Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 08/02/2016, 08:45 (GMT+7)
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và cục diện chính trị khu vực

Sau nhiều năm kiên trì đàm phán, ngày 05-10-2015, 12 nước thuộc Vành đai Thái Bình Dương1 đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hiệp định thương mại quy mô lớn và được chính giới nhiều nước quan tâm trong vòng hai thập kỷ qua. Theo giới phân tích, khi Hiệp định có hiệu lực, sẽ mở ra giai đoạn phát triển quan trọng của kinh tế toàn cầu; đồng thời, tạo ra cục diện chính trị mới ở khu vực.

Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước thành viên sau Lễ ký (Ảnh: AFP)

Khái lược về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Theo một số nghiên cứu, khởi nguồn của TPP chỉ là một hiệp định thương mại nhỏ, tồn tại dưới dạng một “Quan hệ đối tác kinh tế chung” giữa 4 nước là Xin-ga-po, Niu Di-lân, Chi-lê và Bru-nây (còn gọi là P4) trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Trong đó, thương mại cởi mở giữa các nước này là đặc tính chủ chốt. Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ tuyên bố tham gia P4 (vào năm 2008) thì quan hệ kinh tế chung này được đổi thành Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, với một diện mạo mới và thu hút sự quan tâm, dõi theo của nhiều nước trên thế giới. Theo cách nhìn nhận của các chính khách hàng đầu thế giới, TPP là một thỏa thuận thực sự lớn; chủ yếu là thương mại nhưng không chỉ liên quan đến thương mại; có thể làm thay đổi các nguyên tắc, lộ trình dành cho các bên tham gia chính của nền kinh tế toàn cầu và sẽ có tác động sâu sắc đối với môi trường chiến lược châu Á - Thái Bình Dương. Hiện tại, TPP gồm 12 nước thành viên với quy mô kinh tế chiếm 40% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu; có tổng kim ngạch thương mại chiếm 30% tổng kim ngạch thương mại toàn thế giới. Dự báo đến năm 2050, quy mô kinh tế của các nước thuộc TPP sẽ chiếm 50% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu. Trước mắt, khi TPP có hiệu lực, hàng rào thuế quan của 18.000 loại hàng hóa trong các quốc gia thành viên sẽ giảm đáng kể, kéo theo giá thành thương mại được hạ thấp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế từng nước, khu vực và thế giới. Trong đó, dự đoán riêng nền kinh tế Mỹ có thể thu lợi mỗi năm khoảng 77 tỷ USD, còn đối với Nhật Bản, con số này sẽ lên tới 105 tỷ USD. Chính vì thế, TPP được coi là điểm nhấn quan trọng đầu tiên của thế kỷ XXI; là một sự liên kết về chiến lược không chỉ đối với kinh tế, thương mại, mà bao hàm cả vấn đề địa chính trị, nên sẽ có tác động lớn trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí còn mở ra một kỷ nguyên mới cho cả khu vực và thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có những thách thức không nhỏ đối với các thành viên tham gia Hiệp định.

Những tác động tới cục diện chính trị khu vực

Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm các vấn đề quân sự - chính trị thuộc Học viện Ngoại giao Mát-xcơ-va (MGIMO) A. Pốt-bi-ri-xkin thì bản chất của TPP là một liên kết chiến lược trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị và quân sự. Điều này xuất phát từ động cơ của Mỹ tham gia TPP không chỉ nhằm mở rộng xuất khẩu, tăng thêm việc làm, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, mà còn lấy đó làm bàn đạp để thực hiện chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, góp phần bảo vệ, duy trì hệ thống tài chính, kinh tế và quân sự trên phạm vi toàn cầu do Mỹ đứng đầu. Để thực hiện mục đích đó, theo tính toán của Mỹ, nếu chỉ sử dụng sự liên minh thông qua Khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là không đủ. Điều đó có nghĩa là, thông qua việc liên kết thị trường, sẽ tạo động lực kinh tế để từng bước làm thay đổi cán cân quyền lực. Nếu nhận định này là đúng thì trước mắt, cả Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đều “chưa có cơ hội” để tham gia cấu trúc này. Hơn nữa, chủ trương của Oa-sinh-tơn tham gia TPP là sau khi Hiệp định được ký kết và thực thi, Mỹ sẽ nhanh chóng thiết lập các loại thị trường, từng bước xây dựng trật tự kinh tế chính trị theo hướng có lợi cho họ, tạo ra cục diện chính trị mới ở châu Á - Thái Bình Dương và được thể hiện trên một số nội dung sau:

1. Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới có xu hướng “chia tay” với đồng đô-la Mỹ, khiến không gian kinh tế toàn cầu dựa trên nền tảng của đồng tiền này bị thu hẹp, để duy trì “không gian sinh tồn” của “đồng bạc xanh”, ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đề ra mục tiêu số 1 là, giành lại ảnh hưởng của Mỹ và khôi phục sức mạnh của đồng đô-la - trụ cột sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng đã đề xuất sáng kiến sớm hình thành hai khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Đó là, Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) trên cơ sở TPP và Khu vực tự do thuơng mại châu Âu - Đại Tây Dương (TAFTA) trên cơ sở Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Trong đó, TPP chính là nỗ lực của Mỹ nhằm phục hồi và mở rộng đáng kể Đề án về Hiệp định đa phương về đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho các công ty xuyên quốc gia Hoa Kỳ những quyền hành mà theo đó, có thể phủ nhận hoặc bãi bỏ những đạo luật, quy định của các quốc gia khác gây tổn hại đối với các công ty này. Chính vì thế mà giới phân tích quốc tế đã gọi TPP - một trong những trụ cột của học thuyết Ô-ba-ma là công cụ nhằm thông qua liên kết kinh tế để tranh giành ảnh hưởng và quyền kiểm soát tình hình khu vực đối với các quốc gia khác.

2. Theo những kết quả đàm phán vừa mới đạt được, TPP không chỉ bao hàm những điều khoản của một hiệp định thương mại quốc tế thông thường, như: hàng rào thương mại, kỹ thuật, vấn đề kiểm dịch vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ hàng hóa, giải quyết tranh chấp,… mà còn liên quan đến các vấn đề “bên trong biên giới” của mỗi quốc gia thành viên. Theo đó, các nước thuộc TPP bắt buộc phải cải cách thể chế, minh bạch thị trường, chống tham nhũng, cải cách ngành tài chính theo các quy chuẩn, v.v. Như vậy, nếu đối chiếu kỹ có thể thấy, TPP đã bao hàm tất cả các điều khoản về một hiệp định tự do thương mại chất lượng cao, như: sở hữu trí tuệ, dịch vụ, thương mại, đầu tư, chính sách cạnh tranh, vấn đề doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, mua sắm chính phủ,… và các tiêu chuẩn về lao động, môi trường. Điều đó có nghĩa là, tham gia TPP, Mỹ đã chiếm ưu thế cả về thiên thời, địa lợi và môi trường tốt nhất để chuyển dịch chiến lược sang phía Đông và kèm theo đó là những tác động không nhỏ tới cục diện chính trị khu vực.

3. Mặc dù đại diện của Mỹ và một số nước “nặng ký” của TPP luôn phủ nhận khía cạnh chính trị của Hiệp định, nhưng vấn đề đối phó với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong TPP vẫn tồn tại. Điều đó được thể hiện khá rõ khi gần đây, trả lời câu hỏi của giới truyền thông về khả năng Mỹ mời Bắc Kinh tham gia TPP, đại diện thương mại Mỹ (lúc đó) ông Rô-nan Kiếc đã lạnh lùng nói rằng: không cần thiết. Hiện nay, tại châu Á - Thái Bình Dương đã có 47 hiệp định thương mại khu vực được ký kết. Riêng ở khu vực Đông Á đã hình thành hàng loạt cơ chế hợp tác lấy ASEAN làm hạt nhân, như: ASEAN + 1, ASEAN + 3 và ASEAN + 6; trong đó, Trung Quốc ngày càng phát huy ảnh hưởng và chiếm ưu thế. Thực tế này, khiến Mỹ lo ngại và buộc phải đẩy mạnh các biện pháp thực hiện TPP, nhằm tranh giành, thiết lập quyền chủ đạo trật tự ở châu Á - Thái Bình Dương. Rõ ràng, với quy mô chiếm 40% kinh tế toàn cầu, lại được vận hành theo một “Thỏa thuận thương mại tự do” (FTA), TPP chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ tới kinh tế Trung Quốc - một nền kinh tế chiếm tới 60% tăng trưởng dựa vào ngoại thương.

Tuy nhiên, với quy mô dân số Trung Quốc khoảng 1,3 tỷ người và tỷ trọng nền kinh tế chiếm 10% kinh tế toàn cầu thì chủ trương kiềm chế Bắc Kinh của Mỹ xem ra khó có thể thực hiện. Không những thế, 19 khu vực thương mại tự do mà Trung Quốc thiết lập có liên quan đến 32 quốc gia và khu vực trên thế giới; trong đó, 14 hiệp định thương mại tự do mà nước này tham gia ký kết đã liên quan đến gần 20 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nên tác động của TPP đối với Trung Quốc khó có thể gây ra đột biến lớn. Do đó, cuộc cạnh tranh giành quyền chủ đạo ở khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo là rất phức tạp và quyết liệt.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc này, thái độ của Nhật Bản giữ vị trí rất quan trọng, bởi Tô-ki-ô nghiêng về bên nào, bên đó sẽ chiếm ưu thế. Trong giai đoạn hiện nay, Nhật Bản đã, đang lựa chọn sách lược “cân bằng”. Một mặt, nước này tuyên bố gia nhập TPP để củng cố quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ; mặt khác, tích cực khởi động đàm phán khu vực thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn, nhằm làm dịu đi những lo ngại từ Trung Quốc.

4. Chủ trương của TPP là không hạn chế các đối tượng gia nhập vào tổ chức này. Bất kỳ quốc gia nào, chỉ cần tuân thủ đúng các tiêu chuẩn theo quy định của TPP, đều có thể đàm phán để trở thành thành viên của Hiệp định. Đây là biểu hiện của một mô hình mở, nhằm thúc đẩy quá trình hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) theo mô hình của Mỹ, do Mỹ nắm vai trò chủ đạo và xây dựng các tiêu chuẩn theo quy tắc Mỹ. Như vậy, nhìn bề ngoài, TPP có vẻ bình đẳng, nhưng về bản chất, nó vẫn là quy tắc kinh tế do Mỹ chi phối và trên thực tế, Mỹ có thể áp đặt quyết sách kinh tế cho các nước thành viên; trong đó, có thể bao gồm các lệnh trừng phạt đối với các nước vi phạm các quy định có liên quan. Vì vậy, khi Hiệp định có hiệu lực, việc phát sinh mâu thuẫn giữa Mỹ với các nước thành viên là khó tránh khỏi. Điều đó cho thấy, mặc dù là một thỏa thuận thương mại tự do, nhưng TPP sẽ có tác động không nhỏ tới cục diện chính trị khu vực, với nhiều cấp độ và phương thức khác nhau, rất khó đoán định.

NGÔ QUYỀN
________

1 - Gồm: Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Mỹ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Pê-ru, Xin-ga-po và Việt Nam.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...