Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 15/03/2012, 15:17 (GMT+7)
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng trong tình hình mới

Ngày 16-7-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về  xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Theo đó, công nghiệp quốc phòng được xác định là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà nòng cốt là Bộ Quốc phòng.


Tàu pháo quân sự HQ 272 do Công ty đóng tàu Hồng Hà (Tổng cục CQNP) thực hiện là tàu quân sự đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
 

Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Bộ chính trị, công tác xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc triển khai thực hiện được tiến hành theo chủ trương nhất quán từ Trung ương đến cơ sở với sự tham gia của nhiều cơ quan trong và ngoài Quân đội. Nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của CNQP được nâng lên; bước đầu đã thực hiện tốt việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý và kiện toàn tổ chức lực lượng CNQP theo hướng tập trung, kết hợp nghiên cứu, thiết kế với sản xuất và sản xuất với sửa chữa. Công tác đào tạo, sử dụng cán bộ được coi trọng, bước đầu đáp ứng một phần nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNQP. Việc huy động nguồn lực khoa học – công nghệ (KH-CN) và công nghiệp dân sinh phục vụ CNQP bước đầu có chuyển biến. Đến nay, nhiều dự án đầu tư cho CNQP đã được triển khai đúng định hướng trong quy hoạch, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, theo hướng hiện đại, đồng bộ; nhiều dự án đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, nhìn chung năng lực CNQP của nước ta vẫn ở mức trung bình so với các nước trong khu vực; sản phẩm mới đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang chưa nhiều. Công tác tổ chức bộ máy còn bất cập, việc đầu tư còn dàn trải, quy mô các đơn vị CNQP còn nhỏ lẻ và phân tán; chất lượng một số dự án và năng lực chuyển giao công nghệ còn hạn chế, nhất là những dự án phức tạp có yêu cầu công nghệ cao. Bên cạnh đó, sự kết hợp sản xuất quốc phòng với phát triển kinh tế tuy được quan tâm nhưng hiệu quả còn hạn chế; việc duy trì đội ngũ cán bộ, công nhân viên quốc phòng, dây chuyền công nghệ của một số đơn vị sản xuất vũ khí, trang bị (VK,TB) kỹ thuật quân sự đặc thù còn gặp khó khăn; công tác chỉ đạo và kiện toàn tổ chức lực lượng chưa thật quyết liệt, toàn diện và còn có biểu hiện khép kín…

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những biến động khó lường. Cách mạng KH-CN, trong đó có KH-CN quân sự tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ; các nước đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất VK,TB hiện đại, nhiều loại vũ khí mới ra đời; xu hướng sử dụng vũ khí công nghệ cao ngày càng phổ biến… Tình hình đó đặt ra cho công tác quốc phòng, an ninh nói chung và ngành CNQP nói riêng những yêu cầu mới ngày càng cao. Để Nghị quyết số 06-NQ/TW được triển khai đạt kết quả tốt, đưa ngành CNQP phát triển lên một bước mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành cần quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề sau:

1. Về nhận thức.

Cần thấy rõ, xây dựng và phát triển CNQP là một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, mà nòng cốt là Bộ Quốc phòng và một số bộ, ban, ngành có liên quan trực tiếp trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Theo đó, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cơ quan, đơn vị trong quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu về xây dựng và phát triển CNQP. Phát triển CNQP là chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia. Việc quy hoạch xây dựng và phát triển phải phù hợp với chiến lược trang bị của lực lượng vũ trang, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Mặt khác, cần thấy rõ đây là ngành đặc thù, vì vậy cần có cơ chế đặc thù và được ưu tiên phát triển; trong đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực KH-CN; huy động, phát huy tối đa những thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ CNQP, kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất quốc phòng với phát triển kinh tế. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP phải có lộ trình và bước đi phù hợp, kiên trì với mục tiêu đã xác định, tránh hiện tượng nóng vội. Quá trình xây dựng, phát triển phải coi trọng phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường; đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế để tận dụng thành tựu KH-CN và các nguồn lực khác, nhằm tiếp nhận công nghệ mới để sản xuất VK,TB kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.

 Mục tiêu phát triển CNQP trong những năm tới là: xây dựng và phát triển CNQP thành một bộ phận quan trọng của tiềm lực quốc phòng, an ninh quốc gia, có trình độ KH-CN tiên tiến, hiện đại; có năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo và sửa chữa, cải tiến hiện đại hoá các loại VK,TB kỹ thuật có tính năng kỹ thuật, chiến thuật cao, góp phần hiện đại hoá Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, nâng cao sức mạnh, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Cùng với sản xuất vũ khí lục quân đạt chất lượng và độ tin cậy cao là trọng tâm, phải đồng thời ưu tiên cho nhiệm vụ hiện đại hoá các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại. Phát triển CNQP thành một bộ phận quan trọng của công nghiệp quốc gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH,HĐH đất nước.

2. Những giải pháp chủ yếu.

Trước hết, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cơ quan, đơn vị trong việc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng và phát triển CNQP. Trong đó, cần tập trung quán triệt quan điểm đã được thể hiện trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh, tình báo, cảnh sát cơ động”1. Đây là sự phát triển mới về tư duy, nhận thức của Đảng ta. Nó thể hiện tính nhạy bén, sáng tạo trong quan điểm kết hợp quốc phòng với an ninh và chủ trương phát triển CNQP, an ninh, nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó thấy rõ yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế quốc dân để xây dựng nền CNQP tự chủ; kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, KH-CN của đất nước. Mặt khác, CNQP là ngành đặc thù nên phải được chăm lo xây dựng và phát triển với cơ cấu hợp lý trong nền công nghiệp của đất nước; phát huy tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia để phát triển CNQP.

