Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Tư, 31/10/2018, 14:40 (GMT+7)
Ngành Kỹ thuật Hải quân đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Thực hiện chủ trương xây dựng Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, những năm gần đây, Quân chủng được đầu tư trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại. Trong điều kiện cùng lúc quản lý, khai thác sử dụng số lượng lớn vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ cũ, đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp, tính đồng bộ không cao, vật tư phụ tùng khan hiếm và các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, hiện đại, với yêu cầu rất cao, khắt khe, phức tạp trong khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa,… đặt ra cho ngành Kỹ thuật Quân chủng nhiệm vụ nặng nề, với không ít khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác kỹ thuật và bám sát nhiệm vụ chính trị của Quân chủng, đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật. Trong đó, Ngành chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, xác định đây là một khâu then chốt, đáp ứng yêu cầu công tác kỹ thuật của Quân chủng trước mắt và lâu dài.

Để công tác nghiên cứu khoa học phát triển đúng hướng, rộng khắp, liên tục ở các cấp, đạt hiệu quả cao, Đảng ủy Cục Kỹ thuật Quân chủng đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật và nghiên cứu khoa học; ban hành quy chế lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác khoa học kỹ thuật, v.v. Qua đó, cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp sát với tình hình thực tiễn của Ngành, làm cơ sở để cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị kỹ thuật các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đi liền với đó, Cục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, coi trọng phát huy vai trò của cơ quan quản lý khoa học trong tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện. Căn cứ định hướng hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật và Kế hoạch nghiên cứu khoa học của Quân chủng, Cục chủ động xây dựng Kế hoạch nghiên cứu khoa học của Ngành trong từng giai đoạn; chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm quy trình nghiên cứu, nhất là lựa chọn chủ nhiệm đề tài, bồi dưỡng, xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên sâu, nhóm nghiên cứu mạnh và phát huy vai trò của hội đồng khoa học các cấp trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện, đánh giá, nghiệm thu, v.v.

Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân chủng (Nay là Trung tướng Chính ủy Quân khu7), tham quan sản phẩm đóng mới của Nhà máy X70

Để thực hiện mục tiêu “công tác nghiên cứu khoa học phải đi trước một bước trong bảo đảm kỹ thuật”, Ngành đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý, điều hành và ứng dụng các sản phẩm khoa học - công nghệ vào hoạt động thực tiễn. Với quan điểm đổi mới phương thức quản lý nghiên cứu khoa học từ chiều rộng sang chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, Ngành đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tính chuyên nghiệp của các tập thể, cá nhân, nhất là phát huy vai trò của chủ nhiệm đề tài; thực hiện đổi mới quy trình, phương pháp lựa chọn đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu theo hướng tăng tính ứng dụng của đề tài và lấy hiệu quả sử dụng của sản phẩm làm tiêu chí để đánh giá chất lượng nghiên cứu. Mặt khác, Ngành thường xuyên nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định, đề xuất chính sách động viên, khen thưởng, hỗ trợ phát triển các ý tưởng khoa học có tính sáng tạo, khả thi. Đồng thời, có biện pháp quyết liệt trong quản lý, giám sát thực hiện các chương trình, dự án, đề án; kiên quyết không để xảy ra thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ, kém hiệu quả.

Đặc điểm nổi bật của công tác Kỹ thuật Hải quân là phải bảo đảm cho đa ngành, đa chủng loại vũ khí, trang bị (cả tàu ngầm, tàu mặt nước, pháo binh, tên lửa, tăng thiết giáp, Không quân Hải quân,...). Nhưng do các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật có nguồn gốc sản xuất từ nhiều nước khác nhau, nên để nâng cao khả năng khai thác, làm chủ và duy trì đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Ngành chủ trương triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học toàn diện trên các nội dung. Trong đó, hướng trọng tâm vào thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ đồng bộ, tăng hạn, cải tiến, hiện đại hóa các trang bị, thiết bị Hải quân, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới theo tiến trình hiện đại hóa Quân chủng,... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Hải quân.

Hiện nay, hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật mới được thiết kế, chế tạo dựa trên nền tảng công nghệ cao, ứng dụng những thành tựu tiên tiến về công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, v.v. Trong khi đó, năng lực của Ngành nhiều mặt chưa theo kịp sự phát triển nhanh của thực tiễn; chuyên gia đầu ngành còn ít, tài liệu và các phương tiện nghiên cứu, thử nghiệm chưa đồng bộ; cán bộ trực tiếp tiếp xúc, sử dụng các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại chưa nhiều, kinh nghiệm ít, v.v. Để nâng cao năng lực, chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, Ngành chủ động phối hợp với cơ quan chức năng làm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, sắp xếp, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học; chú trọng xây dựng cán bộ đầu ngành, cán bộ khoa học trẻ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ với các cơ sở khoa học (có đủ điều kiện theo quy định) cả trong và ngoài Quân đội; tập trung nghiên cứu làm chủ công nghệ đặc thù, công nghệ mới, ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ trong bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa cải tiến, cải hoán vũ khí trang bị kỹ thuật, sản xuất, chế tạo các khối thiết bị, vật tư khí tài đặc chủng, v.v. Mặt khác, Cục chỉ đạo các chuyên ngành kỹ thuật tăng cường biên dịch, biên soạn các loại tài liệu, thuyết minh kỹ thuật, phục vụ công tác nghiên cứu và bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật mới ở các đơn vị.

Từ năm 2011 đến nay, ngành Kỹ thuật Quân chủng đã hợp tác với gần 40 đơn vị trong và ngoài Quân đội, triển khai thực hiện hơn 700 đề tài nghiên cứu; nhiều nội dung hợp tác nghiên cứu đem lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như: Ngành đã hợp tác với Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga; Viện khoa học quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); Quân chủng Phòng không - Không quân; Bộ Tư lệnh Hóa học, ... nghiên cứu chế tạo thành công Hệ thống giám sát ắc quy tàu Kilo 636; Tấm tái sinh không khí; Máy đo nồng độ khí cầm tay; Hệ thống điều khiển và giám sát động cơ MAN 18VP185; Giá súng 14,5 mm lắp cho tàu vận tải đổ bộ đa năng đóng mới; chế thử bộ mã CODE dùng cho thiết bị hỏi đáp 67P; nghiên cứu sản xuất thiết bị quan sát, ngắm bắn đêm DNS-PT76 cho pháo trên xe tăng, thiết giáp trên quần đảo Trường Sa; sản xuất rô-to động cơ điện 1 chiều P-61 cho tàu Kilo 636; sản xuất vật chất huấn luyện cho Trung tâm huấn luyện tàu ngầm; sản xuất bộ chuyển đổi tương tự sang số la bàn tàu tên lửa v.v. Các sản phẩm do cán bộ, nhân viên ngành Kỹ thuật Quân chủng phối hợp nghiên cứu, chế tạo, qua khai thác sử dụng đảm bảo tính năng, yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật. Cùng với đó, Ngành đã phối hợp nghiên cứu biên dịch, biên soạn được trên 700 tài liệu, với hơn 10 vạn trang tài liệu kỹ thuật cho tàu ngầm Kilo 636, tàu hộ vệ tên lửa thế hệ mới, tàu pháo TT400TP, tổ hợp tên lửa Bastion, A, E,... phục vụ có hiệu quả công tác khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại.

Bằng các biện pháp tích cực, đồng bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Kỹ thuật Quân chủng ngày càng phát triển; nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có chất lượng tốt, được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng ngân sách chi cho bảo quản, bảo dưỡng, mua sắm vật tư thay thế, duy trì đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra từ thực tiễn hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân chủng.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học của Ngành vẫn còn hạn chế. Lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị kỹ thuật nhận thức còn đơn giản, chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu khoa học. Nội dung nghiên cứu khoa học thiếu toàn diện, nghiên cứu ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ còn ít. Hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học chưa sâu, mới dừng lại ở các đối tác truyền thống, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các trung tâm khoa học kỹ thuật lớn ngoài Quân đội. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa thật sôi nổi, rộng khắp và việc ứng dụng sản phẩm nghiên cứu sau nghiệm thu còn ở mức độ nhất định, v.v.

Để kịp thời khắc phục những hạn chế, nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng nghiên cứu khoa học, tạo bước đột phá trong công tác bảo đảm Kỹ thuật Hải quân, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân chủng và sự phát triển khoa học công nghệ trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0, thời gian tới, Ngành tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác nghiên cứu khoa học, nhất là Nghị quyết 791-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác khoa học, công nghệ và môi trường trong Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, bám sát sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại Công văn 5274/VP-TH, yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị trong việc tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu khoa học  gắn với nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật và thực hiện 2 khâu đột phá Kỹ thuật Hải quân. Cùng với đó, Ngành đẩy mạnh công tác quy hoạch, tạo nguồn đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia đầu ngành, thợ bậc cao cho các ngành nghề đặc chủng Hải quân; tham mưu cho Quân chủng huy động các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, chế thử, nhất là hệ thống phòng thí nghiệm chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Mặt khác, Ngành tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, lựa chọn đề tài; đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ trong sản xuất vật tư và sửa chữa, làm chủ các hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật. Trọng tâm là nghiên cứu các đề tài thuộc lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, tích hợp, tự động hóa, vật liệu mới. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ nội địa, công nghệ tự chủ trong sản xuất vật tư kỹ thuật cho vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ mới, công nghệ cao; nghiên cứu chế tạo vật tư tương đương cho đồng bộ vũ khí, trang bị kỹ thuật thế hệ cũ; xây dựng chương trình quản lý hỏng hóc theo vòng đời và tình trạng kỹ thuật của trang bị bằng công nghệ thông tin; xây dựng và số hóa quy trình công nghệ, phiếu công nghệ cho bảo quản, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, v.v. Qua đó, thiết thực góp phần nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Thượng tá, TS. ĐỖ ANH TUẤN, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Hải quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.