Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 07/03/2011, 15:21 (GMT+7)
Đẩy mạnh đổi mới, phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc
 Những năm vừa qua, ngành Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2011 và những năm tới, Ngành phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là triển khai Kế hoạch xây dựng, phát triển CNQP 5 năm (2011-2015). Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, Tổng cục CNQP đang tập trung quán triệt sâu sắc nghị quyết đại hội đảng các cấp, đẩy mạnh đổi mới, phát triển Ngành đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

         

alt
Một trong những sản phẩm tàu quân sự của Tổngcục CNQP, được triển khai tại Công ty Hồng Hà (ảnh: Báo QĐND)
Trên cơ sở quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP, Tổng cục CNQP đã tham mưu có hiệu quả cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) về xây dựng, phát triển và quản lý nhà nước về CNQP; đồng thời, giúp Chính phủ, BQP ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về CNQP, như: Nghị định của Chính phủ về CNQP và Quy hoạch xây dựng, phát triển CNQP đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Điều lệ Công tác bảo đảm công nghệ sản xuất quốc phòng trong Quân đội nhân dân Việt Nam... Nội dung các văn bản được xây dựng theo hướng đổi mới, hoà nhập sâu hơn CNQP với công nghiệp quốc gia và mở rộng phạm vi các đối tượng, thành phần có thể tham gia hoạt động CNQP. Điều đó tạo cơ sở cho việc thống nhất chỉ đạo và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội tham gia xây dựng và phát triển CNQP.

Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, Tổng cục CNQP đã phối hợp tổ chức tốt Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 27 do Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì. Các dự án thuộc Chương trình CNQP được triển khai đúng chủ trương, bám sát danh mục dự án, định hướng mục tiêu đã đề ra trong Quy hoạch, Kế hoạch 5 năm. Đối với các dự án do Tổng cục quản lý, đã bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng, góp phần từng bước hiện đại hoá công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và năng lực chế tạo các sản phẩm mới như: hoả cụ, khí tài quang học, vật liệu cao su kỹ thuật, công nghệ đóng tàu,... Chất lượng một số loại vũ khí, đạn bộ binh, các loại thuốc phóng, vật liệu hợp kim chuyên dụng... đã ổn định hơn, đáp ứng được yêu cầu bảo đảm trang bị cho huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Hoạt động sản xuất-kinh doanh của các cơ sở CNQP nòng cốt, nhìn chung, tăng trưởng tương đối cao và khá ổn định. Giá trị sản xuất tăng bình quân khoảng 20%/năm; trong đó, khối sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật chiếm trên 50%. Từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức WTO, quan hệ hợp tác quốc tế của ngành CNQP ngày càng được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm quốc phòng và kinh tế của Tổng cục liên tục tăng; việc làm được bảo đảm và đời sống của người lao động ngày càng được cải thiện (năm 2010, mức thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 5,8 triệu đồng/người/tháng).

Cùng với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Tổng cục còn đẩy nhanh tiến độ kiện toàn tổ chức CNQP nòng cốt theo hướng tập trung đầu mối; trong đó, một số cơ sở sản xuất, sửa chữa CNQP đã được tổ chức lại theo các hình thức sáp nhập, hình thành mô hình công ty mẹ-công ty con. Mặt khác, Tổng cục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu, thiết kế với sản xuất. Nhiều đề tài nghiên cứu sau khi hoàn thành được chuyển giao ngay cho sản xuất, như: thiết kế, chế tạo vũ khí bộ binh, đạn pháo mặt đất, súng và đạn pháo phòng không, vật tư đặc thù quốc phòng, vũ khí huấn luyện... 

