Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Ba, 09/02/2016, 10:51 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn Thủ đô

Tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ là nhiệm vụ hằng năm của các địa phương, đơn vị. Nhận thức rõ điều đó, Đảng bộ, chính quyền và lực lượng vũ trang Thủ đô đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác này, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự thành phố Hà Nội họp triển khai công tác
tuyển chọn và 
gọi công dân nhập ngũ (năm 2016).

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tập trung triển khai và hoàn thành tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Nổi bật là, nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng và toàn dân đối với công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ từng bước được nâng cao. Vai trò của cấp ủy, chính quyền, hội đồng nghĩa vụ quân sự, cơ quan quân sự các cấp và các ban, ngành, đoàn thể địa phương được phát huy. Công tác đăng ký, quản lý, nắm chất lượng chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe của công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ trên địa bàn Thủ đô được các địa phương thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Quy trình sơ tuyển và khám tuyển công dân nhập ngũ được thực hiện dân chủ, công khai, công bằng, đúng Luật Nghĩa vụ Quân sự; bảo đảm đủ số lượng quy định, chất lượng cao, giao nhận quân đúng thời gian và an toàn. Các chế độ, chính sách hỗ trợ, bảo đảm đối với công dân nhập ngũ và quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đều được cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương quan tâm, chăm lo. Năm 2015, chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của Thủ đô Hà Nội dẫn đầu cả nước1.

Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận nhân dân về Luật Nghĩa vụ Quân sự chưa đầy đủ. Quy trình các bước tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ ở một số ít địa phương thực hiện thiếu chặt chẽ, vẫn còn công dân bị đơn vị loại trả do chưa đủ tiêu chuẩn sức khỏe. Tỷ lệ công dân trong độ tuổi nhập ngũ ở các tỉnh khác về học tập và làm ăn, sinh sống trên địa bàn Hà Nội khá đông, trong khi công việc và nơi cư trú của họ thường xuyên thay đổi, nên việc đăng ký, quản lý nguồn ở các địa phương gặp không ít khó khăn. Công dân trong độ tuổi nhập ngũ trên địa bàn Hà Nội mắc bệnh cận thị và hiện tượng xăm trổ có xu hướng gia tăng, v.v. Trong khi đó, chỉ tiêu, yêu cầu về chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ mà Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ngày càng cao2.

Để có được kết quả trên và khắc phục những khó khăn đó, trước hết, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI, tập trung phát huy vai trò tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Thành phố lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Trong đó, tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trên địa bàn; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự đồng thuận vào cuộc của hệ thống chính trị và ban, ngành, đoàn thể, địa phương các cấp từ Thành phố đến cơ sở đối với công tác này.

Căn cứ vào Luật Nghĩa vụ Quân sự và chỉ tiêu, kế hoạch do Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, Bộ Tư lệnh chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành đồng bộ các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo sát với đặc thù của Thủ đô. Ngày 01-12-2015, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 36/CT-UBND về việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2016 và Quyết định số 361/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ năm 2016 cho các quận (huyện, thị xã) trên địa bàn. Tiếp đó, ngày 11-12-2015, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định 6837/QĐ-UBND về việc kiện toàn Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Thành phố để chỉ đạo thực hiện thắng lợi công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2016. Ngày 14-12-2015, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Thành phố họp và ra Thông báo số 141/TB-HĐNVQS về việc phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (cơ quan thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Thành phố) ban hành 03 văn bản: Công văn số 1392/TM-QL của Bộ Tham mưu về việc tuyển chọn công dân nhập ngũ; Phân công số 1778/PC-TM của Bộ Tham mưu về phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; Hướng dẫn số 2488/HD-BTL của Bộ Tư lệnh về hướng dẫn cơ quan quân sự các cấp thực hiện công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2016 theo đúng quy định của Luật Nghĩa vụ Quân sự (sửa đổi)3. Các quận (huyện, thị xã) trên địa bàn Hà Nội đều ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở tổ chức thực hiện công tác tuyển quân sát với đặc điểm địa bàn, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chất lượng.

Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương trên địa bàn chủ động triển khai thực hiện tốt các bước trong quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Trong đó, cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ Quân sự, để mọi công dân nắm chắc quyền, nghĩa vụ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Đoàn Thanh niên Thành phố phát động phong trào thi đua “Thanh niên hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ”. Cơ quan quân sự các cấp trên địa bàn tổ chức gặp mặt những quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương vào Lăng viếng Bác (báo công), viếng nghĩa trang liệt sĩ, v.v. Qua đó, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống Quân đội, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống quê hương cách mạng, động viên, khích lệ công dân tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 2015, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Nghĩa vụ Quân sự và truyền thống Quân đội, quê hương, Hà Nội có hàng nghìn công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ; 100% công dân trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đều an tâm, phấn khởi lên đường làm nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh tiếp tục cử cán bộ phối hợp với các địa phương, cơ sở thực hiện tốt công tác rà soát, phúc tra, nắm chắc nguồn công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng: công an, y tế, giáo dục - đào tạo, rà soát nắm chắc số lượng, chất lượng, đối tượng tạm trú, tạm vắng và đối tượng thuộc diện được miễn hoặc tạm hoãn. Chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cùng cấp thành lập hội đồng khám sức khỏe cấp huyện (quận, thị xã), xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn nâng cao nghiệp vụ, thống nhất mẫu biểu, sổ sách, nội dung đăng ký, thống kê cho đội ngũ cán bộ quân sự xã (phường, thị trấn) và cán bộ, nhân viên các ngành chức năng trực tiếp tham gia công tác tuyển quân. Để tránh tốn kém và hạn chế tiêu cực trong quá trình thực hiện, Bộ Tư lệnh chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương chấp hành nghiêm nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng4, đúng Luật, thực hiện tốt quy định một chỉ tiêu giao quân chỉ được gọi khám tuyển không quá ba người. Công tác hiệp đồng với các đơn vị nhận quân tiếp tục được thực hiện ở hai cấp, Bộ Tư lệnh chủ động tổ chức hội nghị hiệp đồng với các đơn vị nhận quân cấp sư đoàn và tương đương trở lên; ban chỉ huy quân sự các quận (huyện, thị xã) sẽ hiệp đồng với các đơn vị nhận quân cấp trung đoàn và tương đương trở lên để thống nhất kế hoạch, nội dung, thời gian, địa điểm, phương thức, phương pháp giao nhận quân và công tác bảo đảm cũng như trách nhiệm của từng bên. Việc chốt quân số giữa huyện, xã và đơn vị nhận quân được tiến hành song song với hoàn thiện hồ sơ gọi công dân nhập ngũ. Các bước còn lại, như: phát lệnh gọi công dân nhập ngũ, cấp quân trang cho công dân chuẩn bị nhập ngũ và tổ chức giao quân cho các đơn vị nhận quân được tổ chức chặt chẽ, đúng Luật.

Đi đôi với thực hiện tốt các bước trong quy trình tuyển quân, cơ quan quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện tốt công tác chính sách đối với công dân nhập ngũ. Đối với quân nhân đang phục vụ tại ngũ, Bộ Tư lệnh phối hợp cùng địa phương và các ngành chức năng thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân; tặng sổ tiết kiệm, trợ cấp đột xuất cho các gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; miễn học phí cho con của hạ sĩ quan, chiến sĩ. Với những quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Bộ Tư lệnh tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề của Thành phố tổ chức tư vấn, định hướng việc làm, học nghề và đăng ký tham gia vào các đơn vị dự bị động viên cho đối tượng này. Sau khi học xong, lực lượng này sẽ được Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội giới thiệu việc làm theo điều kiện, khả năng mỗi người. Đối với số nhân viên đang làm việc trong diện hợp đồng thuộc các cơ quan, ban, ngành của các quận (huyện, thị xã), sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về sẽ được các cơ quan xem xét, tạo điều kiện thuận lợi. Những nhân viên đã được biên chế chính thức trước khi nhập ngũ, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về sẽ được nâng bậc, nâng ngạch trước niên hạn. Trong số quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, một số được các địa phương lựa chọn để tạo nguồn cán bộ ở cơ sở. Ngoài ra, hằng năm, Bộ Tư lệnh tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự Thành phố tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác tuyển quân, qua đó đánh giá ưu điểm, hạn chế, tìm rõ nguyên nhân và xác định những biện pháp thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá BÙI TRỌNG QUỲNH, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
__________________________

1 - Năm 2015, tỷ lệ công dân Thủ đô Hà Nội nhập ngũ có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chiếm 51%, tăng 11% so với năm 2014; tỷ lệ đảng viên chiếm 0,8%; tỷ lệ cán bộ viên chức nhập ngũ là 2,3%, con cán bộ, đảng viên là 8,68%, tỷ lệ công dân viết đơn tình nguyện chiếm 33%.

2 - Năm 2016, chỉ tiêu công dân nhập ngũ trên địa bàn Thủ đô có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp 51% trở lên.

3 - Được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 19-6-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2016.

4 - Con cán bộ, đảng viên; đội ngũ cán bộ, nhân viên công chức thuộc các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Nhà nước và mọi công dân trong độ tuổi nhập ngũ đều được bình đẳng đúng Luật.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.