QPTD -Chủ Nhật, 18/05/2025, 14:39 (GMT+7)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài, vận dụng trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là hệ thống quan điểm về phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhân tài. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, việc thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài theo tư tưởng của Người là đòi hỏi khách quan và là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, cấp thiết.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi nhân tố con người là vấn đề quan trọng nhất; trong đó, nhân tài có vai trò to lớn, là một động lực để phát triển đất nước, phải được phát hiện, phát huy, trọng dụng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Bác Hồ với Giáo sư Trần Đại Nghĩa. Ảnh tư liệu/hochiminh.vn

Quan niệm về trọng dụng nhân tài của Người bắt nguồn từ tư tưởng trọng dân, tin dân, nêu cao vai trò làm chủ đất nước của dân; đồng thời cũng là sự kế thừa và phát triển truyền thống cầu hiền tài của dân tộc. Để có được nhân tài, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài chú trọng việc lựa chọn, phát hiện, đào tạo thì một vấn đề rất quan trọng mà Người yêu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài. Đây là điểm mấu chốt của việc phát huy nhân tài trong sự nghiệp cách mạng. Do đó, công việc này phải làm thường xuyên, liên tục “như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”1. Và, trọng dụng nhân tài phải biết tùy tài mà dùng người: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”2. Dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách; nếu dùng người tài không đúng, công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài, có hại cho Đảng. Muốn trọng dụng nhân tài, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải làm tốt một số vấn đề sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt việc đánh giá, sử dụng đúng người, đúng việc. Công tác này phải được tiến hành thường xuyên vì “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”3. Đảng ta cũng khẳng định việc đánh giá cán bộ là khâu quan trọng nhất trong công tác cán bộ. Trong đánh giá cán bộ, phải lấy hiệu quả công việc là thước đo chủ yếu; đây là căn cứ để thực hiện các nội dung khác của công tác cán bộ, như: bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ.

Thứ hai, phải kiên quyết chống bệnh hẹp hòi, chia rẽ, bè phái trong Đảng và trong công tác cán bộ của Đảng. Theo Người, một trong những nguyên nhân không sử dụng được người tài là “bệnh hẹp hòi”. Nó là một kẻ địch đáng sợ cùng với các căn bệnh khác như chủ quan, ích kỷ, cục bộ địa phương, bè phái và chia rẽ,… phá hoại Đảng từ trong phá ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi”4; còn bệnh bè phái và chia rẽ “Nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình”5. Muốn sử dụng được nhân tài thì phải ra sức chống các bệnh đó và phải chữa khỏi những bệnh đó.

Thứ ba, muốn trọng dụng nhân tài, phải có cách lãnh đạo phù hợp. Trong phong cách lãnh đạo của đội ngũ cán bộ vẫn còn tình trạng quan liêu, cửa quyền, hách dịch, mất dân chủ là một nguyên nhân làm mất nhân tài. Muốn sử dụng người tài phải quý trọng nhân cách của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo”6.

Cùng với việc đưa ra những quan điểm chỉ đạo sâu sát, cách mạng, khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một tấm gương mẫu mực về trọng dụng nhân tài, chăm lo bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, bồi dưỡng các thế hệ cách mạng cho đời sau. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người vẫn ân cần dặn lại chúng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”7. Vận dụng sáng tạo tư tưởng trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và sử dụng, phát huy tốt đội ngũ này; coi đây là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay, toàn quân đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”8. Vì thế, việc thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một tất yếu khách quan, mang tính chiến lược và cấp thiết, là khâu then chốt, đột phá, có ý nghĩa quyết định đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Một là, các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Đề án “Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài đối với Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, chủ động phát hiện, tìm kiếm, thu hút nhân tài. Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài để xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, trí thức nói chung và nhân tài nói riêng càng có vị trí, vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định hàng đầu. Hiện nay, vấn đề trọng dụng nhân tài trong Quân đội cần phải được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực và chiến lược phát triển tổng thể của đất nước. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của nhân tố con người, tầm quan trọng của việc phát huy nhân tố con người trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy chế, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, phương thức phát hiện, tìm kiếm, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân tài trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Hai là, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với những phương án quy hoạch và đào tạo khả thi, đáp ứng với yêu cầu của Quân đội. Tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực quân sự theo hướng đạt chuẩn quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam. Xây dựng, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược có năng lực giỏi và có phẩm chất đạo đức tốt, bởi đây là lực lượng có ý nghĩa đầu tàu quan trọng trong xây dựng Quân đội. Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ, chuyên gia về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nhằm tạo ra lực lượng đi đầu trong các ngành, lĩnh vực của hoạt động quân sự. Coi trọng tham khảo ý kiến của đội ngũ này nhằm tôn trọng, khuyến khích và phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của họ. Gắn đào tạo với giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí cách mạng cho họ; đồng thời, có chính sách thu hút trí thức, nhân tài là người Việt Nam đang học tập, sinh sống ở nước ngoài về phục vụ, cống hiến cho Quân đội.

Ba là, khắc ghi chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải khéo dùng cán bộ”9. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải “khéo dùng” nhân tài vào làm các công việc có ích, phù hợp với sở trường của từng người; đồng thời, tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi để cho họ có thể phát huy tối đa khả năng của mình, cống hiến nhiều nhất cho Quân đội. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới quy trình và tiêu chuẩn đề bạt bổ nhiệm cán bộ, sao cho những người có đức, có tài sớm được vào những cương vị thích hợp để nhanh chóng phát huy tài năng. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quan tâm truyền cảm hứng, xây dựng lòng say mê, sự nhiệt tình, trách nhiệm cao của các nhân tài bằng nhiều biện pháp, như: tăng cường đưa họ vào các hoạt động thực tiễn ở các môi trường khác nhau để bồi dưỡng, rèn luyện và tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát huy vai trò, khả năng của mình; xây dựng bầu không khí dân chủ, cởi mở trong các hoạt động; quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, để nhân tài có điều kiện học tập, vươn lên tiếp thu và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu và nghiên cứu khoa học. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích họ nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm phần mềm, các loại vũ khí, trang bị kĩ thuật,… phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu.

Bốn là, thực hiện lời Bác dạy: “Phải giúp cán bộ cho đúng”10. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần có chính sách đãi ngộ phù hợp, tôn vinh, trọng dụng nhân tài, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả một số cơ chế, chính sách ưu đãi trong công tác đào tạo, thu hút nhân tài trong và ngoài Quân đội bằng chế độ và tiền lương, tiền thưởng, điều kiện và các phương tiện làm việc. Đây là giải pháp có vai trò rất quan trọng đối với việc thu hút, phát huy nhân tài trong Quân đội hiện nay. Vì vậy, cần tiếp tục xây dựng, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nhà ở, điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập, nghiên cứu; chăm lo đến hậu phương gia đình họ; tạo vị thế xã hội tương xứng với vị trí, vai trò và trọng trách, nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt vấn đề trên sẽ giúp cho họ ngày càng yên tâm công tác và phát huy hết tài năng, sức lực của mình phục vụ Quân đội, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài vẫn vẹn nguyên tính thời sự; là một nội dung quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng nói chung, Quân đội nói riêng. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tiếp tục nghiên cứu, thấu triệt và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng, huấn luyện, chiến đấu của đơn vị, góp phần phát hiện, thu hút và trọng dụng được nhiều nhân tài, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

TS. NGUYỄN TÙNG LÂM, Trường Sĩ quan Chính trị
_____________________
       

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 313.

2 - Sđd, Tập 4, tr. 43.

3 - Sđd, Tập 5, tr. 314.

4 - Sđd, tr. 278.

5 - Sđd, tr. 297.

6 - Sđd, tr. 281.

7 - Sđd, Tập 15, tr. 612.

8 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG ST, H. 2021, tr. 157 - 158.

9 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 314.

10 - Sđd, tr. 314.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bậc đại nhân, đại trí, đại dũng
Là bậc Đại nhân, Hồ Chí Minh giàu lòng nhân ái, yêu nước, thương dân, có tình cảm thiết tha, mãnh liệt đối với Tổ quốc, đồng bào và các dân tộc bị áp bức. Người thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào, kiên quyết chống lại tư tưởng, hành động có hại đến Đảng và nhân dân. Suy nghĩ và hành động của Người trước sau đều nhằm mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.