Thứ Tư, 25/06/2025, 02:09 (GMT+7)
Biển đảo Việt Nam
Quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, Cảnh sát biển Việt Nam đã và đang đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng với các đối tác, tạo thế và lực thực hiện tốt nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, xây dựng vùng biển ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện, đồng bộ công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng ở các cấp và đạt được kết quả tích cực. Hợp tác quốc tế trên biển ở cả bình diện song phương và đa phương được tiến hành đúng phân cấp, bài bản, tính chuyên nghiệp ngày càng cao; đảm bảo đúng định hướng, an toàn, hiệu quả, thực chất. Đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã có quan hệ hợp tác song phương với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của 21 quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế; ký kết 10 văn bản hợp tác, gồm các bản ghi nhớ, quy chế đường dây nóng, nghị định thư, ý định thư,… với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Philippin, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản. Đồng thời, tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động trong khuôn khổ đa phương, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm, cướp biển, hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, v.v. Đặc biệt, trong 03 năm gần đây, Cảnh sát biển Việt Nam đã có sáng kiến và chủ trì tổ chức thành công các chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước có vùng biển tiếp giáp và giao lưu công tác đảng, công tác chính trị Cảnh sát biển Việt Nam - Cảnh sát biển Trung Quốc; tích cực góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển trạng thái từ làm theo, tiến cùng, đến tham gia dẫn dắt trong hoạt động đối ngoại; cùng với các quốc gia chung tay xây dựng vùng biển hòa bình, thịnh vượng, ổn định, hữu nghị, hợp tác, phát triển; lan tỏa hình ảnh, nâng cao vị thế của Cảnh sát biển Việt Nam trên trường quốc tế.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia khu vực Biển Đông tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Cùng với đó, tình trạng vi phạm pháp luật, an ninh trật tự trên biển, nhất là tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU),… diễn ra với những thủ đoạn mới, tinh vi, mang tính xuyên quốc gia, manh động, liều lĩnh hơn, v.v. Vì vậy, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, cùng với triển khai thực hiện toàn diện các biện pháp công tác, Cảnh sát biển Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng với một số giải pháp chủ yếu sau.
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa chủ trương, chính sách về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho hoạt động hội nhập quốc tế và công tác đối ngoại của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện đúng hướng, đạt hiệu quả cao. Theo đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng; trọng tâm là Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 28/4/2023 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW, ngày 26/02/2024 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, v.v. Trên cơ sở đó, rà soát, bổ sung các chỉ tiêu, biện pháp trong kế hoạch, chương trình thực hiện phù hợp với sự phát triển của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ trên từng vùng, khu vực biển. Đồng thời, tích cực đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm, nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình; chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về các chủ trương, kế hoạch, nội dung, biện pháp tiến hành và hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng trên biển.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng nói chung và nhiệm vụ hội nhập quốc tế, đối ngoại của Cảnh sát biển nói riêng. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Đây cũng là biện pháp công tác hữu hiệu, giữ vai trò quan trọng, quyết định để Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường niềm tin với cơ quan, lực lượng chức năng các nước, các tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới; nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của Cảnh sát biển Việt Nam và đất nước trên trường quốc tế; góp phần giữ ổn định tình hình trên biển, thực hiện định hướng chiến lược, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp pháp luật, hòa bình.
Hai là, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại Cảnh sát biển. Là bộ phận quan trọng của công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân đội; hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại của Cảnh sát biển đòi hỏi rất cao về quy định ứng xử, lễ tân ngoại giao, trình độ kiến thức, khả năng ngoại ngữ, nhất là sự hiểu biết sâu về pháp luật Việt Nam, kiến thức về luật pháp và quan hệ quốc tế. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác này là yêu cầu cấp thiết. Do đó, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển tập trung đột phá vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, xem đây là khâu quan trọng trong xây dựng lực lượng. Để đạt hiệu quả cao, phải kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo ở nhà trường với bồi dưỡng, rèn luyện qua thực tiễn. Cùng với đó, chú trọng động viên, khích lệ tinh thần tích cực tự học tập, bồi dưỡng, cập nhật, bổ sung tri thức mới cho cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của chức trách, nhiệm vụ đảm nhiệm.
Hiện nay, các học viện, nhà trường, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong Quân đội chưa cung cấp đủ nguồn nhân lực, chưa đủ điều kiện đào tạo chuyên ngành lĩnh vực đối ngoại và nghiệp vụ, pháp luật cho lực lượng Cảnh sát biển. Do vậy, một mặt, cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án “Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025”; Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, giai đoạn 2022 - 2030”; coi trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chất lượng công tác lễ tân đối ngoại. Mặt khác, tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Quân đội nhân dân Việt Nam”; kết hợp chặt chẽ giữa nguồn tại chỗ với việc phát hiện, tuyển chọn các nguồn khác cả trong và ngoài Quân đội; thực hiện chặt chẽ công tác lựa chọn, xét tuyển, cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện chuyên ngành an ninh, an toàn hàng hải, thực thi pháp luật trên biển do các nước, các tổ chức quốc tế tổ chức. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách ưu tiên sử dụng cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với chuyên ngành, sở trường, năng lực của từng người, nhằm không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ làm công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại Cảnh sát biển đủ số lượng, chất lượng cao, chuyên nghiệp, hiện đại, nắm chắc nguyên tắc, quy trình công tác đối ngoại, làm việc trong môi trường quốc tế.
Ba là, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại Cảnh sát biển. Phát huy kết quả đã đạt được, Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt, thực hiện nhất quán đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; triển khai toàn diện kế hoạch, nội dung hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng ở các cấp trên tinh thần “Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế ” và phương châm “tích cực, chủ động, linh hoạt, hiệu quả”, gắn với mục tiêu bảo đảm an ninh, an toàn, xây dựng các vùng biển Việt Nam hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng và môi trường sạch.
Tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương với các đối tác; triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản hợp tác đã ký kết, thúc đẩy việc ký lại, ký mới các văn bản hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước, ưu tiên các nước có biển liền kề với biển Việt Nam. Chủ động hợp tác, xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới trên biển; đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm, vi phạm, cướp biển, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, di cư, xuất, nhập cảnh trái phép. v.v. Thúc đẩy hợp tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai với các nước trong khu vực. Tăng cường hợp tác phòng, chống IUU và hợp tác trao đổi, chia sẻ thông tin về an ninh, an toàn hàng hải, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ môi trường biển. Phối hợp với các đối tác thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ các dự án, phi dự án cũng như các thoả thuận hợp tác khác về hỗ trợ, chuyển giao trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật và các khóa huấn luyện, tập huấn, các chương trình đào tạo. Thực hiện tốt công tác tuần tra chung liên hợp, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh trên biển.
Cùng với đó, thường xuyên duy trì nền nếp, nâng cao hiệu quả các chương trình giao lưu giữa Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực và trên thế giới; thúc đẩy và mở mới các sáng kiến hợp tác quốc tế mang tính dẫn dắt. Tham gia tích cực, có trách nhiệm các cơ chế hợp tác đa phương; tăng cường kênh hợp tác với đại sứ quán các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam về lĩnh vực cảnh sát biển; lựa chọn, cử cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và sang làm việc tại Trung tâm Chia sẻ thông tin an ninh hàng hải (IFC) của Hải quân Singapore và Trung tâm Chỉ huy hàng hải Thái Lan (Thai-MECC).
Với tinh thần trách nhiệm, chủ động, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo từ sớm, từ xa.
Thiếu tướng VŨ TRUNG KIÊN, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam
Cảnh sát biển Việt Nam,hội nhập quốc tế,đối ngoại quốc phòng,bình diện song phương,đa phương,thực thi pháp luật,vùng biển ổn định
Lữ đoàn 679 đẩy mạnh thực hiện “ba trọng tâm”, nâng cao sức mạnh chiến đấu 23/06/2025
Bộ Quốc phòng công bố khu vực cấm bay, hạn chế bay trên địa bàn cả nước đối với tàu bay không người lái 15/06/2025
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 6 năm 2025) 01/06/2025
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 6 năm 2025) 01/06/2025
Thông tư về chế độ với sĩ quan tại ngũ thôi phục vụ, hy sinh, từ trần, chuyển quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng 01/06/2025
Vài nét về khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng 28/05/2025
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm khu vực biên giới biển 26/05/2025
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 5 năm 2025) 03/05/2025
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 5 năm 2025) 03/05/2025
Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy 03/05/2025
Vài nét về khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm khu vực biên giới biển
Thông tư về chế độ với sĩ quan tại ngũ thôi phục vụ, hy sinh, từ trần, chuyển quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 6 năm 2025)
HỎI - ĐÁP: Chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đối với các đối tượng do Bộ Quốc phòng quản lý (Kỳ 6 năm 2025)
Bộ Quốc phòng công bố khu vực cấm bay, hạn chế bay trên địa bàn cả nước đối với tàu bay không người lái
Lữ đoàn 679 đẩy mạnh thực hiện “ba trọng tâm”, nâng cao sức mạnh chiến đấu