Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Sáu, 13/01/2012, 07:15 (GMT+7)
Một số nội dung trọng tâm công tác hậu cần quân đội năm 2012

Năm 2011, công tác hậu cần quân đội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần bảo đảm cho toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Nắm vững phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và tình hình kinh tế - xã hội đất nước, năm 2012, toàn quân, trong đó nòng cốt là ngành Hậu cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác hậu cần, tạo bước đột phá về chất trong hoạt động bảo đảm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2011, ngành Hậu cần Quân đội đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao. Năng lực và hiệu quả làm tham mưu của cơ quan hậu cần các cấp tiếp tục được nâng lên; các mặt bảo đảm hậu cần (BĐHC) có bước chuyển biến tích cực; các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần (CTHC) đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, Ngành đã tập trung bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho toàn quân thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, huấn luyện xây dựng lực lượng và các nhiệm vụ đột xuất; chủ động triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 10/CT-BQP của Bộ Quốc phòng, giữ vững ổn định đời sống bộ đội và góp phần tích cực vào việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bước sang năm 2012, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP) và xây dựng quân đội có sự phát triển mới. Theo đó, nhu cầu BĐHC tăng mạnh, yêu cầu cao, nhất là bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất; trong khi đó, ngân sách bảo đảm của Ngành tăng không nhiều, lạm phát mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao, giá các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng, tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn những nguy cơ không thể coi nhẹ… Trong bối cảnh đó, cơ quan hậu cần các cấp cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Quân uỷ Trung ương về nhiệm vụ QS,QP và Chỉ lệnh công tác hậu cần năm 2012, tiếp tục chủ động thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp uỷ, chỉ huy các đơn vị về chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo CTHC; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, có hiệu quả các mặt CTHC, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, chủ động chuẩn bị chu đáo, ưu tiên bảo đảm đầy đủ, kịp thời nhu cầu hậu cần cho nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ đột xuất; trước hết là cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên các khu vực, địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo, đơn vị mới thành lập, đơn vị được đầu tư hiện đại hoá. Cơ quan hậu cần các cấp cần chủ động rà soát, điều chỉnh các kế hoạch BĐHC cho nhiệm vụ SSCĐ phù hợp với sự phát triển của tình hình, đặc biệt là kế hoạch bảo đảm cho nhiệm vụ A, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đồng thời, tổ chức duy trì, thực hiện nghiêm các chế độ SSCĐ, chú trọng cân đối, điều chỉnh lượng vật chất hậu cần dự trữ SSCĐ ở các cấp, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, cần tích cực tổ chức và tham gia luyện tập, diễn tập BĐHC theo các phương án, kế hoạch đã xác định; tiếp tục đẩy nhanh việc bảo đảm đồng bộ trang bị, vật chất hậu cần SSCĐ và huấn luyện dã ngoại, theo hướng gọn cho từng đơn vị, nhằm nâng cao một bước khả năng cơ động bảo đảm của các phân đội hậu cần, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trong mọi tình huống. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhằm tăng cường tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ; tiếp tục quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng căn cứ hậu cần các cấp theo kế hoạch, nhất là ở các tỉnh trọng điểm, các tuyến đảo gần bờ. Cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện tốt kế hoạch xây dựng mô hình điểm căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần cấp quân khu và cấp tỉnh để rút kinh nghiệm nhân rộng.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng các mặt BĐHC thường xuyên, phấn đấu giữ ổn định và từng bước cải thiện đời sống bộ đội, kiên quyết không để đời sống bộ đội giảm sút do giá cả biến động, xác định đây là nội dung trọng tâm của Ngành trong thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP và Chỉ thị số 10/CT-BQP. Cơ quan hậu cần các cấp cần đặc biệt chú trọng chỉ đạo đơn vị phát huy hiệu quả của phương thức bảo đảm vật chất hậu cần trong cơ chế thị trường, đẩy mạnh tạo nguồn tại chỗ, tổ chức phân cấp hợp lý, thực hiện mở rộng đấu thầu theo quy định, tạo sự cạnh tranh nhằm hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm ngân sách. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm với quản lý, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí trong mọi hoạt động CTHC.

Đối với công tác quân nhu, cần tập trung nâng cao chất lượng bảo đảm ăn, mặc của bộ đội. Trước mắt, các đơn vị cần triển khai thực hiện tốt mức tiền ăn mới từ 01-01-2012; tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ tiền ăn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định lượng ăn cho các đối tượng; chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh ăn uống. Cục Quân nhu tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến bảo đảm ăn, mặc của bộ đội; tích cực bảo đảm, thay thế trang bị nhà ăn, nhà bếp và đồng bộ quân nhu dã ngoại cho các đơn vị theo kế hoạch, phấn đấu hết năm 2012, bảo đảm đủ trang bị dã ngoại để tổ chức bếp ăn cấp trung đội cho các sư đoàn bộ binh đủ quân. Các học viện, nhà trường, cơ quan chiến dịch, chiến lược, các bệnh viện trong toàn quân tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 99/CT-BQP, ngày 04-8-2011 của Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh xã hội hoá các bếp ăn theo lộ trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Cùng với đó, các đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh tăng gia sản xuất (TGSX), tập trung ưu tiên đầu tư củng cố mô hình TGSX cấp tiểu đoàn; nâng cao hiệu quả của các cơ sở tăng gia, chăn nuôi, xay xát, chế biến, giết mổ tập trung đã được đầu tư, kể cả các đơn vị có bếp ăn xã hội hoá; đồng thời, tích cực huy động mọi nguồn lực để đầu tư mở rộng các khu TGSX tập trung; qua đó, tạo nguồn thực phẩm tại chỗ ổn định, chất lượng tốt, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội. Cơ quan hậu cần các đơn vị cần làm tốt công tác quản lý, điều hoà sử dụng sản phẩm TGSX, quản lý chặt chẽ giá sản phẩm TGSX đưa vào bếp ăn. Toàn quân phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu TGSX đã xác định trong Chỉ lệnh hậu cần năm 2012.

Khắc phục khó khăn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, ngành Doanh trại tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ doanh trại cho các đơn vị theo hướng đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết, ưu tiên cho các công trình chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2012, các dự án trọng điểm, đơn vị đủ quân, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo,… theo đúng định hướng của Bộ. Các đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tích cực triển khai thực hiện các công trình, dự án đầu tư xây dựng doanh trại, nước sạch sinh hoạt... đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện tốt các quy chế, quy trình trong đầu tư, xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý, giám sát tiến độ và chất lượng xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí. Cùng với sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp, các đơn vị cần phát huy nội lực, chủ động làm tốt công tác sửa chữa, cải tạo các công trình đang sử dụng; ưu tiên chống dột, chống sập, chống rét, chống gió lùa nhà ở bộ đội, xử lý dứt điểm nhà không còn nhu cầu sử dụng; đẩy mạnh xây dựng hệ thống sân, đường nội bộ, tạo cảnh quan doanh trại ngày càng chính quy, xanh, sạch, đẹp. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chỉ thị, quy chế, quy định của Bộ Quốc phòng về quản lý, sử dụng đất quốc phòng, chủ động đẩy nhanh tiến độ hợp thức hoá, tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đất quốc phòng đúng mục đích, không để xảy ra tranh chấp, lấn chiếm trái phép.

Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, ngành Xăng dầu cần nắm chắc tình hình thị trường, làm tốt công tác hiệp đồng với cơ quan tài chính để chủ động tạo nguồn xăng dầu ổn định, vững chắc ở thời điểm có lợi, đáp ứng đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho các đơn vị theo hạn mức được duyệt, đúng thứ tự ưu tiên; thực hiện nghiêm chủ trương chỉ nhập khẩu nhiên liệu, dầu mỡ đặc chủng mà thị trường trong nước không có hoặc không sản xuất được. Các cơ quan, đơn vị phải công khai hạn mức, định mức xăng dầu cho từng ngành, nhiệm vụ. Đặc biệt, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ việc mua xăng dầu được phân cấp, quản lý sử dụng đúng nhiệm vụ và thực hiện tốt việc tiết kiệm hạn mức xăng dầu theo quy định. Cục Xăng dầu tích cực chỉ đạo và làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai nâng cấp, sửa chữa hệ thống kho xăng dầu toàn quân theo kế hoạch Bộ đã phê duyệt; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dự án đầu tư các trang bị, khí tài, hệ thống tra nạp xăng dầu đồng bộ cho một số đơn vị thuộc các quân chủng: Phòng không - Không quân, Hải quân, và các sư đoàn bộ binh đủ quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Nhiệm vụ công tác vận tải năm 2012 rất nặng nề. Các đơn vị cần thực hiện tốt việc phân cấp, điều hành vận tải; tăng cường bảo dưỡng, sữa chữa, duy trì hệ số kỹ thuật của xe - máy ở mức cao; khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại phương tiện hiện có, kết hợp thuê phương tiện hợp lý để thực hiện tốt kế hoạch vận chuyển thường xuyên và đột xuất, nhất là vận chuyển bảo đảm cho các đơn vị làm nhiệm vụ trên hướng biển, đảo. Cục Vận tải tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án đầu tư nâng cao năng lực vận tải cấp chiến lược, chiến dịch, mua sắm trang bị xe vận tải nhẹ cho các đơn vị cấp chiến thuật; đồng thời, chú trọng bảo đảm đầy đủ trang bị vận tải bộ cho các đơn vị theo quy định.  

Ba là, tập trung xây dựng ngành Hậu cần vững mạnh toàn diện. Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Ngành và nâng cao chất lượng CTHC. Theo đó, cơ quan hậu cần các cấp đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế Ngành theo quy hoạch tổ chức lực lượng mới của Bộ Quốc phòng; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Năm 2012, toàn Ngành tập trung đột phá thực hiện tốt việc xây dựng chính quy trong hoạt động CTHC, trọng tâm là duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác, nâng cao năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành BĐHC của hậu cần các cấp và thực hành, tiết kiệm chống thất thoát, lãng phí. Các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tập huấn, huấn luyện hậu cần, chú trọng huấn luyện nâng cao khả năng BĐHC theo các phương án, kế hoạch, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc; nâng cao chất lượng xây dựng, huấn luyện lực lượng hậu cần dự bị động viên... Đồng thời, tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các phong trào thi đua, hoạt động hội thao, hội thi của các chuyên ngành theo kế hoạch; chú trọng làm tốt việc tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” cấp cơ sở và cấp Bộ Quốc phòng. Đặc biệt, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 86/CT-BQP, ngày 23-5-2011 của Bộ Quốc phòng, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy’’; gắn kết chặt chẽ Phong trào thi đua với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tạo cơ sở để ngành Hậu cần Quân đội hoàn thành các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ CTHC năm 2012, góp phần cùng toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS,QP trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN VĨNH PHÚ

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước