Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Hai, 07/09/2015, 14:03 (GMT+7)
Hạ bệ thần tượng - mục đích và sự thất bại tất yếu

Hồ Chí Minh được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam nhiều thế hệ gọi bằng danh xưng rất đỗi thân thương “Bác Hồ”! Cuộc đời và sự nghiệp của Người là giá trị của văn hóa, của sự phát triển trong thời đại ngày nay, là thần tượng trong lòng người Việt Nam yêu nước. Vì thế, Hồ Chí Minh trở thành một tâm điểm, đối tượng để các thế lực thù địch hạ bệ, đả kích, xuyên tạc. Nhưng, tất cả mưu đồ và hành động của chúng đã, đang và tất yếu sẽ thất bại.

Tâm đen dẫn đến mục đích xấu

Các thế lực thù địch không từ một thủ đoạn và phương thức nào để xuyên tạc, nói xấu lãnh tụ, những người lãnh đạo cách mạng vô sản. Việc hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh hiện nay cũng nằm trong “luồng” này. Có kẻ đã nói trắng ra rằng: “Đối với những người căm thù cộng sản, Hồ Chí Minh trở thành nơi để người ta trút tất cả những sự phẫn nộ, thù hận và sự khinh bỉ”1.

Những người có cái tâm đen, lòng đầy hận thù với sự nghiệp cách mạng Việt Nam thì chắc chắn đều muốn hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Mục đích của họ là muốn xóa bỏ ảnh hưởng của Hồ Chí Minh đối với quá trình cách mạng Việt Nam, xóa bỏ chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa để lái nước ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Họ viết sách, báo để cố tình xuyên tạc Hồ Chí Minh đủ điều, từ đời riêng đến sự nghiệp cách mạng; cố tình đem Hồ Chí Minh đối lập với dân tộc Việt Nam; rồi lý giải nhân dân Việt Nam yêu kính Hồ Chí Minh là do sùng bái cá nhân (!)

Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành giá trị văn hóa có tính bền vững của cả dân tộc ta. Nếu làm sụp đổ thần tượng này, thì cũng làm mất giá trị văn hóa và làm cho Việt Nam đi theo một con đường khác. Do vậy, việc hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh cũng là đánh vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Vì thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những bài viết, những cuốn sách và phim, ảnh xuyên tạc về Hồ Chí Minh không ít. Họ thẳng thừng tuyên bố: “cương quyết đạp đổ thần tượng Hồ Chí Minh, phá bỏ huyền thoại, và vì thế tìm đủ mọi cách để có thể hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh bằng mọi giá”2.

Trong nhiều ý kiến đả kích, xuyên tạc, đáng chú ý là những ý kiến cho rằng, không có tư tưởng Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là điều do Đảng Cộng sản Việt Nam tưởng tượng ra; cuộc đời của Hồ Chí Minh đầy những điều giả dối; Hồ Chí Minh là con người độc tài,... do đó không xứng đáng là một “thần tượng” để mọi người dân Việt Nam ngưỡng mộ (!) Trong nhiều biện pháp, thì biện pháp đánh vào cái gốc, nền tảng tư tưởng, yếu tố tinh thần, giá trị văn hóa với tư cách như là la bàn định hướng đi cho dân tộc và đánh vào lãnh tụ của sự nghiệp cách mạng Việt Nam,… là biện pháp rất thâm hiểm và hèn hạ. Những kẻ xấu đã không từ một thủ đoạn, hành vi nào, tận dụng mọi diễn đàn để bôi xấu, xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng sẵn sàng bóp méo thông tin, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, đánh tráo khái niệm với nhiều cách thức khác nhau, khi thì thể hiện cách nói, viết một cách tinh vi, ngụ ý, ẩn giấu; lúc thì trắng trợn, cực đoan với những lời lẽ “hàng tôm hàng cá”, hằn học, chửi bới, mạt sát, v.v. Nhưng xem ra, loại bịa đặt nhân chứng, tài liệu, hoặc dựa trên một vài sự kiện chưa được kiểm chứng để xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh với cách trình bày lắt léo, tinh vi, cộng với bút pháp có vẻ ly kỳ là nguy hiểm hơn cả. Bởi, họ làm ra vẻ mình là người “trong cuộc”, thậm chí một số người xuất thân là con em cách mạng, nên nắm chắc được bản chất của sự kiện để khẳng định những điều họ viết, nói là “sự thật”. Là “những người dân chủ”, nay họ “vén những tấm màn bí mật” ở chốn “thâm cung bí sử”. Nhưng, họ thường là những người bất mãn với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, với cách mạng Việt Nam. Cho nên, họ có thái độ cực kỳ cay cú, “ăn thua”, sẵn sàng bịa chuyện, hoặc dựa trên một vài sự kiện, tài liệu có thật để rồi thêm thắt, bình luận, hoặc viết rất ly kỳ, giảo trá để nói xấu Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam. Họ tự bào chữa cho những sai lầm của mình hoặc gia đình mình trong quá khứ; nhấn mạnh, tô đậm những sai lầm, khuyết điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng: đối với những người vượt biên, hay là nạn nhân của chế độ cộng sản, buộc phải rời Tổ quốc ra đi trong một nỗi đau khổ khốn cùng, trong một lòng thù hận khôn nguôi, thì chỉ có Hồ Chí Minh là cái đích, cái biểu tượng dễ nhất để mà “khạc nhổ, để mà đánh đấm”3. Vì vậy, họ viết và nói xuyên tạc về Hồ Chí Minh sặc mùi bỉ ổi, không ngại bất cứ khía cạnh nào, kể cả về hùa với nhau cố tình bôi đen đời tư của Người với mức độ càng ngày càng cay cú, cực đoan, thâm hiểm. Dù có lúc họ nói trắng mục đích, hoặc nói kiểu “vòng vo tam quốc”, “giấu bài”, nhưng rồi cũng lộ ra cái mục đích là chống phá một cách điên cuồng đối với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Do vậy, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ Hồ Chí Minh, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê-nin, là những cuộc chiến gian nan, quyết liệt để bảo vệ sự phát triển của dân tộc, tức là bảo vệ mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định ngay từ ngày đầu thành lập - năm 1930.

Sự thất bại tất yếu

Thực tế lịch sử Việt Nam đã chứng tỏ rằng, không những chủ nghĩa Mác – Lê-nin, mà cả tư tưởng Hồ Chí Minh nữa, đã trở thành nền tảng tư tưởng, yếu tố chỉ đạo làm nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và sự nghiệp đổi mới nói riêng. Những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sáng suốt khi nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và t­ư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư­ tưởng, kim chỉ nam cho hành động”4. Đồng thời, nêu rõ: “… tư tưởng Hồ Chí Minh chính là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong điều kiện cụ thể của nư­ớc ta, và trong thực tế tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và của cả dân tộc”5. Trong khi khẳng định và nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh… tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với mỗi người Việt Nam là vô cùng gần gũi, gắn liền với tình cảm yêu thương vô hạn của nhân dân đối với Bác Hồ, bởi công lao to lớn và đạo đức cách mạng trong sáng của Người. Vì vậy, nói tư tưởng Hồ Chí Minh là phù hợp với thực tế cách mạng nước ta, phù hợp với tình cảm và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta”6. Đảng xác định: “Điều kiện cốt yếu để công cuộc đổi mới giữ được định hư­ớng xã hội chủ nghĩa và đi đến thành công là trong quá trình đổi mới, Đảng phải kiên trì và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội”7.

Thực tế trong xã hội Việt Nam đã và đang diễn ra tình hình như vậy, không ai có thể chối cãi được. Nhưng, các thế lực thù địch và những kẻ nuôi lòng thù hận đối với cách mạng Việt Nam lại cố tình không chấp nhận thực tế khách quan đó. Chúng nghĩ suy và hành động đi ngược lại tình cảm, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu. Sự thực, sau gần 30 năm đổi mới đất nước theo những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội đã đưa lại cho chúng ta sự tin tưởng một cách chắc chắn rằng, âm mưu và hành động của các thế lực thù địch nhằm hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh đang và sẽ tất yếu thất bại, bởi mấy lý do chủ yếu sau đây:

Một là, Hồ Chí Minh là một “nhân vật kiệt xuất” của dân tộc và thế giới, không ai có thể phủ nhận được. Hồ Chí Minh là một người suốt đời nguyện dấn thân vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp cao cả: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Hồ Chí Minh là người con của một dân tộc luôn có khát vọng cháy bỏng và tìm mọi cách đấu tranh cho hòa bình, tiến bộ xã hội. Không một ai có thể phủ nhận được sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh đối với quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Nói đến thế kỷ XX - thế kỷ được gọi bằng cái tên là “thế kỷ phi thực dân hóa” - những người tiến bộ trên toàn thế giới không thể không nhắc tới Hồ Chí Minh, một con người hiện thân cho một nền hòa bình và sự khát khao độc lập, tự do; cho sự đấu tranh không khoan nhượng và ngừng nghỉ chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới; cho sự tiến bộ xã hội và ấm no, hạnh phúc của nhân dân lao động. Sự nghiệp đó đã là sự nghiệp cực kỳ nổi bật của dân tộc Việt Nam trong lịch sử cận - hiện đại từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cuối thế kỷ XIX, mà người tiêu biểu nhất là Hồ Chí Minh. Thế giới nói đến Hồ Chí Minh là nói đến dân tộc Việt Nam và nói tới dân tộc Việt Nam là nói tới Hồ Chí Minh - một con người tiêu biểu cho giá trị chân - thiện - mỹ. Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc tiên phong trên thế giới đấu tranh một cách tích cực nhất cho những giá trị tốt đẹp của nhân loại. Một con người tiên phong của dân tộc tiên phong ấy là Hồ Chí Minh. Nếu tạc tượng những vĩ nhân của thế kỷ XX - thế kỷ đấu tranh cho khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc - thì Hồ Chí Minh xứng đáng được tạc bức tượng đẹp nhất.

Hồ Chí Minh là người luôn đứng trong các sự kiện trọng đại của thế giới và của đất nước, có tác động tích cực vào sự phát triển của những vấn đề toàn cầu, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà toàn dân Việt Nam đều tôn vinh Hồ Chí Minh, coi Người là “Bác Hồ” của nhiều thế hệ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tại Phiên họp lần thứ 24 (từ 20-10-1987 đến 20-11-1987) ở Pa-ri (Pháp), Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.6.5 “Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong đó có đoạn nêu rõ: “Ghi nhận năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam… Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng kiệt xuất về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Những đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”8. Đây là điều thực hiện ý tưởng của UNESCO trong Phiên họp lần thứ 18 (từ 17-10 đến 23-11-1974) của Đại hội đồng tại Pa-ri đã ra Nghị quyết khung 18C/4.351; trong đó, nêu: “mong muốn thực hiện tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và sự kiện lớn tại các quốc gia thành viên nhằm góp phần làm cho mọi người biết đến tên của các nhân vật này và các sự kiện đã để lại dấu ấn trong sự phát triển của nhân loại”.

Hai là, Hồ Chí Minh có một đời tư vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, cả cuộc đời của Hồ Chí Minh đều vì sự nghiệp cách mạng. Người đã hy sinh cái riêng của bản thân mình để dâng hiến cho Tổ quốc và nhân loại cần lao và có tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, đẹp đẽ, không chút bụi mờ. Cả cuộc đời của Người đã thấm đượm những điều sau đây:

Có tấm lòng nhân ái khôn cùng (nhân văn, thương yêu, quý trọng con người). Hồ Chí Minh nghĩ đến dân mình, nhân loại bị áp bức, bóc lột cần được giải phóng, những người khi cuộc sống của họ còn nghèo để rồi cùng mọi người dấn thân vào cuộc chiến cho độc lập, tự do, vào cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, tạo ra những cái mới đẹp đẽ, tốt tươi. Người đã quên mình vì nghĩa cử cao đẹp cho sự tiến bộ của chính bản thân con người.

Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là hình mẫu của một con người luôn phấn đấu cho cái nguyên tắc của đạo đức mới, đạo đức cách mạng “trung với nước, hiếu với dân”. Người luôn có ý thức và hành động vì nước, vì dân. Càng ở vị trí cao của quyền lực do dân giao phó thì Người càng chú ý đến việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân một cách tận tụy hơn; tự coi rằng, cái chức Chủ tịch nước là do nhân dân ủy thác cho. Vì thế, Người nguyện suốt đời phục vụ, làm “đày tớ”, làm “công bộc”, thậm chí làm “trâu ngựa” cho nhân dân. Người đau những nỗi đau nhân thế, đúng như Người tâm sự rằng, mỗi người và mỗi gia đình Việt Nam có thể có đau khổ riêng, cộng tất cả những nỗi đau khổ đó lại thì đó chính là nỗi đau khổ của Người.

Cuộc đời của Hồ Chí Minh là cuộc đời thể hiện rõ ràng nhất phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những đức tính của một con người chân chính; tự tu dưỡng đạt đến độ cao cả, thuần khiết về nhân cách, đạt đến chuẩn mực cái đẹp của con người theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Hồ Chí Minh là sự hiện thân của các cặp chỉnh thể của bậc vĩ nhân: cao cả mà bình dị; vĩ đại mà khiêm nhường; tất cả vì cái chung (dĩ công vi thượng), chăm lo đến lợi ích cho từng con người; thấm đượm tinh thần dân tộc chân chính nhất và là con người của nhân loại. Hồ Chí Minh quên đi bản thân mình để lo cho mọi người, không những trên phạm vi dân tộc mà còn trên phạm vi quốc tế. Tình cảm, lòng nhân hậu - nhân ái, bao dung của Người bao la như đại dương. Con người Hồ Chí Minh là con người của văn hóa, tức là sự hiện thân của cái đẹp.

Như vậy, các thế lực thù địch có muốn hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, hằng ngày ra rả xuyên tạc, nói xấu Hồ Chí Minh thì chắc chắn đều thất bại. Nói như một chiến sĩ lão thành cách mạng Việt Nam thì những hành động của các thế lực thù địch như vậy chỉ như những con bọ húc đầu vào núi mà thôi. Xem thế đủ biết rằng, những kẻ chuyên đi nói xấu, chuyên đi đặt điều, chuyên đi xuyên tạc, chuyên đi “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, “thọc gậy bánh xe” để hạ uy tín, hạ bệ người khác, mà ở đây là hạ bệ một thần tượng tuyệt đẹp của cách mạng Việt Nam - thần tượng Hồ Chí Minh - thì chắc chắn không có chỗ trú trong tâm trí của những người lương thiện. Chính vì thế, họ tự hạ thấp mình và trở thành những con người đáng bị lên án!

Hãy sống tử tế, hãy tôn trọng sự thật, hãy làm một người có cái tâm lành, đức dày, trí sáng. Đó là lời nhắn nhủ và thông điệp của nhân dân Việt Nam tới những ai đã và đang có âm mưu, hành động hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh.

QUANG THẮNG
_________

1, 2, 3 - Theo “Phỏng vấn nhà văn Dương Thu Hương”, mạng BBC, 12-02-2009, 11:54 GMT.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H. 1991, tr. 127.

5, 6 - Sđd, tr. 127, 128.

7 - Sđd, tr. 53.

8 - Theo tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh được nêu trong cuốn sách UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb CTQG, H. 2013.

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.