Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Năm, 26/11/2015, 21:02 (GMT+7)
Quốc hội thông qua Luật Quân nhân chuyên nghiệp Công nhân, Viên chức Quốc phòng

Sáng 26-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quân nhân chuyên nghiệp và Công nhân, Viên chức quốc phòng (QNCN và CN, VCQP).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật QNCN và CN, VCQP. 

Theo Báo cáo giải trình, ngày 27-10 các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ, ngày 12-11 đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật QNCN và CN, VCQP. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã cho ý kiến về nhiều nội dung: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, một số ý kiến đề nghị bỏ khoản 2 Điều 2; có ý kiến đề nghị bỏ Điều 2; có ý kiến đề nghị bổ sung một điều áp dụng luật đối với lao động hợp đồng tại nhà máy, xí nghiệp quân đội là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban TVQH đã bỏ Điều 2 và quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại Điều 1; còn đối với người lao động hợp đồng tại các doanh nghiệp quân đội, trong đó có doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động và pháp luật có liên quan nên đề nghị Quốc hội không bổ sung nội dung này trong Luật.

Về chức danh, diện bố trí quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng: Có ý kiến đề nghị một vị trí việc làm có thể bố trí nhiều đối tượng; bỏ khoản 1 và sửa lại khoản 2 là “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định vị trí, chức danh bố trí QNCN, CNQP và VCQP quy định tại Điều 3 của Luật này”. Vấn đề này Ủy ban TVQH cho biết: “Tình hình thực tế hiện nay, một vị trí chức danh theo biên chế của các đơn vị quân đội có thể bố trí nhiều đối tượng là QNCN, CN và VCQP, đã gây bất cập trong quản lý và thực hiện chính sách. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật quy định nguyên tắc bố trí làm cơ sở để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng, xây dựng danh mục vị trí chức danh bảo đảm ổn định, thống nhất trong quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách như đã được quy định, bổ sung hoàn chỉnh tại Điều 5 dự thảo Luật trình Quốc hội”.

Theo Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, về cấp bậc hàm của QNCN có một số ý kiến đề nghị bổ sung quân hàm Đại tá QNCN đối với người có học vị cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, người có chuyên môn, kỹ thuật giỏi; ý kiến khác đề nghị nâng lên quân hàm Thiếu tướng.

Nội dung này, Ủy ban TVQH nêu rõ: cấp bậc quân hàm của QNCN được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác phục vụ, bảo đảm chỉ huy, quản lý trong QĐND. Theo dự thảo Luật Chính phủ trình thì hệ thống cấp bậc quân hàm của QNCN quy định từ Thiếu úy đến Thượng tá là kế thừa pháp luật hiện hành, bảo đảm tương quan với sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong Công an nhân dân và đang thực hiện ổn định. Đối với người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ là QNCN từ trước tới nay Bộ Quốc phòng đã ưu tiên tuyển dụng, bổ sung vào đội ngũ cán bộ quân đội và phong quân hàm theo quy định của Luật sĩ quan. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình. 

Có ý kiến cho rằng, quy định quân hàm khởi điểm là Thiếu úy QNCN đối với ba loại trình độ khác nhau (Cao cấp, Trung cấp và Sơ cấp) là chưa phù hợp. Theo Ủy ban TVQH: quân hàm QNCN được xác định bởi hai yếu tố là mức lương và trình độ đào tạo. Mức lương của người được chuyển thành QNCN theo quy định tại Điều 18 về phong quân hàm QNCN là căn cứ để phong quân hàm QNCN. Do đó, phong quân hàm QNCN đầu vào không chỉ là Thiếu úy mà có thể cao hơn tương ứng với mức lương. Trình độ chuyên môn kỹ thuật quy định tại khoản 3 Điều 16 (về cấp bậc quân hàm của QNCN) dự thảo Chính phủ trình là căn cứ để bố trí chức danh phù hợp; theo đó, thể hiện quân hàm cao nhất của mỗi trình độ đào tạo, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chế độ, chính sách của từng đối tượng.

Về hạn tuổi phục vụ của QNCN tại ngũ và dự bị: có ý kiến đề nghị làm rõ độ tuổi phục vụ cao nhất giữa sĩ quan và QNCN; ý kiến khác đề nghị quy định tuổi phục vụ của nữ QNCN kém nam 2 tuổi; có ý kiến băn khoăn vì độ tuổi cao nhất của nữ Thượng tá QNCN là 55 tuổi thì không kéo dài được tại Điều 17. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết: QNCN chủ yếu đảm nhiệm chức danh chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ được bố trí sử dụng từ cơ quan cấp Trung đoàn và tương đương trở lên là chủ yếu, không giữ chức vụ chỉ huy, quản lý như sĩ quan được bố trí từ cấp Trung đội và tương đương trở lên, nên việc nâng hạn tuổi phục vụ cao hơn so với Luật hiện hành như dự thảo Luật cơ bản là phù hợp, khắc phục những hạn chế, bất cập, tránh lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và góp phần xây dựng đội ngũ này “chuyên nghiệp” hơn. Đối với lực lượng chiến đấu viên trực tiếp ở cấp phân đội đã được quy định không quá 40 tuổi là phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.

Có ý kiến đề nghị nâng hạn tuổi phục vụ của chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng đến 45 tuổi để được nghỉ hưu khi thôi phục vụ tại ngũ; một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc đào tạo, bố trí sử dụng và thực hiện chính sách ưu đãi đặc biệt đối với đối tượng này khi hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo quy định tại khoản 3 Điều 17; ý kiến khác đề nghị nghiên cứu quy định này để không mâu thuẫn với khoản 2 Điều 17.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở vừa bảo đảm độ tuổi phù hợp yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, vừa thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với lực lượng đặc biệt này và bảo đảm thống nhất giữa các điều luật, UBTVQH đã chỉnh lý lại khoản 4 Điều 17 như sau:

Chiến đấu viên thực hiện nhiệm vụ khi đủ 40 tuổi thì được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và được bố trí đảm nhiệm chức danh khác phù hợp với yêu cầu của quân đội hoặc được chuyển ngành. Trường hợp quân đội không thể tiếp tục bố trí sử dụng và không thể chuyển ngành được nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên thì được nghỉ hưu.

Danh mục chức danh chiến đấu viên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định”.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật QNCN và CN, VCQP với 84,82% đại biểu tán thành. 

 Về chế độ, chính sách đối với QNCN thôi phục vụ tại ngũ và CN, VCQP thôi phục vụ trong QĐND, một số ý kiến đề nghị rà soát để quy định cụ thể, chặt chẽ chế độ thôi phục vụ tại ngũ của QNCN và thôi phục vụ trong QĐND của CN và VCQP bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan và tránh thiệt thòi cho các đối tượng trên.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban TVQH đã quy định cụ thể điều kiện nghỉ hưu, chuyển ngành, phục viên của QNCN tại các Điều 20, 22 và của CN, VCQP tại các Điều 32, 34 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, bảo đảm phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội và pháp luật liên quan, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”; theo đó, bỏ quy định về chế độ bảo lưu mức lương, phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành của CN và VCQP tại điểm b khoản 2 Điều 40 dự thảo Chính phủ trình để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, các đại biểu còn góp ý kiến về quyền và nghĩa vụ QNCN-CN,VCQP; về những điều QNCN-CN,VCQP không được làm; về tuyển chọn, tuyển dụng, xếp loại, nâng loại, chuyển vị trí chức danh QNCN-CN,VCQP; về chế độ tiền lương, phụ cấp nhà ở, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đối với QNCN-CN,VCQP...

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua gồm 07 chương với 52 điều (Dự thảo Luật Chính phủ trình gồm 07 Chương, 50 điều). Biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật QNCN và CN, VCQP, có 419/431 ĐBQH có mặt tán thành thông qua (chiếm tỷ lệ 84,82% tổng số ĐBQH).

Trước đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện Chế định Thừa phát lại với377/434 ĐBQH có mặt tán thành (bằng 76,32% tổng số ĐBQH).

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.