Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Chủ Nhật, 16/12/2018, 17:07 (GMT+7)
Chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Chính sách hậu phương Quân đội có vai trò to lớn đối với việc phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, việc chăm lo thực hiện chính sách hậu phương Quân đội cần được quan tâm hơn nữa; coi đó là một mặt quan trọng để xây dựng Quân đội nhân dân ngày càng vững mạnh, làm nòng cốt trong củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế, nhiều người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, cống hiến một phần xương máu cho nền độc lập của nước nhà. Để đền đáp, tôn vinh sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và những cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội; chăm lo đến các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, thân nhân các quân nhân tại ngũ, thông qua các phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, v.v. Đó là bổn phận, trách nhiệm đối với các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của họ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tạo động lực tinh thần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với Quân đội, thời gian qua, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân làm tốt việc quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn đất nước, nhiệm vụ Quân đội, tâm tư, nguyện vọng của đối tượng chính sách, gia đình quân nhân; phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với trên ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến và chính sách hậu phương Quân đội1.

Nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn quân tổ chức thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, như: xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; tặng phương tiện, trang bị y tế cho các trung tâm điều dưỡng thương binh; phụng dưỡng “Mẹ Việt Nam anh hùng”; giải quyết việc làm cho con liệt sĩ, thương binh nặng; thăm hỏi, tặng quà, khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, quyên góp, tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách; tu sửa nâng cấp nghĩa trang, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, v.v. Đồng thời, giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người có công thuộc diện Quân đội quản lý; kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh trong thực hiện chính sách với đối tượng này. Chỉ tính riêng từ 10 năm trở lại đây, các đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động các nguồn đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 695 tỷ đồng; xây dựng gần 15.500 Nhà tình nghĩa; tạo việc làm cho hơn 340 con em thương binh, liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được tiến hành tích cực, hiệu quả2; nhiều hài cốt liệt sĩ đã xác minh tên, tuổi, quê quán và được bàn giao về địa phương, gia đình theo đúng quy định. Thực tế cho thấy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong Quân đội luôn có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tham gia, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Cùng với đó, các chế độ, chính sách đối với gia đình quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng tại ngũ cũng được chăm lo, thực hiện ngày càng tốt hơn và không ngừng được hoàn thiện, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; 100% thân nhân của quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng được cấp thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ kinh phí, đào tạo, cấp thẻ học nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ được tiến hành chặt chẽ, đúng đối tượng. Việc thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, Tết, ngày truyền thống đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu; chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, bệnh tâm thần, người hiếm muộn, vô sinh,... được quan tâm đúng mức. Chế độ, chính sách đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được thực hiện tốt. Đến nay, toàn quốc đã có hơn 3,7 triệu người được hưởng chế độ trợ cấp một lần hoặc hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, v.v. Điều đó không chỉ góp phần động viên tinh thần, nâng cao đời sống cho các đối tượng chính sách, mà còn là động lực to lớn, thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao, không để Tổ quốc bị bất ngờ trong mọi tình huống.

Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thời cơ, thách thức mới chi phối việc thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Trong khi đó, nhiệm vụ nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đề xuất, chỉ đạo và thực hiện chính sách này ngày càng tăng; khối lượng đối tượng chính sách tồn đọng sau chiến tranh vẫn còn lớn, tính chất ngày càng phức tạp; đời sống của một bộ phận gia đình, vợ con quân nhân đang phục vụ trong Quân đội còn khó khăn, v.v. Tình hình trên, đặt ra yêu cầu cần phải chăm lo, thực hiện tốt hơn nữa chính sách hậu phương Quân đội, bằng những nội dung, biện pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp. Trong đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đề cao vai trò của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chính sách hậu phương Quân đội, nhất là Chỉ thị 14-CT/TW, ngày 19-7-2017 của Ban Bí thư và Kế hoạch 1085/KH-QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục tăng cường lãnh đạo đối với công tác người có công với cách mạng, Chỉ thị 368-CT/QUTW, ngày 12-6-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội và hậu phương Quân đội giai đoạn 2016 - 2020”, v.v. Đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung nghiên cứu, đề xuất, ban hành chế độ, chính sách đối với các đối tượng công tác trong Quân đội và hậu phương Quân đội theo tiến trình cải cách chính sách tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII). Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm khơi dậy tình cảm, đạo lý, truyền thống dân tộc trong mỗi cán bộ, chiến sĩ; làm cho họ nhận thức sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với các đối tượng chính sách và gia đình quân nhân là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của “Bộ đội Cụ Hồ” và sự tri ân đối với những người có công đóng góp cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, củng cố niềm tin, bồi dưỡng tình cảm, nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo cho họ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; đồng thời, xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái quy định trong chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện phải phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, địa phương; gắn công tác này với nhiệm vụ chính trị, công tác dân vận, xây dựng cơ sở cở chính trị - xã hội vững mạnh. Thường xuyên bám sát thực tiễn hoạt động của các đơn vị, tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách, gia đình quân nhân, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, cấp ủy, chính quyền địa phương để tham mưu, chỉ đạo thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; chú trọng chế độ, chính sách cho các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù quân sự, nhiệm vụ mới, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, v.v. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đối với quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng hy sinh, bị thương trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đấu tranh phòng, chống tội phạm, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào“Đền ơn đáp nghĩa”.

Hai là, tiếp tục thể chế hóa đồng bộ chính sách hậu phương Quân đội phù hợp với tình hình mới; giải quyết có hiệu quả các vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện. Trước hết, cần đổi mới, nâng cao tính khả thi trong thực hiện chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của họ, theo phương châm: thiết thực, toàn diện; tập trung hoàn thiện, đảm bảo chất lượng chế độ chăm sóc sức khỏe cho thân nhân, chăm lo giáo dục cho con cán bộ, chiến sĩ còn trong độ tuổi đi học. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho gia đình quân nhân tại ngũ về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm và thu nhập; khai thác nhiều nguồn cung, đa dạng hóa hình thức, đổi mới cơ chế tài chính, tín dụng, từng bước bảo đảm nhà ở, nhà công vụ cho gia đình sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở và đặc thù Quân đội. Thường xuyên động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình quân nhân đang làm nhiệm vụ đặc thù ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đổi mới và hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ tại ngũ, trước hết, bảo đảm tốt hơn điều kiện sinh hoạt, tăng dần thu nhập từ tiền lương để họ có thêm điều kiện tích lũy, hỗ trợ, chăm sóc gia đình. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quan tâm đến người có hoàn cảnh đặc biệt, cán bộ tham gia các thời kỳ chiến tranh đã nghỉ hưu, phục viên, chuyển ngành, thôi việc nhưng chưa được hưởng đầy đủ chế độ hằng tháng. Đổi mới chế độ, cách thức tổ chức dạy nghề cho bộ đội trước và sau khi xuất ngũ; có nhiều hình thức kết nối thị trường lao động, trong và ngoài nước, đa dạng hóa tạo việc làm, bảo đảm cho quân nhân xuất ngũ được đào tạo, nâng cao tay nghề, có việc làm và thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp bồi dưỡng và đào tạo lại số quân nhân xuất ngũ để tăng cường cán bộ cho cơ sở; tăng dần các chế độ hỗ trợ, sinh hoạt phí và các chính sách đãi ngộ khác cho những người được huy động làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương, nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm, khuyến khích họ tích cực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chế độ trách nhiệm, đề ra nhiều giải pháp thiết thực để giải quyết tốt hơn vấn đề xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin, chất độc da cam/đi-ô-xin, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và các vướng mắc trong thực hiện chính sách đối với thương binh, liệt sĩ. Chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của đối tượng chính sách, không để tích tụ bức xúc kéo dài.

Ba là, tích cực đổi mới nội dung, phương thức thực hiện chính sách hậu phương Quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Trên cơ sở chương trình, kế hoạch đã xác định, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần bám sát thực tiễn để có các giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể, linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của đất nước, nhiệm vụ xây dựng Quân đội  trong thời kỳ mới; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị và vận động quần chúng nhân dân cùng phối hợp thực hiện. Tích cực đổi mới phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo hướng phát triển những mô hình hay, việc làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, gương điển hình tiên tiến, làng xã làm tốt chính sách hậu phương Quân đội; đồng thời, xác định nội dung, chương trình hoạt động và cách làm mới, phù hợp, bảo đảm vừa có giá trị động viên thiết thực đối với các đối tượng chính sách, vừa có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của toàn quân, toàn dân đối với công tác chăm sóc các đối tượng chính sách và người có công trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; chính sách đối với người Việt Nam có công định cư ở nước ngoài theo chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng; đối tượng làm việc trong các doanh nghiệp Quân đội thực hiện sắp xếp lại, đổi mới theo Đề án 80, v.v. Đồng thời, có chính sách thu hút, khuyến khích người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai một số chính sách mới. Trong thực hiện, cần phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận xã hội, khuyến khích sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ này.

Bốn là, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách hậu phương Quân đội. Thực hiện chính sách hậu phương Quân đội là truyền thống, đạo lý của dân tộc, trách nhiệm của mỗi tổ chức, lực lượng và mỗi người. Bởi vậy, cần có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị mà Quân đội là một trong những lực lượng nòng cốt. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chủ động phối hợp khai thác các nguồn lực, công cụ, phương tiện và nghiên cứu, đề xuất, tổ chức thực hiện chính sách hậu phương Quân đội phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trước hết, cần mở rộng và nâng cao chất lượng các phong trào chính sách hậu phương Quân đội, các chương trình tình nghĩa, phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đồng thời, quan tâm đến việc học nghề, tìm việc làm của con các đối tượng chính sách; phát triển mạnh mẽ các cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, điều dưỡng, thương, bệnh binh, v.v. Từng bước hình thành, nâng cao chất lượng các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ và dịch vụ xã hội về chính sách xã hội, chính sách hậu phương Quân đội. Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; động viên các đối tượng chính sách, gia đình quân nhân nỗ lực vươn lên, chủ động khắc phục khó khăn, vượt lên hoàn cảnh, làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước. Quan tâm triển khai đồng bộ và phối hợp thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, ổn định sản xuất và đời sống, nhất là đối với các đối tượng chính sách, gia đình quân nhân nhằm bảo đảm an sinh xã hội, gắn với địa bàn khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, nơi các đơn vị quân đội đóng quân. Chủ động khai thác các nguồn lực, chăm lo nhà ở đối với gia đình quân nhân với phương châm Nhà nước, nhân dân và đối tượng chính sách cùng lo, cùng làm. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, địa phương trong công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; chủ động phối hợp thực hiện chủ trương xác định danh tính liệt sĩ theo đề án đã được thông qua. Đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; đẩy mạnh phong trào“cung cấp thông tin mộ liệt sĩ” trên phạm vi cả nước, của những đồng đội liệt sĩ, đồng bào đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, hội cựu chiến binh; triệt để khai thác các nguồn thông tin lưu trữ, v.v. Các đơn vị trong toàn quân vừa phải thực hiện tốt chính sách hậu phương theo chức năng, nhiệm vụ, vừa phối hợp với cấp ủy, chính quyền trên địa bàn đóng quân, đảm bảo phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hậu phương Quân đội.

Năm là, kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện chính sách hậu phương Quân đội với các mặt công tác khác, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện. Cùng với bảo đảm chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, tinh thần cách mạng tiến công, xác định nhiệm vụ, bồi dưỡng mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, đề cao trách nhiệm cho bộ đội. Đồng thời, thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, xây dựng khu vực phòng thủ, trình độ sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, công tác dân vận, duy trì nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa, ý thức pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Bên cạnh đó, cấp ủy, tổ chức đảng phải luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ngành Chính sách, có phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, thi hành kỷ luật, tự phê bình và phê bình, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ, đoàn kết quân dân, chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Với tinh thần, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, tin tưởng rằng những năm tới, công tác chính sách hậu phương Quân đội sẽ được chăm lo, thực hiện tốt, theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chính sách, gia đình quân nhân, góp phần quan trọng vào phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đại tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
___________________

1 - Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan, đơn vị Quân đội đã tiếp nhận hồ sơ, xác minh, kết luận, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận 1.052 liệt sĩ; tổ chức giám định, cấp giấy chứng nhận thương binh cho 7.003 trường hợp; 6.431 trường hợp được công nhận bệnh binh, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng quy định.

2 - Đến nay, các đơn vị quân đội đã tổ chức tìm kiếm, quy tập được 951.163 hài cốt liệt sĩ (ở Lào: 35.252 hài cốt; Campuchia: 55.650 hài cốt; trong nước: 860.261 hài cốt)

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ mới 18/11/2024

Toàn quân đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới 14/11/2024

Quân đội nhân dân Việt Nam phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần và tiềm lực quân sự, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới 13/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" 06/11/2024

Nắm vững nội dung, đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Phòng thủ dân sự trong Quân đội 04/11/2024

Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam 21/10/2024

Toàn văn bài phát biểu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 20/10/2024

Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng 17/10/2024

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát 22/09/2024

Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả"
Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của Tổng Bí thư.