Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 03/10/2019, 10:31 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng công tác tư pháp, pháp chế, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội

Công tác tư pháp, pháp chế có vai trò quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác tư pháp, pháp chế; triển khai thực hiện công tác này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt được kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu kết luận kiểm tra công tác tư pháp, pháp chế tại Binh đoàn 16, tháng 7-2019

Hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng ngày càng được hoàn thiện; hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp, pháp chế được nâng cao; công tác cải cách tư pháp trong Quân đội tiếp tục được đẩy mạnh và tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện. Các cơ quan tư pháp, thanh tra, pháp chế từng bước được kiện toàn về tổ chức, hoạt động; đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và thực hiện công tác nghiệp vụ. Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, nhất là trong khối tư pháp, pháp chế về vị trí, vai trò và sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp, pháp chế trong Quân đội được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được tiến hành rộng rãi, đi vào chiều sâu, thiết thực nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ. Hoạt động tố tụng (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) được tiến hành chặt chẽ, khách quan, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, sót, lọt tội phạm. Nhiều vụ án trọng điểm, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tư pháp, pháp chế trong Quân đội vẫn còn một số hạn chế. Cải cách tư pháp chưa tạo được bước đột phá; việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, pháp chế trong nắm, quản lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm có vụ việc chưa kịp thời; kết quả điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế. Việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài Quân đội với chính quyền địa phương các cấp trong phòng, chống tội phạm có lúc, có nơi, có đơn vị chưa thật sự hiệu quả, nhất là các vụ việc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng.

Những năm tới, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Sự phát triển của mạng xã hội, mặt trái của kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch,… làm xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của toàn quân và việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ. Để phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Quân đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác tư pháp, pháp chế.

Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tư pháp, pháp chế trong Quân đội tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác tư pháp, pháp chế, trọng tâm là Nghị quyết 49-NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết 67/NQ-ĐUQSTW, ngày 08-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội đến năm 2020; các kế hoạch của Bộ Quốc phòng về hoạt động tư pháp, pháp chế. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác tư pháp, thanh tra, pháp chế và hoạt động của các cơ quan tư pháp, pháp chế Quân đội; kiên quyết khắc phục tình trạng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp, pháp chế. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp; tập trung triển khai toàn diện công tác tư pháp, thanh tra, pháp chế, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác tư pháp, pháp chế và nhiệm vụ chính trị của Quân đội, nâng cao chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Hai là, đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động cơ quan tư pháp, pháp chế; đấu tranh có hiệu quả với các hành vi phạm tội, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội.

Thời gian qua, số vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật trong toàn quân có chiều hướng giảm, song số vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng lại tăng. Đặc biệt, đã xuất hiện các hành vi phạm tội mới, phức tạp, như: tội phạm công nghệ cao, kinh tế, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, v.v. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong Quân đội”; trọng tâm là sắp xếp, tổ chức hệ thống các cơ quan tư pháp theo hướng tinh, gọn, phù hợp tổ chức biên chế của Quân đội, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trước mắt, chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức pháp chế, ban pháp chế và cán bộ pháp chế ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là cán bộ pháp chế chuyên trách tại các Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố theo Quyết định 1111/QĐ-BQP, ngày 24-3-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập ban pháp chế, biên chế cán bộ pháp chế trong Quân đội. Tiếp tục rà soát tổng thể đội ngũ cán bộ tư pháp, thanh tra, pháp chế và cán bộ làm công tác pháp luật trong toàn quân; nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đào tạo cán bộ pháp luật trong Quân đội”, xây dựng kế hoạch tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học, kiểm sát viên, thẩm phán các cấp. Đồng thời, làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng, nhất là những vấn đề mới về pháp luật, nghiệp vụ và tăng cường giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, thanh tra, pháp chế trong Quân đội đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao. Cán bộ tư pháp, pháp chế phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tinh thông nghiệp vụ pháp lý; có kiến thức quân sự, quốc phòng, phương pháp, tác phong công tác khoa học.

Thực hiện Kế hoạch 815-KH/QUTW, ngày 10-11-2016 của Quân ủy Trung ương thực hiện Kết luận 05-KL/TW, ngày 15-7-2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, ngày 22-10-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, các cơ quan tư pháp, pháp chế trong Quân đội chủ động phối hợp, hiệp đồng công tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có liên quan của Nhà nước để trao đổi thông tin, triển khai hoạt động nghiệp vụ, nắm và quản lý chắc tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến Quân đội, xác định nguyên nhân, điều kiện và dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bảo đảm giải quyết các vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để sót, lọt tội phạm và xảy ra oan, sai, nhất là các tội phạm hình sự, các vụ án trọng điểm, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Chú trọng thực hiện tốt Đề án phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và thi hành pháp luật trong Quân đội.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quân sự, quốc phòng.

Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng tiếp tục bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đẩy mạnh rà soát, nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, kiên quyết khắc phục tình trạng nợ, đọng, chậm văn bản so với kế hoạch. Thực hiện tốt các nội dung thuộc Kế hoạch 11685/KH-BQP, ngày 22-11-2016 của Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện Chỉ thị 407-CT/QUTW, ngày 24-6-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quân sự, quốc phòng, cơ yếu; Chương trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng, Kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019 - 2020 và công tác soạn thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Để đạt hiệu quả cao, các cấp, các ngành cần tăng cường phối hợp, xây dựng, thẩm định, thẩm tra hoàn thiện, loại bỏ tính chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Quốc phòng; kịp thời báo cáo, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những văn bản không còn phù hợp, trái với pháp luật Nhà nước. Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị pháp điển hóa các nội dung thuộc trách nhiệm pháp điển Bộ Quốc phòng. Trước mắt, tập trung hoàn thành đề mục pháp điển quốc phòng và Cảnh sát biển; hướng dẫn sử dụng bộ pháp điển và tích hợp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện thuận tiện trong tiếp cận, thực hiện.

Bốn là, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ.

Các cơ quan tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp cho bộ đội nắm vững các quy định của pháp luật, nhận diện rõ các hành vi vi phạm và hành vi phạm tội, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Các cơ quan, đơn vị cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ, quản lý tư tưởng, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật và chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường thuận lợi để của cán bộ, chiến sĩ yên tâm phấn đấu, rèn luyện trong môi trường Quân đội. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc “Ngày Pháp luật”, nhân rộng, phát huy hiệu quả “Tủ sách pháp luật”; phát huy vai trò các mô hình hay, sáng tạo trong phổ biến, giáo dục pháp luật, như: “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”; “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”, “Mỗi tuần học một điều luật”. Tăng cường thi tìm hiểu pháp luật; phát hành bộ tài liệu về kỹ năng sống; ngân hàng câu hỏi pháp luật; sân khấu hóa,… để thu hút, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên thông báo, rút kinh nghiệm, định hướng tư tưởng cho bộ đội thông qua các vụ vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nhất là vi phạm pháp luật Nhà nước. Các cơ quan thông tấn, báo chí Quân đội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp trong Quân đội.

Cùng với các nội dung, giải pháp trên, các cơ quan tư pháp, pháp chế trong Quân đội tích cực tham gia nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về giám định tư pháp, trợ giúp pháp lý, lý lịch tư pháp, nhằm nâng cao nhận thức cho quân nhân, cán bộ làm công tác tư pháp, làm cơ sở để họ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đóng góp có hiệu quả vào hoạt động này. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, trang bị nghiệp vụ, phương tiện; xây dựng mới hoặc nâng cấp trụ sở các cơ quan tư pháp, trại giam, trại tạm giam để phục vụ cho hoạt động tư pháp. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài và khủng bố quốc tế.

Nâng cao chất lượng công tác tư pháp, pháp chế trong Quân đội là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ quan trọng, góp phần duy trì và thực hiện nền nếp chính quy, kỷ cương, kỷ luật, chấp hành pháp luật trong Quân đội, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đảm bảo cho Quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tướng LÊ CHIÊM, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.