Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Chủ Nhật, 23/01/2011, 16:20 (GMT+7)
Một số nội dung trọng tâm công tác tài chính quân đội năm 2011

  Phát huy kết quả những năm qua, nhận rõ thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế, tài chính đất nước năm 2011, ngành Tài chính Quân đội tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt vai trò làm tham mưu và chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tài chính, đáp ứng tốt nhu cầu tài chính cho toàn quân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), xây dựng lực lượng, tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH); xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện.

 Năm 2010, trong điều kiện nền kinh tế, tài chính Nhà nước còn khó khăn, ngân sách quốc phòng (NSQP) hạn hẹp, nguồn thu nội bộ giảm, nhu cầu chi tiêu phục vụ nhiệm vụ QS,QP tăng cao, nhiều nhiệm vụ mới phát sinh, ngành Tài chính Quân đội, đứng đầu là Cục Tài chính đã làm tốt vai trò tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương (ĐUQSTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP); đồng thời, chỉ đạo thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch công tác tài chính trong năm và hoàn thành kế hoạch 5 năm (2006-2010). Nổi bật là, Ngành đã có bước chuyển biến tích cực trong xây dựng dự toán, thông báo, điều hành ngân sách; tích cực khai thác, huy động các nguồn lực tài chính đưa vào cân đối bổ sung cho các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất. Việc cân đối và phân bổ ngân sách được thực hiện đúng nguyên tắc, có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên; chuyển dịch cơ cấu chi hợp lý theo hướng tăng tỷ lệ ngân sách cho các nhiệm vụ chi trọng tâm đã được xác định, các nhiệm vụ đột xuất và các nội dung chi mới trong năm (Hội nghị ASEAN, diễu binh phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đại hội đảng các cấp trong quân đội, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9...). Công tác quản lý tài chính, tài sản công được chú trọng một cách đồng bộ, toàn diện ở các loại hình (đơn vị dự toán, đơn vị sự nghiệp có thu, các doanh nghiệp...), trong tất cả các khâu, từ: thẩm định dự toán; xây dựng chế độ, tiêu chuẩn; quản lý quỹ bảo hiểm xã hội; quản lý nguồn thu, quân số, giá cả, vật tư, tài sản; tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được nâng lên một bước. Phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt” đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chi tiêu tài chính cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, xây dựng lực lượng, tham gia phát triển KT-XH.   

Công tác tài chính quân đội năm 2011 được tiến hành với nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn tác động, chi phối. Mặc dù NSQP được Nhà nước ưu tiên tăng cao hơn mặt bằng chung, nhưng cũng mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu của nhiệm vụ QS,QP, xây dựng quân đội trong giai đoạn mới. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ quốc phòng (nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, vật liệu xây dựng, vật tư, nguyên liệu...) có xu hướng tăng; khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có thể biến động bất thường... Trong bối cảnh đó, Ngành phải nỗ lực phấn đấu, nâng cao năng lực tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và hiệu lực chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch tài chính được giao, tạo tiền đề thuận lợi cho thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011-2015.  

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9, Nghị quyết của ĐUQSTƯ lãnh đạo nhiệm vụ QS,QP và chỉ thị của BQP về nhiệm vụ tài chính năm 2011, công tác tài chính và ngành Tài chính tập trung hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng lập dự toán, điều hành ngân sách; tăng cường huy động các nguồn lực đưa vào cân đối tăng ngân sách bảo đảm cho các nhiệm vụ. Chấp hành nghiêm dự toán được giao, thực hiện phân bổ dự toán NSQP một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên; trong đó, cân đối tăng tỷ lệ ngân sách ở mức cao hơn năm trước cho các nhiệm vụ: sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ biển đảo, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT), bảo đảm xăng dầu, huấn luyện, đào tạo, khoa học-công nghệ và môi trường, phát triển công nghiệp quốc phòng; tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, chính sách của bộ đội; bảo đảm đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, xóa nhà cấp 4 trong các dự án đã được phê duyệt... Tạo bước đột phá về chất trong công tác điều hành, quản lý tài chính, tài sản công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, thất thoát. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương thức bảo đảm, quản lý, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước và đặc thù của nhiệm vụ QS,QP.

Căn cứ hạn mức NSQP được Nhà nước giao, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, khả năng huy động các nguồn lực tài chính và căn cứ nhu cầu của các ngành, đơn vị, Bộ trưởng BQP đã có Quyết định giao Dự toán ngân sách cho toàn quân; trong đó, xác định các nội dung chi lớn, chỉ tiêu ngân sách cho từng nhiệm vụ. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ công tác tài chính được giao, cơ quan tài chính các cấp cần phát huy tốt vai trò nòng cốt, tập trung vào  những nội dung chủ yếu sau.

1. Kịp thời triển khai dự toán ngân sách bảo đảm cho các nhiệm vụ. Trên cơ sở dự toán được giao, cơ quan tài chính các ngành, đơn vị cần khẩn trương phân bổ dự toán chi đến các đơn vị cơ sở trực thuộc đúng hạn mức và chi tiết, theo các chế độ tiêu chuẩn, định mức hiện hành và thời gian quy định. Dự toán giao ngân sách cho đơn vị cơ sở phải bảo đảm cân đối toàn diện các nhiệm vụ chi, kể cả các chế độ tiêu chuẩn mới, nhiệm vụ mới phát sinh và các nội dung BQP đã có ý kiến chỉ đạo và được ứng ngân sách; tăng cường phân cấp quản lý, sử dụng tài chính cho đơn vị cơ sở, phát huy trách nhiệm của người chỉ huy và người trực tiếp chi tiêu, sử dụng, quản lý ngân sách.

Căn cứ khả năng ngân sách và giá đã phê duyệt, cơ quan tài chính các đơn vị chủ động cân đối, điều chỉnh việc chi tiêu, mua sắm, xác định sản lượng đặt hàng sản xuất, sửa chữa trong phạm vi chỉ tiêu ngân sách được giao; xây dựng định hướng, định lượng ngay từ khi phân bổ ngân sách để bảo đảm mua sắm, sản xuất, trang bị và các loại vật tư, tài sản có giá trị cao, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách; đồng thời, tích cực điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách một cách hợp lý để đáp ứng tốt hơn cho nhiệm vụ của đơn vị.

2. Tích cực khai thác các nguồn tài chính để tăng khả năng cân đối ngân sách. Trên cơ sở các chế độ, chính sách tài chính của Nhà nước và BQP đã ban hành và điều kiện cụ thể của địa bàn đóng quân, cơ quan tài chính các đơn vị chú trọng đẩy mạnh khai thác các nguồn tài chính từ ngân sách địa phương, hỗ trợ của các doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị cho quân đội, các nguồn vay tín dụng...; đồng thời, chủ động kiểm tra, khai thác vật tư, hàng hóa tồn kho, giao chỉ tiêu huy động cho đơn vị cơ sở để tăng tỷ lệ bảo đảm cho các nhiệm vụ của đơn vị. Bên cạnh đó, tích cực huy động nguồn tài chính từ các đơn vị sự nghiệp có thu (chủ yếu là các nhà trường, bệnh viện, nhà khách, đoàn an dưỡng, đoàn nghệ thuật, đoàn kinh tế - quốc phòng, trung tâm giáo dục quốc phòng, trường dạy nghề, nhà in...); huy động nguồn thu từ tăng gia sản xuất và các nguồn thu khác để tăng khả năng ngân sách đưa vào cân đối bảo đảm cho các nhiệm vụ. Đối với các doanh nghiệp quân đội (DNQĐ),  thực hiện thu điều tiết sau thuế, tập trung về BQP (qua Cục Tài chính) để đưa vào cân đối chung cho các nhiệm vụ trong toàn quân.

 3. Tạo bước đột phá về chất trong công tác quản lý tài chính, tài sản công. Thực hiện nghiêm Quy chế lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tài chính, Quy chế công khai tài chính; đề cao trách nhiệm của người chỉ huy (chủ tài khoản) trước ĐUQSTƯ và BQP trong các hoạt động tài chính, từ khâu lập dự toán, chấp hành ngân sách, phân bổ chỉ tiêu, điều hành và quản lý các nguồn tài chính, tài sản của đơn vị (kể cả các nguồn ngân sách không quyết toán qua quốc phòng, nhất là ngân sách địa phương...). Tiếp tục tăng cường phân cấp quản lý ngân sách cho đơn vị cơ sở, thực hiện tiền tệ hóa nội dung chi ngân sách theo các chế độ, tiêu chuẩn, định mức, quân số...; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác tài chính và trách nhiệm của đơn vị trực tiếp chi tiêu, thụ hưởng ngân sách; quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch tất cả các nguồn ngân sách của đơn vị theo quy định.

Trong công tác quản lý tài chính DNQĐ, tiếp tục duy trì thực hiện chặt chẽ các quy định về quản lý tài chính và chế độ kế toán; bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tăng cường chỉ đạo DNQĐ làm tốt việc đánh giá và giám sát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm lành mạnh về tài chính; tiếp tục xử lý dứt điểm các vướng mắc, các khoản công nợ; sắp xếp lại phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mô hình quản lý mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của DNQĐ.     

Cơ quan tài chính các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 106/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước tại các đơn vị trong lực lượng vũ trang và các văn bản hướng dẫn thực hiện của BQP. Cùng với việc đẩy mạnh phân cấp ủy quyền về quản lý công sản, quản lý đất quốc phòng, xe ô tô, phân cấp quản lý sử dụng tài sản công, các đơn vị kịp thời hoàn thành công tác kiểm kê, xác định giá trị tài sản, lập hệ thống sổ sách quản lý chặt chẽ...; tăng cường các biện pháp quản lý quỹ đất quốc phòng, tài nguyên trong quân đội; thực hiện chế độ thu và quản lý số thu từ khai thác sử dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay vào làm kinh tế, thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cùng với sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất quốc phòng,...

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát chi, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tiêu cực, lãng phí. Cơ quan tài chính các cấp chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động tài chính, nhằm tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công; tăng cường tự thanh tra, kiểm tra tại các ngành, đơn vị, trọng tâm là thực hiện các chế độ quy định, từ: xây dựng dự toán, phân bổ chỉ tiêu, đến chi tiêu, thanh toán, quyết toán; duy trì thực hiện nghiêm các định mức, chế độ, tiêu chuẩn; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm chế độ quản lý tài chính, tài sản. Làm tốt công tác kiểm toán theo Luật Kiểm toán; tăng cường kiểm toán nội bộ; Kiểm toán Quốc phòng tiếp tục kiểm toán thực hiện ngân sách đặc biệt, xây dựng các công trình chiến đấu, các dự án trọng điểm theo kế hoạch được giao. Các đơn vị thực hiện tốt việc thu nộp, chi tiêu, sử dụng tài chính đối với tất cả các nguồn tài chính, tài sản công, không để xảy ra vi phạm Luật Ngân sách, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định về quản lý tài chính, tài sản trong quân đội.

5. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý tài chính, ngân sách. Trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-ĐUQSTƯ (ngày 31-01-2007) của Thường vụ ĐUQSTƯ về lãnh đạo chuyên đề Công tác tài chính và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đặt ra, Cục Tài chính chủ động làm tham mưu trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý tài chính, ngân sách; đồng thời, bổ sung, hoàn chỉnh Quy chế lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tài chính, Quy chế công khai tài chính; kịp thời nắm bắt sự phát triển các cơ chế, chính sách của Nhà nước để bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính trong quân đội, phù hợp với đặc thù của nhiệm vụ QS,QP; hoàn thành xây dựng Bảng lương của quân đội; sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách, bảo đảm ngày càng tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ; tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống các tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, sử dụng kinh phí, hệ thống chế độ, chính sách; triển khai thực hiện các chính sách, chế độ quản lý mới của Nhà nước; bổ sung, hoàn thiện phương thức bảo đảm và quản lý phù hợp với đặc thù quốc phòng, nhất là trong quản lý tài sản công, quản lý đất đai, công sở, dự án đầu tư, giá, nguồn thu, quỹ vốn đơn vị,...

6. Đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự trong lĩnh vực tài chính. Tiếp tục rà soát, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc trong chỉ đạo, điều hành ngân sách; công khai, tinh giản quy trình, thủ tục các hoạt động nghiệp vụ, nhất là trong thẩm định dự án, phân bổ ngân sách, cấp phát, ứng kinh phí, giải ngân, thanh toán, quyết toán, quản lý giá,... bảo đảm sự thông thoáng, giảm bớt sự vụ và thời gian chờ đợi cho đơn vị; đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ (nhất là thanh toán các khoản chi cho cá nhân qua tài khoản, khoán chi một số nội dung trong chi tiêu văn phòng, công tác phí,...).

7. Tập trung xây dựng Ngành vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cơ quan tài chính các cấp thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế theo quy hoạch tổ chức lực lượng mới của BQP, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp; tăng cường các biện pháp giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên tài chính có phẩm chất tốt, đạo đức trong sáng, thái độ phục vụ đúng đắn, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Duy trì thực hiện nền nếp chính quy trong các hoạt động tài chính, nhất là trong thực hiện các chế độ nghiệp vụ, chấp hành Điều lệnh quân đội, quy định của cơ quan, đơn vị; từng bước thực hiện chuyên môn hóa, hiện đại hóa trong công tác quản lý tài chính, bảo đảm tính khoa học các quy trình hoạt động chuyên môn. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt”, gắn với phong trào Thi đua Quyết thắng và các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác, tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính lên một bước mới.

Phát huy kết quả đã đạt được, ngành Tài chính Quân đội tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ công tác tài chính được giao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu tài chính cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP, xây dựng lực lượng, tham gia phát triển KT-XH, thiết thực lập thành tích chào mừng thắng lợi Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9 và Đại hội XI của Đảng.

Trung tướng PHẠM QUANG PHIẾU

Cục trưởng Cục Tài chính - BQP

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.