Thứ Sáu, 20/06/2025, 04:14 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị và đường lối, quan điểm của Đảng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã và đang tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm không ngừng củng cố thế trận biên phòng toàn dân; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Tỉnh Hà Giang có đường biên giới dài 277,899 km, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Khu vực biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại; địa hình hiểm trở, chia cắt mạnh; dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Bên cạnh những thuận lợi, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, như hoạt động vượt biên, di cư trái phép, buôn lậu, mua bán ma túy, truyền đạo trái pháp luật,… tác động không nhỏ đến nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.
Trước tình hình đó, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và các văn bản liên quan, Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã phát huy tốt vai trò tham mưu, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Nổi bật là, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, thường xuyên nắm chắc tình hình mọi mặt khu vực biên giới, kịp thời bổ sung, triển khai phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nhất là các loại tội phạm; xuất, nhập cảnh trái phép. Thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, quy định của pháp luật trong điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính, không để sai sót; tham mưu cho chính quyền các cấp xử lý, giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến chủ quyền biên giới.
Để góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã tham mưu triển khai hiệu quả chủ trương tăng cường cán bộ đồn biên phòng tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới1; qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ở khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số2; phát huy hiệu quả các mô hình tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới3. Các đơn vị đã vận dụng nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần thông qua các phong trào, chương trình: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, v.v. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng, đưa quan hệ giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân khu vực biên giới hai nước ngày càng sâu sắc và đi vào thực chất. Những kết quả đó đã tạo nền tảng vững chắc để xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, trực tiếp góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn Tỉnh.
Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ biên giới quốc gia và công tác biên phòng nói riêng có những yêu cầu mới, ngày càng cao. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng Hà Giang tập trung thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ biên giới quốc gia cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đây là giải pháp nền tảng, xuyên suốt và lâu dài. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền cổ động, vận động quần chúng,... với những nội dung, hình thức, phương pháp linh hoạt, phù hợp. Qua đó, để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thống nhất nhận thức việc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia.
Trước chủ trương xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh và xã, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng nhân dân, tăng cường công tác dân vận, kịp thời tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc để lan tỏa thông tin chính thống, góp phần củng cố “phên giậu lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu phong tục tập quán và ngoại ngữ để vừa làm nhiệm vụ kiểm soát, vừa làm “đại sứ văn hóa” trong giao tiếp, ứng xử, nhất là tại khu vực có tính chất đặc thù như địa bàn Đồn Biên phòng Lũng Cú - điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc, gắn với cột cờ Lũng Cú, địa danh có giá trị biểu tượng về chủ quyền quốc gia, góp phần nâng cao ý thức, tình cảm và trách nhiệm cho nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia.
Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là nội dung trọng tâm xuyên suốt, mang tính nền tảng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Vì vậy, bám sát Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ đội Biên phòng Hà Giang tiếp tục cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động với mục tiêu vừa quản lý chặt chẽ biên giới, vừa tạo môi trường ổn định, an toàn để phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực. Trước tình hình các loại tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi, có yếu tố xuyên biên giới như buôn lậu, ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép,… các cơ quan, đơn vị phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo, chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với lực lượng liên quan và chính quyền cơ sở để kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện qua lại biên giới, đặc biệt tại các khu vực đường mòn, lối mở, nơi có địa hình hiểm trở, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để xâm nhập trái phép, vận chuyển hàng hóa phi pháp. Phát huy vai trò chủ động, tinh thần cảnh giác và tính kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Tiếp tục duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện theo phương án, tình huống sát thực tiễn địa bàn, tăng cường diễn tập phối hợp nhiều lực lượng, nhất là với lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, nhằm nâng cao năng lực xử lý tình huống khẩn cấp. Đồng thời, quan tâm công tác tư tưởng, nắm chắc diễn biến tâm lý cán bộ, chiến sĩ trong bối cảnh xuất hiện nhiều yếu tố tác động mới từ mạng xã hội cũng như các luồng thông tin xấu độc xuyên biên giới, bảo đảm giữ vững trận địa tư tưởng, tăng cường niềm tin của nhân dân và khí thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Ba là, đẩy mạnh xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và có ý nghĩa quyết định trong thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 33-NQ/TW và các chỉ thị, hướng dẫn của trên, các cơ quan, đơn vị chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ nội dung, biện pháp gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững với củng cố quốc phòng, an ninh trên khu vực biên giới của Tỉnh. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tự quản đường biên, cột mốc, tổ an ninh nhân dân, phát huy vai trò chủ động của quần chúng trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự từ cơ sở. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới và chủ trương sáp nhập tỉnh, Bộ đội Biên phòng Tỉnh chủ động rà soát, đánh giá lại hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công tác dân vận, phối hợp với địa phương điều chỉnh phương thức tổ chức lực lượng phù hợp, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả của các chương trình kết nghĩa, phối hợp liên ngành đã triển khai. Đồng thời, đặc biệt quan tâm công tác tư tưởng, ổn định tâm lý, tình cảm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là tại những địa bàn chịu tác động trực tiếp của việc điều chỉnh địa giới hành chính; tiếp tục bám dân, gần dân, sát dân, xây dựng khu vực biên giới không chỉ vững về an ninh, quốc phòng mà còn mạnh về kinh tế, xã hội, giàu bản sắc văn hóa và đậm nghĩa tình quân - dân; làm sâu sắc thêm mối quan hệ máu thịt quân - dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Qua đó, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, khẳng định rõ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đại tá ĐÀO HỒNG HÀ, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh _________________
1 - Hiện nay, Bộ đội Biên phòng Tỉnh có 01 cán bộ tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh, 01 cán bộ tham gia Hội đồng nhân dân Tỉnh, 34 cán bộ tăng cường giữ chức phó bí thư đảng ủy xã (thị trấn) biên giới; các đồn biên phòng phân công, duy trì 176 đảng viên tham dự sinh hoạt tại 176 chi bộ thôn (bản); 346 đảng viên phụ trách giúp đỡ 1.598 hộ/8.232 nhân khẩu phát triển kinh tế.
2 - Tham mưu, tham gia bồi dưỡng, kết nạp được 617 đảng viên là người địa phương.
3 - Có 107 tập thể, 865 hộ gia đình khu vực biên giới ký cam kết tham gia thực hiện; tham mưu thành lập 57 tổ phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc; củng cố, kiện toàn 346 tổ an ninh tự quản/346 thôn (bản) biên giới.
Bộ đội Biên phòng Hà Giang,Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia,Nghị quyết số 33-NQ/TW,hệ thống chính trị,giải pháp nền tảng
Quân khu 3 đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu 08/06/2025
Quân khu 3 tập trung xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc 12/05/2025
Động lực mới cho phát triển kinh tế 11/05/2025
Vùng 3 Hải quân quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị 21/04/2025
Học viện Phòng không - Không quân xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 10/04/2025
Xây dựng Đảng bộ Quân khu 5 vững mạnh về tổ chức 10/03/2025
Binh chủng Thông tin liên lạc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương 06/03/2025
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII), Bộ đội Biên phòng tập trung xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 27/02/2025
Quán triệt Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng 25/02/2025
Sư đoàn 325 đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW 20/02/2025
Quân khu 3 đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu