Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 05/05/2011, 03:52 (GMT+7)
Để Quốc hội xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất

alt
Ảnh: TTXVN
   Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Để hoàn thành trọng trách của mình, Quốc hội phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ: lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, một Nhà nước kiểu mới, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của chính quyền nhân dân lúc đó, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là: "Phải bầu ngay Quốc hội, càng sớm càng tốt. Bên trong thì nhân dân tin tưởng thêm vào chế độ của mình. Trước thế giới, Quốc hội do dân bầu ra sẽ có một giá trị pháp lý không ai có thể phủ nhận được"1. Trước yêu cầu của thực tiễn khách quan đó, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta đã diễn ra vào ngày 06 tháng 01 năm 1946. Sự kiện này đã trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử của dân tộc ta. Từ đó đến nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 12 khoá: khoá I (1946-1960) gồm 333 đại biểu; khoá II (1960-1964) gồm 453 đại biểu; khoá III (1964-1971) gồm 453 đại biểu; khoá IV (1971-1975) gồm 420 đại biểu; khoá V (1975-1976) gồm 424 đại biểu; khoá VI (1976-1981) gồm 492 đại biểu; khoá VII (1981-1986) gồm 496 đại biểu; khoá VIII (1986-1992) gồm 496 đại biểu; khoá IX (1992-1997) gồm 395 đại biểu; khoá X (1997-2002) gồm 450 đại biểu; khoá XI (2002-2007) gồm 500 đại biểu và khóa XII (2007-2011) gồm 493 đại biểu. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, Quốc hội luôn luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

Hoạt động lập hiến. Từ khi ra đời đến nay, Quốc hội đã xây dựng và ban hành 4 bản hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Đây là những đạo luật cơ bản của Nhà nước, tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, quy định những vấn đề quan trọng nhất về quyền lực nhà nước; chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của bộ máy nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Hoạt động lập pháp ngày càng được đẩy mạnh và có nhiều tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH, thúc đẩy tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới; nội dung tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; quy trình, thủ tục, cách thức giám sát có nhiều cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn, giám sát theo chuyên đề. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng đã đạt được nhiều kết quả tích cực và ngày càng thực chất hơn. Các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chính sách tài chính-tiền tệ, dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các công trình quan trọng quốc gia, chính sách dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phê chuẩn điều ước quốc tế… phù hợp với chủ trương của Đảng và ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng được đẩy mạnh và mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, từng bước đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong 65 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó. Quốc hội các khóa đã luôn luôn nắm vững đường lối, quan điểm và các chủ trương của Đảng để thể chế hóa thành luật pháp và vận dụng đúng đắn vào các hoạt động của mình. Đó là kết quả của sự gắn bó mật thiết giữa Quốc hội với nhân dân, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, làm cho Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, đó cũng là kết quả của quá trình đổi mới không ngừng về tổ chức, phương thức làm việc của Quốc hội, năng lực hoạt động của các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm của Chủ   tịch Nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan khác; sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cả về tổ chức, hoạt động và phương thức, lề lối làm việc của Quốc hội, như: quy trình lập pháp vẫn chưa đồng bộ và có điểm chưa hợp lý; một số quy định của Luật hoạt động giám sát còn thiếu cụ thể hoặc chưa thật phù hợp, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn kịp thời, nhất là cơ chế giải quyết các kiến nghị sau giám sát; thông tin phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước còn chưa đầy đủ, kịp thời; điều kiện hoạt động, thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, nhất là các đại biểu kiêm nhiệm còn ít; đại biểu Quốc hội chuyên trách tuy có tăng so với nhiệm kỳ trước đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc ngày càng nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao… Mặt khác, các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chúng ra sức lợi dụng các vấn đề: “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo”… để gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, mà trước hết là trực   tiếp phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 lần này của nhân dân ta.

Do vậy, việc tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra: “... phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền XHCN; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương;…”2 là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay, mà trước hết là cần lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội khóa XIII. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 vào ngày 22 tháng 5 năm 2011 tới đây thực sự là cuộc vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước:

Một là, các cấp, các ngành, các địa phương phải có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Các tỉnh uỷ, thành uỷ thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp ở các địa phương.

Hai là, lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Người được giới thiệu vào danh sách ứng cử để bầu làm đại biểu Quốc hội và HĐND cần phải có phẩm chất, năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, luôn bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

Ba là, trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn nói chung, phải coi trọng tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có quan điểm quần chúng, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đồng thời, phải chú ý cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; bảo đảm số lượng đại biểu chuyên trách theo đúng quy định của pháp luật; có tỷ lệ hợp lý đại biểu của các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, đại biểu nữ, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân tiêu biểu thuộc các thành phần kinh tế. Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND phải bảo đảm theo đúng quy trình đã được pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền.

Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu HĐND các cấp; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

Năm là, chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND; về vị trí, vai trò của Quốc hội và HĐND trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả; động     viên mọi cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử; mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

Sáu là, chỉ đạo việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an  toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử; kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối. Đồng thời, có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

Cuộc bầu cử là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, diễn ra cùng một ngày 22 tháng 5 năm 2011, trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là một trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2011. Thành công của cuộc bầu cử lần này sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

TÒNG THỊ PHÓNG

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội

         

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, T4, Nxb CTQG, H. 1995, tr.133.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 322.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.