Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 15/05/2025, 09:20 (GMT+7)
Đôi nét về chiến lược phòng thủ mới của Liên minh châu Âu, những tác động đến an ninh khu vực và quốc tế

Ngày 19/03/2025, Liên minh châu Âu đã công bố Chiến lược phòng thủ mới, nhằm nâng cao khả năng tự chủ an ninh, duy trì ổn định khu vực và bảo vệ các lợi ích cốt lõi trong bối cảnh gia tăng các mối đe dọa và Mỹ giảm dần vai trò bảo trợ an ninh đối với châu Âu. Vậy, cơ sở hình thành, nội dung cơ bảnnhững tác động của Chiến lược này đến an ninh khu vực và quốc tế như thế nào? Đây là vấn đề được dư luận quốc tế đang rất quan tâm.

Trước những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo của tình hình khu vực và thế giới, không ít quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) từng tuyên bố, đã đến lúc EU cần hành động quyết liệt, chủ động hơn. Theo đó, ngày 19/03/2025, EU đã công bố Chiến lược phòng thủ mới, nhằm nâng cao khả năng tự chủ an ninh, duy trì ổn định khu vực và bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình.

Theo các nhà lãnh đạo EU, việc quyết định công bố Chiến lược phòng thủ mới vào thời điểm hiện nay thể hiện nhận thức chung của các quốc gia thành viên đối với những thay đổi trong cục diện an ninh của châu Âu và thế giới, nhất là từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Chiến lược phòng thủ mới cũng khẳng định sự đồng thuận của Liên minh trong lĩnh vực đầu tư cho quốc phòng (vốn chưa được coi trọng nhiều năm qua), nhằm đối phó với sự gia tăng của các mối đe dọa đến an ninh của EU và châu Âu. Trong đó, EU xác định: Nga là “mối đe dọa cơ bản” trực tiếp nhất đến sự tồn vong của Liên minh; Trung Quốc là một thách thức, không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh, do hệ thống chính trị khác biệt và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, Chiến lược phòng thủ mới cũng nêu ra những bất ổn ở Trung Đông do sự sụp đổ của chính quyền Assad ở Syria và xung đột ở Gaza; nguy cơ từ tấn công mạng và phá hoại cơ sở hạ tầng,… cũng như các thách thức đe dọa đến lợi ích an ninh của EU ở khu vực và trên toàn cầu.

Binh sĩ Đức tham gia tập trận tại Altengrabow ở miền Đông nước này. Nguồn: AFP/TTXVN

Đặc biệt, những “rạn nứt” trong quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai bờ Đại Tây Dương kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào tháng 01/2025 là nhân tố hàng đầu quyết định buộc EU phải nhận thức lại vấn đề “tự chủ” về quốc phòng và an ninh. Nhiều nhà hoạch định chiến lược của EU thừa nhận, việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump điều chỉnh ưu tiên trong chính sách đối ngoại, thu hẹp vai trò “người bảo đảm an ninh chính” cho châu Âu để tập trung vào khu vực trọng điểm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cảnh báo “nghiệt ngã” về những “lỗ hổng” an ninh mà giới tinh hoa của “lục địa già” phải sớm có các biện pháp khắc phục. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, xung đột tại Ukraine và các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cổ vũ châu Âu đi trên con đường độc lập hơn; châu Âu phải đoàn kết hơn, chủ động hơn trong các vấn đề an ninh tập thể.

Đánh giá việc EU công bố Chiến lược phòng thủ mới, giới phân tích quốc tế cho đây là động thái “đầy tham vọng” để Liên minh xây dựng thành một “trụ cột quốc phòng” đủ khả năng bảo vệ an ninh, lợi ích của mình trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, các mối đe dọa đang gia tăng và Mỹ giảm dần vai trò bảo trợ an ninh đối với châu Âu.

Theo các nhà phân tích quốc tế, Chiến lược phòng thủ mới mà EU xây dựng tập trung vào 03 trọng điểm: (1) nâng cao năng lực phòng thủ; (2) hỗ trợ cho Ukraine; (3) củng cố hợp tác về quốc phòng, an ninh. Trong đó, nâng cao năng lực phòng thủ là nhân tố quan trọng quyết định để Liên minh đạt được mục tiêu tự chủ về quốc phòng; với 07 lĩnh vực cần đầu tư, gồm: phòng không; pháo binh; tên lửa; đạn dược; thiết bị bay không người lái và hệ thống vũ khí chống thiết bị bay không người lái; phòng thủ trên không gian mạng; nhân lực thực thi những chiến dịch quân sự quy mô lớn. Chiến lược cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, thông qua việc xây dựng hệ thống chỉ huy và tác chiến hiện đại, một chiến lược công nghiệp quốc phòng độc lập của khối, khuyến khích ưu tiên nghiên cứu, phát triển và sản xuất các hệ vũ khí chung trong EU hoặc ở các nước đối tác của EU. Giới quân sự của EU cho rằng, việc nghiên cứu, phát triển vũ khí và khí tài quân sự chung cho phép tiết kiệm chi phí, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn và giải quyết việc tương thích giữa các hệ thống vũ khí khác nhau đang là vấn đề nan giải trong hệ thống phòng thủ của Liên minh. Hiện EU đã thông qua một số dự án lớn để tăng cường năng lực quốc phòng chung, như: phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp, mua sắm hệ thống chống thiết bị bay không người lái, tên lửa phòng không và đạn dược, phát triển “tàu chiến châu Âu”, thiết lập các nền tảng chia sẻ dữ liệu và phát triển các học thuyết, đào tạo, bài tập và cơ sở chung cho tác chiến điện tử, v.v.

Chiến lược phòng thủ mới cũng nhấn mạnh kế hoạch huy động nguồn tài chính để đẩy nhanh tiến độ tái vũ trang châu Âu, bao gồm cả kế hoạch “ReArm Europe” với khoảng 800 tỷ Euro để hỗ trợ các quốc gia thành viên và nâng cao năng lực quân sự, quốc phòng chung của Liên minh. Trong đó, ưu tiên đầu tư hiện đại hóa, nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng phản ứng nhanh; cải tạo, nâng cấp hàng trăm công trình cầu, cảng, sân bay, hầm, đường,… ở các nước thành viên để phục vụ mục đích quân sự. Đặc biệt, EU cũng tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực quốc phòng mũi nhọn như: công nghệ kỹ thuật số, công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên và công nghệ sinh học; lĩnh vực an ninh mạng, tác chiến trên biển, tác chiến dưới nước, công nghệ mô phỏng và huấn luyện, hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp, hệ thống phân phối thông tin đa năng, giao tiếp giữa người và trí tuệ nhân tạo, chíp chuyên dụng cho các ứng dụng quốc phòng, hệ thống trang bị cá nhân cho binh lính tác chiến trong các môi trường khắc nghiệt.

Hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga được coi là một trọng tâm của Chiến lược phòng thủ mới của EU. Quan điểm của EU là tiếp tục coi Ukraine là “tuyến đầu trong vấn đề an ninh và quốc phòng châu Âu”; đồng thời, là “một chiến trường quan trọng để xác định trật tự quốc tế mới”, “an ninh của Ukraine gắn liền với an ninh của EU”. EU cũng đề ra cái gọi là “chiến lược con nhím”, nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine “để nước này có thể ngăn chặn mọi cuộc tấn công tiềm tàng và đảm bảo một nền hòa bình lâu dài”; đồng thời, cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga, thông qua việc cung cấp vũ khí và đưa Ukraine vào các sáng kiến của khối.

Củng cố hợp tác về quốc phòng và an ninh cũng là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phòng thủ mới của EU. Trong khi triển khai quyết liệt các biện pháp tự chủ về quốc phòng, EU tiếp tục nhấn mạnh vai trò quyết định về phòng thủ của liên minh xuyên Đại Tây Dương và của NATO. Tinh thần chủ đạo là vẫn dựa vào Mỹ nhưng có đủ khả năng tự đảm bảo an ninh trong trường hợp Mỹ lơi lỏng việc đảm bảo an ninh cho châu Âu. Vì thế, EU cần có năng lực phòng thủ riêng, nhưng vẫn trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Khi nói về quan hệ EU - NATO, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tuyên bố: “Chúng ta đã làm được rất nhiều, nhưng cần làm nhiều hơn. Chúng ta cần làm nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn và phải làm cùng nhau”. Chiến lược cũng đề cập đến mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác ngoài châu Âu, như Ấn Độ và nhiều đối tác khác.

Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, Chiến lược phòng thủ mới của EU xác định Nga là “mối đe dọa cơ bản” trực tiếp và nguy hiểm nhất, đồng thời coi Ukraine là “chiến trường ủy nhiệm” để đối đầu với Nga là tư duy của thời chiến tranh lạnh. Với “chiến lược con nhím” của EU ở Ukraine và việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ với Nga, điều này có thể không những đẩy quan hệ EU - Nga ngày càng “tụt dốc” mà còn khiến an ninh khu vực châu Âu càng thêm bất ổn, khó lường. Mặt khác, việc EU xác định Trung Quốc là thách thức về kinh tế và an ninh, vấn đề này cũng không chỉ gây cản trở cho xu hướng cải thiện quan hệ hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi giữa EU và Trung Quốc, mà còn gây bất bình từ Bắc Kinh và có thể đẩy cục diện cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực ngày càng trở nên gay gắt. Cùng với đó, chủ trương tăng cường đầu tư cho quốc phòng, tập trung nghiên cứu, chế tạo và sản xuất trang thiết bị quân sự thế hệ mới để nâng cao khả năng răn đe, giành ưu thế quân sự trước các đối thủ của EU có thể tạo ra cuộc chạy đua vũ trang “công nghệ cao”, không có lợi cho an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia quân sự của EU, để đạt được mục tiêu “tự chủ về quốc phòng” trong điều kiện hệ thống phòng thủ còn tồn tại nhiều bất cập sau khi Mỹ tuyên bố và tiến hành những hành động hạn chế bảo hộ an ninh cho châu Âu thì các nước thành viên có thể phải tăng ngân sách quốc phòng lên đến 04% GDP, tạo ra gánh nặng cho quốc gia. Kế hoạch “ReArm Europe” với ngân sách khoảng 800 tỷ Euro làm các quốc gia thành viên gánh thêm khoản nợ tương đương tới 1,5% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Họ cũng cho biết, nhiều dự án quốc phòng vốn rất đắt đỏ của EU đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tài chính và sự không thống nhất giữa các nước thành viên.

Hơn nữa, EU cũng đang đối mặt với “vấn đề hóc búa” là càng cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Mỹ thì trên thực tế lại càng bị phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), từ 2020 đến 2024, Mỹ là nhà cung cấp hơn 64% tổng số vũ khí nhập khẩu của châu Âu. Hiện hệ thống phòng thủ của châu Âu, kể cả Pháp, đều phụ thuộc vào hệ thống Starlink và khả năng ISR (tình báo, giám sát và trinh sát) của Mỹ. Quân đội hàng loạt nước EU phụ thuộc ở những mức độ khác nhau vào thiết bị quân sự nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là các vũ khí tiên tiến, như: máy bay chiến đấu F.35, hệ thống phòng không Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa, v.v. Điều đáng nói, nhiều quốc gia EU vẫn tiếp tục đặt hàng vũ khí từ Mỹ bất chấp những lo ngại về độ tin cậy của những đảm bảo an ninh từ Washington. Một thống kê cho thấy, năm 2024, số lượng máy bay F.35 được Mỹ chuyển giao cho châu Âu cao gấp 10 lần so với máy bay Rafale. Thực trạng này đặt ra cho nền công nghiệp quốc phòng của EU những thách thức không nhỏ, có thể làm những mâu thuẫn trong nội bộ EU vốn đã là “căn bệnh mãn tính” càng thêm trầm trọng.

Dư luận cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều mối đe dọa an ninh cả truyền thống và phi truyền thống, việc EU công bố Chiến lược phòng thủ mới cũng không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, dư luận quốc tế mong rằng, việc tăng cường sức mạnh quân sự của bất cứ quốc gia, tổ chức nào cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế; không được đe dọa sử dụng, hoặc sử dụng vũ lực để thực hiện mưu đồ chính trị cường quyền. Vấn đề quan trọng nhất là phải tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin chiến lược, cùng nhau giải quyết những bất đồng, hướng đến xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

ĐỒNG ĐỨC - MINH ĐỨC

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...