QPTD -Thứ Hai, 23/05/2016, 14:20 (GMT+7)
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng

Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” đã đạt được những kết quả quan trọng. Đây là tiền đề để đẩy mạnh xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới.

Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là chủ trương chiến lược của Đảng, vấn đề lớn của đất nước. Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ra Nghị quyết 06, Bộ Quốc phòng đã kịp thời tổ chức quán triệt, chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 06 và phê duyệt Kế hoạch xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng 5 năm (2011 - 2015); đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Mặc dù có không ít khó khăn, thách thức, nhưng sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo bước phát triển mới cho ngành Công nghiệp quốc phòng, góp phần tích cực vào nâng cao tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến nay, phần lớn các mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng 5 năm (2011 - 2015) đã được hoàn thành. Tổ chức lực lượng ngành Công nghiệp quốc phòng được củng cố, kiện toàn, ngày càng gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia. Đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nghiệp quốc phòng tăng nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, cơ bản làm chủ được các công nghệ mới. Các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các dự án trọng điểm, dự án đầu tư chiều sâu công nghệ được triển khai quyết liệt, đảm bảo đúng định hướng quy hoạch, tiếp cận công nghệ cao, phù hợp với khả năng ngân sách, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Yêu cầu về đảm bảo tính lưỡng dụng trong các dự án đầu tư được chú trọng đúng mức. Nhiều dự án và các sản phẩm trọng điểm đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả1. Năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của công nghiệp quốc phòng chuyển biến rõ nét và có bước đột phá. Nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, công nghệ trong sản xuất đã cơ bản được giải quyết. Hiện nay, công nghiệp quốc phòng đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa nhiều sản phẩm mới có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến; đặc biệt, năng lực đóng tầu quân sự có bước phát triển vượt bậc, ngang tầm khu vực và thế giới. Điển hình là, công nghiệp quốc phòng đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược thuộc trang bị của sư đoàn bộ binh; các loại thuốc phóng, thuốc nổ mạnh; đạn pháo chiến dịch; súng bộ binh thế hệ mới; khí tài ngắm bắn đêm; khí tài thông tin, tác chiến điện tử; phương tiện giám sát, cảnh giới, quản lý vùng trời, vùng biển; lắp ráp tên lửa phòng không tầm thấp; đóng tầu tên lửa, tầu pháo, các loại tầu tuần tiễu, cứu hộ cứu nạn và tầu bổ trợ hiện đại khác, v.v. Chất lượng sản phẩm quốc phòng, nhất là vũ khí, khí tài, đạn, đạt độ tin cậy, ổn định cao, tạo niềm tin cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Ngành Công nghiệp quốc phòng cũng nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại vật tư, nguyên liệu, vật liệu nền đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, phục vụ cho sản xuất hàng quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, v.v. Cùng với đó, trình độ khoa học công nghệ của các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt được nâng lên. Việc huy động khoa học công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng có bước tiến mới2. Hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng được mở rộng, đi vào chiều sâu, tạo nhiều cơ hội thuận lợi, động lực để ngành Công nghiệp quốc phòng phát triển, hội nhập, v.v.

           Súng bộ binh thế hệ mới do Nhà máy Z11 - Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sản xuất.                        (Ảnh: nhandan.com.vn)

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết 06 còn bộc lộ những khuyết điểm, yếu kém. Tiến độ xây dựng và chất lượng một số quy hoạch, kế hoạch, văn bản pháp quy về công nghiệp quốc phòng còn hạn chế. Hệ thống tổ chức, nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi. Một số dự án trọng điểm, sản phẩm mục tiêu đề ra trong Nghị quyết và Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 chậm được triển khai hoặc chậm về tiến độ. Việc huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng chưa có sự đột phá, v.v.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trước những yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng nói chung, xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng nói riêng càng trở nên quan trọng và cấp thiết, với những mục tiêu cao hơn. Hiện nay, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng còn đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhất là về nguồn nhân lực, ngân sách bảo đảm, v.v. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết 06, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đạt mục tiêu, yêu cầu đã đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, mà nòng cốt là Bộ Quốc phòng và trực tiếp là ngành Công nghiệp quốc phòng. Theo đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1- Tiếp tục quán triệt và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 06; chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là một nội dung quan trọng, nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết 06 đã đề ra, làm cơ sở cho triển khai thực hiện và đảm bảo cho công nghiệp quốc phòng phát triển đúng hướng. Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị, đặc biệt là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục quán triệt, nắm vững nội dung Nghị quyết 06 và các nội dung có liên quan được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, để cụ thể hóa bằng chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng trong những năm tới. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn 2011 - 2015 và những định hướng chỉ đạo, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng cần được tính toán kỹ lưỡng, có lộ trình, bước đi phù hợp, kiên trì với mục tiêu đã xác định. Trong đó, chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn lực khoa học, công nghệ, lựa chọn phát triển lĩnh vực, sản phẩm quốc phòng mũi nhọn,… phù hợp với năng lực công nghệ, điều kiện kinh tế đất nước, Chiến lược trang bị của lực lượng vũ trang. Trước mắt, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai xây dựng Đề án tổ chức sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp quốc phòng,… đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

2- Tích cực huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng đầu tư, tập trung thực hiện tốt các dự án đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là các dự án trọng điểm. Nhu cầu đầu tư cho phát triển công nghiệp quốc phòng đòi hỏi rất lớn; vì vậy, cùng với phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, chúng ta cần tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho nhiệm vụ này. Trong đó, chú trọng lồng ghép nội dung xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng với các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tận dụng tối đa những thành tựu của nền công nghiệp quốc gia, nguồn lực tổng hợp của các ngành, thành phần kinh tế và lợi nhuận của các doanh nghiệp quốc phòng để tái đầu tư phát triển. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Bộ Quốc phòng có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm, nhằm tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới, v.v. Đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác quản lý đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kiên quyết khắc phục việc đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Trên cơ sở kinh nghiệm 05 năm thực hiện Kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục tập trung đầu tư có chọn lọc, đúng trọng tâm, trọng điểm, thứ tự ưu tiên; coi trọng đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, kết hợp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật với xây dựng nguồn nhân lực, v.v.

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020, ngành Công nghiệp quốc phòng tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành các dự án trọng điểm, như: Dự án I, Dự án ngòi đạn thế hệ mới, Dự án di rời Ba Son,… và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án chuyển tiếp của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Mặt khác, triển khai thực hiện một số dự án đầu tư tiếp nhận, làm chủ công nghệ chế tạo vũ khí hiện đại, đạn bộ binh tiên tiến; dự án nghiên cứu, thiết kế, chế thử vũ khí, trang bị kỹ thuật mang thương hiệu Việt Nam và nâng cao năng lực đóng mới, sửa chữa tầu quân sự. Phấn đấu đến năm 2020, công nghiệp quốc phòng tạo được sự chuyển biến quan trọng về năng lực, công nghệ sản xuất, sửa chữa và nghiên cứu thiết kế, cải tiến sản phẩm mới; trọng tâm là, làm chủ thiết kế, công nghệ sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho lục quân và các quân chủng, binh chủng.

3- Đẩy mạnh kiện toàn tổ chức lực lượng ngành Công nghiệp quốc phòng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển công nghiệp quốc phòng. Phát huy kết quả đạt được, cần đẩy mạnh kiện toàn mô hình tổ chức, hoạt động của ngành Công nghiệp quốc phòng theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các khối đặt hàng - sản xuất, sửa chữa - khai thác, sử dụng, đảm bảo gắn kết chặt chẽ nghiên cứu, thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa, nâng cao hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế. Trong đó, trọng tâm là tổ chức cơ cấu, sắp xếp lại các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt; thành lập các tập đoàn, tổng công ty theo ngành, nhóm sản phẩm; huy động các doanh nghiệp quân đội mạnh về kỹ thuật, tài chính tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng cũng như nghiên cứu, triển khai xây dựng các liên doanh trong một số lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, v.v. Cùng với kiện toàn hệ thống tổ chức, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các cơ sở sản xuất quốc phòng, chuyển đổi hoạt động của các viện nghiên cứu sang mô hình đơn vị tự chủ về tài chính và có thể sáp nhập vào các tập đoàn, tổng công ty, để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình đào tạo và có chính sách đặc thù để thu hút, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghiệp quốc phòng, khuyến khích nhân tài tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng.

Đi liền với đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước hết là Tổng cục Công nghiệp quốc phòng tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tiến hành rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về công nghiệp quốc phòng theo hướng đổi mới, hội nhập, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, đảm bảo thiết thực, khả thi...; tiến tới triển khai nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng.

4- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; tăng cường huy động, nâng cao hiệu quả tham gia của nền khoa học công nghệ, công nghiệp quốc gia vào xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học đã được chú trọng, có nhiều đổi mới, bám sát nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng. Trong giai đoạn 2011 - 2015, trên 80% vũ khí, trang bị kỹ thuật do công nghiệp quốc phòng sản xuất là kết quả của các đề tài nghiên cứu trong nước. Đây là một kết quả rất đáng tự hào. Phát huy kết quả đó, ngành Công nghiệp quốc phòng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình, đề tài nghiên cứu, hướng trọng tâm vào cải tiến, phát triển các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhằm tạo ra một số loại sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang và phục vụ xuất khẩu. Mặt khác, tiếp tục quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các ngành, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, khuyến khích các cơ sở công nghiệp dân sinh tích cực đầu tư phát triển công nghệ lưỡng dụng, v.v. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đẩy mạnh việc phối hợp, hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương để huy động nguồn lực tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng. Trước hết, chuẩn bị điều kiện, phương án, xúc tiến triển khai một số dự án liên doanh, liên kết với các cơ sở khoa học - công nghệ, cơ sở công nghiệp dân sinh trong nghiên cứu, sản xuất công nghiệp quốc phòng; đồng thời, tăng cường đặt hàng đối với những sản phẩm mà các đơn vị công nghiệp dân sinh có thế mạnh. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng, nhất là trong chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực,… tạo điều kiện để công nghiệp quốc phòng hội nhập, phát triển nhanh, vững chắc.

“Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng là nhiệm vụ cơ bản, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân…”3. Quán triệt tinh thần đó và phát huy kết quả đã đạt được, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là ngành Công nghiệp quốc phòng tiếp tục phấn đấu xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng Việt Nam ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC LÂM, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

______________________   

1 - Đến hết năm 2015, có 29 trên tổng số 60 dự án đầu tư theo Chương trình Công nghiệp quốc phòng được hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Tiêu biểu như các dự án: thuốc nổ Hecxogen, TNT, tàu pháo TT-400TP, súng bộ binh thế hệ mới, v.v.

2 - Nhiều đề án, chương trình hợp tác về công nghiệp quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng ký kết với các bộ, ngành có liên quan. Đã có 29 doanh nghiệp dân sinh được cấp giấy phép tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

3 - Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát biểu của Đại tướng Phan Văn Giang tại Hội thảo khoa học "Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng"
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm vững bước dưới cờ Đảng". Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.