Hai là, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và kiên quyết thực hiện các mục tiêu đã định. Trên cơ sở kết quả đạt được trong những năm qua, công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP cần được tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện với yêu cầu bảo đảm tính khoa học, tận dụng và phát huy tối đa năng lực của các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với quy hoạch chung của các ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp quốc gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng quy hoạch hệ thống các cơ sở sản xuất, sửa chữa VK,TB kỹ thuật toàn quân, các sản phẩm mục tiêu phù hợp với tổ chức lực lượng Quân đội. Trong quá trình thực hiện, phải kiên định mục tiêu, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ đã đề ra; khi có yêu cầu mới, phải phân tích một cách khoa học và báo cáo điều chỉnh, bổ sung kịp thời theo quy định. 

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với CNQP. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về CNQP. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản, trực tiếp quản lý các cơ sở CNQP nòng cốt như quy định của Pháp lệnh CNQP; thực hiện tổ chức phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong đầu tư phát triển và sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm quốc phòng; bảo đảm sự thống nhất trong đầu tư phát triển CNQP, kiên quyết khắc phục đầu tư dàn trải, trùng lặp, gây lãng phí. Những sản phẩm mà trong nước có năng lực sản xuất đạt yêu cầu về chất lượng thì không nhập khẩu; đồng thời, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho phát triển CNQP. Việc đầu tư cần có sự chọn lọc, xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tiếp cận được công nghệ tiên tiến, hiện đại và thực hiện có hiệu quả việc nhận chuyển giao công nghệ. Mặt khác, cần huy động sự tham gia tích cực, đầy đủ của công nghiệp quốc gia trong các khâu, các bước của CNQP, nhất là việc huy động đội ngũ cán bộ KH-CN và các cơ sở công nghiệp dân sinh sản xuất các nguyên, vật liệu chính; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp then chốt của quốc gia để tham gia sâu, thiết thực hơn vào hoạt động CNQP, như: hoá chất, luyện kim, cơ khí - chế tạo máy, điện tử - tin học, bưu chính - viễn thông...

Bốn là, tổ chức thực hiện tốt chương trình đầu tư cho CNQP theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách đặc thù để tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực phát triển CNQP; trong đó, chú trọng xác định cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực tài chính, KH-CN và nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường đầu tư cho xây dựng, phát triển CNQP trên cơ sở đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, trong đó xác định nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là chính; đồng thời, phải thực sự chú trọng huy động, khai thác các nguồn vốn khác. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước phải được bố trí cho các chương trình mục tiêu trọng điểm quốc gia và bảo đảm đủ theo mục tiêu, kế hoạch đã được xác định và phê duyệt. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần thường xuyên nắm chắc tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để bố trí đủ vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, cần tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng; thực hiện đầu tư có chọn lọc, đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tiếp cận được công nghệ tiên tiến, hiện đại và thực hiện có hiệu quả việc nhận chuyển giao công nghệ. Cùng với việc tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án, cần phát huy vai trò thẩm định, phản biện của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu KH-CN, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc tổ chức lập, thẩm định dự án, giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện đầu tư. Mặt khác, cần khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án, công trình chuyển tiếp từ kế hoạch 5 năm (2006 – 2010); tập trung đầu tư các dự án trọng điểm theo hướng tập trung, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, độ tin cậy và ổn định. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư, hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa các loại VK,TB kỹ thuật quân sự thiết yếu và nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế của các viện nghiên cứu và một số cơ sở sản xuất vật tư kỹ thuật đặc chủng.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện chương trình đào tạo cán bộ cho CNQP; nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, đề tài nghiên cứu về sản xuất, sửa chữa, cải tiến VK,TB kỹ thuật. Trước hết, cần đẩy mạnh chương trình đào tạo nhân lực cho CNQP, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ KH-CN những ngành đặc thù quốc phòng, các chuyên gia đầu ngành mà CNQP đang thiếu. Kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo mới và đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo trong và ngoài Quân đội; tăng cường đưa đi đào tạo ở các nước phát triển đối với các ngành công nghệ cao. Mặt khác, cần có chính sách đặc thù để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực có chất lượng cao, khuyến khích nhân tài vào phục vụ trong lĩnh vực CNQP. Tập trung nâng cao chất lượng VK,TB đang sản xuất, các đề tài phục vụ các chương trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch xây dựng, phát triển CNQP đã được phê duyệt. Tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ sở nghiên cứu với các đơn vị sản xuất; mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng KH-CN dân sinh trong nghiên cứu phục vụ CNQP.

Sáu là, chú trọng việc kiện toàn tổ chức lực lượng CNQP. Trên cơ sở chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, Tổng cục CNQP sẽ tập trung tổ chức, sắp xếp các cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng tập trung, thống nhất, giảm trung gian; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các khối: đặt hàng - sản xuất, sửa chữa - khai thác sử dụng; bảo đảm phối hợp hiệu quả giữa các khối đó, nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm quốc phòng, giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh trong quá trình sản xuất, sử dụng các loại VK,TB kỹ thuật quân sự. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất việc hình thành tập đoàn hoặc các tổng công ty theo nhóm sản phẩm, ngành nghề và cơ sở liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài về CNQP.

Với chức năng là cơ quan tham mưu chiến lược, làm nòng cốt về tổ chức xây dựng và phát triển CNQP, Tổng cục CNQP đang tích cực quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng và phát triển CNQP, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho CNQP, góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC LÂM

Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr. 235.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước