Thứ Ba, 10/09/2024, 01:47 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu có nội dung xuyên tạc, bóp méo sự thật để hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế là một trong những phương thức hoạt động chủ yếu của các thế lực thù địch; trong đó, chúng tập trung phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động thâm độc, nguy hiểm này là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các thế lực thù địch đã và đang tăng cường chống phá bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, thâm độc. Trong đó, chúng đặc biệt coi trọng việc xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu để tuyên truyền, xuyên tạc tình hình thực tế của đất nước, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo,... gây mâu thuẫn, chia rẽ nhân dân với Đảng, chính quyền, phá vỡ sự đồng thuận xã hội. Đồng thời, làm suy giảm lòng tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; kích động các đối tượng cơ hội, bất mãn trong nước hoạt động chống đối và khi có thời cơ lôi kéo quần chúng vào các cuộc bạo loạn chính trị. Qua nghiên cứu, có thể phân loại các ấn phẩm, tài liệu chính như sau:
Một là, các nghị quyết, dự luật,… của Nghị viện, Quốc hội Mỹ, Úc, các nước phương Tây (Anh, Thụy Sỹ,…). Các ấn phẩm này thường có những nhận xét sai lệch, thiếu khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền ở các quốc gia; trong đó có Việt Nam, nhằm đưa ra các yêu sách trong quan hệ ngoại giao song phương, đa phương, can thiệp sâu vào nội bộ Việt Nam. Điển hình như: Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Báo cáo, Nghị quyết thường niên của Quốc hội châu Âu, Anh về tình hình nhân quyền thế giới, v.v.
Hai là, các văn bản pháp lý của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ (NGO) gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng của Việt Nam với nội dung phản ánh sai lệch tình hình trong nước, như: Thông cáo báo chí của tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), Kháng thư của Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), v.v.
Ba là, các ấn phẩm xuất bản, như: sách, báo, tạp chí, tập san, tờ rơi, truyền đơn,… của các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong gửi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các NGO hoạt động trên lĩnh vực nhân quyền, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, với nội dung không đúng sự thật hoặc bóp méo, xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo.
Bốn là, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt định kỳ của các hãng VOA, RFA, RFI,… có nội dung cập nhật mặt trái của tình hình dân chủ, nhân quyền trong nước, nhưng được xuyên tạc, thổi phồng hoặc tô đậm những yếu kém, vi phạm của chính quyền các cấp trong giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, dân tộc; xử lý các đối tượng lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để vu cáo, rêu rao Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, v.v.
Cùng với đó, các thế lực bên ngoài đã lập ra các đài phát thanh, truyền hình và website, blog, diễn đàn; lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, in-tơ-nét để thực hiện chiến dịch phá hoại tư tưởng, chống phá Việt Nam. Thông qua hợp tác trên các lĩnh vực bưu chính viễn thông, báo chí, xuất bản trong nước, chương trình hợp tác quốc tế, dự án đào tạo báo chí, các hội thảo để móc nối, tác động chuyển hóa tư tưởng. Chúng còn lợi dụng đường thư tín, bưu phẩm, bưu kiện, nhân viên ngoại giao, các đoàn khách quốc tế vào thăm, làm việc tại Việt Nam để chuyển tải các ấn phẩm, báo cáo, tài liệu vào nước ta, đầu độc thông tin, làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ xa rời mục tiêu, lý tưởng, mất lòng tin vào Đảng, từng bước hình thành xu hướng ly khai, lôi kéo dựng “ngọn cờ”, tập hợp lực lượng, tiến tới hình thành đảng đối lập, thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” ở nước ta.
Nhằm triển khai các chiến dịch phá hoại tư tưởng nêu trên, các thế lực thù địch ráo riết xuất bản, tán phát, chuyển tải các ấn phẩm, tài liệu vào trong nước, thông qua hàng trăm trang web, blog, báo điện tử, diễn đàn phản động trên mạng in-tơ-nét, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản, hàng chục đài phát thanh có chương trình tiếng Việt. Chúng triệt để lợi dụng thời điểm trong nước diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng hoặc xảy ra các vụ việc phức tạp để tán phát các ấn phẩm, tài liệu phản động nhằm cổ súy cho số đối tượng chống đối; phục vụ cho các kỳ họp Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có đoàn Việt Nam tham gia nhằm hạ thấp uy tín Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Các cá nhân, tổ chức phản động lưu vong còn tìm cách tác động các chính khách cực đoan Mỹ, phương Tây (L.Sanchez, Tremosa I.Balcells,…) thường xuyên gây sức ép Hạ viện Mỹ, Anh, Quốc hội EU ra nghị quyết, dự luật xuyên tạc, vu cáo tình hình dân chủ, nhân quyền để lấy cớ đưa yêu sách và can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Họ thông qua các hội nghị, điều trần của Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng kinh tế - Văn hóa - Xã hội của Liên hợp quốc; các hội nghị của Quốc hội Mỹ, Nghị viện châu Âu, các nước phương Tây để gây sức ép ra các “báo cáo”, “thông cáo”, “nghị quyết”,… tuyên truyền, xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Từ năm 1999 đến nay, hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ cho ra cái gọi là “Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế” đánh giá thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, nhiều lần đưa Việt Nam vào danh sách CPC và áp dụng biện pháp trừng phạt vì cho rằng Việt Nam “vi phạm tự do tôn giáo trầm trọng”(!)
Để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, luật, văn bản chỉ đạo và quản lý hoạt động trên lĩnh vực này1. Các cơ quan chức năng đã chủ động triển khai biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất bản, tán phát các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc tình hình nước ta; phát hiện sơ hở, thiếu sót, bất cập trong các quy định của pháp luật về quản lý trên lĩnh vực thông tin - truyền thông để tham mưu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phản bác luận điệu sai trái, thù địch. Thông qua các kênh hợp tác song phương, đa phương, đối ngoại nhân dân, qua tiếp xúc với các đoàn quốc tế quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam, chúng ta đã chuyển tải chính sách, thành tựu đảm bảo quyền con người tới bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc về dân chủ, nhân quyền đối với nước ta. Qua đó, tranh thủ được sự hợp tác và hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế trên nhiều lĩnh vực, góp phần ngăn chặn những hành động xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền; đấu tranh, phê phán những hoạt động thiếu thiện chí của các tổ chức, cá nhân bên ngoài đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát ấn phẩm, tài liệu xuyên tạc tình hình ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Công tác nắm tình hình có lúc, có nơi còn thụ động; công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, in-tơ-nét còn nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật trên lĩnh vực này chưa được hoàn thiện, bộc lộ nhiều sơ hở để kẻ địch lợi dụng. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chưa thường xuyên, nặng hình thức. Tình trạng vi phạm định hướng tuyên truyền và các quy định trong việc đăng thông tin, bài viết nhạy cảm, tán phát trên phương tiện thông tin đại chúng có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực này còn thiếu, trình độ kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ chưa chuyên sâu; việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát ấn phẩm, tài liệu chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong nắm tình hình, phát hiện kịp thời, chủ động đấu tranh. Cần phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nhất là việc xuất bản, tán phát các tài liệu xấu độc chống phá cách mạng Việt Nam. Sự phối hợp cần được thực hiện thường xuyên, nhưng tập trung vào thời điểm các thế lực bên ngoài chuẩn bị ra các loại văn bản, tài liệu, xuất bản các ấn phẩm, mở các chiến dịch tán phát tài liệu phản động vào nước ta để chủ động đấu tranh, ngăn chặn. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này. Do vậy, chúng ta cần chủ động nắm tình hình ngay từ bên ngoài, đi sâu vào trung tâm phá hoại tư tưởng của các thế lực thù địch để có các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời ngay khi mưu đồ của chúng mới manh nha.
Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, xuất bản, báo chí, quản lý in-tơ-nét. Đây là yêu cầu khách quan của quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế. Do vậy, cần chủ động rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, xác định những quan hệ xã hội nảy sinh trên lĩnh vực này chưa được pháp luật điều chỉnh để kiến nghị Nhà nước xây dựng, ban hành mới văn bản pháp luật, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động xuất bản, tán phát tài liệu, ấn phẩm của các thế lực thù địch mang nội dung xấu độc. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần phải được tiến hành khẩn trương, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đường lối của Đảng; đồng thời, phải quán triệt đầy đủ tinh thần của các nguyên tắc cơ bản của pháp luật xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho việc đấu tranh, ngăn ngừa với những hoạt động chống phá Việt Nam.
Ba là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, xuất bản, báo chí, quản lý in-tơ-nét. Tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chỉ thị, nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh phối kết hợp giữa các ban, bộ, ngành chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh; có cơ chế kiểm tra, giám sát đối với nhiệm vụ này. Tăng cường quản lý các dự án hợp tác trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông, hoạt động xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong hoạt động kinh doanh, kiểm tra, phát hiện các trang web, blog có nội dung xấu, độc hại để xử lý, ngăn chặn kịp thời. Thông qua hợp tác quốc tế, cần tranh thủ sự ủng hộ của các chính khách, các tổ chức quốc tế nhằm tác động chuyển hóa thái độ số đối tượng chống đối theo hướng tích cực, góp phần hạn chế việc ủng hộ ra các nghị quyết, dự luật xuyên tạc dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả để có biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh đối với thủ đoạn này.
Bốn là, thường xuyên ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới, trang bị các phương tiện thiết bị hiện đại, nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm duyệt, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý báo chí, thông tin - truyền thông, xuất bản, in-tơ-nét, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng khoa học - công nghệ để xuất bản, tán phát các tài liệu, ấn phẩm chống phá Việt Nam. Các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực báo chí, thông tin - truyền thông, xuất bản cần thường xuyên bổ sung, củng cố tổ chức nhân sự, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời yêu cầu do tình hình công tác đặt ra.
Năm là, phải tạo ra các điều kiện thuận lợi, những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực ở trong nước, nhằm không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Trước hết, phải xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý và xây dựng đất nước. Cùng với đó, cần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ động nắm tình hình, giải quyết kịp thời và dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đất đai, các vụ đình công, lãn công, đòi cơ sở thờ tự tôn giáo, không để hình thành “điểm nóng” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng thổi phồng, xuyên tạc tình hình, can thiệp, đưa yêu sách, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ thiết thực ngăn chặn, đầy lùi sự tán phát ấn phẩm, tài liệu xấu độc vào nước ta, góp phần làm thất bại mưu đồ chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, chế độ và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
NGUYỄN ĐỨC QUỲNH
_____________
1 - Nghị quyết 16/NQ-TW, ngày 18-3-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước tình hình mới, Chỉ thị 34-CT/TW, ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư về tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; ban hành các luật: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Tần số vô tuyến điện, v.v.
tán phát ấn phẩm,tài liệu xấu độc,phòng ngừa,ngăn chặn
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân” 28/08/2024
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch 19/08/2024
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối 19/08/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam 19/08/2024
Thực tiễn bác bỏ sự xuyên tạc về đường lối đối ngoại theo trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” 22/07/2024
Thói hàm hồ của những kẻ chống chủ nghĩa xã hội 18/07/2024
Thực tiễn bác bỏ những thông tin sai trái về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam 11/07/2024
Kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc chính sách quốc phòng “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam 28/06/2024
Không thể xuyên tạc tinh thần quốc tế trong sáng của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Quân đội nhân dân Việt Nam 26/06/2024
Phản bác luận điệu xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam 20/06/2024
Không thể xuyên tạc, phủ nhận chính sách an sinh xã hội của Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám - chân lý sáng ngời xua tan các luận điệu đen tối
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là “sai lầm lịch sử” – Luận điệu xuyên tạc lố bịch
Bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể là “Đảng toàn dân”