Thứ Sáu, 22/11/2024, 23:58 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Việc Quốc hội khoá XIII thông qua Luật Biển Việt Nam là sự kiện nổi bật trong đời sống chính trị - xã hội của nước ta trong năm 2012. Các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa của việc thông qua Luật Biển Việt Nam - Luật gốc về các vấn đề biển, đảo của nước ta.
1. Quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam
Là một nước ven Biển Đông, chúng ta có bờ biển dài trên 3.200 km với hàng nghìn hòn đảo và các vùng biển rộng lớn. Kinh tế biển và các ngành liên quan đến biển đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước. Các hoạt động liên quan đến biển có vai trò hết sức quan trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và nhân dân ta. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một bộ luật tổng quát điều chỉnh các vấn đề quan trọng về biển mà chỉ có một số văn bản đề cập đến một số khía cạnh cụ thể có liên quan. Trong khi đó, các nước ven biển khác đều có các luật về biển, luật về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Biển Việt Nam là một yêu cầu tất yếu và cần thiết đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
Năm 1994, Quốc hội nước ta thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, trong đó nêu rõ: “Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với các quy định liên quan của pháp luật quốc gia cho phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, bảo đảm lợi ích của Việt Nam”. Năm 1998, Quốc hội quyết định đưa việc xây dựng Luật Biển Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội. Thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Luật Biển Việt Nam.
Luật Biển Việt Nam được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, Nghị quyết của Quốc hội nước ta về phê chuẩn Công ước Luật Biển năm 1982, các quy định liên quan về biển và thực tiễn quản lý biển cũng như các yêu cầu về phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng của nước ta. Căn cứ quan trọng để xây dựng Luật Biển Việt Nam là Công ước Luật Biển 1982 và các Hiệp định phân định biển mà Việt Nam đã ký với một số nước láng giềng (Thái Lan, Trung Quốc và In-đô-nê-xi-a...); đồng thời, tham khảo thực tiễn của các nước trong việc ban hành các văn bản pháp luật về biển.
Trong quá trình xây dựng Luật Biển Việt Nam, các bộ, ngành hữu quan của Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung liên quan, từng bước hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua. Tháng 11-2011, Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Biển Việt Nam ở phiên họp toàn thể cũng như các phiên họp ở các tổ và cơ bản nhất trí với Dự thảo. Trong 6 tháng đầu năm 2012, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo. Tại phiên họp ngày 21-6-2012 kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội thông qua với 99,8% số phiếu tán thành.
2. Nội dung cơ bản của Luật Biển Việt Nam
Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương và 55 điều, đề cập đến các nội dung chủ yếu: các nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo của Việt Nam; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; chủ trương giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển.
Về nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển, Luật Biển Việt Nam quy định: “quản lý và bảo vệ biển Việt Nam được thực hiện theo pháp luật Việt Nam và phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Nhà nước ta phát huy sức mạnh toàn dân tộc và thực hiện mọi biện pháp cần thiết bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Luật Biển nêu rõ mọi cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Luật Biển Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quy định này của Luật Biển Việt Nam là sự tiếp nối các quy định đã có trong các Tuyên bố năm 1977, 1982 của Chính phủ và Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Luật Biển Việt Nam quy định: Chính phủ thống nhất quản lý về biển trong phạm vi cả nước; các bộ, ngành, và các tỉnh (thành phố) ven biển trực thuộc Trung ương quản lý về biển trong phạm vi chức năng của mình; lực lượng tuần tra kiểm soát gồm các lực lượng thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các lực lượng chuyên ngành khác.
Về quy chế pháp lý của các vùng biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam nêu rõ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước ta là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Đối với những khu vực chưa có đường cơ sở, Luật quy định Chính phủ xác định và công bố sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Nội thủy và lãnh hải là hai vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lãnh hải nước ta rộng 12 hải lý kể từ đường cơ sở và ranh giới ngoài của lãnh hải là đường biên giới quốc gia trên biển. Phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam khẳng định tàu thuyền nước ngoài được quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam; riêng tàu quân sự nước ngoài phải thông báo trước khi thực hiện quyền này. Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở. Thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý và được mở rộng đến 350 hải lý theo các điều kiện của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Quy chế pháp lý các vùng biển nước ta quy định trong Luật Biển Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Đồng thời, Luật Biển Việt Nam khẳng định Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không ở trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; tổ chức và cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học trong các vùng biển Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc khi được Chính phủ ta cho phép.
Nguyên tắc và định hướng phát triển kinh tế biển, được Luật Biển Việt Nam xác định là phát triển bền vững, phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, gắn với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, gắn với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh. Những ngành kinh tế biển được Nhà nước ưu tiên phát triển là tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; vận tải biển, cảng biển, du lịch kinh tế biển và hàng hải; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản, v.v… Luật Biển Việt Nam cũng khẳng định chủ trương của Nhà nước khuyến khích, ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế biển trên các đảo và hoạt động trên biển.
Về chủ trương giải quyết tranh chấp liên quan biển, đảo, Luật Biển Việt Nam nêu rõ: Nhà nước Việt Nam giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế. Quy định này đã khẳng định lại chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam lâu nay. Trên thực tế, nước ta đang kiên trì thực hiện chủ trương này và cho đến nay đã giải quyết được một số tranh chấp với các nước láng giềng. Cụ thể là, năm 1997, nước ta cùng Thái Lan phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Thái Lan; năm 2000, cùng Trung Quốc phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ và năm 2003, cùng In-đô-nê-xi-a phân định thềm lục địa ở Nam Biển Đông.
3. Ý nghĩa của Luật Biển Việt Nam
Mục đích của việc ban hành Luật Biển Việt Nam là để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Việc thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp bình thường của Quốc hội nước ta nhưng lại có ý nghĩa rất to lớn. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản Luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982. Luật Biển Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 01-01-2013. Theo quy định của Luật, thời gian tới Chính phủ phải ban hành một số văn bản pháp quy liên quan đến phát triển kinh tế biển cũng như luồng và tuyến giao thông hàng hải trong lãnh hải nước ta. Việc làm này là cần thiết để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện các nội dung cụ thể đã được quy định trong Luật, góp phần quan trọng vào quá trình thực hiện toàn diện và có hiệu quả chiến lược biển của nước ta trong thời gian tới.
Trong các quy định về biển của nước ta trước đây, có một số quy định chưa thật hài hoà với các quy định của luật biển quốc tế. Với việc thông qua Luật Biển Việt Nam, chúng ta đạt kết quả là làm cho các quy định luật pháp quốc gia của nước ta hài hòa với các quy định của luật biển quốc tế, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982. Điều này cùng với việc khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng các biện pháp hoà bình cũng như tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế và khu vực về các vấn đề trên biển đã cho thấy: Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế; đồng thời, thể hiện quyết tâm của nhà nước ta phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
HỒ XUÂN SƠN
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới