Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 20/11/2017, 08:31 (GMT+7)
Tăng cường công tác giáo dục, quản lý kỷ luật trong Quân đội

Quán triệt, thực hiện chủ trương của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, quản lý, chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh và kỷ luật Quân đội, thời gian qua, cấp uỷ, chỉ huy các cấp, các ngành trong toàn quân đã triển khai sâu, rộng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đã nhận thức được ý nghĩa, tác dụng và sự cần thiết phải tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh và kỷ luật Quân đội. Trách nhiệm, năng lực tổ chức, quản lý bộ đội của đội ngũ cán bộ các cấp được nâng lên; ý thức tự giác của bộ đội đã có tiến bộ trên một số mặt, nhất là chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị, nhiệm vụ. Các đơn vị đã tổ chức thực hiện nghiêm các chế độ sinh hoạt chính quy trong ngày, trong tuần; nơi ăn, ở, học tập, sinh hoạt, làm việc, thao trường huấn luyện từng bước được đầu tư đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; công tác quản lý quân số, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật ngày càng chặt chẽ. Cùng với việc giáo dục chấp hành các quy định của pháp luật Nhà nước, điều lệnh, kỷ luật Quân đội, quy tắc hoạt động xã hội, trật tự nơi công cộng cũng được các đơn vị quan tâm và tổ chức thực hiện; đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ khi tham gia các hoạt động xã hội đã thể hiện được văn hoá quân sự và bản chất tốt đẹp, hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ". Tỉ lệ vi phạm kỷ luật giảm, góp phần xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm công tác giáo dục, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn từ năm 2015 đến 2017 ở Binh chủng Thông tin - Liên lạc.
(Ảnh: qdndn.vn)

Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh và kỷ luật Quân đội trong toàn quân vẫn còn xảy ra những vụ việc vi phạm kỷ luật gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến chết người, mất an toàn trong lao động, huấn luyện và tham gia giao thông. Việc nắm và thực hiện chức trách, chế độ công tác, duy trì nền nếp chính quy chưa thường xuyên. Trình độ, năng lực quản lý bộ đội, quản lý cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật của một số cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế; công tác quản lý bộ đội ở một số đơn vị chưa chặt chẽ, lễ tiết tác phong, mang mặc trang phục khi ra ngoài doanh trại của quân nhân còn nhiều sai phạm; xưng hô chào hỏi chưa đúng điều lệnh; tính tự giác rèn luyện ở mọi lúc, mọi nơi của một số quân nhân chưa cao. Công tác canh phòng, quản lý, đăng ký, thống kê vũ khí, trang bị của các cấp còn thiếu chặt chẽ,v.v.

Những hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng do chủ quan là chủ yếu. Về khách quan, do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, những hành vi tiêu cực, tệ nạn xã hội có ảnh hưởng nhất định đến nhận thức, lối sống của một bộ phận quân nhân từ trước khi nhập ngũ và ngay khi đang tại ngũ. Về chủ quan, vai trò lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong công tác giáo dục, quán triệt, tổ chức thực hiện chấp hành kỷ luật chưa nghiêm, chưa thường xuyên. Trong giáo dục, thuyết phục còn đơn giản, giáo điều, chưa gắn với điều kiện thực tế ở đơn vị mình, nhất là việc nâng cao hiểu biết cho bộ đội về kỹ năng sống và hiểu biết về pháp luật Nhà nước, các quyết định, chỉ thị, hướng dẫn liên quan đến chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Công tác xây dựng môi trường văn hoá ở nhiều đơn vị còn nặng về hình thức, chưa quan tâm đúng mức đến việc nâng cao nhận thức, xây dựng tác phong, lối sống, hành vi ứng xử cho quân nhân. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chỉ huy, chính trị viên ở cấp trực tiếp quản lý bộ đội, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn thiếu kiên quyết; năng lực quản lý bộ đội còn có mặt hạn chế, nặng về mệnh lệnh; nắm tình hình tư tưởng và quản lý con người còn mang tính hành chính; quản lý cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị chưa chặt chẽ, còn nhiều sơ hở. Trong khi đó, một số cán bộ chưa thực sự gương mẫu để cấp dưới noi theo; khi có vụ việc vi phạm xử lý không nghiêm, còn để kéo dài, báo cáo không trung thực, v.v.

Để tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế vi phạm pháp luật Nhà nước và vi phạm kỷ luật Quân đội, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, nâng cao năng lực quản lý tư tưởng, kỷ luật của các cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì. Bám sát chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm đối tượng quản lý và địa bàn, cơ quan chức năng, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nghiên cứu rà soát, bổ sung hoàn thiện các hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, quy chế, quy định theo thẩm quyền, nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì trong công tác giáo dục, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn trong mọi hoạt động của bộ đội. Các cơ quan: Quân huấn, Tuyên huấn, Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra, Điều tra hình sự, Bảo vệ an ninh, Công nghệ thông tin,... cần phát huy hơn nữa vai trò tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, giúp cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong giáo dục, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao tinh thần tự giác chấp hành kỷ luật cho bộ đội. Trong đó, chú trọng hơn nữa công tác giáo dục pháp luật Nhà nước, điều lệnh và truyền thống Quân đội, làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ ý nghĩa to lớn, sự cần thiết của việc tự giác chấp hành hành pháp luật Nhà nước, điều lệnh, kỷ luật của Quân đội và xây dựng chính quy. Cùng với đó, coi trọng giáo dục nâng cao trình độ giác ngộ về chính trị, phẩm chất cách mạng, thúc đẩy hành động tự giác chấp hành của bộ đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Để đạt hiệu quả cao, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần căn cứ vào đặc điểm tình hình, nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của đơn vị, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến việc chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ để có nội dung, hình thức giáo dục cho phù hợp.

Nội dung giáo dục phải đầy đủ, toàn diện, hệ thống, thống nhất. Trong đó, đặc biệt coi trọng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho mọi quân nhân, như: Chỉ thị 37/CT-ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Chỉ thị 85/CT-TM của Tổng Tham mưu trưởng về xây dựng chính quy quân đội; Điều lệnh Quản lý bộ đội, Điều lệnh Đội ngũ, Chỉ thị 04/CT-BQP, ngày 09-02-2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật Nhà nước và vi phạm kỷ luật Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị 91/CT-BQP, ngày 08-10-2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong Quân đội; Chỉ thị 91/CT-BQP, ngày 22-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư 192/2016/TT-BQP, ngày 26-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng, v.v. Thông qua giáo dục làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Quá trình giáo dục phải làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, đơn vị thực hiện tốt các chế độ chính quy, rèn luyện kỷ luật, nhân rộng điển hình tiên tiến. Đồng thời, nhắc nhở, uốn nắn, phân tích, chỉ ra hậu quả của những việc làm chưa tốt, lối sống thực dụng, buông thả, thiếu trách nhiệm của quân nhân.

Hai là, nâng cao trình độ quản lý bộ đội của đội ngũ cán bộ các cấp. Để thực hiện tốt nội dung này, yêu cầu cán bộ các cấp phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao năng lực, phương pháp, trình độ quản lý bộ đội. Cán bộ phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, năng lực, trình độ chuyên môn cao, mẫu mực trong đơn vị về ý thức tổ chức kỷ luật; luôn nắm vững và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ cấp dưới có môi trường tốt để họ tu dưỡng, rèn luyện; đồng thời, có nhiều biện pháp để nâng cao trình độ, năng lực quản lý bộ đội. Theo đó, trước hết, các cơ quan, đơn vị cần duy trì nghiêm chế độ bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp, cán bộ cấp trên phải trực tiếp bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới cả về trình độ chuyên môn và năng lực công tác; có kế hoạch bồi dưỡng trong từng giai đoạn huấn luyện và cả năm. Nội dung, hình thức bồi dưỡng phải gắn liền với các hoạt động thực tiễn của đơn vị, chú ý bồi dưỡng về phương pháp tổ chức các loại hình hoạt động để thu hút, quản lý quân số của đơn vị mình; nhất là tổ chức tốt các hoạt động trong ngày nghỉ, giờ nghỉ để thu hút bộ đội, nhưng vẫn bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ việc quản lý bộ đội với quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật, quản lý cơ sở vật chất, tài chính, tài sản của đơn vị. Cán bộ các cấp phải gương mẫu chấp hành pháp luật Nhà nước, chấp hành điều lệnh và kỷ luật Quân đội để cấp dưới noi theo. Tổ chức, duy trì thực hiện nghiêm các chế độ, nền nếp chính quy, quy định về lễ tiết tác phong quân nhân, xưng hô chào hỏi, v.v. Phải tổ chức huấn luyện cho mọi quân nhân thuần thục động tác điều lệnh đội ngũ tay không, xưng hô, chào bằng động tác điều lệnh khi quân nhân gặp nhau, v.v.

