Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Sáu, 18/08/2017, 14:31 (GMT+7)
Cách mạng Tháng Tám - đỉnh cao nghệ thuật tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng

Bàn về khởi nghĩa, nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lê-nin khẳng định: để giành thắng lợi cuộc khởi nghĩa cần có 3 điều kiện: giai cấp tiên phong; cao trào cách mạng của nhân dân; một bước ngoặt trong lịch sử; đồng thời, phải coi khởi nghĩa như là một nghệ thuật trong nắm bắt thời cơ, sử dụng lực lượng, phát động cao trào của quần chúng. Thực tiễn Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta hội tụ đủ các điều kiện trên và đã thành công rực rỡ; trong đó, công tác tuyên truyền vận động quần chúng là thành công nổi bật.

Nhân dân và lực lượng vũ trang thủ đô Hà Nội mít tinh tại Quảng trường
Nhà hát lớn ngày 19-8-1945. (Ảnh tư liệu)

Để Cách mạng Tháng Tám giành được thắng lợi, Đảng ta phải trải qua ba thời kỳ vận động cách mạng rộng lớn đầy khó khăn, gian khổ. Đó là, cuộc vận động cách mạng dân chủ tư sản (1930-1931), cuộc vận động dân chủ (1936-1939) và cuộc vận động giải phóng dân tộc (1939-1945). Mặc dù lực lượng ít, thường xuyên bị địch lùng sục, bắt bớ, phải hoạt động bí mật, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng trong mỗi thời kỳ, Đảng đều đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn, nên đã thu hút, huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nếu thời kỳ thứ nhất, khi đạt đến cao trào, lực lượng tham gia với con số hàng vạn, thì thời kỳ thứ hai đã lên tới hàng triệu và đặc biệt, thời kỳ thứ ba gần như toàn bộ người Việt Nam lúc đó tham gia vào phong trào hành động cách mạng. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta chỉ có gần 5.000 đảng viên kể cả số đảng viên đang hoạt động tại Lào, Căm-pu-chia và bị đế quốc cầm tù, nhưng đã lãnh đạo gần 25 triệu người tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Đó thực sự là một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử; nó cho thấy, Đảng phải có uy tín tuyệt đối trước quốc dân đồng bào thì mới có thể “nhất hô bá ứng” như vậy. Được nhân dân tín nhiệm, chấp nhận vai trò lãnh đạo là do Đảng ta đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, làm cho mọi tầng lớp trong xã hội hiểu rõ nỗi thống khổ của một dân tộc bị xâm lăng, đặt trọn niềm tin vào Đảng và tương lai xán lạn của chế độ xã hội mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thời gian chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa ngắn, lại phải hoạt động bí mật, khó khăn thiếu thốn nhiều mặt, để có được kết quả như vậy, Đảng ta đã có nhiều sáng tạo trong quá trình tuyên truyền vận động quần chúng. Trong đó, nổi bật ở một số nội dung sau:

1. Thành lập Mặt trận Việt Minh tạo sự đột phá cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về khởi nghĩa vũ trang, trước sự chuyển biến lớn của tình hình thế giới và trong nước, nhận thấy thời cơ đã đến, tháng 02-1941, Bác Hồ từ nước ngoài về Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Tại đây, Người triển khai làm thí điểm việc lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp các tầng lớp nhân dân yêu nước vào hàng ngũ chống thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc. Nhờ có những mô hình tổ chức sinh động, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, nên chỉ khoảng ba tháng đã có hơn một ngàn người gồm các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông,... thuộc đủ thành phần và lứa tuổi khác nhau ở 3 huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình và mỏ thiếc Tĩnh Túc trở thành hội viên của Mặt trận. Trên cơ sở đó, ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh được thành lập (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh). Mặt trận đề ra Chương trình Việt Minh với những chủ trương và chính sách cụ thể, cơ bản, đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân các dân tộc là đánh đuổi Pháp – Nhật, giành lại độc lập, tự do cho nước nhà nên được nhân dân sôi nổi hưởng ứng. Từ đây, công tác tuyên truyền vận động của Đảng rất thuận tiện, hiệu quả và Đảng Cộng sản Đông Dương cũng là một bộ phận của Mặt trận Việt Minh. Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua việc đề xuất chủ trương, chính sách cách mạng trong các ủy ban của hội và Mặt trận, hoặc do các đảng viên gương mẫu thực hiện và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng đối với các đoàn thể cứu quốc. Thực tế cho thấy, thông qua các đoàn thể cứu quốc, công tác tuyên truyền, vận động phát triển mạnh theo cấp số nhân; sự tuyên truyền, vận động lan tỏa đến đâu thì ở đó nhiều tổ chức cứu quốc mới nhanh chóng được thành lập. Đồng thời, số lượng đảng viên mới cũng tăng lên rất nhanh, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, và cũng do cán bộ rất cố gắng đi sát với dân, cho nên Việt Minh phát triển rất mau và rất mạnh. Vì mặt trận phát triển mạnh, mà Đảng phát triển cũng khá1.

2. Khẩu hiệu ngắn gọn, hợp thời, hợp lòng người, có sức mạnh hiệu triệu mọi tầng lớp nhân dân. Những khẩu hiệu của Việt Minh chính là sự phản ánh đường lối cách mạng của Đảng, mà “Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng”2. Khi chuyển hướng đấu tranh, Đảng xác định: “Ngay bây giờ nếu ta nêu khẩu hiệu đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày, như thế chẳng những ta bỏ mất một lực lượng đồng minh, một lực lượng hậu thuẫn trong cuộc cách mạng đánh đuổi Pháp - Nhật mà còn đẩy lực lượng ấy về phe địch làm thành hậu bị quân cho phe địch nữa”3 và “không được dùng những khẩu hiệu quá thời, không hợp với chính sách hiện tại của Đảng”4. Vì thế, nhiều khẩu hiệu được tạm thời gác lại hoặc thay bằng khẩu hiệu kêu gọi đoàn kết toàn dân chung một chiến tuyến để chống phát xít Nhật và thực dân Pháp, như: “Đánh đuổi Nhật - Pháp!”, “ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập!”, v.v. Những khẩu hiệu này rất gọn, dễ nhớ nhưng mục đích, ý nghĩa rất rõ ràng, làm lay động lòng người, sục sôi nhiệt huyết. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam phát triển rất mạnh, như Bác Hồ khẳng định: “Đảng tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra chính sách giảm tô, giảm tức và tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian giao cho dân cày. Làm như thế để tập trung lực lượng chống đế quốc và bè lũ tay sai, lôi kéo những người yêu nước trong giai cấp địa chủ, mở rộng Mặt trận dân tộc cứu nước. Do chính sách đúng đắn của Đảng mà phong trào cách mạng ngày càng lên cao”5.

Khi Nhật đảo chính Pháp, để chống chính quyền của Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật, Việt Minh đã sử dụng khẩu hiệu "Chính quyền cách mạng của nhân dân" và nhằm phân hóa kẻ thù, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của mọi lực lượng đối với mặt trận kháng Nhật, thì khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật - Pháp” được thay bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Trước tình hình nạn đói hoành hành dữ dội, làm chết hàng triệu người, Đảng đưa ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc giải quyết nạn đói” được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Với tinh thần đó, xuất hiện nhiều cuộc “Biểu tình võ trang hàng hai ba ngàn người kéo đi đánh chiếm kho thóc trong các đồn điền Tây phản động và các kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, v.v.” 6. Suy cho cùng, ở bất cứ thời đại nào và chế độ nào người dân cũng rất cần lương thực (dân dĩ thực vi thiên), trong thời điểm này lại càng quan trọng, cho nên khẩu hiệu mà Đảng đưa ra không những làm đông đảo quần chúng tin tưởng, hướng về Việt Minh, mà còn thổi bùng ngọn lửa căm thù giặc; qua đó, thúc đẩy phong trào kháng Nhật ở nhiều nơi phát triển thành khởi nghĩa từng phần.

Khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, ta chỉ sử dụng khẩu hiệu: "Đả đảo bù nhìn", "Việt Nam hoàn toàn độc lập", “Thành lập Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam” và “Đả đảo bọn Pháp muốn khôi phục chủ quyền ở Đông Dương”, "Chống mọi sự hành động của đế quốc can thiệp vào công cuộc giành độc lập của dân tộc Việt Nam",… qua đó, tránh đụng độ với quân Nhật và giành chính quyền một cách hòa bình.

3. Tuyên truyền miệng và rải truyền đơn là hình thức có sức cuốn hút và lan tỏa kịp thời, sâu rộng nhất tới quần chúng nhân dân khi đó. Sau Hội nghị Trung ương 8, một loạt báo, như: Tạp chí Cộng sản, Việt Nam độc lập, Cứu quốc, Giải phóng, Cờ giải phóng, Tiền phong,... lần lượt ra đời để tuyên truyền rộng rãi chủ trương của Đảng, chính sách của Việt Minh. Tuy nhiên, do phát hành bí mật hoặc địa bàn hẹp và trình độ dân trí thấp (đa số nhân dân khi đó không biết chữ) nên hiệu quả của việc tuyên truyền báo chí chưa cao. Tuyên truyền bằng miệng thì ai cũng có thể thực hiện: từ cán bộ chuyên trách đến hội viên của các hội cứu quốc. Đối tượng tuyên truyền thường là người thân trong gia đình, họ hàng, làng xóm, bạn bè. Địa điểm tuyên truyền cũng rất đa dạng, phong phú, như: trò chuyện, thăm hỏi hằng ngày và trong các cuộc liên hoan, hội hè, hoặc những lúc đi cày cấy, gặt hái cùng nhau, v.v. Còn ở những nơi đông người thì cán bộ chuyên trách, hoặc hội viên có khả năng tuyên truyền thực hiện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến những chủ trương, chính sách ưu việt của Việt Minh; tội ác của phát xít Nhật - Pháp, tình hình đấu tranh chống đế quốc trên thế giới và trong nước, từ đó giáo dục, cổ vũ, động viên mọi người gia nhập các hội cứu quốc, v.v. Ngoài ra, việc tuyên truyền miệng còn là những bài hát, bài vè ca ngợi Việt Minh, lên án đế quốc do cán bộ Việt Minh đặt ra theo những làn điệu quen thuộc để dễ nhớ, nên ai cũng thích hát và trở thành hình thức tuyên truyền hiệu quả. Sau khi có Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, công tác tuyên truyền miệng phát triển rất mạnh, diễn ra công khai ở những nơi công cộng, đông người, như: chợ, trường học, xí nghiệp, rạp hát, trên tàu điện, v.v. Đỉnh điểm là chiều 17-8-1945, nhân Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, ta đã lợi dụng diễn đàn đó để tuyên truyền đường lối cứu nước của Việt Minh, đả đảo chính quyền thân Nhật và tay sai, kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền, châm ngòi cho Tổng khởi nghĩa 19-8-1945.

Cùng với đó, việc tuyên truyền, vận động bằng truyền đơn cũng đạt kết quả tốt, thu hút được sự chú ý của quần chúng nhân dân, nhất là trong điều kiện địch kiểm soát gắt gao. Các truyền đơn có thể được viết tay hoặc in ấn bằng chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, với nội dung thay đổi theo sự phát triển của từng giai đoạn, nhưng chủ yếu vẫn là tố cáo tội ác của quân xâm lược và bè lũ tay sai, kêu gọi các tầng lớp nhân dân ủng hộ Việt Minh. Các đội công tác thực hiện việc rải truyền đơn cũng rất sáng tạo để tránh bị địch bắt, như: rải cùng một thời điểm ở nhiều nơi, đặt tập truyền đơn trên nóc xe ô tô để khi xe di chuyển, truyền đơn sẽ được rải xuống đường, v.v. Ngoài ra, tuyên truyền bằng cách viết biểu ngữ trên tường, mặt đường, gốc cây, lá cây, cột điện, dây điện; thậm chí căng biểu ngữ lên trên các bè bằng tre, gỗ, nứa, chuối rồi thả xuôi theo dòng nước cũng được ta triệt để lợi dụng. Các hình thức tuyên truyền như vậy đã lan tỏa nhanh chóng đến với quần chúng nhân dân; người không biết chữ đem hỏi người biết chữ, từ đó nội dung tuyên truyền đến được với mỗi người, cổ vũ, động viên họ đứng lên đấu tranh chống quân xâm lược và bè lũ tay sai, phong kiến.

4. Thực hiện vũ trang tuyên truyền để chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho khởi nghĩa. Nghị quyết Trung ương Tám của Đảng chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”7 và “với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”8. Theo đó, tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nhằm mục đích: “Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này”9. Ngay sau khi thành lập, Đội đã liên tiếp tiêu diệt gọn đồn Phai Khắt (24-12-1944) và Nà Ngần (25-12-1944), gây tiếng vang lớn, nâng cao vị thế của Việt Minh, làm nức lòng quần chúng nhân dân. Sau chiến thắng một tuần, Đội đã phát triển thành một đại đội có 3 trung đội, mở đầu thời kỳ đấu tranh vũ trang mạnh mẽ. Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đội không những tăng cường tiến công tiêu diệt các đồn, mở rộng căn cứ địa cách mạng, mà còn cử cán bộ đi các nơi để lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đi đến đâu cũng được nhân dân hưởng ứng, mang theo Cờ đỏ sao vàng và vũ khí thô sơ tham gia đánh địch, trừng trị Việt gian, lập chính quyền cách mạng. Đội còn ra sức phát triển và củng cố các hội cứu quốc, đặc biệt chú trọng xây dựng các đội tự vệ chiến đấu và đội du kích để bảo vệ chính quyền nhân dân mới được thành lập.

Như vậy, từ sự chuyển hướng chiến lược hợp lòng dân, đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, Đảng ta tổ chức xây dựng được lực lượng hùng hậu và căn cứ địa vững chắc, khi thời cơ đến, lãnh đạo toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 để lại cho chúng ta bài học quý về tuyên truyền, vận động quần chúng, và sự thống nhất của “ý Đảng, lòng dân” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM
_______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 24.

2 - Sđd, tr. 345.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2000, tr. 120.

4 - Sđd, tr. 127.

5 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 408.

6 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2000, tr. 388.

7, 8, 9 - Sđd, tr. 129, 131 - 132, 514.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.