QPTD -Thứ Năm, 24/07/2014, 20:28 (GMT+7)
Hiến pháp năm 2013 với việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc

Quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của đất nước, bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Vì vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về quốc phòng, an ninh nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2013, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tập trung trí tuệ cao độ xây dựng thành công bản Hiến pháp mới trên cơ sở nội dung Hiến pháp 1992. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là văn kiện chính trị - pháp lý, đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Hiến pháp hiến định nhiều vấn đề quan trọng, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Đáng chú ý là, Hiến pháp dành cả Chương IV (từ Điều 64 đến Điều 68) hiến định các vấn đề bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới. Trong đó khẳng định: Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm: đất liền, biển, đảo, vùng biển và vùng trời. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN đều bị nghiêm trị. Đồng thời, Hiến pháp xác định nhiệm vụ BVTQ là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Vì thế, Nhà nước cần phải củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là LLVT nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Trong đó, quy định rõ: các cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh. Hiến pháp xác định rõ LLVT nhân dân Việt Nam, gồm: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Lực lượng này phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước; có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (trong đó, Quân đội nhân dân có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu), lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (QP,AN). Đồng thời, tăng cường phổ biến kiến thức về quốc phòng và an ninh cho toàn dân để nâng cao ý thức, trách nhiệm BVTQ của nhân dân. Xây dựng, phát triển đồng bộ ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh bảo đảm vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho LLVT nhân dân,... tăng cường khả năng BVTQ.

Từ ngày 01-01-2014, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đi vào cuộc sống như một luồng sinh khí mới làm chuyển biến tích cực sự nghiệp xây dựng và BVTQ của nhân dân ta. Được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và nhân dân, LLVT nhân dân không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trình độ lý luận và nhận thức của LLVT nhân dân về chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó, có Hiến pháp năm 2013 ngày càng cao. LLVT nhân dân có ý thức trách nhiệm, lòng trung thành và bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, không mơ hồ, mất cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, mục tiêu Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và những hiến định về nhiệm vụ BVTQ trong chương IV, Hiến pháp năm 2013, Nhà nước tích cực đầu tư mua sắm các loại vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đi trước đón đầu cho LLVT. Nhiều lực lượng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo đảm cho LLVT nhân dân đủ sức hoàn thành nhiệm vụ BVTQ và làm “nghĩa vụ quốc tế” (gìn giữ hòa bình, đối phó với an ninh phi truyền thống: tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ,...). Như vậy, Hiến pháp hiến định những vấn đề xây dựng LLVT trong điều kiện mới là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch dù có tinh vi, thâm hiểm đến đâu cũng không thể tách LLVT nhân dân Việt Nam, nhất là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ra khỏi hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với LLVT nhân dân. Điều đó, càng khẳng định sự thất bại của các thế lực thù địch là không thể tránh khỏi không chỉ trong quá trình sửa đổi mà cả khi triển khai, thi hành Hiến pháp thực hiện công cuộc xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN.

Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVT nhân dân cũng là minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn đó. Một trong những nguyên nhân quan trọng quyết định sự phát triển, trưởng thành của LLVT nhân dân nói chung và Quân đội nhân dân nói riêng là do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện. Đó cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lịch sử dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo. Vì thế, Hiến pháp năm 2013 hiến định những vấn đề quan trọng về xây dựng LLVT nhân dân trở thành lực lượng tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam - lực lượng lãnh đạo đất nước là tất yếu khách quan, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng của LLVT nhân dân từ khi ra đời đến nay vẫn không hề thay đổi là cùng với toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, LLVT nhân dân phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi lẽ, chỉ có Đảng và chế độ XHCN mới đảm bảo được nguyện vọng của nhân dân là ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tự do, bình đẳng tiến bộ. Vì thế, Đảng lãnh đạo toàn xã hội và LLVT nhân dân là sự lựa chọn duy nhất đúng của toàn dân và toàn quân ta, không một thế lực nào có thể làm thay đổi.

Để giữ đúng vị trí, vai trò của LLVT nhân dân, làm nòng cốt BVTQ, thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, đưa Hiến pháp vào cuộc sống, các cấp, các địa phương cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về QP,AN, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.

Trước hết, đẩy mạnh giáo dục chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng làm cho LLVT nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, không mơ hồ, mất cảnh giác, luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng, chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, để LLVT nhân dân thực sự là lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Hai là, rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý, xây dựng, hoạt động của LLVT nhân dân để phát hiện những quy định trái Hiến pháp phải bãi bỏ hoặc dừng thi hành. Từ đó, lập danh mục, xác định lộ trình, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để sớm sửa đổi, bổ sung những quy định mới của Hiến pháp có liên quan đến nhiệm vụ QP,AN, BVTQ.

 Ba là, nghiên cứu xây dựng chiến lược tổng thể hoàn thiện hệ thống pháp luật về QP,AN, trong đó, chú trọng pháp luật về xây dựng LLVT nhân dân (tổ chức biên chế, quản lý và hoạt động). Đây là vấn đề lớn cần phải được xem xét toàn diện cả về lý luận và thực tiễn. Từ đó, làm rõ khái niệm, xác định rõ đối tượng điều chỉnh, tiêu chí LLVT, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách cho từng lực lượng, khắc phục những mặt tồn tại, chồng chéo, bất cập hiện nay. 

Bốn là, hoàn chỉnh các quy phạm pháp luật có liên quan đến thiết chế của Chủ tịch nước với vai trò thống lĩnh LLVT, của Chính phủ với chức năng quản lý nhà nước về nhiệm vụ QP,AN nói chung và LLVT nói riêng trong hệ thống chính trị, vừa bảo đảm cơ chế lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, vừa cụ thể hóa chủ trương của Đảng bằng các quy định pháp luật để thực hiện một cách tập trung, thống nhất trong việc xây dựng, hoạt động LLVT nhân dân, phù hợp với yêu cầu BVTQ trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Năm là, xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách bảo đảm vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật cho từng lực lượng; chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên hoạt động trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Đây là những vấn đề còn nhiều vướng mắc, bất cập, thậm chí lạc hậu so với yêu cầu xây dựng LLVT trong quá trình hội nhập quốc tế. Do vậy, cần sớm tổng kết đánh giá có tính hệ thống và đặc thù của mỗi đối tượng cụ thể, bảo đảm tính khả thi ổn định, cân đối với các đối tượng khác trong hệ thống chính trị.

Sáu là, BVTQ Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân, đồng thời là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Vì thế, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật xây dựng LLVT, BVTQ hiện nay là cấp thiết để mọi công dân tham gia bình đẳng. Theo đó, cần cụ thể hóa trong Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Công an nhân dân, Luật Dân quân tự vệ,… trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm tổ chức xây dựng LLVT ngày càng hùng mạnh, tăng cường khả năng BVTQ trong tình hình mới.

Hiến pháp năm 2013 là văn kiện chính trị pháp lý cơ bản đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và BVTQ thời kỳ mới. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về QP,AN theo Hiến pháp năm 2013 với những yêu cầu mới nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về QP,AN, trật tự, an toàn xã hội và tổ chức xây dựng LLVT vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; trong đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cần sớm xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi sự nghiệp BVTQ trong tình hình mới.

NGUYỄN KIM KHOA
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Quốc hội khóa XIII

Ý kiến bạn đọc (0)

Chiến thắng 30 tháng Tư - ý nghĩa to lớn, giá trị vững bền
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước trước đây, cũng như trong lịch sử cận đại của dân tộc, có những sự kiện lịch sử diễn ra như một tất yếu, càng thêm thời gian càng thấy rõ hơn và nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa trọng đại, giá trị vững bền của sự kiện đó. Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 là sự kiện chính trị đặc biệt như thế.