Ba là, đổi mới nội dung, biện pháp giáo dục phù hợp, sát từng đối tượng. Trước hết, phải thực hiện tốt nội dung chương trình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật Nhà nước, điều lệnh, kỷ luật Quân đội theo chương trình kế hoạch hằng năm bằng nhiều hình thức, kết hợp với đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, các hoạt động huấn luyện, hoạt động thường xuyên của bộ đội. Cấp uỷ, chỉ huy phải xác định rõ chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác tư tưởng và dự báo những vấn đề nảy sinh trong đơn vị; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm về công tác tư tưởng, công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật. Cơ quan chính trị các cấp phải chủ động dự báo, nắm chắc tình hình tư tưởng, tham mưu đúng, trúng những vấn đề cần giải quyết về tư tưởng dễ nảy sinh hành động vi phạm kỷ luật cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị mình; đồng thời, hướng dẫn, giúp đơn vị giải quyết kịp thời. Khi phát hiện những dấu hiệu vi phạm kỷ luật, phải nhận định, đánh giá sát tình hình cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị giải quyết dứt điểm, không để diễn biến tư tưởng theo chiều hướng xấu; lấy biện pháp giáo dục, thuyết phục làm chính; đồng thời, cần có những biện pháp đồng bộ và kiên quyết, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp tái diễn hoặc vi phạm nhiều lần. Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải nắm chắc và quản lý toàn diện các mối quan hệ xã hội của quân nhân thuộc quyền, nhất là mối quan hệ dễ dẫn đến nảy sinh các vấn đề phức tạp, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường (mua sắm vượt khả năng thực tế, vay nặng lãi, buôn bán mạo hiểm rủi ro,...) để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và giải quyết dứt điểm.

Bốn là, tăng cường công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật trong đơn vị. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt nghị quyết của tổ chức đảng, các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng, chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy đơn vị về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ chính quy, rèn luyện kỷ luật trong đơn vị; quản lý chặt chẽ việc ra vào doanh trại, thực hiện nghiêm các quy định về giữ gìn, quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật trong các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là trong diễn tập, kiểm tra có bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ, dây nổ, lựu đạn, v.v. Tập trung khắc phục và giải quyết có hiệu quả các khâu yếu, mặt yếu; hạn chế tối đa các biểu hiện vô ý thức kỷ luật, tự do, tuỳ tiện, lối sống buông thả của quân nhân. Khi cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải tìm hiểu cụ thể, làm rõ nguyên nhân, tính chất, mức độ vi phạm, xử lý theo đúng Điều lệnh Quản lý bộ đội; Thông tư 192/2016/TT-BQP, ngày 26-11-2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Yêu cầu khi giải quyết các vụ việc phải khách quan, phù hợp với mức độ, không quy chụp, phiến diện, tránh xử lý tuỳ tiện, thiếu cơ sở; phải kịp thời báo cáo người chỉ huy cấp trên và cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết dứt điểm.

Kỷ luật là yếu tố tạo nên sức mạnh chiến đấu của Quân đội; chấp hành kỷ luật là nguyên tắc trong xây dựng Quân đội và là truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta. Tăng cường công tác giáo dục, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng PHẠM HỒNG HƯƠNG, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước