Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 13/06/2019, 07:53 (GMT+7)
Đẩy mạnh công tác khoa học, công nghệ và môi trường quân sự trong tình hình mới

Ngày nay, khoa học - công nghệ đã trở thành động lực chủ yếu cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và mỗi quốc gia. Trước tình hình đó, toàn quân, nòng cốt là ngành Khoa học Quân sự cần đẩy mạnh công tác khoa học, công nghệ và môi trường quân sự, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường quân sự đã có bước phát triển toàn diện, thu được kết quả thiết thực, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường quân sự được xây dựng, ban hành tương đối đồng bộ, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Cơ quan quản lý, nghiên cứu khoa học, công nghệ và môi trường các cấp trong toàn quân thường xuyên được kiện toàn, hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả. Việc xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ quân sự được chú trọng đúng mức. Công tác nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự đạt kết quả tích cực1, góp phần quan trọng phát triển lý luận nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến, cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về quân sự, quốc phòng. Đặc biệt là xây dựng Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, v.v. Khoa học xã hội và nhân văn quân sự đã góp phần động viên sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với Quân đội trong tình hình mới, v.v. Kỹ thuật và công nghệ, hậu cần - y dược quân sự, ứng dụng công nghệ sinh học,... cũng có bước phát triển mới. Toàn quân đã triển khai và hoàn thành nhiều chương trình, đề án trọng điểm quốc gia, có mức độ phức tạp cao2. Qua đó, vươn lên làm chủ thiết kế, chế tạo một số tổ hợp vũ khí, trang bị kỹ thuật có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến; vật tư, nguyên liệu, vật liệu nền đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực, tính chủ động của ngành Công nghiệp quốc phòng; phát triển, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế trong chăm sóc sức khỏe bộ đội. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả sau chiến tranh được toàn quân đẩy mạnh, đạt kết quả đáng khích lệ. Quân đội đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong điều tra, xử lý và khắc phục chất độc hóa học, bom mìn, vật liệu nổ tồn lưu sau chiến tranh, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định dân sinh.

Thiếu tướng Ngô Văn Giao trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng các đơn vị có thành tích trong công tác khoa học quân sự năm 2018

Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về công tác khoa học, công nghệ, môi trường quân sự chưa thật đầy đủ. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu còn thiếu về số lượng, trình độ, năng lực nhiều mặt chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành còn ít và đặc biệt hiếm ở một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn. Cơ sở vật chất và môi trường, điều kiện bảo đảm cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ; tình trạng khép kín, cục bộ, thiếu liên kết trong nghiên cứu, ứng dụng chưa được khắc phục triệt để, v.v.

Hiện nay, trước yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là xây dựng Quân đội theo hướng “tinh - gọn - mạnh” và những thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đòi hỏi công tác khoa học, công nghệ và môi trường quân sự phải đi trước một bước. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nòng cốt là lực lượng chuyên trách cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp đối với hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường quân sự. Đây là nguyên tắc và cũng là giải pháp quan trọng hàng đầu, quyết định việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường quân sự đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác khoa học, công nghệ và môi trường, trực tiếp là Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ; Kết luận 62-KL/QUTW, ngày 18-01-2019 của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục lãnh đạo công tác khoa học công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Kế hoạch của Bộ Quốc phòng thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, ngày 04-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, v.v. Trên cơ sở đó, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chuyên môn các cấp đối với nhiệm vụ quan trọng này. Từ kết quả, kinh nghiệm rút ra qua sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 791-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, vai trò và mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra; từ đó, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, rà soát lại các chương trình, kế hoạch, nhất là kế hoạch thực hiện Nghị quyết 791, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, biện pháp thực hiện đảm bảo khả thi, phù hợp với tình hình mới. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, điều hành và tư duy, phương thức tổ chức hoạt động khoa học, công nghệ, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ. Chú trọng thực hiện tốt phương châm “thiết thực - khả thi - chất lượng - kịp thời - hiệu quả”, cơ chế đặt hàng nghiên cứu và quản lý, sử dụng ngân sách; tập trung chuyển đổi các tổ chức khoa học, công nghệ sang cơ chế tự chủ,... nâng cao năng lực tham mưu đề xuất và triển khai các nhiệm vụ khoa học. Cơ quan Khoa học Quân sự các cấp, trước hết là Cục Khoa học Quân sự, chủ động bám sát thực tiễn, tiếp tục làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo, hướng dẫn toàn quân thực hiện công tác khoa học, công nghệ, môi trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt, lâu dài.

Hai là, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thời gian qua, công tác khoa học, công nghệ và môi trường quân sự đã luôn bám sát nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, triển khai tích cực, hiệu quả. Phát huy kết quả đó, toàn quân cần triển khai đồng bộ, toàn diện công tác nghiên cứu khoa học; gắn công tác khoa học, công nghệ, môi trường với các mặt công tác khác; chú trọng nâng cao chất lượng các đề tài, hướng trọng tâm vào phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Trên lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, cần tiếp tục nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước cụ thể hóa chủ trương, đường lối quân sự, quốc phòng vào thực tiễn. Tập trung triển khai các đề tài cấp quốc gia về một số giải pháp thực hiện các chiến lược vừa ban hành; nghiên cứu phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam gắn với thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới.

Với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn quân sự, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quân sự, quốc phòng; âm mưu, thủ đoạn chống phá mới của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức; đề xuất các giải pháp nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng ý chí, quyết tâm chiến đấu cho bộ đội, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đi sâu nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, quan hệ quốc phòng trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, rà soát, điều chỉnh và tập trung thực hiện nhiệm vụ thuộc các chương trình, đề án khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia và cấp Bộ Quốc phòng, tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ có tính đột phá, mang tầm quốc gia; gắn kết chặt chẽ kết quả nghiên cứu với sản xuất quốc phòng; phấn đấu đưa nhiều hơn kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn. Chú trọng tiếp thu thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực, từng bước làm chủ công nghệ chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa, sáng tạo nghiên cứu vũ khí, trang bị; khai thác làm chủ và bảo đảm kỹ thuật đối với các loại vũ khí, trang bị, kỹ thuật, nhất là loại công nghệ cao; mở rộng phát huy mô hình các doanh nghiệp Quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, công nghệ, sản xuất vũ khí, trang bị, kỹ thuật.

Khoa học hậu cần quân sự, tập trung nghiên cứu phát triển trang thiết bị bảo đảm hậu cần đồng bộ, phù hợp với phương tiện, trang bị tác chiến, chú trọng các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt; đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản để nâng cao chất lượng, thời gian dự trữ các mặt hàng hậu cần thiết yếu phục vụ dã ngoại, tác chiến dài ngày, nhất là cho bộ đội ở đảo xa bờ.

Khoa học y - dược quân sự, chú trọng tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ tiến bộ khoa học, công nghệ trong chuẩn đoán, điều trị, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội và cộng đồng, đặc biệt đối với các lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cùng với đó, toàn quân tiếp tục nghiên cứu, triển khai các biện pháp thực hiện tốt Chiến lược Bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; triển khai có hiệu quả các dự án xử lý, khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh.

Ba là, đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ và môi trường quân sự. Trước hết, tiếp tục kiện toàn đồng bộ hệ thống cơ cấu, tổ chức, biên chế, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khoa học, công nghệ và môi trường quân sự gắn với thực hiện Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021, phù hợp với từng cấp. Các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực khoa học quân sự; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực khoa học quân sự chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học trẻ, cán bộ khoa học, kỹ thuật giỏi, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở các lĩnh vực nghiên cứu mới. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư chiều sâu nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ phục vụ nghiên cứu khoa học theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trong điều kiện khả năng ngân sách có hạn, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các trung tâm, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ trọng điểm của Quân đội; chú trọng đi tắt đón đầu công nghệ mới, hiện đại. Các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện có phục vụ hoạt động nghiên cứu, chế thử; đẩy mạnh huy động tiềm lực từ bên ngoài theo đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Tiếp tục phát triển, nâng cao hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết nghiên cứu, ứng dụng với các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội. Cơ quan Khoa

học Quân sự các cấp cần tham mưu cho Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo, tạo điều kiện để mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược, truyền thống, những nước công nghiệp phát triển; chú trọng đẩy mạnh xây dựng mô hình liên kết với nước ngoài về đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; phát huy vai trò của Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự với Liên bang Nga và Bê-la-rút, Hàn Quốc, v.v.

Nhiệm vụ khoa học, công nghệ và môi trường quân sự trong thời gian tới rất nặng nề. Toàn quân, nòng cốt là ngành Khoa học Quân sự - lực lượng trực tiếp hoạt động trên lĩnh vực này, cần tiếp tục phát huy trí tuệ, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGÔ VĂN GIAO, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự
___________

1 - Năm 2018, toàn quân triển khai 08 đề tài độc lập, 07 đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia; 151 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng.

2 - Quân đội đã tham gia Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, như: BR-12, Ảnh nhiệt...; đang xây dựng, triển khai dự án: TN-75, Thể hiện phương án tác chiến trên nền hải đồ số và sa bàn số 3D, Thiết bị ảnh nhiệt dùng trong quân sự, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước