của cả dân tộc. Nhiều vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn, như: cuộc đấu tranh giữa hai con đường XHCN và TBCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới tư duy, nâng tầm năng lực và phong cách lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước; lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm một đảng cầm quyền, xứng đáng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam… được đặt ra, cần lý giải một cách khoa học, rõ ràng. Đây là những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược, cấp thiết, đòi hỏi sự nỗ lực của mọi tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị và nhân dân; trong đó, ngành Tuyên giáo giữ vai trò quan trọng.

Bên cạnh những ưu điểm và thành tựu cơ bản, ngành Tuyên giáo cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nổi lên là, việc nắm bắt, đánh giá, dự báo tình hình có lúc còn bị động, lúng túng; công tác tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền miệng có lúc chưa theo sát và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chất lượng, hiệu quả giáo dục lý luận chính trị còn thấp; công tác tham mưu trong lĩnh vực khoa giáo và kinh tế chưa cao; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới; năng lực, phương pháp, tác phong công tác của những người làm công tác tuyên giáo có lúc, có nơi còn có những hạn chế, yếu kém.

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng đi vào chiều sâu; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, tạo ra nhiều cơ hội to lớn và cả những thách thức không nhỏ. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng được thực hiện qua nhiều “kênh”, cả truyền thống và phi truyền thống, cả chính thống và phi chính thống (qua internet, các website, các blog, weblog, phát thanh, truyền hình, điện thoại di động) [2]; các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, phức tạp. Các thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, báo chí… với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng thâm độc. Trong khi đó, mấy năm gần đây, kinh tế thế giới rơi vào vòng suy thoái, khủng hoảng nợ công ở Tây Âu, biến động chính trị - xã hội ở Bắc Phi, Trung Đông và một số khu vực khác; những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh ở Biển Đông và khu vực Đông Nam Á, Bắc Á... Ở trong nước, lạm phát và suy thoái kinh tế còn ở mức đáng lo ngại; sản xuất, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được khắc phục, đẩy lùi; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn… Điều đó đã đặt ra cho ngành Tuyên giáo những khó khăn, thách thức mới, cần phải được nhận thức đầy đủ; đồng thời, phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, xứng đáng là lực lượng tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xây dựng cốt cách của con người Việt Nam trong thời đại mới.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, ngành Tuyên giáo cần phải có cách tiếp cận, định hướng tư tưởng một cách chủ động, sắc bén, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta nói chung, công tác tuyên giáo của Đảng nói riêng, ngành Tuyên giáo cần nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH; không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đủ sức giải quyết các vấn đề mới, phức tạp do thực tiễn đặt ra. Công tác tuyên giáo cần tập trung hơn nữa vào nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; khẳng định và bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; gắn kết chặt chẽ, thường xuyên công tác xây dựng Đảng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Trước mắt, ngành Tuyên giáo phải làm tốt công tác tuyên truyền những kết quả đã đạt được sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng; phản ánh trung thực những tấm gương điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung vào  phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng lối sống mình vì mọi người, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân… Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến những tấm gương tiêu biểu, đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị theo đúng tinh thần Quy định 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trên cơ sở đó, định hướng, bồi dưỡng, nhân rộng ra toàn xã hội những nhân tố, mô hình mới, hiệu quả; lấy “cái đẹp dẹp cái xấu”; phê phán, khắc phục những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, “dĩ hòa vi quý”, “an phận thủ thường”, thiếu dũng khí trong đấu tranh tự phê bình và phê bình, thờ ơ, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, v.v.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, ngành Tuyên giáo cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo và tham mưu chiến lược cho Đảng ở lĩnh vực công tác được giao; chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, phát hiện, xử lý các vấn đề tư tưởng chính trị, tâm trạng xã hội đặt ra; coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; làm tốt công tác báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, khoa học, giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội… Đồng thời, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu, tính khoa học, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tuyên giáo. Ngành Tuyên giáo phải nhạy bén trong nắm bắt tình hình, dư luận xã hội; chủ động trong những tình huống nảy sinh; kiên định trước cám dỗ của những tệ nạn, sự chống phá quyết liệt của những phần tử cơ hội về chính trị và chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Qua đó, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những thói hư, tật xấu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng, giữ vững niềm tin, sự đồng thuận, thống nhất trong Đảng và trong xã hội, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân. Để làm được điều đó, phải xây dựng ngành Tuyên giáo các cấp vững mạnh, hoạt động theo đúng định hướng tư tưởng, quan điểm của Đảng và yêu cầu phát triển của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ làm công tác tuyên giáo không chỉ vững vàng về bản lĩnh chính trị, mà còn phải tinh thông nghiệp vụ, sắc sảo về chuyên môn; gương mẫu trong đạo đức, lối sống; phải biết cách chuyển tải đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nội dung đúng đắn, phong phú, với phương thức phù hợp, sáng tạo và có sức truyền cảm, lan tỏa.

Phát huy lợi thế của mình, thời gian tới, ngành Tuyên giáo cần tập trung tuyên truyền đưa Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống; phản ánh trung thực những nỗ lực và thành tựu mà các đảng bộ, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã đạt được; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XI, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội. Đồng thời, tuyên truyền làm rõ những nỗ lực của Đảng, Chính phủ trong tập trung khắc phục những yếu kém trong điều hành nền kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần xử lý, giải quyết có hiệu quả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc. Công tác tuyên giáo phải góp phần động viên, khuyến khích mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp thường xuyên tự giác học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, rèn luyện về phẩm chất chính trị, tư cách, đạo đức, lối sống; đổi mới phương pháp, tác phong công tác theo hướng bám sát thực tiễn, cơ sở, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những băn khoăn, lo lắng của nhân dân. Trong đó, chú ý xử lý đúng đắn các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chính đáng của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, thiếu kỷ cương, ức hiếp nhân dân, tha hóa đạo đức, lối sống; kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng. Coi trọng việc tuyên truyền đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cổ vũ những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào hành động cách mạng; góp phần tạo động lực to lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

TS. Nguyễn Thế Kỷ
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
____________

1 - Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, có hàng ngàn cán bộ tuyên huấn, báo chí, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, khoa giáo... đã hy sinh anh dũng. Chỉ tính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam có 288 đồng chí hy sinh; Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 5 có 208 đồng chí hy sinh; gần 400 nhà báo, nhà văn hy sinh trên các chiến trường.

2 - Thế giới hiện có gần 2,3 tỷ người sử dụng internet, chiếm xấp xỉ 1/3 số dân toàn cầu (tăng hơn 6 lần so với năm 2000). Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, nước ta có khoảng trên 30 triệu người sử dụng internet (bằng khoảng 36% dân số). Dự báo trong 3 năm tới, số người sử dụng internet ở nước ta sẽ đạt 40 - 45 triệu (chiếm gần 50% dân số); bên cạnh đó, có hàng chục báo, tạp chí điện tử, gần 1.200 trang thông tin điện tử đăng ký hoạt động, hàng triệu blog cá nhân, hàng trăm mạng xã hội không đăng ký, đặt máy chủ ở nước ngoài.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng,...