QPTD -Thứ Hai, 18/07/2016, 07:50 (GMT+7)
Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới

Hiến pháp Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013) quy định: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu,... làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để triển khai xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, những năm qua, Quốc hội, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản - cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương và các đơn vị Quân đội thực hiện, như: Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quân nhân chuyên nghiệp công nhân và viên chức quốc phòng; Chỉ thị 48/CT-QP, ngày 18-10-2002 về tăng cường củng cố tổ chức, xây dựng khung thường trực vững mạnh toàn diện; Chỉ thị 06/CT-BQP, ngày 16-3-2010 và Quyết định 3391/QĐ-BQP, ngày 13-9-2010 về việc thí điểm tổ chức xây dựng các đơn vị dự bị động viên trong tình hình mới tại 3 tỉnh (Vĩnh Phúc, Phú Yên, Hậu Giang) trong 3 năm (2010 - 2012), v.v.

Trường Quân sự địa phương tỉnh Hậu Giang huấn luyện bổ túc chiến thuật cho
cán bộ đại đội dự bị động viên. (Ảnh: baohaugiang.com.vn)

Triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, triển khai, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiềm lực quân sự, quốc phòng của đất nước được củng cố phát triển. Công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng thực hiện theo hướng toàn diện, kết hợp với tập trung ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm, bước đầu đạt được chất lượng, hiệu quả thiết thực. Chế độ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân được duy trì thường xuyên, có nền nếp. Hệ thống sổ sách, mẫu biểu được củng cố, điều chỉnh, bổ sung đầy đủ. Đến nay, các địa phương đã đăng ký, quản lý cơ bản được trên 5 cấp. Đặc biệt, các địa phương đã quản lý trực tiếp ở hai cấp. Thực hiện nghiêm túc quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu xây dựng lực lượng dự bị động viên cho các bộ, ngành và ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc giao chỉ tiêu về quy mô, loại hình tổ chức, số lượng các đơn vị dự bị động viên do các bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tiếp nhận lực lượng dự bị động viên cho các đơn vị thường trực của Quân đội và quy định động viên ở từng trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Đến nay, 100% các địa phương đã xếp đủ đầu mối tổ chức các đơn vị dự bị động viên. Hằng năm, Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao chỉ tiêu huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên quân nhân dự bị và các đơn vị dự bị động viên. Nhờ đó, quân nhân dự bị tham gia kiểm tra, sẵn sàng động viên, huấn luyện luôn đạt chỉ tiêu được giao. Hiện nay, hầu hết quân nhân dự bị đều được xếp vào các đơn vị dự bị động viên có khung thường trực, sẵn sàng nhận lệnh động viên, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung huấn luyện cho cán bộ khung B, nhằm nâng cao chất lượng chỉ huy, quản lý, huấn luyện quân nhân dự bị; tổ chức diễn tập chỉ huy và cơ quan về động viên, kết hợp với huy động, tiếp nhận đơn vị dự bị động viên huấn luyện, diễn tập chiến thuật có bắn đạt thật. Các chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị, gia đình quân nhân dự bị khi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên và quân nhân dự bị có lệnh tập trung làm nhiệm vụ; quân nhân dự bị giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên; chủ có phương tiện kỹ thuật được huy động đều được bảo đảm đầy đủ, đúng quy định. Ngoài ra, các địa phương còn hỗ trợ quân nhân dự bị xây nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình; dạy nghề, tạo việc làm, thăm hỏi, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết, v.v. Nhìn chung, chế độ, chính sách của Nhà nước, Bộ Quốc phòng đối với quân nhân dự bị và gia đình quân nhân dự bị đã góp phần khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ quân dự bị động viên tích cực huấn luyện, chấp hành tốt pháp lệnh về dự bị động viên, nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với đó, lực lượng dự bị động viên tích cực tham gia giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên của các cấp, các ngành, các địa phương vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành đoàn thể một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên. Đội ngũ cán bộ làm công tác động viên ở các cấp, nhất là cấp xã, huyện, tỉnh, đơn vị quản lý trực tiếp quân dự bị động viên vừa thiếu, vừa yếu, lại thường xuyên biến động. Việc xây dựng các trạm tập trung quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của các đơn vị chưa được chú trọng. Công tác dự trữ vũ khí, trang bị, vật chất hậu cần, tài chính cho xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên của các đơn vị bộ đội địa phương còn hạn chế. Nguồn động viên là sĩ quan dự bị thuộc các chuyên ngành phân bố không đều. Công tác đăng ký, quản lý của các địa phương, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các vùng không có nghề phụ chưa được chú trọng. Ngân sách đảm bảo huấn luyện chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tổ chức các loại hình đơn vị dự bị động viên; quản lý, huấn luyện, duy trì khả năng sẵn sàng động viên ở các cấp độ sẵn sàng chiến đấu cần nghiên cứu cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và thực tiễn.

Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; cục diện thế giới đang tiến triển nhanh theo xu hướng đa cực, đa trung tâm, đa tổ chức, hội nhập, ly khai, v.v. Tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên,... tiếp tục diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, các nước lớn liên tục điều chỉnh chiến lược, đẩy mạnh hợp tác, thỏa hiệp, tập hợp lực lượng; đồng thời, gia tăng các hoạt động cạnh tranh, đấu tranh kiềm chế lẫn nhau. Các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) phải đấu tranh lựa chọn con đường phát triển trước những thời cơ, khó khăn và thách thức. Bởi vậy, cần phải “tích cực chuẩn bị lực lượng đủ mạnh”; trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; trong đó, chú trọng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và ý nghĩa chiến lược của việc xây dựng lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới. Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, các loại hình chiến tranh (cả truyền thống và phi truyền thống); sự tiến công trực tiếp, quyết liệt đòi “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch; cùng với công tác quản lý, huấn luyện, phải tập trung nâng cao chất lượng chính trị, bảo đảm cho lực lượng dự bị động viên thực sự là lực lượng chính trị trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, sẵn sàng tham gia giải quyết các tình huống liên quan đến quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Hai là, xây dựng lực lượng dự bị động viên phải bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, “phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân”1. Xây dựng lực lượng dự bị động viên phải tuân thủ pháp luật, thực hiện sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Quốc phòng. Khi triển khai thực hiện, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; gắn nhiệm vụ xây dựng lực lượng dự bị động viên với xây dựng khu vực phòng thủ, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xã hội và phát triển thế trận quốc phòng toàn dân, sẵn sàng chuyển sang thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Kế thừa kinh nghiệm, truyền thống tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên của dân tộc, trực tiếp là của Quân đội nhân dân Việt Nam qua các cuộc kháng chiến; đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng lực lượng dự bị động viên của các nước trên thế giới.

Ba là, phát huy sức mạnh của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là cơ quan quân sự địa phương, các đơn vị Quân đội trong xây dựng lực lượng dự bị động viên. Cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện với xây dựng lực lượng dự bị động viên; coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dự bị động viên, cán bộ quân sự xã, phường; nhất là ở những nơi xung yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, v.v. Đồng thời, làm tốt công tác phát triển đảng trong lực lượng dự bị động viên.

Bốn là, tổng kết Chỉ thị 48/CT-QP, nhằm đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng đơn vị khung thường trực vững mạnh toàn diện theo Chỉ thị 917/1999/CT-QP, làm cơ sở để Bộ Quốc phòng chỉ đạo, nâng cao chất lượng tổ chức, xây dựng các đơn vị dự bị động viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 765-NQ/QUTW, ngày 20-12-2012 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo, tích cực đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện lực lượng dự bị động viên, nhằm nâng cao trình độ, khả năng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Năm là, các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là Bộ Tổng Tham mưu, trực tiếp là Cục Quân lực - cơ quan thường trực tham mưu cho Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng dự bị động viên phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở phải thực hiện nghiêm chế độ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng dự bị động viên. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ chuyên trách; tăng cường phối hợp giữa cơ quan quân sự các cấp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả; khắc phục tình trạng khoán trắng cho cơ quan quân sự.

Sáu là, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với lực lượng dự bị động viên và làm tốt công tác hậu phương quân đội. Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, Bộ Quốc phòng tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; nâng Pháp lệnh thành Luật Lực lượng dự bị động viên, trình Quốc hội thông qua vào năm 2018, tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành và các đơn vị trong Quân đội xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trung tướng, TS. NGUYỄN QUỐC KHÁNH, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

_____________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 150.

Ý kiến bạn đọc (0)

Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư tại Phiên họp.