QPTD -Thứ Năm, 26/10/2023, 11:11 (GMT+7)
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 - 29/10/2023)
Đại tướng Đoàn Khuê - nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam

Đại tướng Đoàn Khuê - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội và nhân dân Việt Nam. Điểm nổi bật trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đồng chí là sự thống nhất, hòa quyện giữa chính trị với quân sự, giữa quân sự với chính trị. Đồng chí không chỉ là người cán bộ chính trị mẫu mực, tài năng, mà còn là người chỉ huy xuất sắc, có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng Quân đội, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tướng Đoàn Khuê. Ảnh: baochinhphu.vn

1. Đồng chí Đoàn Khuê luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối chính trị - quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường

Trưởng thành từ phong trào đấu tranh cách mạng, trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Campuchia; từng đảm nhiệm nhiều trọng trách cả về chính trị và quân sự, đồng chí Đoàn Khuê luôn nắm chắc và vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường, luôn quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, kết hợp chặt chẽ các yếu tố lực, thế, thời, mưu để đánh địch.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tên tuổi đồng chí Đoàn Khuê gắn liền với sự phát triển, chiến thắng của các đơn vị chủ lực Liên khu 5 và những chiến công oanh liệt trên chiến trường Tây Nguyên, tiêu biểu là chiến thắng Măng Đen, Chư Đrếch (năm 1954), v.v. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, suốt hơn 20 năm lăn lộn trên chiến trường Quân khu 4, Quân khu 5, Đồng chí đã vận sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng vào thực tiễn chiến trường; có đóng góp quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thế trận phòng thủ trên địa bàn Quân khu 4; là người chính ủy tài năng, mẫu mực, chỉ huy Lữ đoàn 341 thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ khu vực giới tuyến những năm đầu đất nước bị chia cắt. Đặc biệt, khi đế quốc Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam, Đồng chí cùng tập thể Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam vào thực tiễn chiến trường, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ. Quân khu 5 là địa bàn xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh giặc sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Nơi đây cũng là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, như: Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Đồng Dương, v.v. Đó là những đòn phủ đầu, hạ uy thế quân viễn chinh Mỹ, có ý nghĩa phát động tinh thần dám đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược trong toàn dân và lực lượng vũ trang cả nước. Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước (năm 1974) và những trận tiến công táo bạo ở Nam Quảng Nam mùa Xuân năm 1975 cùng nhiều chiến công khác trên địa bàn Quân khu 5 đã ghi dấu ấn nổi bật, khẳng định tài năng, bản lĩnh, sự linh hoạt, sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng và chỉ đạo tác chiến của đồng chí Đoàn Khuê.

Sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, Đồng chí đã cùng với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu có nhiều giải pháp đột phá trong trấn áp bọn phản động, ổn định tình hình. Điển hình là chủ trương chuyển từ “truy quét FULRO” thành “giải quyết vấn đề FULRO”, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn. Từ năm 1983 đến 1986, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”1, Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giúp cách mạng Campuchia phát triển lực lượng vũ trang, củng cố chính quyền, đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng, hai Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.

2. Đồng chí Đoàn Khuê có nhiều đóng góp xuất sắc trong xây dựng lực lượng vũ trang, nòng cốt là xây dựng Quân đội nhân dân

Trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí Đoàn Khuê luôn chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện cả về chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật; trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, làm cơ sở, nền tảng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Thấu triệt nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với lực lượng vũ trang, Đồng chí tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng; xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng trong cán bộ, chiến sĩ; kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện chùn bước trước khó khăn, gian khổ, hy sinh, tư tưởng chủ quan, khinh địch, v.v.

Đặc biệt, những năm đầu đổi mới đất nước, với trọng trách Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đồng chí đã tham mưu với Đảng, Nhà nước và trực tiếp chỉ đạo thực hiện thành công cuộc điều chỉnh tổ chức biên chế của Quân đội theo hướng tinh, gọn, từng bước hiện đại theo phương châm: quân số thường trực giảm nhưng chất lượng được nâng cao một bước; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, có trọng điểm.

Trong xây dựng lực lượng vũ trang, Đồng chí đặc biệt chú trọng công tác đảng, công tác chính trị, thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh; chỉ đạo toàn quân làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, nghiên cứu khoa học, giải quyết đồng bộ vấn đề hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Đây là những đóng góp quan trọng của đồng chí Đoàn Khuê, vừa góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân, vừa giảm bớt gánh nặng ngân sách quốc phòng, tập trung nguồn lực cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng Quân đội ngày càng hiện đại.

Các đại biểu tham quan tại Triển lãm “Đại tướng Đoàn Khuê - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc”. Ảnh: LINH THẮM

3. Đại tướng Đoàn Khuê - nhà tham mưu chiến lược xuất sắc với nhiều vấn đề mang tầm chiến lược; coi trọng đổi mới tư duy, lý luận quân sự, quốc phòng

Từ năm 1986, trên cương vị được giao, đồng chí Đoàn Khuê đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu chiến lược Bộ Quốc phòng tập trung nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn, dự báo tình hình, đề xuất, tham mưu các giải pháp nhằm tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cùng với điều chỉnh tổ chức biên chế Quân đội, Đồng chí chỉ đạo bố trí lại lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng, các địa bàn chiến lược quan trọng theo hướng chuyển từ đề phòng chiến tranh xâm lược quy mô lớn sang đối phó với “chiến tranh phá hoại nhiều mặt”, “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, v.v. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh trên những địa bàn trọng điểm, nhất là các vùng biển, đảo và thềm lục địa, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trong củng cố nền quốc phòng toàn dân, Đồng chí yêu cầu trước hết phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý của Nhà nước, thể chế hóa các chế độ, chính sách về quân sự, quốc phòng. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; trong đó, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp nhằm chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra.

Cùng với đó, Đồng chí yêu cầu toàn quân phải chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đổi mới tư duy, lý luận về quân sự, “không được phép dừng lại ở nguyên tắc cũ, hiểu biết cũ, công thức cũ”2; phải cập nhật những tư duy quân sự mới dưới tác động của khoa học, công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam.

Nhận thức đúng vai trò quan trọng của công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo nhiều công trình tổng kết chiến lược, tổng kết nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, tổng kết Đảng lãnh đạo chiến tranh cách mạng, v.v. Đây là những công trình có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn, góp phần đúc rút những kinh nghiệm lịch sử trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam; những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam để kế thừa, vận dụng và phát triển.

4. Đồng chí Đoàn Khuê có phương pháp làm việc khoa học, tác phong lãnh đạo, chỉ huy kiên quyết, sâu sát thực tiễn

Là người chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược, đồng chí Đoàn Khuê luôn bám sát chiến trường, xuống tận đơn vị cơ sở, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của cấp dưới, tìm cách khắc phục khó khăn, củng cố tinh thần, ý chí, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Trong nhiều trận đánh, Đồng chí ra tận chiến hào để nắm tình hình, chỉ đạo tác chiến và động viên cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu; kịp thời xử trí những tình huống khó khăn, phức tạp nảy sinh. Thời bình, với cương vị người lãnh đạo cao nhất của Quân đội, Đồng chí thường xuyên chỉ đạo kiểm tra đối với tất cả các loại hình cơ quan, đơn vị; kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên địa bàn trọng điểm, từ các tỉnh địa đầu phía Bắc đến các tỉnh tận cùng ở phía Nam, từ đất liền tới biển, đảo xa xôi của Tổ quốc.

Đồng chí Đoàn Khuê là tấm gương sáng về phong cách làm việc khoa học, tỷ mỷ, dân chủ, sâu sát thực tiễn, với tác phong lãnh đạo, chỉ huy vừa kiên quyết vừa mềm dẻo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Những phẩm chất đó tạo nên bản lĩnh, uy tín của Đồng chí, giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ huy có sức truyền cảm mạnh mẽ và có hiệu lực trong thực tế. Bởi vậy, suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, Đồng chí đều nhận được sự kính trọng, tin tưởng, tình cảm quý mến của đồng chí, đồng đội và nhân dân cả nước.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê - nhà lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, là dịp chúng ta nghiên cứu sâu sắc, toàn diện hơn về những công lao, đóng góp của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Sự hòa quyện giữa yếu tố chính trị - quân sự, tư duy khoa học, phương pháp làm việc dân chủ, sâu sát thực tiễn, quyết đoán, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là những phẩm chất cao quý của người cán bộ cách mạng. Đại tướng Đoàn Khuê đã đi xa, nhưng tấm gương người lãnh đạo, chỉ huy của Đồng chí vẫn sẽ mãi được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội và nhân dân cả nước học tập, noi theo.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 105.

2 - Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tướng Đoàn Khuê, Nxb QĐND, H. 2002, tr. 382.

Ý kiến bạn đọc (0)