Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 12/05/2025, 10:52 (GMT+7)
Cảnh sát biển Việt Nam tham gia bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển – một số vấn đề đặt ra

Trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới và khu vực, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra cho Cảnh sát biển Việt Nam nhiều vấn đề phải giải quyết. Nhận thức đúng và giải quyết tốt những vấn đề đó sẽ giúp Cảnh sát biển hoàn thành tốt vai trò là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Biển, đảo Việt Nam là bộ phận thiêng liêng, cấu thành chủ quyền quốc gia, cửa ngõ giao lưu quốc tế, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, là tuyến phòng thủ thường xuyên, trọng yếu của đất nước, tạo khoảng không gian quan trọng để kiểm soát việc tiếp cận lãnh thổ trên đất liền. Hiện nay, những nhân tố gây mất ổn định liên quan đến chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; nguy cơ xung đột, tranh chấp trên biển, đảo và thềm lục địa vẫn chưa được loại trừ. Cùng với đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống, như: buôn lậu, gian lận thương mại, tranh chấp ngư trường, khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường biển,… diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự báo đã và đang đe dọa, ảnh hưởng không chỉ đối với quốc phòng, an ninh mà cả an ninh, an toàn hàng hải của nhiều nước trong khu vực. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, Cảnh sát biển Việt Nam phải phối hợp chặt chẽ cùng với các lực lượng, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia, môi trường hòa bình trên biển.

Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 bắt tàu chở dầu DO lậu trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Nguồn: tuoitre.vn

Văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách là vấn đề quan trọng hàng đầu, hành lang pháp lý vững chắc để lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự, môi trường hòa bình, ổn định trên biển. Các văn bản được xây dựng đồng bộ, chất lượng cao, ban hành kịp thời, sát thực tiễn thì việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự, môi trường hòa bình, ổn định trên biển càng thuận lợi và hiệu quả. Do vậy, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, nhằm cụ thể hoá các quy định về biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo, như: tiếp tục đàm phán, ký hiệp định phân định vùng biển với các nước có liên quan; rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển, đảo và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi Đảng, Nhà nước thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp; tiếp tục nghiên cứu, nội luật hóa các điều ước quốc tế về biển, đảo mà Việt Nam tham gia ký kết; xây dựng các văn bản quy định điều chỉnh những quan hệ cụ thể trên các lĩnh vực an toàn hàng hải; khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển; nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật biển. Cùng với đó, bổ sung quy định cụ thể trong Luật Quốc phòng về hoạt động quốc phòng trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bổ sung thẩm quyền xử lý về hành chính, hình sự cho một số chức danh của Cảnh sát biển Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển trong giai đoạn hiện nay. Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần phát huy trí tuệ của toàn dân và trình độ chuyên sâu về luật pháp của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng các văn bản pháp luật. Dự thảo các văn bản pháp luật phải hướng về cơ sở; có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển.

Mặc dù những năm qua, các cấp, ngành, lực lượng đã vào cuộc quyết liệt, đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo, nhưng nhận thức của một bộ phận nhân dân đối với nhiệm vụ quan trọng này vẫn chưa thật đầy đủ, thậm chí vẫn còn có trường hợp vi phạm pháp luật trên biển. Vì vậy, thời gian tới, Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và các lực lượng (Hải quân, Biên phòng, Kiểm ngư,…) nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo sát với thực tiễn diễn biến tình hình trên Biển Đông, nhằm kịp thời thông tin, định hướng cán bộ, đảng viên và nhân dân về những vấn đề liên quan đến chủ quyền biển, đảo, góp phần xây dựng tiềm lực “chính trị - tinh thần” khu vực biển, đảo vững chắc. Để đạt hiệu quả cao, các đơn vị cảnh sát biển cần vận dụng linh hoạt các hình thức, như: tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề; tọa đàm trao đổi; thi tìm hiểu; sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội. Đối với ngư dân, coi trọng hình thức phát tờ rơi, tờ gấp để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải sâu rộng, toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, tập trung vào phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về biển, đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền đối với vùng biển của Việt Nam, trong đó có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; những động thái mới của các nước trên Biển Đông, v.v. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm trong đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước; giúp ngư dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, Đề án tổ chức Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” cấp toàn quốc đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt; tập huấn cho ngư dân xử lý những tình huống khẩn cấp khi hoạt động trên biển; tặng cờ Tổ quốc, vật dụng đi biển; tổ chức khám sức khỏe, gắn tặng tủ thuốc, túi thuốc miễn phí trên các tàu,… góp phần tăng cường đoàn kết quân - dân, giúp ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm trong thực hiện quy chế phối hợp tuyên truyền để triển khai các nội dung đã ký kết, đảm bảo có hiệu quả hơn, nhất là về hình thức và cách làm của mỗi lực lượng, tiếp tục khẳng định Cảnh sát biển Việt Nam cùng các lực lượng luôn đồng hành và là điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Mỗi lực lượng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự, môi trường hòa bình, ổn định trên biển có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam thường xuyên đổi mới công tác tổ chức phối hợp; bởi, với vai trò là lực lượng chuyên trách quản lý, duy trì thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam phải tổ chức phối hợp với các lực lượng, ngành chức năng trong từng nhiệm vụ, tình huống, thời gian cụ thể theo một kế hoạch thống nhất để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Trong đó, lấy hoạt động của Cảnh sát biển làm trung tâm để thống nhất hành động của các lực lượng, ngành, chức năng có liên quan; giữ vai trò chủ trì trong thực thi pháp luật trên biển. Tập trung phối hợp xây dựng, ký kết các văn bản phối hợp giữa Cảnh sát biển với các lực lượng chức năng, bảo đảm không gây cản trở cho các hoạt động hợp pháp trên biển. Đồng thời, đổi mới nội dung phối hợp với các lực lượng liên quan trong tham mưu, đánh giá tình hình, xây dựng phương án, kế hoạch tác chiến, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; thu thập chứng cứ phục vụ đấu tranh ngoại giao, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân bị nước ngoài bắt giữ; phối hợp trong tuần tra, kiểm soát, huy động, triển khai lực lượng xử lý tình huống nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Nội dung tập trung vào phối hợp trong đấu tranh với các hoạt động các tội phạm trên biển, chống cướp biển, truy đuổi, bắt giữ, bàn giao đối tượng, phương tiện vi phạm; phối hợp bảo vệ công trình dầu khí; phối hợp bảo đảm thông tin liên lạc, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt xa bờ. Bên cạnh đó, Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Biên phòng, Hải quân, Kiểm ngư, Công an,… thường xuyên kiểm tra kiểm soát người và phương tiện hoạt động trên biển về chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản, bảo vệ môi trường biển. Chủ động phối hợp với các quân khu, bộ, ngành có liên quan, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ huy động nhân lực, vật lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Quá trình tổ chức thực hiện phải tuân thủ đúng nguyên tắc, yêu cầu phối hợp; nâng cao hiệu quả dự báo các tình huống để xác định chủ trương, biện pháp phối hợp phù hợp với đặc điểm, diễn biến thực tế trên biển và nhiệm vụ của các lực lượng. Thực hiện nghiêm chế độ giao ban giữa các lực lượng chuyên trách để thông báo kịp thời tình hình, trao đổi, phổ biến và rút kinh nghiệm hoạt động quản lý, bảo vệ, xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.

Để nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, các đơn vị Cảnh sát biển chú trọng huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ thuần thục công tác tham mưu tác chiến, nắm vững đối tượng, đối tác, quan điểm, phương châm, xử lý các vấn đề trên biển; nâng cao trình độ, khả năng, phân tích, đánh giá tình hình, xử lý linh hoạt, thắng lợi các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Với đội ngũ cán bộ tàu, chú trọng huấn luyện nắm chắc các quy định về công tác bảo đảm an toàn trong cơ động tàu, địa hình, luồng, lạch, điều kiện khí tượng thủy văn, dòng chảy khu vực biển nơi tàu thường xuyên hoạt động và xử trí nhanh, hiệu quả các tình huống khi thực hiện nhiệm vụ. Với đội ngũ cán bộ nghiệp vụ và pháp luật, chú trọng huấn luyện chuyên sâu về các biện pháp nghiệp vụ, quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế liên quan đến biển, đảo; quy định của pháp luật về xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trên biển; quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Với đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng tay nghề, bậc thợ theo các chuyên ngành, xử lý tốt các sự cố kỹ thuật; quản lý, khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí, trang bị mới, hiện đại. Đồng thời, chú trọng huấn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật tàu Cảnh sát biển; các phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật để khẳng định và bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện đêm, huấn luyện dài ngày trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp; nâng cao sức cơ động, khả năng xử trí các tình huống, như: bảo đảm an toàn hàng hải, phòng, chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật, gắn huấn luyện với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất. Cùng với đó, tổ chức tốt các cuộc diễn tập, luyện tập xử lý tình huống trên hải đồ; luyện tập chiến thuật vòng tổng hợp, huấn luyện tàu đóng mới, tàu chuyển giao từ nước ngoài, bảo đảm bộ đội vừa làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, vừa làm chủ tình huống trong mọi điều kiện.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung, giải pháp trên là cơ sở để Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tham gia cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững an ninh quốc gia, môi trường hòa bình trên biển.

Thiếu tướng, ThS. TRẦN VĂN LƯỢNG, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.