Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Năm, 25/08/2016, 17:33 (GMT+7)
Kết hợp quân - dân y - mô hình chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân

Kết hợp quân - dân y là một đặc thù của y tế Việt Nam, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ, tình đoàn kết quân - dân trong việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân. Mô hình này đã và đang khẳng định vai trò trong thực tiễn, nhất là ở khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc về mô hình này.

I

Chủ trương và hiện thực

Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho lực lượng vũ trang và nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông tư, hướng dẫn đã được ban hành, thực hiện hiệu quả, thể hiện rõ chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới xác định:“Kết hợp quân y và dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,...; chủ động phòng, chống, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai, v.v. Đưa chương trình kết hợp quân, dân y thành một nội dung của chương trình mục tiêu y tế quốc gia”. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 25/2004/CT-TTg về “Tăng cường công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bộ đội trong tình hình mới”. Theo đó, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT - BYT-BQP, ngày 16-3-2005, hướng dẫn triển khai thống nhất hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh quân - dân y toàn quốc, với mục tiêu: “Kết hợp quân dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân”; trong đó, lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và lực lượng vũ trang ở vùng trọng điểm quốc phòng - an ninh, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, biên giới, biển, đảo làm nhiệm vụ trọng tâm.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, hệ thống Ban quân dân y các cấp được thành lập (cấp xã chỉ thành lập ở khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh và xã biên giới). Mặc dù là tổ chức kiêm nhiệm, nhưng Ban quân dân y đã làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị Quân đội về công tác này; đồng thời, trực tiếp tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình kết hợp quân - dân y trên địa bàn. Các nội dung hoạt động kết hợp quân - dân y được triển khai ngày càng sâu rộng, sát thực tiễn, đem lại hiệu quả tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội và xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng tại các địa phương.

Bám sát định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị 25 của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, mô hình kết hợp quân - dân y luôn hoạt động đúng hướng, đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của quân - dân y trong củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, tạo mạng lưới khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội. Mặc dù vậy, việc triển khai mô hình này ở những địa bàn trên hiện đang có khó khăn về nhiều mặt, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân và đó thực sự là một thách thức lớn đối với ngành Y tế. Trước thực tế đó, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã huy động nhiều nguồn lực, với hàng triệu ngày công của cán bộ, chiến sĩ để vươn tới những làng, bản xa xôi; thành lập các cơ sở y tế quân - dân y để khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần củng cố tuyến y tế cơ sở và giải quyết những vấn đề bức xúc của công tác y tế. Đến nay, thông qua Chương trình kết hợp quân - dân y, đã có 458 bệnh xá, trạm y tế, phòng khám quân - dân y được củng cố toàn diện (có 410 trạm thuộc các xã vùng sâu, vùng xa). Các đơn vị quân y trên các địa bàn không chỉ khám, chữa bệnh cho nhân dân mà còn tích cực tham gia các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng, chống: sốt rét, lao, suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản,...); tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng “Làng văn hóa sức khỏe”, nếp sống vệ sinh khoa học, bài trừ hủ tục, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, dân số - kế hoạch hóa gia đình, v.v. Với kết quả đó, mô hình kết hợp quân - dân y đã khẳng định rõ vai trò trong việc củng cố tuyến y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm sự quá tải về lưu lượng bệnh nhân ở các bệnh viện dân sự. Trong đó, nhiều mô hình quân - dân y hoạt động tích cực, hiệu quả cao. Đặc biệt, với 152 phòng khám quân - dân y tại các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới, thực sự là “cánh tay kéo dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản. Tại đây các “chiến sĩ áo trắng” quân y đang hằng ngày, hằng giờ chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần tăng cường thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng “biên ải của Tổ quốc”.

Bảo đảm y tế cho bộ đội và nhân dân vùng biển, đảo là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc chủ động, tích cực của Quân đội, mô hình lồng ghép trạm xá quân y và dân y thành trung tâm y tế quân - dân y đã đi vào nền nếp, phát huy được nội lực của y tế quân - dân y, tạo nên sức mạnh tổng hợp cả về nhân lực và vật tư y tế để chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Mô hình này vừa phát huy được tay nghề của đội ngũ y, bác sĩ Quân đội, vừa tạo điều kiện về cơ sở vật chất để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế tại chỗ và tận dụng tối đa nguồn vật tư y tế của cả Quân đội và nhân dân, phù hợp với điều kiện thiếu thốn, xa đất liền. Thực tiễn cho thấy, các cơ sở y tế quân - dân y kết hợp trên đảo1 không chỉ làm tốt công tác khám, chữa bệnh phục vụ bộ đội và nhân dân mà còn đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế cho khách du lịch, góp phần phát triển “nền kinh tế xanh” của đất nước. Đối với các đảo và các xã đảo, vấn đề bảo đảm y tế cho nhân dân hết sức khó khăn. Tại đây, các phòng khám của quân y đảm nhiệm từ cấp thuốc, chữa bệnh đến việc cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về các cơ sở y tế trong đất liền2. Trên quần đảo Trường Sa và các nhà giàn DK1, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng cử các tổ quân y từ các bệnh viện quân y, luân phiên đến thường trực tại bệnh xá đảo; Sở Y tế Khánh Hòa chủ động lực lượng, phương tiện, sẵn sàng tăng cường cho huyện đảo Trường Sa. Với cách làm này, trạm quân - dân y trên các đảo không chỉ là chỗ dựa tin cậy cho bà con ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi, cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng nơi “đầu sóng ngọn gió”, mà còn thể hiện sự lồng ghép nhuần nhuyễn giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Cùng với đó, mô hình kết hợp quân - dân y đã đáp ứng kịp thời cho các tình huống đột xuất về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; tham gia khắc phục hậu quả về mặt y tế do thiên tai, thảm họa. Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều dịch bệnh mới, nguy hiểm xuất hiện (SARS, cúm A H5N1, MAR-CoV, EBOLA, ZIKA,...) và một số dịch bệnh truyền nhiễm vẫn chưa được dập tắt triệt để (tả, thương hàn, viêm não mô cầu, lao, sốt rét,...) là những mối nguy cơ đối với sức khỏe của nhân dân và bộ đội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Để chủ động ứng phó với đại dịch, Bộ Quốc phòng đã thành lập 07 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm ở những khu vực trọng điểm, có nhiều nguy cơ bùng phát dịch để sẵn sàng thu dung, điều trị cho bộ đội và nhân dân bị nhiễm dịch bệnh nguy hiểm hoặc dịch bệnh lạ. Các địa phương thành lập và đưa vào hoạt động nhiều tổ, đội cơ động phòng, chống dịch bệnh, như: Đội cơ động quân - dân y phòng, chống dịch và vũ khí sinh học của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, v.v. Trong đợt chống dịch SARS (năm 2003), nhiều cán bộ, chiến sĩ quân y đã lao vào nơi bệnh nguy hiểm, khử khuẩn ở Bệnh viện Việt-Pháp, tổ chức cách ly lưu học sinh ở Trung Quốc về,… để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong ngành Y tế và nhân dân.

Với phương châm: quân y tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân và lực lượng dân y sẵn sàng chăm sóc sức khỏe bộ đội khi có yêu cầu, từ năm 2005 đến nay, lực lượng dân y cả nước đã cấp cứu, thu dung điều trị, chuyển tuyến cho hơn 65.200 lượt quân nhân. Khi xảy ra các vụ thiên tai, thảm họa, như: bão, lụt, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất,... ở các tỉnh miền Trung, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La hoặc cháy rừng ở Lào Cai, Cà Mau,... lực lượng quân - dân y luôn luôn phối hợp chặt chẽ trong cấp cứu, vận chuyển, làm giảm tỷ lệ thương vong cho nhân dân. Bộ Quốc phòng kịp thời điều động hàng trăm tổ quân y thuộc các đơn vị trong toàn quân phối hợp với y tế các địa phương cấp cứu, điều trị và làm vệ sinh môi trường, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống. Trong thảm họa sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ (năm 2007), lực lượng quân y của Quân khu 9 đã có mặt kịp thời với 11 tổ, gồm: 50 y, bác sỹ, 10 xe cứu thương, 01 tàu quân y, tham gia cấp cứu 32 nạn nhân, trong đó nhiều bệnh nhân rất nặng đã được cứu chữa, điều trị khỏi; phun thuốc xử lý vệ sinh môi trường; tiếp nhận, bảo quản 49 nạn nhân tử vong, phối hợp với các cơ quan chức năng xác định danh tính và chuyển nạn nhân về địa phương an toàn, tình nghĩa. Sự cố sập cầu treo Chu Va (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, năm 2014), Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức đã cử đoàn công tác gồm 25 giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, huyết học truyền máu, chấn thương chỉnh hình cùng các kỹ thuật viên, điều dưỡng mang theo các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiết yếu đến phối hợp với quân y Quân khu 2 và y tế địa phương, kịp thời khắc phục hậu quả, cứu chữa hàng chục nạn nhân, v.v. Có thể khẳng định: chỉ có sự chuẩn bị chu đáo của các tổ, đội, trung tâm, bệnh viện quân - dân y, cùng đông đảo y, bác sĩ trong và ngoài Quân đội với tinh thần “Lương y như từ mẫu” thì mới nhanh chóng khắc phục được hậu quả nặng nề do dịch bệnh, thiên tai, thảm họa gây ra cho con người. Đó là những minh chứng về tính ưu việt của mô hình kết hợp quân - dân y.

Kết hợp quân - dân y là giải pháp hiệu quả góp phần thực hiện nhiệm vụ dân vận của Đảng. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và công bằng xã hội trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, những năm qua, các đơn vị Quân đội đã tổ chức các phân đội quân y cơ động từ tuyến sau đến phối hợp với y tế địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng ATK,... khám, chữa bệnh miễn phí cho hơn 23 triệu lượt người, tặng quà cho 83,8 nghìn lượt hộ gia đình chính sách, người nghèo, với số tiền trên 141 tỷ đồng. Các đơn vị của ngành Quân y và cơ sở kết hợp quân - dân y trên toàn quốc đã khám, chữa bệnh được hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người, nhận điều trị 20,5 triệu lượt người. Cùng với việc chăm sóc, điều trị người bệnh, phòng, chống dịch bệnh và thiên tai, thảm họa, lực lượng quân - dân y còn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời, nắm tình hình tư tưởng và những thông tin từ nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để cung cấp cho cấp có trách nhiệm, thẩm quyền. Nhiều nơi, thông qua việc tiếp cận với nhân dân, các tổ quân - dân y còn phát hiện những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, những đường dây buôn lậu, buôn bán ma túy qua biên giới, đã báo cáo với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn. Trong hoạt động kết hợp quân - dân y phải kể đến vai trò của Bộ đội Biên phòng. Ở nhiều xã biên giới, quân y các đồn Biên phòng không chỉ thực hiện chức năng y tế cơ sở đối với đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới, mà còn thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân, thông qua việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân nước bạn. Trong đó, tiêu biểu là: Phòng khám quân - dân y khu vực cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), Ba Thu (Long An), Dinh Bà, Thường Phước (Đồng Tháp), v.v. Những việc làm đó đã góp phần tích cực trong việc giữ dân, an dân, củng cố mối quan hệ hữu nghị với chính quyền, nhân dân nước bạn dọc tuyến biên giới, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Thực tế cho thấy, chỉ có những “chiến sĩ áo trắng” mới có thể tiếp cận được những “điểm nóng” để vừa tiến hành y nghiệp, vừa tuyên truyền, vận động, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nắm vững, tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của những kẻ xấu, thù địch. Đồng thời, tô thắm hình ảnh “Người chiến sĩ Quân y” - “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần giữ vững sự bình yên ở khu vực trọng điểm quốc phòng - an ninh, khu vực biên giới Tổ quốc.

Những năm qua, hoạt động của mô hình kết hợp quân - dân y đã tạo nên sự đoàn kết gắn bó, phối hợp chặt chẽ giữa Quân đội với ngành Y tế, giữa quân y với dân y, góp phần từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội ở tuyến y tế cơ sở. Tuy kết quả còn nhỏ bé, nhưng cái được lớn hơn cả của mô hình là nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, cư dân, ngư dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, hải đảo luôn tin vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bởi họ được bình đẳng trong quyền khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân.

ĐÌNH PHIẾM - MINH SƠN

____________________

1 - Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Trường Sa (Khánh Hòa), v.v.

2 - Trong 10 năm (2005 - 2015), các cơ sở quân - dân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu hơn 6.700 người; khám bệnh cấp thuốc cho gần 90.000 lượt người; thu dung điều trị trên 16.000 trường hợp; đã phẫu thuật 12.550 người, trong đó phần lớn là dân. Lực lượng quân y trên tuyến biển, đảo đã tổ chức cấp cứu, vận chuyển kịp thời, an toàn, hiệu quả nhiều trường hợp bệnh nhân rất nặng, như: đa chấn thương, viêm ruột thừa cấp, viêm tuỵ cấp, xuất huyết tiêu hóa, viêm túi mật cấp, tai biến do lặn sâu, tai biến mạch máu não, v.v. Bộ Quốc phòng đã điều động 62 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển kịp thời gần 100 người bị thương, bị bệnh trên tuyến biển, đảo về đất liền cứu chữa.

(Kỳ sau: II - Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả)

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.