Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Sáu, 21/11/2014, 13:12 (GMT+7)
Bình Phước lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

Giáo dục quốc phòng và an ninh là nội dung quan trọng hàng đầu của xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, tỉnh Bình Phước đã lãnh đạo chặt chẽ, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp. Vì vậy, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đã đạt kết quả tốt, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bình Phước là tỉnh biên giới, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cầu nối của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Cam-pu-chia; có vị trí chiến lược cả về quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội đối với khu vực. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng (QS,QP) địa phương; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN), góp phần đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, Tỉnh ủy xác định chủ trương: tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trước hết là, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự, công an, các ban, ngành, đoàn thể, Hội đồng GDQP&AN các cấp; chú trọng quan tâm thực hiện ở các huyện vùng sâu, biên giới. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của cấp trên về công tác GDQP&AN; trọng tâm là Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Luật GDQP&AN, Kế hoạch 33/KH-HĐ về công tác GDQP&AN của Hội đồng GDQP&AN Tỉnh năm 2014. Công tác GDQP&AN được lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tổ chức thực hiện chặt chẽ, có nhiều đổi mới. Hội đồng GDQP&AN các cấp thường xuyên được bổ sung, kiện toàn, đã thực sự phát huy tốt vai trò tham mưu, tư vấn cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả GDQP&AN bằng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp; nhất là trong xây dựng kế hoạch, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, làm tốt công tác quản lý nhà nước về GDQP&AN. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy các cấp chú trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm quy định lấy kết quả công tác GDQP&AN làm một trong các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ, đảng viên theo Quy định 07-QĐ/BTCTW của Ban tổ chức Trung ương.

Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QP&AN) được Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện quyết liệt bằng nhiều hình thức linh hoạt, phương pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, cơ sở và đối tượng. Trong đó, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Đây vừa là đối tượng cơ bản của công tác bồi dưỡng kiến thức QP&AN, vừa là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác này trên địa bàn. Trên cơ sở Luật Dân quân tự vệ, Tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu: kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp, có 100% cán bộ, đảng viên thuộc diện bồi dưỡng kiến thức QP&AN phải hoàn thành nội dung, chương trình. Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, trong 9 tháng đầu năm 2014, ngoài việc cử 30 cán bộ đối tượng 2 tham gia bồi dưỡng ở Quân khu, Tỉnh đã tổ chức 06 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho gần 600 cán bộ thuộc đối tượng 3 và 4. Các huyện, thị xã đã tổ chức 13 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho gần 1.200 người thuộc đối tượng 4. Để nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng tham gia, Tỉnh chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng theo địa bàn. Cách làm này vừa tập trung được nguồn lực của các cấp, các ngành, vừa thuận tiện cho cả giáo viên và học viên trong quá trình giảng dạy, học tập nên có ý nghĩa thiết thực. Cùng với bồi dưỡng cho các đối tượng theo quy định, các địa phương trong Tỉnh còn chú trọng mở rộng các đối tượng khác, như: huyện Lộc Ninh tổ chức 05 lớp bồi dưỡng cho hơn 1.500 chủ hộ đang sinh sống ở các xã biên giới; huyện Đồng Phú tổ chức 01 lớp bồi dưỡng cho các chức sắc, chức việc các tôn giáo, v.v. Trong quá trình thực hiện, Tỉnh chỉ đạo phải đặc biệt quan tâm tổ chức đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt. Vì vậy, các lớp đều mời cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành của Tỉnh, chỉ huy các đơn vị của Quân khu 7 và các chuyên gia, giảng viên các học viện đến giới thiệu các chuyên đề, nhằm cập nhật, bổ sung những thông tin mới về lý luận và thực tiễn cấp bách đang đặt ra trong lĩnh vực QP&AN, như: tuyên truyền biên giới, biển, đảo; chiến lược QP&AN của các nước lớn; vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, v.v. Ngoài các chuyên đề quy định, Tỉnh còn bổ sung những chuyên đề bổ trợ sát với tình hình, nhiệm vụ kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của địa phương vào chương trình bồi dưỡng, Tỉnh còn chỉ đạo tổ chức cho học viên tham quan thực tế, như: diễn tập khu vực phòng thủ; diễn tập phòng, chống cháy rừng, bảo vệ rừng; tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực quản lý, điều hành công tác QS,QP địa phương cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của các cấp trên địa bàn.

Để nâng cao chất lượng công tác GDQP&AN cho học sinh, sinh viên, Tỉnh  chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và các ban, ngành liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch chặt chẽ, thực hiện nghiêm các quy định về GDQP&AN cho học sinh, sinh viên. Trong điều kiện đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy môn học, Tỉnh hết sức coi trọng chỉ đạo công tác đào tạo, tập huấn. Trước mỗi năm học, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các trường trung học phổ thông và giáo viên môn GDQP&AN được tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy môn học. Hiện nay, Tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện Đề án đào tạo giáo viên GDQP&AN, tiến tới chuẩn hóa đội ngũ giáo viên này trong các nhà trường. Năm học 2013 - 2014, có 29.417 học sinh, sinh viên tham gia học tập môn GDQP&AN, bảo đảm đúng, đủ nội dung, chương trình và thời gian quy định. Các trường đều tổ chức học rải, phân phối chương trình môn GDQP&AN như các môn học khác. Ngoài các nội dung theo chương trình chung, Tỉnh còn chỉ đạo bổ sung các nội dung về truyền thống cách mạng của địa phương vào chương trình giáo dục, tăng cường tổ chức hội thao QP&AN. Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình “Học kỳ trong Quân đội” cùng các hoạt động về nguồn, tham quan di tích, chứng tích lịch sử, như: Phú Riềng Đỏ, khu di tích lịch sử Tà Thiết, v.v. Có thể nói, GDQP&AN cho học sinh, sinh viên trong các trường trung học phổ thông, cao đẳng, dạy nghề trong Tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Môn học không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, mà còn trực tiếp rèn luyện, xây dựng nhân cách, nếp sống tập thể, tính kỷ luật trong sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ý thức sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ.

Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN cho toàn dân được Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ QP&AN, các hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương và truyền thống cách mạng của quê hương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Hằng năm, Tỉnh chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an và Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Phước, Báo - Truyền hình Quân khu 7 xây dựng kế hoạch, chương trình, mở các chuyên trang, chuyên mục GDQP&AN. Cùng với đó, Tỉnh yêu cầu hệ thống phát thanh, truyền thanh cấp huyện, xã ngoài sử dụng chương trình của trên phải dành một thời lượng, vào thời điểm thích hợp để thông tin, tuyên truyền QP&AN ở cấp mình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép các nội dung, hình thức tuyên truyền, GDQP&AN trong các đợt hoạt động của lực lượng vũ trang, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, lễ hội truyền thống, các đợt gọi công dân nhập ngũ, các ngày kỷ niệm truyền thống, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở và các hình thức khác phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ sở, cộng đồng dân cư. Nội dung tập trung phổ biến về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục về truyền thống vẻ vang của dân tộc, địa phương; cập nhật tình hình thời sự địa phương, trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời coi trọng nâng cao nhận thức cho nhân dân về âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, v.v. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh đã phát sóng 860 tin, bài, xây dựng 18 chương trình truyền hình; các phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương đăng tải hơn 400 tin, bài về hoạt động GDQP&AN của Tỉnh; các tin, bài không chỉ phản ánh những điển hình, cách làm hay, sáng tạo, mà còn phản ánh những điểm còn hạn chế; là một “kênh” phản biện quan trọng giúp Tỉnh thực hiện ngày càng tốt hơn công tác GDQP&AN.

Là tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm gần 20% dân số), trình độ dân trí không đồng đều, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức có mặt còn hạn chế, nên công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN cho đồng bào dân tộc thiểu số được Tỉnh quan tâm chỉ đạo; nhất là việc xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp, giúp đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Cùng với phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng, Tỉnh rất coi trọng phương pháp tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở từng địa phương và những người có uy tín trong các dân tộc, dòng họ, như: các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc các tôn giáo, v.v. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN vào công tác khôi phục, duy trì các lễ hội truyền thống của địa phương, như: Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khơ-me; Lễ hội Đâm trâu của dân tộc S’tiêng, v.v. Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN cho toàn dân đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường tiềm lực, thế trận, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc trong khu vực phòng thủ Tỉnh. Đây là tiền đề, động lực để Bình Phước xây dựng địa phương vững về chính trị, phát triển về kinh tế, mạnh về QP&AN, xứng đáng với bề dày lịch sử truyền thống anh hùng.

NGUYỄN TẤN HƯNG, y viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...