Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 26/06/2017, 15:47 (GMT+7)
Khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh - nguyên nhân sâu xa và hậu quả khó lường

Vừa qua, A-rập Xê út cùng một loạt quốc gia Vùng Vịnh khác đã bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta. Đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng nhất ở Vùng Vịnh, gây tác động lớn đến sự ổn định của khu vực. Vậy, đâu là nguyên nhân của khủng hoảng và hậu quả của nó ra sao, đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Căng thẳng leo thang

Ngày 05-6-2017, với cáo buộc Ca-ta “bảo trợ khủng bố” các nước gồm: A-rập Xê-út, Ba-ranh, Các tiểu Vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã đồng loạt tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta. Theo đó, các nước này đã ngay lập tức cấm công dân của họ và Ca-ta đi qua lãnh thổ, lãnh hải, không phận của nhau; đồng thời, yêu cầu công dân, khách du lịch của Ca-ta phải rời khỏi lãnh thổ các nước trên trong vòng hai tuần lễ, v.v. Tiếp đó, lần lượt các nước: Y-ê-men, Ai Cập, Li-bi và Man-đi-vơ cũng tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta. Liên đoàn A-rập do A-rập Xê-út đứng đầu cũng quyết định trục xuất Ca-ta khỏi liên minh này. Không dừng lại ở đó, các nước trên còn quyết định phong tỏa mọi tuyến giao thông trên không, trên biển và một phần trên bộ với Ca-ta. Đồng thời, đòi hỏi Đô-ha phải trục xuất tất cả các thành viên của tổ chức “Anh em Hồi giáo” và các thành viên thuộc phong trào Ha-mát ra khỏi lãnh thổ Ca-ta cũng như phải đóng băng tất cả các tài khoản ngân hàng và đình chỉ mọi mối quan hệ với hai nhóm khủng bố này. Ngoài ra, A-rập Xê-út còn yêu cầu Ca-ta phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với I-ran, v.v.

Căng thẳng không ngừng tăng cao khi A-rập Xê-út, UAE, Ai Cập và Ba-ranh trong một tuyên bố chung (ngày 09-6-2017) đã thống nhất quyết định xếp 59 cá nhân và 12 thực thể của Ca-ta vào danh sách “các đối tượng tài trợ khủng bố”. Ai Cập còn đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc điều tra báo cáo về việc Ca-ta đã chi hơn 1 tỷ USD cho một nhóm khủng bố hoạt động ở I-rắc với lý do “để giải cứu 26 con tin”, trong đó có các thành viên của Hoàng gia Ca-ta. Phía Ai Cập cho rằng, hành động của Ca-ta trao tiền chuộc cho nhóm khủng bố nói trên có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đáp trả các động thái này, Ca-ta đã ra tuyên bố nêu rõ, những cáo buộc trên đây là vô căn cứ và không có cơ sở thực tế. Đồng thời, Chính quyền Đô-ha cũng tỏ rõ quyết tâm không đầu hàng “trước tối hậu thư” của các nước thành viên Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC). Theo giới quan sát, đây là cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có trong lịch sử bang giao quốc tế ở khu vực cũng như trong lịch sử tồn tại của GCC. Vậy, đâu là nguyên do đích thực của cuộc khủng hoảng này?

Những nguyên nhân chính

Theo tuyên bố chính thức của các nước thành viên GCC, nguyên nhân khiến họ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ca-ta là do Chính quyền Đô-ha đã ngấm ngầm “tài trợ khủng bố”; ủng hộ hệ tư tưởng của các phe nhóm cực đoan và IS trên khắp khu vực. Theo GCC, chính quyền Đô-ha đã từng tài trợ cho các tổ chức khủng bố, như: “Anh em Hồi giáo”, An Kê-đa, thậm chí là tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở I-rắc và vùng Le-van (ISIL) - tiền thân của IS. Các nhà quan sát cho rằng, nguyên nhân này không có gì mới, bởi thực tế những năm gần đây, Ca-ta và A-rập Xê-út là hai quốc gia dẫn đầu trong nhiều quốc gia ở khu vực vẫn bí mật tài trợ, hậu thuẫn cho nhiều tổ chức khủng bố và hồi giáo cực đoan. Trong đó có những nhóm đã từng đóng vai trò quan trọng trong các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân A-rập” để lật đổ chính quyền ở các nước Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi,… và hiện nay là ở Xy-ri. Riêng A-rập Xê-út còn bị chính quyền Mỹ cáo buộc có liên quan tới vụ khủng bố ngày 11-9-2001; thậm chí có tài liệu còn tiết lộ rằng, chính Ri-át cũng đã từng nuôi dưỡng tổ chức khủng bố An Kê-đa từ những năm 1980. Ngoài ra, giữa A-rập Xê-út và Ca-ta có cách tiếp cận khác nhau đối với các tổ chức khủng bố. Ca-ta không coi tổ chức “Anh em Hồi giáo” là khủng bố, còn A-rập Xê-út và Ai Cập lại kịch liệt phản đối tổ chức này và coi đó là khủng bố. Trong phong trào “Mùa xuân A-rập” ở Ai Cập năm 2012, tổ chức “Anh em Hồi giáo” đã nổi lên, lật đổ chính thể của Tổng thống Mu-ba-rắc và đưa thủ lĩnh của họ là Mô-ha-mét Mơ-xi lên cầm quyền, nhưng sau đó, chính thể này đã bị phái quân sự Ai Cập làm đảo chính. Từ đó, người Ai Cập có thâm thù với Ca-ta. Như vậy, việc A-rập Xê-út đi đầu trong các nước GCC cáo buộc Ca-ta “tài trợ khủng bố” để cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Đô-ha chưa hẳn là nguyên nhân chủ yếu, trong khi hành động này của các nước GCC chẳng khác gì việc “ném bùn sang ao”.

Về việc kết thân với I-ran - đối thủ truyền kiếp của A-rập Xê-út - cũng được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự tẩy chay của các nước GCC đối với Ca-ta. Trên thực tế, quan hệ gần gũi của Ca-ta với I-ran và với nhiều nhóm Hồi giáo, khiến GCC và nhất là A-rập Xê út đặt ra nhiều nghi vấn. Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù là quốc gia theo dòng Hồi giáo Xăn-ni có mâu thuẫn về hệ tư tưởng với dòng Hồi giáo Xi-ai ở I-ran, nhưng trong nhiều năm qua do thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, Ca-ta đã thiết lập quan hệ hợp tác và hữu nghị thân thiện với chính quyền Tê-hê-ran, thậm chí đã tham gia các dự án phối hợp khai thác dầu khí ở Vùng Vịnh. Đây là điều khác biệt với A-rập Xê-út - quốc gia theo dòng Hồi giáo Xăn-ni luôn coi I-ran là “kẻ thù không đội trời chung”. Chính vì thế, Ri-át đã nhiều lần “bóng gió” rằng, Đô-ha có liên quan đến sự hậu thuẫn của Tê-hê-ran đối với phiến quân Hu-thi ở Y-ê-men. Tuy nhiên, bản thân Ca-ta cũng là một thành viên tích cực trong liên minh do A-rập Xê út đứng đầu không kích phiến quân Hu-thi trong cuộc xung đột ở Y-ê-men. Hơn nữa, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay nếu chỉ căn cứ vào việc Đô-ha có mối quan hệ “thân thiết” với Tê-hê-ran để đưa ra các cáo buộc và cắt đứt quan hệ ngoại giao là chưa thuyết phục. Thực tiễn cho thấy, bản thân một số nước trong GCC vẫn có mối quan hệ làm ăn với I-ran. Theo một thống kê quốc tế, hiện tại, tỷ trọng kim ngạch trao đổi thương mại Vùng Vịnh của UAE với I-ran chiếm tới 80% và nước này cũng là cửa ngõ quan trọng nhất cho hàng hóa thương mại của I-ran quá cảnh. Bất đồng giữa A-rập Xê-út và Ca-ta trong quan hệ với I-ran lên tới đỉnh điểm khi tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - A-rập (ngày 21-5-2017), Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã tuyên bố IS và I-ran hình thành “trục tội ác”, còn Quốc vương A-rập Xê-út tuyên bố “I-ran là quốc gia tài trợ khủng bố”, trong khi đó Ca-ta lại đề nghị các nước nên giảm bớt sự chỉ trích nhằm vào Tê-hê-ran và cần cải thiện quan hệ với I-ran. Rõ ràng, chuyến thăm A-rập Xê-út của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm cũng là yếu tố thúc đẩy các mâu thuẫn giữa các nước GCC với Ca-ta lên tới đỉnh điểm.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngoài các nguyên nhân nêu trên, tâm điểm của cuộc khủng hoảng là “cuộc chiến” xoay quanh vai trò nổi lên của Ca-ta trong khu vực cùng những chính sách ngoại giao của nước này. Kể từ năm 1995, chính sách đối ngoại của Ca-ta ngày càng trở nên linh hoạt và mềm dẻo, có khả năng xử lý và tìm ra được quan hệ cân bằng với phần lớn các nước lớn hơn trong khu vực và thế giới. Không chỉ quan hệ với các nước trong GCC, I-ran,… Ca-ta còn xây dựng được mối quan hệ vững chắc với Mỹ và cho siêu cường này sử dụng vùng An U-đây làm một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Lầu Năm Góc ở Trung Đông. Đồng thời, Ca-ta đã chủ động mở cửa với các nước lớn khác trong và ngoài khu vực mặc dù vẫn còn những bất đồng và mâu thuẫn lớn với các nước này. Những cải cách nêu trên khiến Ca-ta dần nổi lên và trở thành đối thủ cạnh tranh vị thế với một số thế lực nước lớn ở khu vực, trong đó có A-rập Xê út và UAE. Theo giới quan sát, quá trình tranh giành đó đã “âm thầm” diễn ra trong nhiều năm nhưng không kém phần quyết liệt liên quan tới vị thế của từng bên trong thế giới Hồi giáo dòng Xăn-ni ở Vùng Vịnh. Mặt khác, Ca-ta còn phát động một cuộc cách mạng truyền thông nhằm mở cánh cửa để thảo luận các vấn đề được coi là cấm kỵ trong không gian chính trị đóng của thế giới A-rập. Những vấn đề đó được xem là nguồn gốc gây phiền toái đối với một số chính phủ và cũng là địa chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng theo chu kỳ trong quan hệ với các nước A-rập suốt hai thập kỷ qua. Do đó, việc tin tặc tấn công website của chính quyền Đô-ha và làm giả “lời lẽ” của Quốc vương nước này chỉ có tác động như mồi lửa nhỏ châm ngòi cho “khối thuốc nổ” và làm bùng phát cuộc chiến tranh ngoại giao nhằm vào Ca-ta.

Hậu quả khó lường

Trong cuộc khủng khoảng ngoại giao Vùng Vịnh, nếu nhìn bề ngoài thì đó chỉ là vấn đề liên quan đến thế giới A-rập, trực tiếp là đối với các nước thành viên GCC, song trên thực tế, sẽ có tác động không nhỏ tới tình hình ổn định ở khu vực và thế giới. Nhận định về cuộc khủng hoảng này, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Ga-bri-en Xích-ma cảnh báo rằng, các nước Vùng Vịnh - những quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao và cấm vận đối với Ca-ta đang là những diễn viên trong khúc dạo đầu của một bi kịch lớn có thể dẫn tới cuộc chiến tranh nóng đầu tiên dưới thời cầm quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Chính giới nhiều nước trên thế giới cũng lên tiếng bày tỏ quan ngại đối với khủng hoảng ngoại giao này và nhận định nó có thể dẫn tới những bất ổn sâu sắc, khó khắc phục. Còn đối với các nhà nghiên cứu, cuộc khủng hoảng ngoại giao Ca-ta không đơn thuần là cuộc xung đột giữa các nước A-rập, mà là khúc dạo đầu của một cuộc chiến tranh lớn do Mỹ dàn dựng giữa các cường quốc dầu mỏ (A-rập Xê-út, Ca-ta và I-ran), tạo điều kiện cho Mỹ vượt lên giành ưu thế trên thị trường năng lượng thế giới trong bối cảnh Tổng thống Đô-nan Trăm đang chủ trương đẩy mạnh ngành khai thác dầu khí của Mỹ. Ngoài ra, chiến tranh bùng nổ giữa các nước Vùng Vịnh còn tạo ra thị trường vũ khí khổng lồ cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ. Bằng chứng là, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao leo thang,  Ca-ta đã nhanh tay ký một hợp đồng mua vũ khí của Mỹ với trị giá lên tới 15 tỷ USD. Động thái trên cho thấy, hậu quả của cuộc khủng hoảng này là “nhãn tiền” và sẽ không có giới hạn nếu không được “hạ nhiệt” kịp thời.

Đồng quan điểm trên, Xi-môn Han-đơ-xơn, Giám đốc chương trình chính sách Vùng Vịnh và năng lượng của Viện chính sách Cận Đông ở Oa-sinh-tơn (Mỹ) đã thẳng thắn nói rằng: cuộc “chiến tranh” ngoại giao nhằm vào Ca-ta có thể làm bùng phát cuộc chiến tranh thế giới mới. Cũng theo ông Han-đơ-xơn, từ lâu các nước Hồi giáo dòng Xăn-ni đã tìm lý do để gây chiến tranh với I-ran. Vì thế, tình hình tại Ca-ta chỉ là cái cớ để họ quyết định tận dụng, nhằm phát động một cuộc chiến nhằm vào quốc gia Hồi giáo dòng Xi-ai này. Nếu nhận định trên trở thành hiện thực thì hậu quả của cuộc khủng hoảng thật khôn lường. Chính vì thế, dư luận quốc tế cho rằng, việc giải quyết cuộc khủng hoảng phải đặt ra cấp bách, với sự vào cuộc của cả cộng đồng quốc tế, nhất là đối với các nước lớn và cách thức tốt nhất để tháo ngòi nổ của nó là đối thoại hòa bình theo hướng: “cởi mở, trung thực” trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để hóa giải cuộc khủng hoảng, duy trì hòa bình, ổn định ở một khu vực đã có quá nhiều bạo lực và bất ổn. Tuy nhiên, thực hiện được cách thức này trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ, cũng cần phải có thời gian và sự nỗ lực, thiện ý của tất cả các bên./.  

HẢI SƠN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...