Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Sáu, 23/03/2012, 14:28 (GMT+7)
Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng của Việt Nam trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN
alt
Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (2009)
 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN  vào năm 2015, dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tếCộng đồng Văn hóa - Xã hội. Với vai trò quan trọng, trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh đang được các quốc gia ASEAN tập trung mọi nguồn lực xây dựng, để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hiện thực hóa mục tiêu trên đúng lộ trình đã định.

 

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN là một cộng đồng an ninh nhằm giúp các nước ASEAN đối phó với các thách thức an ninh của khu vực, nhưng không nhằm xây dựng một khối phòng thủ chung, với mục tiêu bao trùm là nâng hợp tác chính trị và an ninh ASEAN lên tầm cao mới, bảo đảm các nước trong khu vực chung sống hòa bình với nhau và với thế giới, trong một môi trường hòa thuận. Thực hiện mục tiêu này, ASEAN đã thông qua "Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh", gồm 3 thành tố lớn: Một là, xây dựng một cộng đồng có chung các giá trị và chuẩn mực, hoạt động trên cơ sở các luật lệ; Hai là, xây dựng một khu vực hoà bình, ổn định và tự cường, có trách nhiệm chung trong việc đảm bảo an ninh toàn diện với các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác, duy trì hoà bình khu vực, giải quyết xung đột và kiến tạo hoà bình sau xung đột, tăng cường hợp tác đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống; Ba là, xây dựng một khu vực năng động, hướng ra bên ngoài trong một thế giới ngày càng thống nhất và phụ thuộc lẫn nhau.

Trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, thể hiện rõ là một thành viên chủ động và có trách nhiệm của Hiệp hội. Minh chứng thuyết phục là trong những năm qua, với đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hoá quan hệ quốc tế của Đảng, Việt Nam đã nỗ lực trong việc thúc đẩy và duy trì động lực hợp tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) ASEAN, một lĩnh vực hợp tác quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với tiến trình xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị - An ninh. Cụ thể, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương; đồng thời, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc phòng song phương. Về hợp tác quốc phòng đa phương, cùng với việc tiến hành tổ chức các hội nghị theo chương trình hợp tác đa phương ASEAN, Việt Nam còn tham gia đầy đủ vào các hội nghị QP,QS, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN, Hội nghị Tư lệnh Không quân, Hội nghị Tư lệnh Hải quân, Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN, Hội nghị Không chính thức những người đứng đầu Tình báo các nước ASEAN, Hội nghị Cục trưởng Tác chiến các nước ASEAN và nhiều hội nghị khác,.... Đồng thời, chúng ta cũng tham gia tích cực vào hoạt động quốc phòng trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), gồm các hội nghị Đối thoại quan chức quốc phòng, Hội nghị Chính sách An ninh ARF (cấp thứ trưởng quốc phòng). Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam còn tham gia Đối thoại Shangri-la h»ng năm (cấp bộ trưởng quốc phòng), tham dự Đối thoại quốc phòng ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc (cấp thứ trưởng) và các diễn đàn quốc phòng, an ninh kênh II khác. Trong quá trình tổ chức, tham gia vào cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương, Việt Nam đã đề xuất nhiều nội dung, sáng kiến và có những nỗ lực vượt bậc, góp phần quan trọng vào thúc đẩy hợp tác QP,QS trong ASEAN. Nổi bật là những nỗ lực thúc đẩy mục tiêu hiện thực hóa ADMM mở rộng (ADMM+); đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN; Hội nghị Cục trưởng Quân y các nước ASEAN và Giao lưu Sĩ quan trẻ các quân binh chủng Hải-Lục-Không quân. ADMM+ lần thứ nhất đã tạo được sự nhất trí cao với những đề xuất của Việt Nam về 5 lĩnh vực hợp tác rất được quan tâm hiện nay, gồm: hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai; an ninh biển; quân y; chống khủng bố và hoạt động gìn giữ hòa bình. Thành công đó khẳng định, ADMM+ không chỉ là một diễn đàn đối thoại tham vấn chiến lược nhằm xây dựng nhận thức chung về an ninh khu vực, xây dựng lòng tin, xác định các mục tiêu hợp tác quốc phòng, mà còn là cơ chế hợp tác cao nhất - cấp bộ trưởng quốc phòng ở khu vực để định hướng và chỉ đạo các chương trình hoạt động bảo đảm an ninh ở Đông Nam Á nói riêng, châu ¸ -Thái Bình Dương nói chung.

Cùng với đó, Việt Nam cũng coi trọng mở rộng và nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác song phương về quốc phòng với quân đội các nước, đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh của ASEAN. Chúng ta đã tích cực, chủ động đề xuất và thực hiện các biện pháp tăng cường hợp tác với quân đội các nước, bằng nội dung và hình thức phong phú. Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ tùy viên quốc phòng và ký Bản ghi nhớ, thỏa thuận về hợp tác quốc phòng song phương với Bộ Quốc phòng các nước ASEAN, tiến hành đối thoại quốc phòng thường niên cấp thứ trưởng với Xin-ga-po. Mặc khác, chúng ta duy trì tốt việc trao đổi đoàn quân sự các cấp với quân đội các nước ASEAN và thúc đẩy hợp tác có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Quân đội ta đã cử quan sát viên tham gia các cuộc diễn tập cứu hộ, cứu nạn do các nước thành viên ASEAN tổ chức, hỗ trợ kỹ thuật cho nước bạn Lào và Cam-pu-chia về vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng ta đã tăng cường hợp tác với lực lượng phòng không - không quân các nước trong việc tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm về công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn bay, đào tạo phi công. Trong hợp tác hải quân, chúng ta đã tổ chức đón tàu hải quân các nước đến thăm và tổ chức cho tàu hải quân của ta đi thăm các nước; thiết lập đường dây nóng với hải quân Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a; phối hợp tuần tra chung với hải quân Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và xúc tiến các thỏa thuận để phối hợp tuần tra chung với hải quân In-đô-nê-xi-a,… Bộ đội Biên phòng của ta cũng đã hợp tác tuần tra kiểm soát khu vực biên giới với lực lượng biên phòng Lào và Cam-pu-chia. Chúng ta cũng thiết lập và duy trì quan hệ giữa Tổng cục Tình báo Quốc phòng Việt Nam và các cơ quan tình báo quân sự các nước ASEAN… Thông qua những hoạt động hợp tác quốc phòng song phương, sự hiểu biết, lòng tin giữa QĐND Việt Nam và quân đội các nước trong khu vực gia tăng và thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động hợp tác trên thực tế, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu những va chạm, xung đột, đóng góp quan trọng cho hoà bình, an ninh trong nước và khu vực.

Song song với các hoạt động hợp tác QP,QS đa phương, song phương trong ASEAN, Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh công khai hóa về đường lối quốc phòng “hòa bình, tự vệ”, quan điểm giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, không liên minh, liên kết để chống lại nước thứ 3... Đồng thời, Việt Nam chủ động nắm bắt, tìm hiểu về đường lối quốc phòng của các nước ASEAN, nhằm thu hẹp sự khác biệt, gia tăng điểm đồng, tạo cơ sở xây dựng, củng cố lòng tin với quân đội các nước thành viên. Nhờ đó, Việt Nam đã giành được niềm tin, sự ủng hộ to lớn từ các nước ASEAN và các nước đối tác. Chính điều này đã thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh ASEAN chuyển biến về chất, góp phần đưa tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lên những nấc thang mới trong bảo đảm an ninh khu vực trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, Đảng, Nhà nước ta chủ trương tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng đa phương, song phương trong ASEAN; trên tinh thần vận dụng sáng tạo, linh hoạt nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong giữ vững độc lập tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền lãnh thổ. Tiến hành hợp tác với tinh thần chủ động và tích cực, tham gia có trách nhiệm, đạt hiệu quả cao để vừa đáp ứng các lợi ích chiến lược của đất nước, vừa đáp ứng được yêu cầu lợi ích của Hiệp hội; đồng thời, chủ động, không để bị lôi kéo phục vụ lợi ích cho các thế lực khác. Mặt khác, tích cực vận động để các thành viên ASEAN ủng hộ các lợi ích chính đáng của ta, đặc biệt là vấn đề cùng thực hiện nghiêm Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC); tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc về cách ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc. Quá trình tham gia bảo đảm củng cố lòng tin với các thành viên, kiên trì nguyên tắc “đồng thuận”, “không can thiệp” và xây dựng, củng cố vị thế đất nước.

Từ định hướng trên, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục tham gia vào các cơ chế hợp tác QP,QS, đóng góp tích cực, hiệu quả cho các thành tố cấu thành Cộng đồng Chính trị - An ninh, làm cơ sở cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng phát triển của đất nước, của khu vực và trên thế giới. Cụ thể:

1- Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc tham gia vào các hội nghị quốc phòng đa phương, như ADMM, ACDFIM, ACAMM, AMIIM…, các hội nghị quốc phòng - an ninh đa phương có sự tham gia của các đối tác, như ADMM+, ARF và các kênh hợp tác quốc phòng khác. Chúng ta cũng chủ động và tham gia đầy đủ vào các loại hình hợp tác song phương, đa phương trong các hoạt động bảo đảm an ninh, như: các hoạt động tuần tra, kiểm soát an ninh trên biển, trên biên giới đất liền;... Tích cực hợp tác với quân đội các nước trong các loại hình hợp tác đào tạo huấn luyện cho lực lượng gìn giữ hòa bình, diễn tập đối phó với các thảm họa thiên tai, hợp tác trao đổi nghiệp vụ quân y, trao đổi xây dựng mô hình huấn luyện.

2- Trong quá trình hợp tác, chúng ta cần tính toán lộ trình tham gia bảo đảm phù hợp với tiến độ, phạm vi, mức độ chung của Hiệp hội, tập trung vào những nội dung mà Việt Nam có thế mạnh, phù hợp với điều kiện, lợi ích của ta và dung hòa được các lợi ích khu vực. Đồng thời, đi sâu nghiên cứu phát hiện những vấn đề mới để đề xuất sáng kiến xây dựng; phát hiện những vấn đề có tính nhạy cảm để có giải pháp tham gia hợp tác phù hợp. Chúng ta cũng cần chú trọng việc nắm bắt tình hình xung quanh, các vấn đề liên quan đến hoạt động hợp tác xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, để dự báo chính xác về sự vận động của trụ cột này, nhằm không chỉ làm sâu sắc hơn cho các mối quan hệ hợp tác QP,QS mà còn làm cho trụ cột này phát huy hiệu quả thúc đẩy các trụ cột khác cùng phát triển, bảo đảm an ninh, lợi ích cho khu vực, trong đó có lợi ích của chúng ta.

3- Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, đóng góp nhiều hơn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội bộ và quốc tế để nhân dân ta và các nước ASEAN ủng hộ mạnh mẽ cho tiến trình hợp tác QP,QS mà Quân đội ta đang thực hiện. Đồng thời, Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan cùng tiến hành có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng để gia tăng sức mạnh tổng hợp, nhằm mở rộng và nâng cao khả năng hợp tác quốc phòng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, cũng như Cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí vai trò của hoạt động hợp tác QP,QS để tổ chức thực hiện bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất.

Sau hơn 15 năm gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam đã trở thành một thành viên tích cực của khu vực và của ASEAN. Sự tham gia và những đóng góp của Việt Nam về hợp tác quốc phòng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh là đúng đắn và to lớn. Với phương châm của Đảng "tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh"1, QĐND Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn, thiết thực để xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị - An ninh mà ASEAN đã xác định, góp phần thắt chặt nội khối, bảo đảm an ninh - quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội, trong đó có đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Thiếu tướng , TS. VŨ TIẾN TRỌNG

Viện trưởng Viện QHQT về Quốc phòng

               

1- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr233.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.