Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 19/05/2025, 08:08 (GMT+7)
Mấy vấn đề về chỉ huy, hiệp đồng của lực lượng phòng không trong đánh máy bay không người lái

Máy bay không người lái đã và đang tạo ra mối đe dọa, thách thức mới, thúc đẩy sự phát triển mang tính đột phá về phương thức, thủ đoạn tác chiến đường không. Để phòng, chống hiệu quả máy bay không người lái trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi người chỉ huy các đơn vị phòng không và cơ quan cần giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu.

Thực tiễn các cuộc xung đột quân sự gần đây trên thế giới cho thấy, máy bay không người lái được các bên tham chiến sử dụng rộng rãi, với quy mô, phương thức và thủ đoạn khác nhau trong từng giai đoạn tác chiến. Đặc biệt, việc sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ, siêu nhỏ, tấn công theo kiểu “bầy đàn”, cùng lúc không kích vào mục tiêu với mật độ lớn, cường độ cao, trong thời gian ngắn, đã tạo ra những thách thức lớn, khiến đối phương rất khó đối phó.

Một máy bay không người lái tàng hình bí mật được phát triển trong chương trình SHEPARD của DARPA được đặt tên là XRQ-73. Nguồn: cand.com.vn

Ngoài ra, máy bay không người lái còn được sử dụng làm nhiệm vụ trinh sát, giám sát, truyền tin, chỉ thị mục tiêu, làm mồi bẫy; hoặc vừa trinh sát, chỉ thị mục tiêu, vừa thực hiện “chế áp mềm” hệ thống phòng không và có thể tác chiến liên hợp với lực lượng mặt đất, trên không, trên biển khi được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại. Khi cơ động tác chiến, máy bay không người lái có thể lợi dụng các khu vực, tuyến đường bay đã định hình, “núp bóng” các máy bay vận tải có tốc độ trung bình, bí mật, bất ngờ tấn công vào các mục tiêu đã trinh sát, chuẩn bị trước, v.v. Với ưu thế nổi bật: dễ chế tạo, có cấu trúc mở, dễ cải tiến, sản xuất hàng loạt, kinh phí đầu tư tương đối thấp, thủ đoạn tác chiến linh hoạt, hiệu suất chiến đấu cao, máy bay không người lái đã và đang trở thành một trong các phương tiện tác chiến chủ yếu, nguy hiểm đối với các bên tham chiến. Đặc biệt, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, máy bay không người lái rất có thể trở thành vũ khí “thống trị chiến trường” trong tương lai.

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), khả năng kẻ thù sử dụng máy bay không người lái để tấn công vào các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự của ta là rất cao. Trước tình hình đó, với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, thời gian qua, các đơn vị phòng không đã được quan tâm đầu tư vũ khí, khí tài, huấn luyện và tham gia diễn tập thực nghiệm đánh phương tiện bay không người lái. Bên cạnh đó, lực lượng phòng, chống máy bay không người lái của các quân chủng, binh chủng, quân khu, quân đoàn được củng cố, kiện toàn một bước. Đây là những điều kiện thuân lợi để lực lượng phòng không hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời, bảo vệ các mục tiêu, lực lượng, phương tiện khi tác chiến xảy ra.

Mặc dù vậy, việc phòng, chống máy bay không người lái là hình thức tác chiến mới, các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng phòng không chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, người chỉ huy và cơ quan, nhất là người chỉ huy các đơn vị phòng không cần giải quyết nhiều vấn đề; trong đó, công tác chỉ huy và hiệp đồng là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bài viết xin trao đổi một số vấn đề về chỉ huy, hiệp đồng của lực lượng phòng không trong đánh máy bay không người lái.

Trước hết, chỉ huy chiến đấu kiên quyết, tập trung, thống nhất, linh hoạt, kịp thời. Chỉ huy chiến đấu là hoạt động có mục đích, được tổ chức chặt chẽ, thống nhất; là hành động của người chỉ huy và cơ quan chỉ huy, điều hành các đơn vị, lực lượng tập trung mọi nỗ lực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu, trong đó có nhiệm vụ đánh máy bay không người lái. Cho nên, yêu cầu đặt ra đối với người chỉ huy và cơ quan là phải nghiên cứu, nắm chắc xu hướng phát triển, tính năng kỹ thuật, chiến thuật của các loại máy bay không người lái; đồng thời, dự kiến chính xác âm mưu, thủ đoạn, quy luật sử dụng loại phương tiện này của địch,… để chỉ đạo các đơn vị, lực lượng phòng không xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến cho phù hợp. Khi xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến, phải xác định chính xác khu vực, mục tiêu cần tập trung bảo vệ; dự kiến số lượng, hướng máy bay của địch bay vào đánh phá, phương pháp tác chiến chủ yếu; cách tổ chức, sử dụng và bố trí lực lượng,… từ đó, chỉ huy các lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp để đánh máy bay không người lái của địch đạt hiệu quả.

Hiện nay, vũ khí, trang bị của lực lượng phòng không cơ bản đã qua nhiều năm sử dụng, tính năng kỹ thuật có mặt còn hạn chế. Vì vậy, khi chỉ huy chiến đấu, người chỉ huy phải bám sát phương án, kế hoạch tác chiến, nắm chắc hướng, đường bay, số lượng, kiểu loại máy bay của địch và thời cơ nổ súng, chỉ huy thống nhất lực lượng phòng không, tập trung hỏa lực, hình thành “lưới lửa phòng không” với mật độ ở mức cao nhất trên hướng, khu vực mục tiêu chủ yếu, kịp thời tiêu diệt mục tiêu. Trong quá trình chỉ huy, có thể vận dụng phương pháp chỉ huy theo phân cấp hoặc vượt cấp; tuy nhiên, trong những trường hợp khẩn cấp, tình huống xuất hiện mau lẹ, máy bay không người lái của địch bay thấp, xuất hiện bất ngờ, với số lượng lớn, có thể chỉ huy vượt cấp, trực tiếp đến phân đội hỏa lực phòng không. Cùng với đó, chỉ huy đơn vị phòng không cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không lục quân của các đơn vị, địa phương xử lý có hiệu quả tình huống xảy ra. Sau mỗi trận đánh, đợt đánh, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm, tìm ra thủ đoạn trinh sát, quy luật hoạt động, cách thức sử dụng thiết bị bay không người lái của địch, cũng như phương pháp tác chiến phù hợp nhất với từng kiểu, loại để làm cơ sở chỉ huy lực lượng phòng không đánh máy bay không người lái trong các đợt tiếp theo.

Hai là, hiệp đồng chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ, theo ý định, quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy. Hiệp đồng chiến đấu đánh máy bay không người lái là sự phối hợp hoạt động giữa lực lượng phòng không với các lực lượng khác theo nhiệm vụ, hướng, khu vực, mục tiêu, địa điểm, thời gian và phương pháp tiến hành một cách chặt chẽ, có tổ chức, nhằm phát huy sức mạnh của các lực lượng, thực hiện thắng lợi mục đích tác chiến đặt ra. Vì vậy, khi tổ chức hiệp đồng, yêu cầu đặt ra với người chỉ huy lực lượng phòng không và cơ quan là phải tiến hành chu đáo, chặt chẽ, cụ thể, tỉ mỉ, theo kế hoạch thống nhất và bám sát kế hoạch, quyết tâm chiến đấu. Các nội dung trong kế hoạch hiệp đồng phải được người chỉ huy phòng không quán triệt, phổ biến tới từng lực lượng, đơn vị hỏa lực, nhất là quy định các ký, tín hiệu hiệp đồng.

Nội dung hiệp đồng phải toàn diện, cụ thể, tỉ mỉ, song cũng cần phù hợp với từng lực lượng, nhiệm vụ, trong từng giai đoạn tác chiến. Khi hiệp đồng cần tập trung vào nhiệm vụ: trinh sát phát hiện mục tiêu, thông báo, báo động về hoạt động máy bay không người lái của địch; chi viện hỏa lực bảo vệ đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành; khả năng huy động tiềm lực của khu vực phòng thủ, bảo đảm thông tin liên lạc, hậu cần, kỹ thuật để phục vụ nhiệm vụ chiến đấu, v.v. Đặc biệt, người chỉ huy các đơn vị phòng không phải hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng phòng không lục quân của các đơn vị trên địa bàn tác chiến; hiệp đồng với mục tiêu và các đơn vị cần bảo vệ; lực lượng không quân, ra đa, tên lửa và lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng tham gia tác chiến - nội dung quan trọng nhất của lực lượng phòng không, nhằm tạo thành “lưới lửa phòng không” dày đặc để đánh máy bay không người lái của địch.

Khi thực hành đánh máy bay không người lái, có nhiều đơn vị, lực lượng tham gia, mỗi đơn vị, lực lượng lại được trang bị vũ khí, phương tiện chiến đấu khác nhau, nên khi hiệp đồng, người chỉ huy và cơ quan cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp, bảo đảm không bỏ sót nội dung, nhiệm vụ; đồng thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình chiến đấu để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng.

Ba là, làm tốt công tác bảo đảm cho chỉ huy, hiệp đồng; phòng chống có hiệu quả tác chiến điện tử của địch. Đây là nội dung quan trọng, quyết định trực tiếp đến kết quả tổ chức chỉ huy điều hành và hiệp đồng tác chiến đánh máy bay không người lái. Vì vậy, người chỉ huy các đơn vị phòng không và cơ quan phải chuẩn bị tốt hệ thống sở chỉ huy các cấp, từ sở chỉ huy chiến dịch, lữ đoàn phòng không đến vị trí chỉ huy của các phân đội hỏa lực phòng không; bố trí đầy đủ, đồng bộ các trang, thiết bị tại sở chỉ huy các cấp, song cũng phải bảo đảm khả năng cơ động nhanh, gọn. Các thành phần, lực lượng tham gia trong kíp chỉ huy các cấp phải có trình độ năng lực chuyên môn giỏi, biết vận dụng sáng tạo, linh hoạt các phương pháp chỉ huy. Cùng với đó, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc cho chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu kịp thời, thông suốt, vững chắc, bí mật, an toàn trong mọi tình huống. Chú trọng trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật và hệ thống thông tin liên lạc, thông báo, báo động cho các đài quan sát và các phân đội hỏa lực phòng không, trong đó ưu tiên trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại cho lực lượng này.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đối tượng tác chiến sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao kết hợp với các loại máy bay không người lái có trang bị máy phát nhiễu nhằm hạn chế khả năng phát hiện và đánh trả của ta. Vì vậy, chống gây nhiễu và tác chiến điện tử có hiệu quả là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu suất đánh máy bay không người lái. Theo đó, người chỉ huy và cơ quan cần phải chỉ huy, chỉ đạo lực lượng phòng không phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng,… tấn công vào hệ thống vô tuyến điện tử của địch; bảo vệ các thiết bị, hệ thống vô tuyến điện tử, máy tính của ta; kịp thời nắm thông tin về hoạt động tấn công bằng máy bay không người lái của địch để phòng, chống có hiệu quả hoạt động gây nhiễu, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng; hạn chế khả năng trinh sát và tấn công các mục tiêu của ta, qua đó phát huy khả năng tác chiến của lực lượng phòng không trong đánh máy bay không người lái.

Hiện nay và trong tương lai, máy bay không người lái ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến công hỏa lực đường không, với thủ đoạn ngày càng đa dạng và phức tạp. Phòng, chống máy bay không người lái trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc một cách hiệu quả là vấn đề mới và khó, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị nói chung, nòng cốt là lực lượng phòng không phải nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện; tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng loại máy bay, biện pháp phòng, chống hiệu quả, kết hợp cả kỹ thuật và chiến thuật; trong đó, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng là nội dung trung tâm cần được nghiên cứu thấu đáo.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN ĐỨC, Học viện Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.