Những năm tới, nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản là được Đảng, Nhà nước và BQP quan tâm, đầu tư, chỉ đạo..., Ngành cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Đó là: nhu cầu đầu tư về kỹ thuật, công nghệ cao rất lớn, trong khi nguồn ngân sách và năng lực tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới còn hạn chế; ngân sách đầu tư, vốn và tài sản đưa vào sử dụng ngày càng lớn, yêu cầu bảo toàn vốn và năng lực trang thiết bị ngày càng cấp thiết, nhưng đơn hàng quốc phòng trong điều kiện thời bình sẽ tăng không tương xứng; tổ chức và cơ chế quản lý CNQP vẫn còn nhiều bất cập... Nhận thức đầy đủ những thuận lợi, khó khăn đó, Tổng cục đã xây dựng, đề xuất với Quân uỷ Trung ương, BQP và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch xây dựng và phát triển CNQP 5 năm 2011-2015”. Theo đó, ngành CNQP phải đột phá vào việc hoàn thiện, đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý CNQP theo hướng tích tụ tập trung, phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; tăng cường gắn kết giữa CNQP và công nghiệp dân sinh trong đầu tư phát triển và phân công chuyên môn hoá sản xuất; tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, để tạo ra những sản phẩm vũ khí, đạn dược có chất lượng, độ tin cậy cao và ổn định, đáp ứng ngày càng đầy đủ các yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang. Để đạt được mục tiêu đó, ngành CNQP phải tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển CNQP. Với chức năng quản lý nhà nước về CNQP, Tổng cục tiếp tục đề xuất các biện pháp thực hiện Pháp lệnh CNQP, Nghị định của Chính phủ về thi hành Pháp lệnh CNQP; đồng thời, nghiên cứu và kiến nghị về các chế độ, chính sách mới của Nhà nước, quân đội đối với người lao động trong Ngành; xây dựng các quy định cụ thể về quản lý sản xuất, đầu tư, nghiên cứu khoa học-công nghệ (KHCN) phục vụ CNQP. Các văn bản đó phải bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực pháp lý, thiết thực, khả thi và sớm đi vào cuộc sống. Trên cơ sở đó, Tổng cục tham mưu cho Quân uỷ Trung ương và BQP kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý CNQP, đảm bảo tăng cường vai trò quản lý thống nhất của Chính phủ, gắn kết chặt chẽ giữa CNQP nòng cốt với công nghiệp dân sinh; hình thành hệ thống cơ quan quản lý CNQP xuyên suốt, hiệu quả, không trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Ngành tiếp tục tổ chức sắp xếp lại các cơ sở CNQP nòng cốt theo hướng tập trung, giảm số lượng, tăng quy mô của các cơ sở sản xuất; từng bước quy tụ các cơ sở CNQP vào đội hình tập đoàn hoặc các tổng công ty theo nhóm sản phẩm, ngành nghề; thực hiện đúng định hướng: gắn sản xuất với sửa chữa, sản xuất với nghiên cứu, thiết kế; từng bước chuyển hoạt động của các viện nghiên cứu sang mô hình đơn vị tự chủ về tài chính theo chủ trương chung của Nhà nước. 

Là cơ quan thường trực, Tổng cục tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 27 của Chính phủ, phối hợp với các cơ quan BQP thực hiện đồng bộ về nội dung, kế hoạch và bảo đảm nguồn vốn cho các chương trình, dự án theo kế hoạch đã đề ra. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu các đề án mới; chủ trì tổ chức khảo sát, đánh giá và xây dựng đề án huy động tiềm lực công nghiệp, KHCN của quốc gia vào tham gia xây dựng CNQP; tích cực theo dõi, kịp thời kiến nghị với Chính phủ và BQP về các biện pháp điều chỉnh kế hoạch khi có các tình huống phát sinh ngoài dự kiến.

Hai là, tập trung lãnh đạo và chỉ đạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển, sản xuất quốc phòng. Trước mắt, Tổng cục tập trung vào việc giải quyết dứt điểm các nội dung còn tồn đọng của các dự án, công trình chuyển tiếp từ Kế hoạch 5 năm 2006-2010; đồng thời, tăng cường đầu tư các dự án trọng điểm theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, độ tin cậy cao và ổn định. Tiếp tục triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình quốc gia theo kế hoạch được duyệt; một số dự án chưa thực sự cấp bách hoặc chưa có tính khả thi thì đề xuất giãn tiến độ hoặc hoãn thực hiện để tập trung nguồn lực cho các mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Tổng cục phải tập trung hoàn thiện công nghệ sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí, trang bị thiết yếu, có nhu cầu đặt hàng thường xuyên; ưu tiên đầu tư tăng năng lực nghiên cứu, thiết kế của các viện; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư về đóng mới và sửa chữa tàu quân sự với nội dung, quy mô hợp lý; triển khai một số dự án liên doanh, liên kết với đơn vị dân sinh hoặc đầu tư, hỗ trợ cho các đơn vị dân sinh phục vụ CNQP. Ngoài ra, Tổng cục tích cực huy động, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, bảo đảm đủ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình CNQP, trước hết là các dự án trọng điểm. Trong quản lý đầu tư và xây dựng, phải phát huy trách nhiệm của chủ đầu tư và vai trò tham mưu, tư vấn của các viện; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Mặt khác, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra ngay từ quá trình lập dự án đến thực hiện để phòng chống lãng phí và các hiện tượng tiêu cực.

Tổng cục tiếp tục xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về sản xuất quốc phòng để chủ động công tác bảo đảm và tổ chức sản xuất; hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu giao kế hoạch hằng năm theo hướng nâng cao vai trò tự chủ của đơn vị, yêu cầu chặt chẽ hơn về  bảo toàn và phát triển vốn, hạch toán đúng  chế độ khấu hao tài sản cố định. Đồng thời, tập trung mọi nỗ lực để giải quyết các vấn đề về nâng cao chất lượng sản phẩm; trong đó, coi trọng tăng cường phân công chuyên môn hóa sản xuất, phân cấp mạnh về đảm bảo vật tư cho sản xuất quốc phòng trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các quy định về chất lượng vật tư đầu vào; chấn chỉnh tổ chức sản xuất, tăng cường kỷ luật công nghệ và công tác kiểm tra, kiểm soát trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị công nghệ đến sản xuất và nghiệm thu sản phẩm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, người sử dụng, nhằm phát hiện sớm những khiếm khuyết để khắc phục cả về thiết kế và công nghệ. Cùng với đó, các cơ sở sản xuất phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn sản xuất và bảo vệ môi trường, nhất là đối với các dây chuyền sản xuất đạn dược và hoá nổ.

Ba là, khuyến khích mở rộng, đa dạng hoá các loại hình doanh nghiệp hoạt động kinh tế quốc phòng. Đây là vấn đề quan trọng đòi hỏi cơ quan các cấp phải quan tâm nghiên cứu tháo gỡ về cơ chế, ngành nghề, ủng hộ về nguồn lực, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, uy tín của CNQP trong sản xuất kinh tế. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống, từng bước phát triển, mở rộng các chủng loại hàng hoá, tập trung vào những mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng và trình độ công nghệ cao. Mặt khác, phải giữ vững và phát huy vị trí của CNQP trong một số mặt hàng chủ lực như: vật liệu nổ công nghiệp, pháo hoa, cao su, kỹ thuật đóng mới, sửa chữa tàu, một số sản phẩm công nghiệp và dân dụng khác; đồng thời, phấn đấu sản xuất thêm một số mặt hàng mới thực sự có sức cạnh tranh mạnh trên thị trường trong và ngoài nước. Để mở rộng hợp tác quốc tế về CNQP, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí và các sản phẩm kinh tế, Tổng cục sẽ triển khai một số mô hình liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất hàng quốc phòng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu KHCN và giáo dục-đào tạo. Tổng cục đang xây dựng và tiếp tục triển khai các chương trình KHCN chế tạo vũ khí và nâng cao chất lượng vũ khí do CNQP trong nước sản xuất, chú trọng cải tiến vũ khí, trang bị hiện có trong biên chế của lực lượng vũ trang; tổ chức rà soát để hoàn chỉnh và bảo đảm đầy đủ, kịp thời tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ, các yếu tố công nghệ cho sản xuất quốc phòng; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật công nghệ, kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh về kỹ thuật để bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng sản phẩm. Mặt khác, phải chú ý giữ gìn an toàn trong sản xuất, bảo vệ môi trường xung quanh. Nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cần tập trung vào các đề tài thiết kế, chế tạo vũ khí, khí tài phục vụ kế hoạch sản xuất và các dự án đầu tư hiện đại hoá công nghệ; tăng cường sự phối hợp, gắn kết giữa các viện nghiên cứu với các đơn vị sản xuất trong công tác nghiên cứu KHCN, nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả của các đề tài. Bên cạnh đó, Tổng cục tích cực đổi mới quy trình, phương pháp lựa chọn đề tài, giao nhiệm vụ nghiên cứu để tăng cường tính cạnh tranh, qua đó, thúc đẩy các viện chuyển sang hoạt động tự chủ về tài chính...

Đối với công tác giáo dục-đào tạo, Tổng cục ưu tiên, tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kỹ thuật những ngành đặc thù quốc phòng và cán bộ quản lý, nhất là những lĩnh vực, ngành mới mà CNQP đang thiếu; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo mới với đào tạo lại, đào tạo bổ sung ; đào tạo trong nước với đào tạo ở nước ngoài; gắn đào tạo, bồi dưỡng với việc chuẩn bị nguồn cán bộ,  đáp ứng cho nhiệm vụ lâu dài của Tổng cục. Cùng với bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học; các cơ quan, đơn vị cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực lãnh đạo, tham mưu, đảm bảo số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng bộ về ngành nghề.

Nhiệm vụ của Tổng cục trong thời gian tới rất nặng nề. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, toàn thể cán bộ, nhân viên, công nhân ngành CNQP phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, nhất là Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ Quân đội, phát huy cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu xây dựng Tổng cục ngày càng vững mạnh, đủ khả năng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội đã tin tưởng giao phó, góp phần xây dựng quân đội "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC LÂM

Chủ nhiệm Tổng cục CNQP

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11
Có thể nói, đây là hội nghị mang tính lịch sử, quyết sách những vấn đề rất quan trọng, đột phá của giai đoạn cách mạng mới, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trên cơ sở thống nhất tuyệt đối, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng,...