QPTD -Thứ Tư, 07/06/2023, 13:37 (GMT+7)
Tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới

Nhận rõ tầm quan trọng của thi đua, khen thưởng đối với sự phát triển toàn diện của địa phương, cơ sở, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước hướng vào thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả thiết thực.

Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”1, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển của Tỉnh, phong trào Thi đua yêu nước trên địa bàn có sức lan tỏa mạnh mẽ, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đều khắp trên các lĩnh vực, với nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; tạo động lực to lớn góp phần giành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội2, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, Phong trào đã góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cơ quan đoàn thể và toàn dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng, bền vững, không chạy theo thành tích.

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành, nhân dân trong Tỉnh đồng tình ủng hộ, hăng hái thực hiện và đạt kết quả cao. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc; kết cấu hạ tầng từng bước phát triển đồng bộ; các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư phù hợp; dịch vụ và thương mại không ngừng phát triển; hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi từng bước được hoàn thiện, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đến nay, toàn Tỉnh đã có 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 67 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Phước Long đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thành phố Bạc Liêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 04 đơn vị cấp huyện đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu và đang thực hiện quy trình đề nghị công nhận nông thôn mới.

Lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh trồng cây trên tuyến đường nông thôn mới thuộc xã Hưng Phú, huyện Phước Long

Thời gian tới, để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước hướng vào thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỉnh xác định, xây dựng nông thôn mới phải gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chất lượng các dịch vụ, đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu hưởng thụ của người dân; thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa đô thị và nông thôn. Đồng thời, phải chú trọng bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp về văn hóa, con người Bạc Liêu; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tỉnh xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phước Long đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và thành phố Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên, cùng với nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, tạo nguồn nhân lực thực hiện Chương trình; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị,… tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp quan trọng sau.

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; nâng cao nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân đối với mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về xây dựng nông thôn mới, Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo sự thống nhất ý chí và chuyển biến mạnh mẽ về hành động trong cả hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và người dân. Tỉnh yêu cầu cấp ủy các cấp, người đứng đầu các địa phương, đơn vị và cán bộ, đảng viên tăng cường trách nhiệm nêu gương, tích cực thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại hay nóng vội. Triển khai thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch đối với các công trình phúc lợi Nhà nước và nhân dân cùng làm; tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến; phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong quá trình thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp; thường xuyên sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả.

2. Đẩy mạnh Thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Phát huy kết quả đạt được, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn nông thôn mới, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Lồng ghép đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững. Thường xuyên chú trọng việc tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển ngành nghề, nâng cao năng lực sản xuất, xem đây là giải pháp quan trọng để xây dựng nông thôn mới bền vững. Tiến hành rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với quy hoạch và mục tiêu phát triển của địa phương. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, các giải pháp xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi; tăng cường kêu gọi xã hội hóa, tạo nguồn lực giải quyết các vấn đề môi trường nông thôn; phát động mạnh mẽ phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến, kiểu mẫu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở từng hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của từng dân tộc, của vùng nông thôn, bản sắc văn hóa người Bạc Liêu; nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa của người dân nông thôn. Cải thiện chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, xử lý có hiệu quả các điểm nóng về trật tự xã hội; đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; chú trọng xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự ở khu dân cư.

3. Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; các điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân về xây dựng các mô hình điểm; nhân rộng các phong trào quần chúng trong phong trào xây dựng nông thôn mới; chú trọng nhân rộng huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao; các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với biểu dương, khen thưởng, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy chế thi đua, đúng người, đúng việc. Quá trình thực hiện, cần có các hình thức tôn vinh tấm gương nông dân điển hình đã hiến đất, tiền, sức và trí tuệ làm đường, trường, nhà văn hóa,… và nông dân tiên tiến trong các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng gia đình văn hóa. Bên cạnh đó, chú trọng lựa chọn, phát hiện những tấm gương tiêu biểu, tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo,… để bồi dưỡng, xây dựng thành điển hình tiên tiến. Từ trong phong trào thi đua, trên địa bàn Tỉnh xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, như: “Nuôi tôm siêu thâm canh; thâm canh; bán thâm canh; tôm - lúa”; “Sản xuất muối năng suất, chất lượng cao”. Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống,… nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất (theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao) nhằm tăng năng suất tôm nuôi, trồng lúa và rau, củ, quả, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch; tiến tới mở rộng vùng nuôi tôm, cây trồng an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

4. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn. Tỉnh tập trung đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nhằm tăng năng suất, giá trị trên một đơn vị diện tích; chú trọng đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa, tin học hóa, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư, nhân rộng những mô hình sản xuất lớn, sản xuất sạch với quy mô công nghiệp gắn với chế biến sâu và tiêu thụ sản phẩm, nhất là những mặt hàng nông sản Tỉnh có lợi thế so sánh (tôm, lúa, hải sản, muối, tổ yến, Thanh nhãn Bạc Liêu,...). Tiếp tục đẩy mạnh quá trình đô thị hóa nông thôn một cách hợp lý; nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu hưởng thụ góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn; kết hợp chặt chẽ chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ đô thị. Phấn đấu phủ kín quy hoạch phân khu đô thị; hoàn thành các quy hoạch vùng huyện, đáp ứng tiêu chí điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới; quy hoạch các vùng trọng điểm về công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại phù hợp với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; bố trí kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa trên địa bàn.

PHẠM VĂN THIỀU, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh
_________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 407.

2 - Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,6%; tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 60,53 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực nông nghiệp chiếm 41,62%; công nghiệp - xây dựng: 19,31%; dịch vụ: 34,10%. Tổng thu ngân sách nhà nước (thu nội địa) ước đạt 4.100 tỉ đồng, đạt 125,65% dự toán; tổng chi ngân sách nhà nước 8.426 tỉ đồng, đạt 112,13% dự toán.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Các tin, bài đã đưa
Thi đua ái quốc - tư tưởng xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta
Thực hiện hai nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Đây là cống hiến to lớn thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Người và trở thành văn kiện quan trọng của Đảng về tư tưởng Thi đua yêu nước, tạo động lực mạnh mẽ để đưa cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi.