Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:18 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Vừa qua, trước thềm Cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ ba (tháng 3-2016), Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn Kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Phóng viên: Thưa đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xuất phát từ đâu mà Việt Nam và Trung Quốc tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quan hệ biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc có bước phát triển đặc biệt kể từ sau năm 2000, khi lãnh đạo hai nước ký phân định đường biên giới trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ. Đây là một hiệp định lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc từ nhiều năm nay. Và sau thời điểm đó, quan hệ giữa hai bên biên giới ngày càng được cải thiện tốt hơn, nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của hai nước. Tuy nhiên, bên cạnh những phát triển tích cực và nhanh chóng, việc quản lý biên giới cũng nảy sinh những vấn đề mới, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa Việt Nam và Trung Quốc theo phương châm: xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Với tinh thần đó, từ năm 2014, Bộ Quốc phòng của hai nước đã trao đổi, thống nhất, tìm ra nhiều sáng kiến để tăng cường hợp tác biên giới giữa hai quân đội, đặc biệt là các lực lượng bảo vệ biên giới, lực lượng biên phòng và lực lượng quân sự địa phương. Chúng ta đã cùng với Trung Quốc tổ chức giao lưu biên giới; tuần tra chung trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ; kết nghĩa, trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm chung để đảm bảo đường biên giới càng ngày càng ổn định và hòa bình. Với tất cả thành tựu đó, trong nhiều năm qua, hai bên nhận thấy rằng, cần thiết phải nâng mối quan hệ biên giới lên cấp Bộ Quốc phòng. Chính vì thế, từ năm 2014, hai bên đã thống nhất tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới hằng năm. Về cấp chủ trì, phía Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, còn phía Trung Quốc là Phó Tổng tham mưu trưởng (do Trung Quốc không có chức danh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), cùng với các lực lượng: biên phòng, quân sự địa phương ở biên giới và các quân khu giáp biên. Bên cạnh đó, chúng ta còn mời lãnh đạo địa phương các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc. Sau lần giao lưu thứ nhất, hiệu quả đạt được hết sức tốt đẹp, nhất là bản thân cuộc giao lưu đã mang lại một ý nghĩa chính trị rất tốt cho cả hai bên. Trên cơ sở nhận thức chung của hai đảng, hai nhà nước, nhận thức chung của Quân đội hai nước được nâng lên một bước. Qua đó, nhận thức chung của các địa phương, các lực lượng giáp biên giới cũng được nâng lên và đã nhận rõ rằng, đường biên giới ấy, không chỉ cần sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, mà cần có sự hợp tác chặt chẽ, tin cậy giữa hai bên biên giới.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, giao lưu quốc phòng lần thứ hai năm 2015 vừa qua, lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng hai nước cùng tham gia, phải chăng quy mô và tầm quan trọng của sự kiện được nâng lên và mở rộng một bước?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đúng vậy, trước hết, căn cứ vào kết quả của giao lưu lần thứ nhất mang tính chất thí điểm, chúng ta thấy rằng, ý nghĩa chính trị, nhận thức chung của hai Bộ Quốc phòng, đặc biệt là hành động chung của các lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước có bước phát triển tốt đẹp. Quân đội hai nước ngày càng coi trọng hơn việc giao lưu biên giới. Qua đó cho thấy, mối quan hệ giao lưu biên giới không chỉ giải quyết vấn đề biên giới, mà còn góp phần tăng cường quan hệ chiến lược giữa hai quân đội và hai nước. Vì vậy, năm 2015, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước quyết định sẽ cùng chủ trì. Việc hai Bộ trưởng Quốc phòng tham gia giao lưu, bản thân sự kiện ấy đã nói lên tính chất quan trọng cũng như sự coi trọng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, được thể hiện qua việc, cùng cố gắng xây dựng đường biên giới ngày càng hữu nghị và phát triển.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, năm 2016 này, giao lưu lần thứ ba được tổ chức sớm hơn năm trước, vậy có sự khác biệt nào ở lần giao lưu này không? Liệu Bộ trưởng Quốc phòng hai nước có tiếp tục tham gia vào các chương trình của sự kiện này hay không?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta đã thống nhất với Trung Quốc là, trong nửa đầu hàng năm sẽ tổ chức giao lưu, để hoạch định kế hoạch cho cả năm. Về cách thức tổ chức, hai bên đều thống nhất: năm sau phải tốt hơn năm trước, kể cả về hình thức, nội dung và nỗ lực của các lực lượng, nhất là cùng nhau hợp tác sau khi tổ chức giao lưu biên giới thành công. Nói như vậy có nghĩa là, chúng ta sẽ có những cuộc hội đàm giữa hai bên biên giới, trao đổi tình hình, báo cáo kết quả một năm thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước về hợp tác biên giới, hoạch định những nét chính trong hợp tác biên giới của năm 2016 và hướng tới năm 2017. Bên cạnh đó, chúng ta có những hoạt động mang tính chất biểu tượng, nhưng cũng là giúp tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, như: xây tặng một số Nhà hữu nghị ở các bản gần biên giới. Năm 2015, chúng ta đã xây tặng Nhà hữu nghị với sự đóng góp của cả Việt Nam và Trung Quốc. Qua một năm hoạt động cho thấy, các Nhà hữu nghị này đều phát huy tác dụng rất tốt. Không chỉ là nhà để giao lưu giữa nhân dân và các lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam - Trung Quốc, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng; là địa điểm để thanh niên sinh hoạt chung và các cháu nhỏ gặp gỡ, trao đổi. Năm nay cũng sẽ có những hoạt động tương tự, nhưng với mức cao hơn, tốt hơn.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, trên biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc tình hình cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, trên biển, hai nước vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt, bất đồng, liệu việc tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới có góp phần giải quyết những khác biệt đó?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, phải nói rằng, những khác biệt, bất đồng trên Biển Đông giữa chúng ta và Trung Quốc là có thật. Một sự thật khách quan mà Việt Nam và Trung Quốc phải cùng nhau giải quyết, với nguyên tắc cơ bản là, về mặt chủ quyền phải trên cơ sở của luật pháp quốc tế và lợi ích của hai nước, phải kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mỗi nước, nhưng trong giải quyết phải bằng biện pháp hòa bình. Trong đó, đường biên giới trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ như tôi đã nói là đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển và nó đã thể hiện mối quan hệ rất đáng hài lòng giữa Việt Nam với Trung Quốc. Vì thế, việc giao lưu biên giới trên bộ lần này, một mặt thúc đẩy quan hệ chiến lược toàn diện, để từ đó từng bước giải quyết vấn đề bất đồng, khác biệt trên Biển Đông. Hơn thế nữa, chúng ta cùng với Trung Quốc cũng đặt ra mong muốn là, từ những thành tựu trong giao lưu biên giới trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ, rút ra nhiều kinh nghiệm để có thể áp dụng ở những khu vực rộng lớn hơn, ví như ở Biển Đông, ở những việc làm, nội dung mà có lợi cho hòa bình, hữu nghị, có lợi cho tiến trình giải quyết những bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chẳng hạn như: các hoạt động tuần tra chung, bảo vệ ngư dân, phòng chống tội phạm,… là những việc hai bên rất cần làm, cần rút kinh nghiệm để áp dụng.
Phóng viên: Đề cập đến kết quả giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, xin Thứ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật mà chúng ta đã đạt được qua hai lần giao lưu vừa rồi?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Có thể thấy, vấn đề đầu tiên là sự tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của mỗi bên trên cơ sở đường biên giới đã được phân định bởi hai chính phủ. Việc giao lưu biên giới, phối hợp tuần tra chung và quan hệ hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới,… đã thể hiện một cách rõ ràng sự tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam cũng như của Trung Quốc trên cơ sở luật pháp của quốc tế và sự tuân thủ các hiệp định ở trên đất liền, trên Vịnh Bắc Bộ.
Thứ hai, nó thể hiện một cách thực tế mong muốn của hai nước là, có một đường biên giới trên bộ, trên Vịnh Bắc Bộ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Và thực sự như vậy, việc chúng ta làm tốt công tác biên giới không chỉ tăng cường quan hệ giữa hai quân đội, mà còn là động lực, là cơ sở bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội ở hai bên biên giới. Thực tiễn đã cho thấy, biên giới của Việt Nam với Trung Quốc, hợp tác kinh tế - xã hội khu vực biên giới ngày càng phát triển.
Thứ ba, cần thấy rõ rằng, hiện nay chúng ta có rất nhiều vấn đề còn phải xử lý ở khu vực biên giới. Đối với nước nào cũng vậy, vấn đề tội phạm, buôn lậu, buôn người, rồi các vấn đề về an ninh phi truyền thống,… luôn được đặt ra. Rõ ràng, nếu chỉ một bên cố gắng thì không đủ, mà cần có sự hợp tác của cả hai bên. Và sự hợp tác bảo vệ an ninh biên giới trong những năm vừa qua có tiến bộ vượt bậc; trong đó có phần đóng góp của giao lưu quốc phòng biên giới. Nó được thể hiện bằng những nội dung cụ thể mà Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng với Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác định. Một kết quả tốt đẹp nữa là: tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, quân đội và giữa các lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Sự hiểu biết đó được biểu hiện chủ yếu ở nhận thức về độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ của mỗi bên, về mong muốn hòa bình, hữu nghị giữa các bên với nhau và về lợi ích khi mà chúng ta có một đường biên giới tốt đẹp với các nước láng giềng, không chỉ với Trung Quốc, mà cả với Lào và Cam-pu-chia cũng như vậy. Đây là một hình mẫu để chúng ta duy trì, phát triển và thực hiện nhân rộng trên toàn tuyến biên giới trên bộ của Việt Nam với các nước láng giềng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí Thứ trưởng!
Nhóm phóng viên: Văn Trường, Tuyên Đỗ, Quốc Hoàng, Xuân Hoàng (thực hiện)
* Tiêu đề của Tạp chí Quốc phòng toàn dân
Giao lưu Quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024
Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024
Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024
Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới
Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới
Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới