QPTD -Thứ Năm, 15/05/2025, 09:42 (GMT+7)
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bậc đại nhân, đại trí, đại dũng

Khai mạc Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII), ngày 16/12/1996, bàn về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhắc lại truyền thống nhân, trí, dũng của dân tộc và khẳng định: “Đây là phẩm chất toàn vẹn mà Bác Hồ thường xuyên chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Chính Người là bậc Đại nhân, Đại trí, Đại dũng, biểu tượng tập trung của truyền thống đó”1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/laodong.vn

Hồ Chí Minh - bậc Đại nhân

Hồ Chí Minh là nhà hoạt động cách mạng, một lãnh tụ sinh ra từ nhân dân, sống giữa lòng dân và cuối đời lại muốn về với nhân dân, đời thường giản dị, không màng danh lợi. Từ khi chưa đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, hai tiếng “đồng bào” đã thấm sâu vào máu thịt của Người. Là bậc Đại nhân, Hồ Chí Minh giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân, có tình cảm thiết tha, mãnh liệt đối với Tổ quốc, đồng bào và các dân tộc bị áp bức. Người thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào, kiên quyết chống lại tư tưởng, hành động có hại đến Đảng và nhân dân. Suy nghĩ và hành động của Người trước sau đều nhằm mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Bất cứ khi nào, ở bất kỳ đâu, Người cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc, lợi dân; một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là Người ăn không ngon, ngủ không yên; sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau mọi người; không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền. Cả đời Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Chính vì thế, ngay khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, ưu tiên hàng đầu của Người trong những nhiệm vụ xây dựng chế độ mới là quan tâm chống giặc đói, chống giặc dốt; làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành.

Là người đau nỗi đau của dân, của nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh thương yêu con người không bỏ sót một người nào, từ lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, thanh niên, phụ lão, phụ nữ, trẻ em, đồng bào lương, giáo, miền ngược, miền xuôi, dân tộc thiểu số, v.v. Cả cuộc đời Người sống “thanh bạch chẳng vàng son”, vì dân, vì nước, trước lúc đi xa, trên ngực áo không có một tấm huân chương. Đến khi về với thế giới người hiền, Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc không được phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa, lâu hơn nữa. Một trái tim lớn ngừng đập nhưng lòng nhân ái tỏa sáng mãi về sau!

Không bó hẹp đối với dân tộc, tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh luôn mở rộng, lan tỏa đối với nhân loại. Người nêu triết lý sống: ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị đau khổ, áp bức. Sau nhiều năm bôn ba khắp thế giới, thấu hiểu mọi nỗi thống khổ của các dân tộc bị áp bức và những người nghèo khổ, Người đã dấn thân vào cuộc hành trình thực hiện sứ mệnh giải phóng các dân tộc bị áp bức và giải phóng loài người. Yêu Tổ quốc và đồng bào mình, Người cũng yêu nước Pháp, nước Mỹ và nhân dân các nước đó và chỉ chống lại mọi sự bất bình đẳng, bất công, đè nén, áp bức, sự độc ác và tàn bạo của các thế lực thực dân, đế quốc. Đối với Người, sinh mệnh của một người, dù bất kỳ nước nào, đều quý như nhau; trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người. Người chỉ rõ thế giới này chỉ có hai loại người: áp bức và bị áp bức. Và, chỉ có một tình hữu ái là thực mà thôi, đó là tình hữu ái vô sản.

Hồ Chí Minh - bậc Đại trí

Trước nay, khi nói đến trí tuệ Hồ Chí Minh, người ta nhấn mạnh nhiều đến việc Người có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, không phụ thuộc, không lệ thuộc vào ai. Người tự tìm và mở ra con đường cách mạng để dân tộc theo đi. Đến với lý luận khoa học và cách mạng Mác - Lênin, Người coi đó là cái cẩm nang thần kỳ, mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi, “là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”2.

Tuy nhiên, nói Hồ Chí Minh là bậc Đại trí - nếu chỉ hiểu như vậy thì chưa đầy đủ. Trung thành, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Người không tiếp cận nó như người “thuộc sách làu làu” mà vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, giành độc lập từ nước thuộc địa, thiết lập chế độ Dân chủ cộng hòa, xây dựng Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước,… là minh chứng sống động, hùng hồn cho bậc Đại trí Hồ Chí Minh, cho bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và dân tộc. Đó là những thắng lợi mang đậm dấu ấn, cốt cách, trí tuệ, bản lĩnh, phương pháp Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Người, quân và dân ta thích ứng trong mọi hoàn cảnh, dám đánh, biết đánh và biết thắng mang đậm bản sắc Việt Nam cả trong đánh giặc và xây dựng đất nước.

Nói đến bậc Đại trí Hồ Chí Minh còn phải nhấn mạnh đến tư duy trong sạch, sáng suốt, không có việc tư túi làm mù quáng. Đó là lý do giúp ta nhận rõ Hồ Chí Minh là người hiểu sâu lý luận chứ không phải thuộc lòng. Người định hình, định hướng cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giông bão đến bến bờ độc lập, tự do, hạnh phúc bởi một tư duy luôn sáng suốt trong mọi việc, mọi lúc, mọi nơi, biết xem người, xét việc, suy xét địch, ta. Người là tấm gương sáng ngời, tinh tường trong việc cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Trong cách dùng cán bộ, Người dạy: “Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”3. Trí tuệ sáng suốt của Người xét đến cùng, quan trọng nhất là biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho Đảng, cho Tổ quốc và Nhân dân, luôn biết đặt lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình. Đặc biệt, Người sớm nhận thức và phát huy “tố chất, giá trị dân” làm gốc để cách mạng thành công, bởi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Người khẳng định nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Theo Người, thành công của Đảng là ở chỗ vạch đường lối, lãnh đạo, tổ chức, phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, còn nhân dân là người làm nên thắng lợi lịch sử.

Hồ Chí Minh - bậc Đại dũng

Nói đến “Dũng”, người ta thường nghĩ đến việc đánh trận, dám hy sinh vì nước, vì dân. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ đối với Hồ Chí Minh - một bậc Đại dũng. Mặc dù không trực tiếp cầm súng, gươm xông pha trận mạc, nhưng Người chính là hiện thân của tư tưởng “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đại dũng ở Hồ Chí Minh là bản lĩnh, dám, có gan, cả gan. Người xa lạ, dị ứng với nhát gan, dễ bảo. Người giáo dục cán bộ và chính Người thể hiện trong công việc “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến; có gan phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc, có gan cất nhắc cán bộ”. Người phê phán: “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”4.

Hồ Chí Minh là lãnh tụ gan góc, xông pha nơi hiểm nghèo, chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cho Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Một trong những điều quý giá nhất của Đại dũng Hồ Chí Minh là chống lại sự vinh hoa, phú quý không chính đáng; tránh xa vòng danh lợi. Người giữ chức Chủ tịch Chính phủ là do đồng bào ủy thác, nên phải gắng sức làm, Người khẳng định bao giờ đồng bào cho lui thì rất vui lòng lui. Người tuyên bố trước Quốc hội và trước thế giới rằng: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài”5.

Đại dũng của Hồ Chí Minh còn là việc thẳng thắn chỉ ra một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Người chỉ rõ chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không biết kiên quyết sửa chữa nó đi, và càng sợ những lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Hồ Chí Minh luôn kêu gọi phải công khai thừa nhận sai lầm, tìm nguyên nhân sai lầm, bằng mọi cách sửa chữa sai lầm - đó là tiêu chuẩn của một Đảng chân chính cách mạng. Trên cương vị Chủ tịch Đảng, Người khiêm tốn coi mình là “tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”6; luôn tự phê bình nghiêm túc, nhận trách nhiệm, làm gương đi đầu sửa chữa khuyết điểm để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Người thẳng thắn chỉ rõ: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế”7.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, mở ra cho đất nước kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đại hội XIV của Đảng đang đến gần, mở ra một trang mới, một giai đoạn phát triển mới cho dân tộc và đất nước. Muốn thực hiện được các mục tiêu đề ra, điều mấu chốt là mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn trau dồi, trui rèn nhân, trí, dũng. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ không có đức nhân, trí, dũng thì không thể làm nổi việc gì dù nhỏ nhất; đường lối đúng, chính sách hay cũng không thi hành được, thậm chí còn có hại cho dân, cho nước. Do đó, “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”8 là vấn đề có ý nghĩa quyết định, biểu hiện cụ thể của “nhân”, “trí”, “dũng” theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, do vậy mỗi cán bộ, đảng viên cần thấu triệt sâu sắc giá trị, phẩm chất toàn vẹn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - bậc Đại nhân, Đại trí, Đại dũng, toàn tâm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo tấm gương vĩ đại của Người, góp phần đưa dân tộc ta, đất nước ta vươn mình phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ kính yêu và ước vọng của nhân dân.

PGS, TS. BÙI ĐÌNH PHONG
________________
       

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 55, Nxb CTQGST, H. 2015, tr. 714.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 120.

3 - Sđd, Tập 5, tr. 319.

4 - Sđd, tr. 320.

5 - Sđd, Tập 4, tr. 478.

6 - Sđd, Tập 4, tr. 191.

7 - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng – Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 263.

8 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 187.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bậc đại nhân, đại trí, đại dũng
Là bậc Đại nhân, Hồ Chí Minh giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân, có tình cảm thiết tha, mãnh liệt đối với Tổ quốc, đồng bào và các dân tộc bị áp bức. Người thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào, kiên quyết chống lại tư tưởng, hành động có hại đến Đảng và nhân dân. Suy nghĩ và hành động của Người trước sau đều nhằm mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.