Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Chủ Nhật, 13/10/2013, 07:53 (GMT+7)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Vậy là người “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – đã vĩnh viễn ra đi theo C. Mác, V.I. Lê-nin, Hồ Chí Minh,… để trở về với Đất Mẹ thiêng liêng, với tổ tiên Lạc Hồng vĩ đại. Đối với chúng tôi – những cán bộ, phóng viên, chiến sĩ Tạp chí Quốc phòng toàn dân – niềm tiếc thương Đại tướng không chỉ là với một Tổng Tư lệnh Quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, một Anh hùng dân tộc “văn võ song toàn”,… mà còn là với một con người đã gắn bó với Tạp chí hơn 65 năm, từ ngày thành lập đến nay. Có lẽ, hiếm tờ báo nào nhận được nhiều tình cảm, tâm huyết của Đại tướng như vậy. Đó là một vinh dự đáng tự hào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm
với Đoàn đại biểu Tòa soạn Tạp chí Quốc phòng toàn dân, tháng 4-2008

Tháng 4 năm 1948, yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đòi hỏi phải chú trọng công tác nghiên cứu lý luận quân sự, chính trị, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu. Theo ý kiến của Hồ Chủ tịch, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã trực tiếp chỉ đạo việc thành lập Quân sự Tập san (tiền thân của Tạp chí Quốc phòng toàn dân). Cũng thật vinh dự, trong số đầu tiên (tháng 4-1948), Quân sự Tập san đã đăng Thư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (do Thứ trưởng Tạ Quang Bửu ký thay) gửi Quân sự Tập san, ngay sau Thư của Hồ Chủ tịch. Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng về tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ, tính chất hoạt động đối với Tập san đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Thư của Bộ trưởng có đoạn: “…quân sự chỉ là giai đoạn và một phương diện của cuộc kháng chiến mà dân tộc ta phải đảm đương. Trong tương lai sau khi giành được độc lập còn phải chiến đấu để kiến thiết, củng cố và bảo vệ nền độc lập, phải chiến đấu để kiến thiết nhưng chiến đấu bằng cách khác”. Đồng chí căn dặn, Quân sự Tập san phải một mặt làm tốt chức năng là nơi “…trao đổi kinh nghiệm và tư tưởng chiến đấu hiện tại”; mặt khác, phải có tác dụng “…vạch một đường xán lạn cho tư tưởng kiến thiết sau này.” Càng ngẫm, càng thấy tầm tư duy chiến lược sắc sảo, “vượt thời gian” của Đại tướng. Không chỉ viết Thư căn dặn, ngay trong Số đầu tiên này, Đại tướng – với tư cách là cộng tác viên số 01 của Tập san – đã khai bút bằng bài viết nhan đề: “Tiến mạnh sang giai đoạn mới”. Bài viết là một bản tổng kết cô đúc về thắng lợi, kinh nghiệm và những bài học rút ra từ Chiến dịch phản công Việt Bắc – Thu Đông 1947; đồng thời, nhắc nhở mọi cán bộ, chiến sĩ phải nỗ lực học tập nâng cao trình độ, đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc kháng chiến.

Bên cạnh chăm lo về chất lượng, Đại tướng còn quan tâm đến hiệu quả sử dụng và việc xây dựng Tập san. Qua hơn nửa năm Quân sự Tập san phát hành, nhận thấy cần phải chấn chỉnh công tác bạn đọc và yêu cầu mở rộng quy mô nội dung của Tập san sang cả lĩnh vực chính trị, Đại tướng đã viết “Thư gửi toàn thể các cấp chỉ huy trong Quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam” (Số tháng 12-1948). Trong Thư, cùng với việc công bố quyết định đổi tên Quân sự Tập san thành Quân chính Tập san, Đại tướng lưu ý: “Quân chính Tập san là một công trình do toàn thể bộ đội ta với xương và máu hun đúc nên, không phải là tạo phẩm của số nhỏ. Các cấp cần quan niệm rõ điều này và phải coi viết bài về cho Quân chính Tập san là một nhiệm vụ cần thiết… tôi mong các cấp thực hiện để tờ báo có thể đúng là nơi tập trung tư tưởng và lý luận của toàn thể các cấp chỉ huy trong quân đội ta”. Đến nay, những tư tưởng chỉ đạo sâu sắc ban đầu đó của Đại tướng đối với Tạp chí vẫn không hề bị lạc hậu, mặc dù thời gian, hoàn cảnh nay đã khác xưa rất nhiều rồi.

Thư của Đại tướng chúc mừng Tạp chí
nhân Kỷ niệm 60 năm Tạp chí ra số đầu tiên
(4-1948 - 4-2008)

Vinh dự hơn, không chỉ là một người lãnh đạo, chỉ đạo, từng có thời gian trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo Tạp chí, Đại tướng còn là một cây viết có thâm niên, một cộng tác viên lớn, gắn bó với Tạp chí. Điều đó thể hiện thông qua số lượng bài viết của Đại tướng cho Tạp chí khá đồ sộ và khoảng thời gian cộng tác của Đại tướng với Tạp chí cũng ở mức kỷ lục. Nếu tính cả các nhật lệnh, mệnh lệnh, chỉ thị, thư,… Đại tướng có cả thảy 30 bài viết đứng tên, đăng trên Tạp chí qua các thời kỳ. Và nếu tính về thời gian, Đại tướng đã khai bút cho Tạp chí từ Số đầu tiên (tháng 4-1948); và 60 năm sau, nhân dịp Kỷ niệm Ngày Tạp chí ra số đầu tiên, Đại tướng (khi đó sức khỏe đã không còn dồi dào) vẫn tự tay viết Lời chúc mừng Tạp chí (đăng trên trang nhất của Số tháng 5-2008). Với những con số ấn tượng như vậy, Đại tướng là cộng tác viên lâu năm nhất và cũng là người có số lượng bài viết nhiều nhất cho Tạp chí trong hơn 65 năm qua. Niềm vinh hạnh này chắc cũng không nhiều cơ quan báo chí ở ta có được.

Các tác phẩm của Đại tướng viết đăng trên Tạp chí ở nhiều thể loại: bình luận có, tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm có; viết về việc lớn có, về việc nhỏ có; đề tài về quân sự có, đề tài về chính trị cũng có... Cách thể hiện bài viết của Đại tướng cũng rất đa dạng; mỗi bài một vẻ, nhưng đều toát lên sức khái quát cao, lý luận cô đọng và sâu sắc, thực tiễn phong phú và sinh động, tính phê phán sắc bén và được thể hiện với một bút pháp giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Đủ thấy rằng, Đại tướng nêu gương thực hiện đúng những gì đã căn dặn đối với cán bộ các cấp khi viết bài gửi cho Quân chính Tập san: “Không nề hà ý kiến của mình là nhỏ nhặt, là sơ sài, thiếu sót, nhưng viết làm thế nào cho thực tế, dễ hiểu và không dài dòng”. Đại tướng cũng thể hiện mình là người thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Hồ Chủ tịch trong Thư gửi Quân sự Tập san: “…người viết thì cần phải viết một cách phổ thông, dễ hiểu, giản đơn mà rõ ràng”.

Trong số những tác phẩm của Đại tướng viết cho Tạp chí, có một số bài tiêu biểu, như: “Du kích chiến và vận động chiến” (Số tháng 8-1949); “Phân tích rõ đúng sai, phát huy tự phê bình và phê bình, tăng cường đoàn kết nhất trí, nâng cao chí khí chiến đấu, tích cực thực hiện nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng” (Số tháng 5-1957); “Sự nghiệp thiêng liêng chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ta nhất định toàn thắng” (Số tháng 1-1969); “Đường lối quân sự của Đảng ta là ngọn cờ trăm trận trăm thắng của chiến tranh nhân dân ở nước ta” (Số tháng 12-1969); “Hồ Chủ tịch, nhà chiến lược thiên tài, người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” (Số tháng 5-1970), hay bài: “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa” (Số tháng 5-1976)… Mỗi bài viết của Đại tướng đều là một bản tổng kết, chứa đựng trong đó những luận đề quan trọng, được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn sinh động. Nếu sắp xếp các bài viết của Đại tướng theo thứ tự thời gian, ta có thể hình dung được những nét chính yếu của nền lý luận quân sự cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Đại tướng căn dặn Ban biên tập Tạp chí: "...luôn bám sát thực tiễn, quán triệt đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm tốt nhiệm vụ là cơ quan lý luận quân sự và chính trị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng..."

Bên cạnh tổ chức các bài viết, Ban biên tập Tạp chí các thời kỳ còn thêm một vinh dự đặc biệt là nhiều lần được Đại tướng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ tham gia tổng kết lý luận quân sự cách mạng. Đơn cử, năm 1968, đồng chí Lê Hai (Trưởng Ban biên tập lúc đó) được Đại tướng, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ tham gia công tác tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; sau này, Đề cương Tổng kết do Tạp chí chuẩn bị đã được Đại tướng sử dụng để báo cáo tại Hội nghị Trung ương Đảng. Năm 1972, Bộ phận nghiên cứu của Tạp chí được Đại tướng giao biên tập và đã hoàn thành bản Luận văn quân sự: “Vũ trang quần chúng cách mạng – xây dựng Quân đội nhân dân” (Tác phẩm đứng tên Đại tướng và đăng trên Tạp chí Số tháng 1-1972)… Những nhiệm vụ “đột xuất” như vậy cũng đã trở thành “thường xuyên” như một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, một vinh dự đặc biệt của Tạp chí cho đến ngày nay, với chức năng của Cơ quan lý luận quân sự, chính trị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Vinh dự, tự hào đi đôi với trách nhiệm, cán bộ, phóng viên, chiến sĩ của Tạp chí Quốc phòng toàn dân hôm nay nguyện biến đau thương thành hành động, ra sức học tập và làm theo tấm gương của Đại tướng – một nhà quân sự, chính trị xuất chúng, một nhân cách mẫu mực, một “nhà báo” có cả “tâm” và “tầm”. Trên cơ sở đó, tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ hiểu biết về quân sự, chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức, tác phong của nhà báo cách mạng, góp phần xây dựng Tạp chí luôn vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị giao cho trong giai đoạn mới của cách mạng./.

 

Đại tá NGUYỄN HỌC TỪ

Phó Tổng biên tập

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.