Thứ Sáu, 13/06/2025, 07:29 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức rõ điều đó, toàn quân đã và đang phát huy vai trò nòng cốt, thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả này với các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”.
Quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và quan điểm hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; đồng thời, tích cực tuyển chọn, huấn luyện, triển khai lực lượng trực tiếp tham gia các hoạt động trên thực địa, tại Trụ sở Liên hợp quốc và các phái bộ theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Các quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ người chiến sĩ “Mũ nồi xanh”, được Liên hợp quốc, chỉ huy phái bộ và sĩ quan các nước đánh giá cao, thiết thực nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.
Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã triển khai 1.065 lượt quân nhân tham gia hoạt động tại 03 phái bộ (Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei) và Trụ sở Liên hợp quốc, ở cả hình thức cá nhân và đơn vị, với các vị trí sĩ quan: cao cấp, tham mưu, quan sát viên quân sự, huấn luyện, hậu cần, thông tin và sĩ quan quân - dân phối hợp; trong đó, tỷ lệ nữ quân nhân tham gia đạt trên 16%. Mặc dù phải làm việc trong môi trường đầy khó khăn, vất vả, hiểm nguy, nhất là tại các điểm nóng về an ninh và dịch bệnh, nhưng các quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; lan tỏa mạnh mẽ phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” tới đồng nghiệp quốc tế, nhân dân địa phương và quân đội các nước; truyền đi thông điệp về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân ái, thủy chung; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống mà quốc tế đang đối mặt, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hợp tác và phát triển giữa các quốc gia; tạo thế và lực mới, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” bằng biện pháp hòa bình.
Hiện nay và thời gian tới, tình hình an ninh, chính trị và bối cảnh quốc tế có nhiều biến động; cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc diễn ra gay gắt; xung đột vũ trang tại Ukraine và khu vực Trung Đông đang khoét sâu mâu thuẫn giữa các nước lớn, có ảnh hưởng không nhỏ đến hòa bình, ổn định toàn cầu và đặt ra yêu cầu cao, bức thiết đối với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Để tiếp tục duy trì và tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động cao cả đầy tính nhân văn này, toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng, nhận thức rõ vinh dự, trách nhiệm, chuẩn bị tốt về mọi mặt, triển khai thực hiện nhiệm vụ bằng các giải pháp quyết liệt và đồng bộ, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau.
Trước hết, tiếp tục nghiên cứu, nắm, dự báo chính xác tình hình khu vực, thế giới, kịp thời tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nghiên cứu, nắm, dự báo chính xác tình hình an ninh, chính trị của khu vực và thế giới; các điểm nóng, xung đột vũ trang, chính sách quốc phòng, an ninh, đối ngoại và biện pháp giải quyết mâu thuẫn, xung đột của các quốc gia, nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc,… kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp mang tầm chiến lược về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, trong đó có việc tham gia sâu, rộng vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương chuẩn bị các phương án, lộ trình, chiến lược để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2025 - 2030; trong đó, chú trọng mở rộng lĩnh vực, địa bàn, quy mô lực lượng, hình thức tham gia, nhất là các vị trí chỉ huy, quản lý tại Trụ sở Liên hợp quốc và các phái bộ, trên các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh, như: tham mưu, hậu cần - kỹ thuật, công binh, trinh sát, quân y, chuyên gia quân sự, v.v. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, đề xuất với cấp có thẩm quyền về việc triển khai lực lượng dân sự của các ban, bộ, ngành Trung ương tham gia hoạt động quan trọng này, bảo đảm phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là giải pháp quan trọng, yếu tố cơ bản tạo sự thống nhất cao trong toàn quân đối với nhiệm vụ cao cả này. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững chủ trương, đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta; mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và những khó khăn, vất vả, tính chất nguy hiểm của việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc,… từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng ý chí, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ. Nội dung tuyên truyền sâu, rộng, toàn diện, song cần tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhất là Nghị quyết số 130/2020/QH14, ngày 13/11/2020 của Quốc hội; Nghị định số 61/2021/NĐ-CP, ngày 25/6/2021 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”; Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW, ngày 26/02/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng.
Để việc tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả cao, các cơ quan, đơn vị cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp. Ngoài việc giáo dục tập trung theo chương trình giáo dục chính trị, pháp luật cơ bản; huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn theo từng đợt, từng khóa, nhiệm kỳ công tác,… cần giáo dục thông qua giao nhiệm vụ cho các bộ phận và đẩy mạnh tự giáo dục, quán triệt. Đối với lực lượng trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ, cần trang bị cho đội ngũ này cơ sở lý luận, thực tiễn về hoạt động gìn giữ hòa bình để tuyên truyền cho nhân dân nước sở tại hiểu rõ mục đích hoạt động của lực lượng “Mũ nồi xanh” là phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, truyền thống văn hóa của quốc gia, khu vực đến công tác và vị trí, vai trò, trách nhiệm, năng lực của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Ba là, tiếp tục làm tốt công tác tổ chức, xây dựng lực lượng; nâng cao chất lượng huấn luyện; chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc. Các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc chủ động xây dựng biểu tổ chức biên chế của các đơn vị theo đúng chuẩn của Liên hợp quốc, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và sẵn sàng điều chỉnh trước khi triển khai theo yêu cầu của từng phái bộ; có kế hoạch sử dụng lực lượng theo hướng kiêm nhiệm, có nguồn thay thế, nguồn kế cận và phát triển lâu dài. Các cơ quan, đơn vị cần coi trọng việc lựa chọn nguồn nhân sự từ sớm, tập trung vào những sĩ quan có bản lĩnh chính trị vững vàng, tính kỷ luật cao, nghiệp vụ quân sự chuyên sâu, có kinh nghiệm chỉ huy đơn vị, tốt nghiệp chỉ huy tham mưu, giỏi ngoại ngữ; chú trọng đội ngũ sĩ quan ứng thi vào các vị trí cao cấp (biệt phái) tại Trụ sở Liên hợp quốc và chỉ huy tại phái bộ thực địa.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng Trung tâm huấn luyện của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trở thành một trong những trung tâm huấn luyện quốc tế mạnh ở khu vực. Triển khai huấn luyện theo chương trình đối tác ba bên để trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và năng lực cần thiết cho cán bộ, nhân viên trước khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chỉ đạo nghiên cứu đưa một số nội dung kiến thức về giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, luật quốc tế, luật nhân đạo, truyền thống, quy định của các nước, luật pháp Việt Nam,… vào chương trình giảng dạy của các trường Quân đội. Phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng, tập trung vào vị trí cá nhân, bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia khi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình vững về bản lĩnh chính trị, giỏi về ngoại ngữ, tin học, sắc sảo về chuyên môn, nghiệp vụ, có khả năng thích ứng nhanh, làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế đa quốc gia.
Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện; có cách thức tiếp cận phù hợp trong việc huy động, điều động, mua sắm trang thiết bị theo từng nhiệm vụ, giai đoạn, trong đó chú trọng ưu tiên nhiệm vụ chủ yếu và các khu vực quan trọng. Tận dụng, huy động, điều động các trang thiết bị sẵn có trong toàn quân, nhằm phát huy tối đa nguồn lực và tiết kiệm ngân sách; tích cực kêu gọi nguồn viện trợ, hỗ trợ của các nước đối tác nhằm tăng cường công tác đảm bảo trong thực hiện nhiệm vụ và vận chuyển lực lượng, phương tiện.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là kết quả của quá trình chuẩn bị lâu dài, kỹ lưỡng và toàn diện, từ hành lang pháp lý đến lực lượng, phương tiện. Với quan điểm tuân thủ nghiêm Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực này1. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ mới, tính chất phức tạp, nguy hiểm, thậm chí có rủi ro, khi thực hiện đã và đang phát sinh một số vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Vụ pháp chế/Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành Trung ương, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế, các điều ước và thỏa thuận mà Việt Nam là thành viên. Trước mắt, tập trung xây dựng và hoàn thiện Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Bộ Quốc phòng tiếp tục rà soát, ban hành các thông tư, hướng dẫn về cơ chế xây dựng, quy trình, kế hoạch tổ chức, triển khai lực lượng; công tác huấn luyện, mua sắm trang thiết bị; bảo đảm nguồn lực, hậu cần, kỹ thuật, chế độ, chính sách,… cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc cho việc chỉ đạo, triển khai lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển đa chiều về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh,… của các quốc gia thì việc kiên định đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, nhằm huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài để củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình là chủ trương chiến lược, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, Quân đội tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, hợp tác với các quốc gia, tổ chức hòa bình khu vực, thế giới cả trên bình diện song phương và đa phương, tranh thủ sức mạnh của cộng đồng quốc tế giúp đỡ Việt Nam trong chuẩn bị và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác vận động ngoại giao để Liên hợp quốc lựa chọn các đơn vị của Việt Nam triển khai tại các phái bộ phù hợp; phân bổ, ưu tiên một số vị trí sĩ quan cao cấp, sĩ quan chỉ huy tại các phái bộ thực địa. Đề nghị Liên hợp quốc, các đối tác tài trợ, viện trợ trang thiết bị, phương tiện quân sự, đầu tư về tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo ngoại ngữ,… qua đó giúp các lực lượng có thể trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận thành tựu khoa học quân sự mới để nâng cao chất lượng tổng hợp, đủ khả năng đáp ứng mọi yêu cầu của Liên hợp hợp quốc về hoạt động gìn giữ hòa bình.
Nhận thức sâu sắc vinh dự, trách nhiệm, toàn quân tiếp tục duy trì và tham gia tích cực, có hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thiết thực nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, bằng biện pháp hòa bình.
Thượng tướng PHÙNG SĨ TẤN, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam _________________
1 - Quy định số 241-QĐ/TW, ngày 30/10/2020 của Bộ Chính trị quy định thẩm quyền, quy trình cử, điều chỉnh, rút lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Nghị quyết số 130/2020/QH14, ngày 13/11/2020 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Nghị định số 07/2025/NĐ-CP, ngày 25/3/2025 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2016/NĐ-CP, ngày 14/12/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác đảm bảo đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, v.v.
Quân đội,tham gia,gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc,đường lối đối ngoại,đa phương hóa,đa dạng hóa,các phái bộ,
Tập trung nâng cao chất lượng công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương 12/06/2025
Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm 01/06/2025
Công tác lý luận của Đảng, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 21/05/2025
Toàn quân đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số 12/05/2025
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Học viện Hành chính công và kinh tế quốc dân trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga 11/05/2025
Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình 04/05/2025
Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 11 16/04/2025
Toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc 15/04/2025
Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII 12/04/2025
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm khai mạc Hội nghị Trung ương 11 10/04/2025
Công tác lý luận của Đảng, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045
Quân đội tiếp tục duy trì và tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Bài viết "Thực hành tiết kiệm" của Tổng Bí thư Tô Lâm
Tập trung nâng cao chất lượng công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương