Bình luận - Phê phán Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng

QPTD -Thứ Năm, 02/07/2015, 08:45 (GMT+7)
Thực chất của cái gọi là tự do báo chí không giới hạn và sự định kiến, áp đặt

Tự do báo chí là vấn đề không mới - xét cả về mặt từ ngữ và nội hàm. Điều đó, tưởng như dễ dàng có được sự đồng tình, thống nhất của tất thảy mọi người, mọi quốc gia. Nhưng không hẳn vậy. Tại sao? Vì nó xuất phát từ sự không đồng nhất quan niệm về tự do báo chí, hay nói đúng hơn một số tổ chức, quốc gia không hẳn họ không hiểu nhưng cố tình làm sai lệch bản chất của vấn đề tự do báo chí. Ví như đánh giá một quốc gia có hoặc không có tự do báo chí dựa theo tiêu chí, chuẩn mực nào cũng chưa có sự nhất quán. Và, vấn đề đặt ra ở đây là có hay không về một sự tự do báo chí không giới hạn, không biên giới như Mỹ và một số nước phương Tây thường tung hô? Có hay không. Câu trả lời là không và không có ở ngay chính các nước phương Tây. Họ rêu rao như vậy và đánh giá một số quốc gia không có tự do báo chí theo kiểu áp đặt, định kiến chẳng qua là nhằm phục vụ mưu đồ chính trị đen tối của họ.

Hằng năm, Tổ chức “Phóng viên không biên giới” đều tiến hành nhận xét, đánh giá về tình hình báo chí quốc tế, rồi tổ chức xếp hạng về mức độ “tự do” báo chí của một quốc gia theo cảm nhận chủ quan của họ. Người ta không biết có bao nhiêu độ khách quan, chuẩn xác trong đó; chỉ biết rằng đã có không ít quốc gia phản đối, phê phán cách làm phiến diện, áp đặt của tổ chức này. Đi sâu vào đời sống báo chí trong lòng các nước phương Tây, người ta đã thấy rõ thực chất của cái gọi là “tự do báo chí không giới hạn” chỉ là sự cổ động cho một thứ dân chủ mà không phải bất cứ quốc gia nào cũng lựa chọn. Tự do báo chí là một nội dung trong phạm trù nhân quyền. Điều 29, Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên hợp quốc (1948) trong khi thừa nhận quyền thụ hưởng tự do của mỗi người cũng không cổ súy cho sự tự do vô giới hạn mà đòi hỏi mọi người cũng phải chịu những hạn chế do luật định để đảm bảo quyền tự do của người khác cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và an sinh trong một xã hội dân chủ. Trong 10 điều luật bổ sung vào Hiến pháp Mỹ có hiệu lực từ 1791, Quốc hội Mỹ đã xác nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Ngay sau đó, với Đạo luật “Phản loạn” được ban hành năm 1798, Quốc hội Mỹ xác định: “Việc viết, in, phát biểu sai sự thật, cố ý chống chính quyền sẽ bị truy cứu hình sự”. Điều 2385, Chương 115 Bộ luật Hình sự nước Mỹ đã ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Rõ ràng luật pháp Mỹ không cho phép ai thực hiện hay cổ vũ cho một sự “tự do báo chí không giới hạn” như người ta vẫn thường lớn tiếng. Điều trớ trêu là, khi một số người nào đó ở Việt Nam công khai vi phạm pháp luật, truyền tải các tư tưởng chống đối Nhà nước, lật đổ chế độ, bị Nhà nước Việt Nam xử lý theo pháp luật thì ngay lập tức nhiều tổ chức báo chí và phương tiện truyền thông ở nước ngoài la lối rằng, đó là “bắt bớ”, “đàn áp phóng viên”, “hạn chế tự do báo chí”. Những người hung hăng chống đối chế độ lại được tôn vinh là “hiệp sĩ đấu tranh vì tự do báo chí”.

Tự do báo chí ở Pháp được đề cập rất sớm, ngay trong tiến trình cách mạng 1789, Đạo luật đầu tiên của Quốc hội Pháp thời bấy giờ là Bản Tuyên bố Dân quyền và nhân quyền. Điều 11 của Tuyên bố này, đã xác lập quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, năm 1881, nền Cộng hòa lần thứ Ba của nước này đã ban hành một Đạo luật về tự do báo chí. Đạo luật này, đến nay vẫn cơ bản còn giá trị. Cùng với việc công nhận quyền tự do báo chí, Đạo luật 1881 đã xác lập giới hạn trong tự do báo chí, bằng việc đưa ra các định nghĩa về tội phạm báo chí.

Thực tế ở Mỹ và các nước phương Tây, người ta đã chứng kiến nhiều vấn đề xã hội phức tạp, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là từ hệ lụy (trực tiếp hoặc gián tiếp) của việc lạm dụng cái gọi là “tự do báo chí không giới hạn”. Điển hình, như: vụ việc tình báo Pháp tổ chức do thám, nghe trộm điện thoại của các nhà báo thuộc Nhật báo Le Monde năm 2011. Bộ phim “Sự ngây thơ của các tín đồ Hồi giáo” ra đời năm 2012 ở Mỹ, được cho là báng bổ đạo Hồi đã tạo ra làn sóng bạo động tại hàng chục quốc gia Hồi giáo trên toàn thế giới. Ngày 07-01-2015 vừa qua được cho là ngày đen tối nhất trong lịch sử báo chí Pháp với sự kiện bọn khủng bố đã nổ súng sát hại 12 người tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo vì lý do tôn giáo. Trước sự kiện thảm sát tại Tòa soạn báo Charlie Hebdo, Giáo hoàng Francis đã cho rằng: “Tự do báo chí không phải vô giới hạn khi tự do đó xúc phạm tới tín ngưỡng tôn giáo”.

Ở các nước phương Tây khác, tự do báo chí cũng không thoát ly hoàn toàn sự quản lý của pháp luật hoặc sự chi phối của các quyền lực khác. Gần đây, tiến sỹ UdoUi Kotte Cộng hòa Liên bang Đức đã xuất bản cuốn sách “Những nhà báo bị mua chuộc – phương tiện truyền thông đại chúng đã bị các chính trị gia, các cơ quan tình báo và các nhà tài phiệt điều khiển như thế nào” đã góp phần làm rõ thực chất về sự tự do báo chí không giới hạn của phương Tây. Theo đó, tự do báo chí và tính đa nguyên trong báo chí phương Tây chỉ là giả tạo. Nhiều nhà báo đã bị cơ quan tình báo mua chuộc, “bôi trơn” để có được điều theo ý muốn. Paul Sethe - một học giả có uy tín của Cộng hòa Liên bang Đức đã đưa ra sự nhận xét: “Tự do báo chí là tự do phổ biến ý kiến riêng của 200 người giàu có (tài phiệt ở Đức)”.

Nhiều người cho rằng, sự khác biệt về pháp luật và văn hóa của mỗi quốc gia đã tạo ra các cách nhìn khác nhau về tự do báo chí. Cùng với đó, những định kiến chủ quan mang dấu ấn ý thức hệ giữa Vô sản và Tư sản đã tạo ra khoảng cách tưởng chừng không xóa bỏ được đang hiện hữu. Một khi các tổ chức dân chủ về báo chí quốc tế bị chi phối nặng nề bởi những định kiến đó thì sự sai lệch trong đánh giá về tình trạng tự do báo chí xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Liên tục trong nhiều năm qua, các nước chậm phát triển, nhất là các nước đang lựa chọn con đường phát triển theo chủ nghĩa xã hội đều được đưa vào thứ hạng thấp kém trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của nhiều tổ chức ở Mỹ và phương Tây; bất chấp sự tiến bộ của nước đó trên lĩnh vực báo chí. Bản tin của BBC ngày 13-02-2014 đã đưa ra bảng xếp hạng về tự do báo chí năm 2014 đối với các quốc gia của tổ chức “Phóng viên không biên giới”. Trong đó, Việt Nam đứng ngay sau Trung Quốc, ở vị trí gần cuối bảng; với các lý do, như: giám sát “các trang tin độc lập” trên in-tơ-nét, văn bản quản lý khắc nghiệt, “tấn công” vào những người dùng in-tơ-nét thế hệ mới, v.v. Song, thực tế đời sống báo chí Việt Nam thực tại khác xa với những điều tưởng tượng, áp đặt trên. Hiện nay, trong cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 01 hãng Thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình; 98 cơ quan báo chí điện tử, 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 trang mạng xã hội được phép hoạt động. Theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu WeAreSocial: Việt Nam đang có khoảng 30 triệu người dân, chiếm 34% dân số dùng in-tơ-nét, trong khi đó tỷ lệ bình quân của thế giới là 33%. Tổ chức Liên minh viễn thông quốc thế (ITU) xếp Việt Nam đứng thứ Ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ Tám châu Á về số người sử dụng in-tơ-nét. Các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam hoàn toàn không can thiệp, ngăn chặn tự do, thông tin báo chí khi báo chí hoạt động tuân thủ theo pháp luật, không làm tổn hại đến lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Ở Việt Nam, báo chí có thể tham gia vào mọi vấn đề mà pháp luật không ngăn cấm, trừ những bài viết có tính chất kích động bạo lực, chiến tranh; gây chia rẽ đoàn kết dân tộc; truyền bá, cổ vũ cho những tư tưởng cực đoan chống phá chế độ, nhà nước,… Việc xử lý một số người có hành vi vi phạm luật pháp của Nhà nước Việt Nam gần đây là việc làm bình thường, cần thiết của mọi quốc gia vì sự ổn định tình hình chính trị, xã hội của đất nước. Không thể quy chụp, đánh đồng việc làm đó với sự vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân và nhà báo như một vài tổ chức, cá nhân nào đó đã vu cáo.

Tự do báo chí là sản phẩm của văn minh nhân loại, là điều cần thiết để báo chí phát triển, xã hội phát triển. Song, tự do báo chí không giới hạn và những định kiến, áp đặt nhằm phục vụ cho mưu đồ nào đó cần phải bị loại bỏ khỏi đời sống báo chí quốc tế hiện nay.

HOÀNG VŨ

Ý kiến bạn đọc (0)

Cảnh giác với thủ đoạn "chuyển hóa" thế hệ trẻ của các thế lực thù địch
​​​​​​​Nhằm chống phá cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã không từ một thủ đoạn nào; trong đó, thế hệ trẻ là một trọng điểm của chúng. Đây là thủ đoạn rất nham hiểm nhằm thúc đẩy “diễn biến” để “chuyển hóa” thế hệ rường cột của nước nhà. Do đó, cần đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.