Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 01/10/2012, 01:01 (GMT+7)
Đoàn kết chiến đấu và hợp tác quốc phòng - một trong những trụ cột trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác quốc phòng là một trong những trụ cột trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Đó là động lực tinh thần to lớn để hai Đảng, hai Quân đội và nhân dân hai nước tiếp tục vun đắp tình hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng của mỗi nước và vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.


Chương trình "Những ngày Việt Nam tại Trung Quốc", khai mạc ngày 30-8-2010, tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, nhân Kỷ niệm 65 năm ngày Quốc khánh Việt Nam, 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và lý tưởng cách mạng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã khái quát về mối quan hệ Trung – Việt bằng khẩu hiệu “4 tương”, đó là: Sơn thủy tương liên, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan. Chính vì thế, hai dân tộc đã luôn dựa vào nhau trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị, áp bức của chủ nghĩa đế quốc để cùng nhau tồn tại và phát triển. Trong chiến tranh Thế giới lần thứ hai, phát xít Nhật đánh chiếm Trung Quốc, nhân dân Việt Nam đã đứng về phía Trung Quốc chống Nhật. Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào ủng hộ Trung Quốc chống Nhật. Báo Việt Nam độc lập ra ngày 21-8-1942 đăng bài xã luận của Nguyễn Ái Quốc viết: “Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam đã từng thân thiện trong lịch sử, nay lại cùng bị Nhật xâm lược, có một kẻ thù chung là Nhật, một mục đích chung là đuổi giặc Nhật”; hai dân tộc “đồng tâm hiệp lực, khăng khít giúp đỡ nhau, thì cuộc giải phóng chung của chúng ta sẽ mau chóng thành công”. Ngày 01-10-1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời. Ngày 15-01-1950, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa công nhận Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngày 18-01-1950, Trung Quốc là nước đầu tiên công nhận Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là sự ủng hộ lẫn nhau mang ý nghĩa lịch sử, chính trị hết sức to lớn đối với cả Trung Quốc và Việt Nam.

Về đối ngoại quốc phòng: năm 1955, với việc cử Tùy viên quân sự tại Việt Nam, Trung Quốc trở thành nước đặt tùy viên quân sự sớm nhất tại Việt Nam; năm 1957, Việt Nam cử Tùy viên quân sự tại Trung Quốc, mở ra quan hệ quốc phòng chính thức giữa hai nhà nước. Song trên thực tế, tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đặt nền móng, được các bậc lãnh đạo tiền bối của hai bên vun đắp từ thời kỳ đầu cách mạng. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã trở thành “vườn ươm cách mạng” cho nhiều thanh niên ưu tú của Việt Nam. Bạn đã che chở, đùm bọc, huấn luyện, trang bị lý luận và thực tiễn cách mạng cho hàng trăm cán bộ ta, trong đó có những người sau này đã trở thành một trong những lãnh tụ của Đảng ta và các tướng lĩnh quân sự tài ba của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Cũng trong thời kỳ đầu cách mạng của Bạn, nhiều thanh niên Việt Nam đã tham gia cách mạng Trung Quốc, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Sơn đã trở thành vị tướng của Quân Giải phóng nhân dân (QGPND) Trung Quốc. Ông là người Việt Nam duy nhất đi hết cuộc Vạn lý trường chinh của Hồng quân Trung Quốc. Ông được Bạn coi là gạch nối quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, là chiến sĩ quốc tế, vị tướng là người nước ngoài duy nhất của QGPND Trung Quốc.

