Những chủ trương công tác lớn Tin tức - Thời sự

QPTD -Thứ Hai, 22/08/2016, 15:55 (GMT+7)
Kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược

Sáng 22-8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII” đã khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tham dự lễ khai mạc còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo và cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao; các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hơn 400 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của các địa phương.

Đối ngoại là một phương thuốc hòa bình, thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến mới rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường; môi trường đối ngoại chiến lược đang nổi lên những thách thức chưa từng có, tác động trực tiếp đến lợi ích an ninh và phát triển của đất nước ta. Tình hình quốc tế thời gian tới sẽ tiếp tục vận động, phức tạp và đa chiều hơn với các đặc trưng là tốc độ, đổi mới, kết nối, hội nhập và phát triển bền vững.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo dự hội nghị

Do đó, Hội nghị Ngoại giao lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp kiểm điểm công tác đối ngoại, đánh giá những việc làm được, những việc cần làm tốt hơn trong 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI cũng như hơn 2 năm triển khai Chương trình hành động của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, rút ra kinh nghiệm, trên cơ sở đó tổ chức quán triệt và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận cách thức triển khai công tác đối ngoại trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; kiến nghị những biện pháp hữu hiệu; đổi mới và sáng tạo hơn trong việc sử dụng các công cụ đối ngoại, hướng tới kết quả cụ thể trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, nêu rõ: Hơn 70 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư khẳng định vai trò của đối ngoại là một phương thuốc hòa bình, thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác, mở đường cho những giải pháp. 

Tổng Bí thư hoan nghênh và biểu dương những thành tựu của toàn ngành đối ngoại trong nhiều năm qua. Hoạt động đối ngoại đã góp phần duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng và nâng lên tầm cao mới các quan hệ hợp tác, đối tác với nhiều quốc gia. Hoạt động đối ngoại cũng góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; ngành Ngoại giao đã đóng vai trò tiên phong trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước. Hội nhập quốc tế được triển khai mạnh và hiệu quả, trên tất cả các kênh gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân, diễn ra trên hầu khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối ngoại cũng đóng góp thiết thực và việc tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đàm phán thành công các hiệp định thương mại tự do… Công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có những chuyển biến rõ rệt; các cơ quan đại diện đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ công dân, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cộng đồng.

Nhấn mạnh ý nghĩa rất quan trọng của Hội nghị Ngoại giao lần này, Tổng Bí thư nêu rõ: Hội nghị diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hai sự kiện đã để lại những bài học vô giá về vị trí, vai trò của ngoại giao trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hội nghị là dịp để nhìn lại quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XI về đối ngoại, quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XII và đề xuất các nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm trong những năm tới. Đồng thời, đây cũng là dịp để các cán bộ đối ngoại nhận thức rõ hơn về tình hình, vị thế của Việt Nam ở khu vực và thế giới, tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo xung lực mới cho toàn ngành và từng cá nhân.

Tổng Bí thư căn dặn phải nắm vững và áp dụng nhuần nhuyễn các bài học rút ra từ quá trình triển khai hoạt động đối ngoại. Làm sao phải kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, hài hòa lợi ích quốc gia dân tộc với nghĩa vụ quốc tế; lợi ích quốc gia dân tộc chúng ta lúc này là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi. Bài học kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”… Tổng Bí thư cũng chỉ rõ đối ngoại chỉ thành công khi xây dựng được sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Sự nghiệp thành công bởi chữ đồng”. Đồng thời cần chú trọng đến công tác xây dựng ngành và công tác cán bộ; những nỗ lực, tích cực trên mặt trận đối ngoại thời gian qua đã tạo ra một thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng hội đủ tố chất vừa hồng vừa chuyên. Và cuối cùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; các cơ quan lãnh đạo của Đảng đã cùng các cơ quan tham mưu chứng tỏ nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể.

Tổng Bí thư nêu rõ: Nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ vô cùng trọng đại và toàn bộ ngành ngoại giao đang đứng trước những yêu cầu và nhiệm vụ to lớn. Trước hết là tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, góp phần thiết thực giải quyết những thách thức và nguy cơ tụt hậu qua việc tăng cường nghiên cứu, dự báo về những diễn biến trước mắt và dài hạn của kinh tế khu vực và thế giới, đưa các hiệp định tự do thế hệ mới vào cuộc sống theo tinh thần đem lại lợi ích cao nhất và hạn chế tối đa tác động bất lợi. Cùng với nhiệm vụ phát triển, ngoại giao cần góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; do đó cần hết sức nhạy bén trong dự báo tình hình, nắm vững các quan điểm chỉ đạo về quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh, phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao thực lực và vị thế của Việt Nam, không chỉ là sức mạnh vật chất mà cả sức mạnh mềm. Theo đó, trong triển khai cần hết sức chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống và các nước lớn, củng cố đoàn kết và nâng cao vai trò của ASEAN, tăng cường hợp tác với nước lớn trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Ngoại giao cũng cần đi đầu, phát huy sức mạnh mềm của Việt Nam, các giá trị văn hóa, giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam. Cuối cùng, Tổng Bí thư nhấn mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm việc theo gương nhà ngoại giao lỗi lạc Hồ Chí Minh cũng như xây dựng ngành, củng cố đội ngũ theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị các đại biểu dự hội nghị quán triệt các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, tập trung tâm huyết và trí tuệ để làm rõ những kết quả đạt được cũng như những vấn đề còn tồn tại, triển khai thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Công tác đối ngoại quốc phòng chính là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa

Cũng tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Vũ Xuân Hồng đã phát biểu. Các phát biểu nhấn mạnh những thành tựu đối ngoại đã đạt được từ sau Hội nghị Ngoại giao 28 đến nay, đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại. Các phát biểu cũng nêu những đánh giá, nhận định về tình hình thế giới, khu vực, đề xuất những phương hướng, biện pháp để đẩy mạnh công tác đối ngoại, thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại của Đại hội Đảng XII.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại hội nghị

Trong phát biểu tại Hội nghị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Tại Hội nghị đối ngoại quốc phòng, Bộ Quốc phòng đã thống nhất đánh giá, trong những năm qua, Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) đã bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và tích cực chủ động đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng (ĐNQP). Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22 về hội nhập quốc tế, QUTƯ đã kịp thời ban hành nghị quyết về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo nhằm chỉ đạo định hướng về công tác này.

Có thể khẳng định rằng, công tác ĐNQP chính là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, được triển khai một cách đồng bộ, góp phần xây dựng lòng tin giữa các nước, phục vụ cho đối ngoại quốc gia, thực hiện nhiệm vụ chiến lược mà Đảng và Nhà nước giao cho và đã đạt được một số thành tựu quan trọng, trong đó có những kết quả nổi bật là.

Thứ nhất, ĐNQP đã góp phần vững chắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, chúng ta đã tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài để góp phần xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước.

Thứ ba, ĐNQP góp phần tăng cường củng cố lòng tin, góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Thứ tư, ĐNQP trở thành một trong những trụ cột đối ngoại chung của cả nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 80 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc (LHQ), Liên minh châu Âu và 5 nước thường trực HĐBA LHQ. Quân đội đã và đang trở thành thành viên tích cực có trách nhiệm của các diễn đàn khu vực và quốc tế như diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội đã nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam trong các nước ASEAN và các nước đối tác, nhất là các nước lớn. Để công tác ĐNQP đạt được những thắng lợi, ngoài những đóng góp rất quan trọng của lực lượng tham mưu tác chiến trực tiếp trên mặt trận ĐNQP thì còn có kết quả của sự phấn đấu nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong đó có sự phối hợp rất chặt chẽ hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, trong đó Bộ ngoại giao đóng vai trò đặc biệt tích cực.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng chỉ rõ, ĐNQP và an ninh là những lĩnh vực có mối quan hệ tác động qua lại và gắn bó chặt chẽ với nhau, là những binh chủng hợp thành trong sức mạnh tổng hợp của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, hai bên đã phối hợp chặt chẽ thường xuyên tham vấn chia sẻ thông tin, tạo được sự thống nhất trong việc tham mưu với Đảng, với Nhà nước về những vấn đề quan hệ quốc tế có liên quan đến quốc phòng và an ninh cũng như trong xây dựng và hoạch định các chiến lược quan hệ đối ngoại khu vực với từng đối tác trong đó có quan hệ quốc phòng, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Hai bộ đã phối hợp rất tốt trong xử lý vụ việc cụ thể trên thực địa và đấu tranh trên bình diện ngoại giao. Vừa kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình vừa đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Tôi cho rằng, đó là sự phối hợp đặc biệt quan trọng, kịp thời và hiệu quả vào những thời điểm lợi ích quốc gia dân tộc có nguy cơ bị đe dọa.

Thứ hai, trên mặt trận bảo vệ chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác quản lý biên giới, xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác hữu nghị cùng các nước láng giềng. Trong quá trình triển khai các nhiệm vụ đối ngoại biên giới, Bộ Quốc phòng luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó các cơ quan ngoại vụ địa phương có vai trò rất tích cực. Ngoại vụ địa phương đã cùng Bộ Quốc phòng tích cực triển khai nhiệm vụ đối ngoại biên giới, triển khai các hoạt động giao lưu kết nghĩa, nếu không có sự ủng hộ giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền cũng như các đồng chí cán bộ ngoại vụ địa phương thì công tác đối ngoại biên giới và những hoạt động như Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung trong thời gian qua không thể tổ chức thành công.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đã phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự hợp tác của các đối tác, nhất là các đối tác có tiềm lực kinh tế và khoa học kỹ thuật tiên tiến để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hậu quả của chất độc đi-ô-xin và bom mìn, vật liệu nổ...

Chỉ rõ phương hướng và sự hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ nhiệm vụ của đối ngoại và các nguy cơ, thách thức mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải đối mặt trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã được đặt ra, một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác trong giai đoạn 2016-2020 mà Bộ Quốc phòng chú trọng ưu tiên thúc đẩy đó là công tác phối hợp với Bộ Ngoại giao được đặc biệt coi trọng. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chỉ ra một số nội dung đề xuất:

Một là, đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Quốc phòng, tạo tiếng nói chung, thống nhất hơn nữa giữa hai Bộ trong việc tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong những vấn đề lớn liên quan đến quốc phòng-an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc. Để làm được điều này, hai Bộ cần duy trì cơ chế trao đổi cả ở cấp Bộ và ở cấp các cơ quan hữu quan, trong đó trao đổi sâu về các vấn đề chiến lược, tình hình khu vực và thế giới, đánh giá chính sách của các nước đối với Việt Nam, từ đó tạo đồng thuận trong việc đề xuất những chính sách, biện pháp thích hợp để triển khai quan hệ hợp tác và xử lý, ứng phó với các tình huống. Hiện nay, hai Bộ đều có Viện nghiên cứu về chiến lược, hai bên có thể xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan liên quan của hai Bộ hoặc thành lập các tổ, các nhóm, để nghiên cứu và tham mưu chiến lược.

Hai là, đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề đối ngoại, nhất là về đối ngoại đa phương, tăng cường phối hợp đấu tranh trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các lợi ích chính đáng của ta trên Biển Đông, tạo thành tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ tại các diễn đàn ngoại giao, quốc phòng đa phương. Bộ Quốc phòng cũng mong muốn được cử thành phần tham gia các đoàn công tác của Bộ Ngoại giao tham dự các hội nghị, hoạt động ngoại giao đa phương để kịp thời nắm bắt thông tin và tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhằm tạo sự thống nhất, xuyên suốt cũng như bổ trợ nhau trong quá trình hoạch định chính sách, kế hoạch, tham gia các sáng kiến... tại các diễn đàn ngoại giao, quốc phòng đa phương cũng như trong triển khai thực hiện.

Ba là, Bộ Quốc phòng đề nghị hai bên phối hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, có trình độ nghiên cứu, tham mưu, có kỹ năng và kiến thức hội nhập quốc tế và đối ngoại. Bộ Quốc phòng mong muốn Bộ Ngoại giao tăng cường hỗ trợ đào tạo cán bộ của Bộ Quốc phòng về công tác nghiên cứu các vấn đề quốc tế, biên giới, lãnh thổ, biển đảo... Bộ Ngoại giao là cơ quan thường xuyên quan tâm mở các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng đối ngoại và hội nhập quốc tế cho cán bộ của Bộ cũng như các Sở ngoại vụ địa phương. Bộ Quốc phòng đề nghị được cử học viên là các cán bộ, sĩ quan làm công tác đối ngoại quốc phòng được tham gia các lớp bồi dưỡng này để qua đó nâng cao kiến thức và trình độ nghiệp vụ về đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tiếp tục làm việc đến ngày 26-8.

Nguồn: qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.