Tình đoàn kết Việt – Trung còn được biểu hiện sinh động qua thực tiễn chiến đấu. Tháng 3 năm 1949, Bạn đề nghị Đảng ta cử một số đơn vị bộ đội Việt Nam cùng lực lượng của Bạn mở một chiến dịch đặc biệt - Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn - tại biên khu Việt Quế và biên khu Điền Quế, giúp Bạn truy quét Quốc dân đảng, giải phóng khu Ung - Long - Khâm. Thực hiện yêu cầu của Bạn, ta đã cử lực lượng tham gia chiến dịch. Các đơn vị bộ đội của ta đã chiến đấu anh dũng cùng với lực lượng của Bạn đánh chiếm, bức rút các vị trí Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống, Lôi Bình, Thượng Thạnh, Ninh Minh… Qua đó, mở rộng vùng kiểm soát, giải phóng 5 hương cùng hàng vạn dân, tạo điều kiện thuận lợi cho QGPND Trung Quốc đánh chiếm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Trong hơn hai tháng tham gia chiến dịch, bộ đội Việt Nam đã gây được ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân Trung Quốc, được nhân dân Bạn khen: Bộ đội cách mạng Việt Nam kỷ luật rất cao, thương dân hết mực, dũng cảm vô song; đồng thời, còn được đại diện của Bộ Tư lệnh Thập Vạn Đại Sơn đánh giá: “Các đồng chí đã để lại những tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế. Tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam vẫn ghé vai đỡ gánh cùng cách mạng Trung Quốc. Thật là cao thượng”1.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bên cạnh sự giúp đỡ về vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần, kỹ thuật và huấn luyện cán bộ quân sự, Đảng Cộng sản Trung Quốc còn cử các cố vấn quân sự trực tiếp giúp ta, từ Bộ Tổng Tư lệnh đến một số đại đoàn chủ lực. Các cố vấn quân sự của Bạn đã cùng ta nếm mật nằm gai, truyền cho chúng ta nhiều kinh nghiệm tác chiến quý báu cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trong Chiến dịch Biên Giới, Chiến dịch Trung Du, Chiến dịch Đường 18, Chiến dịch Hà Nam Ninh, Chiến dịch Tây Bắc, Chiến dịch Thượng Lào, đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam ngay từ đầu đã được sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới; trong đó có sự giúp đỡ đặc biệt của Đảng Cộng sản, nhân dân và QGPND Trung Quốc. Trong cuộc kháng chiến thần thánh đó, Bạn không chỉ giúp ta về chuyên gia quân sự, vũ khí trang bị, vật chất hậu cần, kỹ thuật mà còn trực tiếp phối hợp bảo vệ một số mục tiêu trọng yếu, giúp ta xây dựng, cải tạo một số tuyến đường sắt, đường bộ và xây dựng một số công trình phòng thủ. Trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân của đế quốc Mỹ, đã có không ít cán bộ, chiến sĩ QGPND Trung Quốc ngã xuống vì nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất nước Việt Nam.

Điểm lại mấy sự kiện lịch sử trọng đại như thế để thấy được mối quan hệ biện chứng của cách mạng hai nước: Việt Nam – Trung Quốc; cách mạng nước này phát triển thuận lợi làm cô lập, suy yếu kẻ thù và đó là cơ sở, nguồn khích lệ để cách mạng nước kia phát triển. Thời kỳ đầu cách mạng, cũng như khi đã thành lập chính quyền và bảo vệ nền độc lập, hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, cùng vun đắp mối quan hệ hữu nghị thắm tình đồng chí, anh em. Đó là tài sản vô giá, cần được hai dân tộc Việt Nam – Trung Hoa vun đắp, gìn giữ và lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau.

Trong điều kiện lịch sử mới, sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên xô và Đông Âu đã khiến cho tình hình thế giới thay đổi căn bản. Song, bất chấp sự thay đổi đó, Việt Nam và Trung Quốc vẫn kiên trì con đường XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mỗi nước. Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cùng nhau trao đổi nhiều vấn đề về CNXH và xây dựng Đảng, như: “CNXH - cái phổ biến và cái đặc thù”, “CNXH và kinh tế thị trường - kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam”, “Xây dựng Đảng cầm quyền - kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc”... Trong tình hình thế giới hiện nay, có lẽ chỉ có hai nước Việt Nam và Trung Quốc mới hợp tác với nhau bàn sâu về các vấn đề phức tạp này. Điều đó, một lần nữa, nói lên “lý tưởng tương đồng, vận mệnh tương quan” - một trong những nét độc đáo trong quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc.

Không chỉ biểu hiện trên bình diện lý luận, từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, hợp tác Việt – Trung đã phát triển sâu rộng và nhanh chóng trên mọi lĩnh vực. Tháng 02 năm 1999, lãnh đạo cấp cao hai nước xác định phương châm 16 chữ định hướng phát triển quan hệ Việt – Trung hướng tới thế kỷ XXI là: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Tháng 11 năm 2005, Bạn và ta làm phong phú thêm nội hàm quan hệ Việt – Trung theo tinh thần 4 tốt: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Đặc biệt, tháng 5 năm 2008, lãnh đạo của hai nước nhất trí xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Đó là quyết tâm chính trị của hai Đảng, xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hội nhập, hợp tác và phát triển của thế giới.

Quan hệ quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc trong những năm gần đây đã được mở rộng và tăng cường cả về bề rộng và chiều sâu, từ cấp Bộ Quốc phòng đến cấp quân khu, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước sang thăm nhau với tần suất cao hơn. Hai bên đã ký kết nhiều văn bản quan trọng, như: Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng; Thỏa thuận tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ giữa Hải quân hai nước; Thỏa thuận Hợp tác Biên phòng giữa hai Bộ Quốc phòng; Thỏa thuận Hợp tác giữa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Tổng bộ Chính trị QGPND Trung Quốc về công tác đảng, công tác chính trị; Thỏa thuận Hợp tác đào tạo nhân viên quân sự… Thông qua các thỏa thuận, thời gian qua, Biên phòng hai bên đã thực hiện được 10 chuyến tuần tra chung trên bộ; Hải quân hai bên đã tổ chức 12 chuyến tuần tra chung trên Vịnh Bắc Bộ và 02 cuộc diễn tập chung về tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Cùng với các hoạt động đó, kể từ năm 2009, hai bên đã triển khai trao đổi đoàn giao lưu sĩ quan trẻ. Đến nay, Bạn đã cử 02 đoàn sĩ quan trẻ sang thăm và giao lưu với sĩ quan trẻ Việt Nam và ta cũng đã tổ chức 02 đoàn sĩ quan trẻ sang thăm và giao lưu với sĩ quan trẻ của Bạn. Năm 2010, Bạn tổ chức 01 đoàn cựu chuyên gia, cố vấn quân sự từng giúp ta trong kháng chiến chống xâm lược sang thăm Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2010, lần đầu tiên hai bên đã tổ chức Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Trong lần đối thoại này, hai bên đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về chính sách quốc phòng và đạt được sự nhất trí cao về hợp tác quốc phòng; đồng thời, khẳng định đối thoại chiến lược quốc phòng giữa hai nước là cơ chế hợp tác quan trọng, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy chính trị trong quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt – Trung. Năm 2011, hai nước tiến hành Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ hai. Lần này, hai bên thảo luận nhất trí về các biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung về nhiều vấn đề cùng quan tâm. Với tinh thần xây dựng trên tình đồng chí, anh em, ta và Bạn cũng thẳng thắn trao đổi những vấn đề còn khác biệt giữa hai nước và cam kết xử lý những vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, với giải pháp hai bên cùng chấp nhận được. Tiếp đó, đầu tháng 9 năm 2012, hai bên đã tổ chức thành công Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ ba. Tại cuộc đối thoại lần này, hai bên bày tỏ hài lòng về quan hệ hợp tác giữa hai Quân đội và nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng của mối quan hệ hữu nghị Việt – Trung. Với mong muốn đẩy mạnh quan hệ, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm tăng cường sự tin cậy về chính trị và xây dựng quan hệ gắn bó giữa hai Quân đội, nhất là trong lĩnh vực hợp tác đào tạo, hợp tác và phối hợp giữa Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển…

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hai bên nhận thức rõ những cơ hội, thách thức chung cũng như đối với mỗi nước và cùng thống nhất việc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện; xử lý các vấn đề còn tồn tại và mới nảy sinh giữa hai nước thỏa đáng, phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước; có lợi cho sự nghiệp CNXH ở mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Với ý nghĩa đó, sự hợp tác có hiệu quả giữa QĐND Việt Nam và QGPND Trung Quốc đã, đang và sẽ là một trong những trụ cột quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

Chặng đường hơn 80 năm đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng, 62 năm quan hệ Việt – Trung, Đảng, Nhà nước, nhân dân và QĐND Việt Nam luôn biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước, nhân dân và QGPND Trung Quốc anh em. Đảng, Nhà nước, nhân dân và QĐND Việt Nam mong muốn và quyết tâm phát triển quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp, hợp tác toàn diện và bền vững với Trung Quốc, coi đó là chủ trương nhất quán, là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tình đoàn kết chiến đấu và hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong hàng thập kỷ qua đã trở thành tài sản chung của hai dân tộc. Đó là cơ sở, là động lực để hai nước tiếp tục nâng quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc lên tầm cao mới, vì sự phồn vinh của mỗi nước, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Thiếu tướng VŨ CHIẾN THẮNG

Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng

_________

1 - Trận đánh ba mươi năm, Nxb QĐND, H. 2005, tr. 302.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước